- Nhờ bác đọc kỹ cuốn này và viết giúp tôi một bài phê bình để đăng trong số báo kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) sắp tới. Đây là tác phẩm đầu tay của một cựu chiến binh quê ở Quảng Bình, hiện đang làm rẫy và chăn bò ở Bình Phước. Nội dung xúc động, văn chương sạch sẽ, bác cứ đọc đi sẽ thấy…

Chuyện là trước đó một tuần, biên tập viên nọ lên dự khai mạc Trại sáng tác văn học đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, do NXB Quân đội nhân dân tổ chức ở Đại Lải-Vĩnh Phúc, được một trại viên tặng cuốn tiểu thuyết đầu tay mà nhờ nó, anh được NXB mời đi dự trại lần này. Trân trọng tình cảm của một tác giả nông dân “chính hiệu”, biên tập viên đã đọc liền trong 2 đêm hết mấy trăm trang sách, càng đọc càng bị cuốn hút bởi không gian nghệ thuật của tác phẩm là một địa phương ở Quảng Bình quê anh. Chuyện kể về hoàn cảnh bi đát của một ông bố và đàn con lít nhít những ngày sau khi mẹ chúng bị bom Mỹ giết hại. Đó cũng là hoàn cảnh chung của nhiều gia đình ở vùng tuyến lửa trong chiến tranh khốc liệt. Vượt lên gian khó, thiếu thốn; chấp nhận đau thương mất mát; người bố đã trở thành trụ cột dìu các con đoàn kết, thương yêu nhau và chia sẻ với cộng đồng, tiếp tục cuộc sống với nỗi khát khao hòa bình, thống nhất đất nước…

Mấy ngày sau, chưa đến hạn “nộp bài”, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã mang cuốn tiểu thuyết đến trả lại cho biên tập viên:

- Lần này thì tôi xin lỗi vì không viết được ông ạ! Lẽ ra hôm nọ, tôi phải nói thật: Tác giả là thằng em trai liền kề tôi và câu chuyện tiểu thuyết là hắn viết về chính gia đình tôi đó. Thú thực là tôi cũng đã từng hết sức bất ngờ khi biết hắn viết tiểu thuyết. Sau ngày ra quân năm 1983, cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn nên hắn theo bạn bè vô làm ăn ở Bình Phước; rồi lấy vợ, sinh con, định cư luôn trong đó. Mấy chục năm nay, anh em kẻ Bắc người Nam, chẳng mấy khi được gặp nhau. Tôi đâu ngờ hắn vừa chăn bò, vừa làm rẫy, vẫn âm thầm viết lách. Mãi đến cuối năm ngoái, hắn mang cuốn tiểu thuyết này về quê, đặt lên bàn thờ cha mẹ, tôi mới giật mình…

Nghe cái giọng nghèn nghẹn và đôi mắt ầng ậc đỏ hoe của nhà thơ, biên tập viên tin ngay. Ôi cái ông Quý này, một chuyện đáng mừng đến trào nước mắt như thế mà bấy nay cứ… im như thóc!

THẠCH SƠN