Đánh giá về trường ca của Trần Anh Thái, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đều có chung nhận định: Trần Anh Thái là nhà thơ hiện đại. Ông đã dành nhiều dụng công trong việc tìm tòi cách tân thể loại trường ca. Trường ca của ông là sự nỗ lực vượt lên, ra ngoài những khuôn khổ và giới hạn của những thách thức thơ ca đã ổn định, an bài. Bằng bản năng thi sĩ, nhà thơ đã mang lại một sức sống mới, mang tinh thần thời đại với những ý tưởng mà người bình thường nhiều khi phải tưởng tượng hết sức căng thẳng mới hình dung được những hiện tượng bằng ẩn dụ có ý thức. Ông được các nhà nghiên cứu-phê bình văn học đánh giá đã làm hồi sinh thể loại trường ca đầu thế kỷ 21.

leftcenterrightdel
 Nhà thơ Trần Anh Thái


Đổ bóng xuống mặt trời

(trích trường ca)

 

Bên mộ bạn

Chúng tôi đưa Bàng, Nhu, Thư xuống khe suối cụt
Sông Vệ thầm thì vuốt mắt các bạn tôi
Đâu đây những vì sao trên bầu trời cháy đỏ
Đâu đây tiếng côn trùng day diết vòm đêm.

Bàng ơi, Nhu ơi, Thư ơi viên sỏi dưới chân mòn
gió thổi
Sương trắng bay ướt đẫm mé đồi
Tôi không tin ngày mai các anh khuyết tên giữa
đội hình trung đội
Súng lặng lâu rồi khói đất còn cay.
Đã quá nửa đêm cơn gió hoang không qua đây nữa
Mồ các anh cỏ xám màu thuốc đạn buồn bã gục
vào nhau
Tôi đi đào gốc hoa rừng sót quanh đâu đó
Nắng trưa mai dịu đất đắp trên mồ.

Bây giờ trung đội về nơi tập kết
Cơn mơ mê sảng
Có đứa khóc cười
Có đứa gọi nhầm tên đồng đội
Đứa thức ngồi ôm mặt khóc dưới cây.

Tôi ở lại đêm nay bên mồ các anh và hát
Bài ca chúng ta chưa kịp hát bao giờ
Những nụ sương như loài hoa vỡ
Đang từ từ nhắm mắt chết vào cây.

Bàng ơi, Nhu ơi, Thư ơi võng của chúng mình

     tớ gói vào gùi cất ở hầm trú ẩn
Trận pháo chiều qua thiêu cháy hết rồi
Mồ các bạn lấy gì che bớt lạnh
Sương giàn giụa đổ dày.

Dòng suối bên mồ khô kiệt nước
Cỏ không xanh cho đất yên nằm
Ngày mai rồi tôi về thành phố
Ai biết nơi này viếng mộ bạn tôi.

Ngày mai rồi chiến tranh kết thúc
Vải liệm bó hờ mối đất lại xông
Hài cốt bạn hóa làm cây trên cát
Dấu chân tôi nhức buốt cỏ gai cào.

Bàng ơi, Nhu ơi, Thư ơi
Giờ này mẹ ngoài đồng vấp ngã
Em gái chúng mình quên ra giếng soi gương.
Sao Vược chếch nửa vòng trái đất
Sáng u mê gấp khúc con đường.

Đâu đó tiếng gà xa gáy sáng rồi
Gió đang thổi dưới chân đồi nghẹn thở
Ở đây không có hương trầm thắp lên mộ bạn
Mình gói đất này về thành phố thắp hương.

Con chim bay kiệt sức ngang đường
Nắng không dịu cho trời râm mát

Ve sầu kêu suốt tháng hè làm vòm xanh cúi mặt
Mặc bụi ngày mệt mỏi cuốn nhau đi.

            *

Chiến tranh đi qua dọc con đường đầy hoa tươi và vòng tang trắng. Nắng tháng năm nhòa gương mặt thời gian. Ai đó nấc lên, tiếng gió xiết gào. Tiếng gió tận cùng giật đứt nhọc nhằn trong vòng xoáy bủa vây. Nỗi cô đơn nảy mầm khi ánh ngày toả sáng. Khúc ru ca vang xa trong máu và đêm tối. Mây trời vần vũ. Tiếng rầm rì ban mai, lời nguyện cầu tan dần về phía hoàng hôn. Nơi tất cả các vì sao đang thức trong những ngôi nhà phía làng không ngủ.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 


Ngày về

I

Ngày ở chiến trường về hàng xóm quanh tôi vui buồn
nước mắt
Trưa mùa hè chẳng gió mà biển cả rền vang
Em gái tôi cười đẫm tà áo trắng
Hàng xóm khăn tang nép phía góc đường.
Căn nhà cha tôi đêm ấy đông người
Câu chuyện rầm rì sau ngọn đèn vặn nhỏ
Chiếc bán dẫn anh mua bằng tiền xuất ngũ
Cha cho vào ngăn tủ lặng lẽ cất đi...

Hàng xóm mái nhà sương rơi ướt đẫm
Bão không về sao áo gối nhàu ra
Hoa vô cớ rụng giữa ngày chẳng gió
Trăng sáng chi vằng vặc chỗ không người.

Giấc ngủ tôi quay vào bóng tối
Những chiếc gai đinh găm phía đầu giường
Có gì đó như đang vỡ
Tiếng bom rơi xé rít chân trời
Thằng Bàng, thằng Nhu, thằng Thư như mây
xa khuất...

Tôi thiếp đi tiếng gọi lạc rừng
Cổ tôi khát khô đêm mưa quất
Mặt tôi bầm tụ máu những giọt mơ.

II
Ba mươi mùa bãi sú ngoài làng đàn sếu tìm đường
về sinh nở
Ba mươi mùa đàn sếu bay đi mưa trắng cánh đồng
Ba mươi năm cuộc chia ly không ngày gặp mặt
Trai làng hóa bóng đêm không ngủ
Biển vẫn trầm mình trong âm thầm lam lũ đáy
vực gào sôi.

Nước mắt lặng lẽ rơi phía sau bóng tối
Tiếng thở dài chôn nỗi buồn vào bao căn nhà
thiếu vắng đàn ông
Người hàng xóm hay giật mình thức giấc lúc
nửa đêm, đêm vô tình chật chội
Chị khêu lại ngọn bấc lụi dần và đổ thêm dầu
vào chiếc đèn sắp cạn
Trên bàn thờ tàn nhang đang tắt
Khói hương ngơ ngẩn trần nhà.

            *

Ba mươi mùa hoa xoan rụng đầy ngõ tím
Ba mươi năm chị là cái bóng đi về không hay biết
Mảng tóc trên đầu rụng tháng ngày rơi
Đồ vật trong nhà xa xôi vô cớ
Đôi khi hóa thành viên đạn bắn chơi vơi.
Đôi khi nhụy hoa chưa kịp vàng đã vỡ
Thành mũi tên nham nhở dọc thời gian
Và đôi khi con đường khép chặt
Chạy lạc loài giữa cánh đồng hoang.

            *

Ba mươi năm chị đi tìm mồ anh mà không tìm được
Chị có lỗi gì đâu sao anh lại không về?
Giỗ tết người ta mua hương hoa viếng người
thân trong nghĩa trang liệt sĩ
Nén nhang chị thắp trời không!
Chị héo hon lẫn vào dòng người đi tìm hài cốt

Ca cút kêu thảng thốt bên trời
Tiếng thác đổ âm u vách núi
Gió rừng bạt mạng thung xa.

Ba mươi lần người đời sắm ngựa hồng, giày
nhung, vàng mã
Bao linh hồn đưa tiễn bằng hương khói trần gian
Ba mươi mùa sóng thừa đầy biển
Chị chẳng có cho mình
Nắm đất thắp hương riêng.

Cây vàng mã mua cất vào góc tủ
Chị sợ đốt rồi hương khói biết bay đâu.

Chị ngại tiếng thạch sùng bấu sau khung cửa
Ngại bóng vào ra nhòa nhạt ánh đèn.

Chị già đi như bậc đá kê thềm
Bước lầm lũi đôi chân hụt hẫng
Biển đen ngắt màu câm lặng
Bầy cá buồn bã bỏ ra khơi.

III
Anh Pheo mờ sáng đến nhà tôi kể dăm trận đánh
Và khoe thằng em trai thoát chết vừa mới viết thư
Trên gương mặt khô gầy ẩn hiện
Đất làng dông bão nắng mưa.
Chị Thoa vợ anh bốn lần sinh nở
Thường bỏ quên bồ kết gội đầu
Đôi khi trong nhà thất thanh đổ vỡ
Hàng xóm thương cơn sốt thành quen.

Ông Hác cụt tay ba lần vợ sinh cấp cứu
Các con ông chưa sống đã thành ma
Gió cứ giật cánh đồng bạc phếch
Mây cứ bay vật vã trời xa...
Ông Tạng còn mảnh bom trong đầu đang trưa
cày ruộng
Bỗng quay cuồng sấp ngửa tối đen
Đôi lúc ông ngồi thở dài đếm huân chương gói
trong ba lô còn hoen vết máu

Bàn tay quờ mê dại về đâu?...
Những gì hiện hình những gì khuất hút
Ông cho vào túi áo thi thoảng lấy ra xem
Bao vì sao tỏa sáng huy hoàng và bao vì sao vụt tắt?...