|
|
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng quà đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước. Ảnh: TRẦN PHƯƠNG. |
Về với Trường Sơn không chỉ là về với thiên nhiên, dốc cao, suối sâu mà còn là về với lịch sử, về với bà con, về với cả một miền ký ức:
“Trường Sơn vượt núi băng ngàn
Trùng trùng điệp điệp quan san lời thề
Ta về với cả Tây Nguyên
Núi cao dốc dựng, đây miền sơn khê...”.
(Đăk Nông)
Chỉ hai chữ “lời thề” thôi nhưng ta hình dung ra cả một thời đuổi giặc anh hùng và đau thương, có chiến công vẻ vang và có cả máu. Hai chữ này đánh thức ở bạn đọc sự liên tưởng theo dọc dài lịch sử, để mà ghi nhớ, để mà tự hào: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" (lời Bác Hồ); để mà khẳng định con người mình: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình” (thơ Tố Hữu)... Không phải cứ là thi sĩ mới có những ý thơ hay. Như trong mỗi chúng ta, có khi đột xuất có tứ lạ chợt đến, rồi ta "đắp thịt, bồi da" câu chữ để có những câu thơ đáng tự hào. Với Trương Hòa Bình, theo tôi có những câu như vậy:
Trăng treo vời vợi đỉnh trời
Núi in đáy nước chơi vơi bóng hình.
(Tràng An-Hoa Lư)
Câu thơ dưới ảnh hưởng rõ từ một câu Kiều: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”. Nhưng kết hợp với câu trên tạo ra một không gian nghệ thuật trời chiều đã ngả bóng, chưa tối hẳn nên mới nhìn thấy núi in đáy nước, nhưng đã có trăng giữa đỉnh trời. Một không gian mà tạo ra 3 chiều không gian: Trời/ trăng ở trên; nước/ núi ở dưới và giữa là thi nhân với một tâm hồn như muốn hòa vào, nhập vào trời mây, non nước. Hai chữ “chơi vơi” vừa là cảnh, vừa là tình. Làm cho cảnh thật hơn, đúng với cái thần thái của không gian vật lý lúc chiều ngả đêm, bóng núi in xuống đáy nước như chập chờn, hư ảo, đủ để nhìn thấy, đủ để mơ màng... Còn cái tình, từ sự “chơi vơi” ấy mà người đọc cũng đủ thấy sự xao động của hồn mình trước không gian ấy.
Trương Hòa Bình viết nhiều hơn về quê mình-Long An, vùng đất anh hùng:
Mênh mông biển lúa hồn quê
Chân trời trải rộng nhớ về Long An
Phước Đông, Cần Đước nắng vàng
Quê em miền hạ chứa chan ân tình.
Hình ảnh “mênh mông biển lúa” đã có nhiều người viết (Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn-Nguyễn Đình Thi) nhưng câu sau thì đã thấy dáng dấp Long An. Đến câu 3, câu 4 thì là Long An thật sự. Thơ Trương Hòa Bình mạnh về không gian, ở 4 câu trên là một không gian cả vật lý và tâm lý, có cái xôn xao của biển lúa, có cái mênh mang của chân trời, có màu sắc của nắng vàng và cả cái bồi hồi xốn xang của tình người!
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, cha là nhà cách mạng Trương Văn Bang, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn; mẹ là bà Nguyễn Thị Một, nguyên Chánh văn phòng Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Phó hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam Bộ, Huân chương Hồ Chí Minh. Gia đình và quê hương tất nhiên ảnh hưởng và chi phối tới chàng trai trẻ Trương Hòa Bình. Ở tuổi hai mươi đã lăn lộn với công tác cách mạng từ anh giao liên đến phụ trách xây dựng cơ sở bí mật của Thành đoàn Sài Gòn-Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rồi là cán bộ an ninh miền Nam cũng như sau này trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhưng rõ hơn là trong thơ. Thơ Trương Hòa Bình giàu có tình cách mạng, tình người, tình quê. Nhất là cái chân chất chân quê miền Tây, vừa dung dị hồn hậu, vừa da diết thương nhớ sâu đậm lắm trong thơ ông.
Cái riêng của không gian trong thơ Trương Hòa Bình là sự xôn xao cảnh đời và cả sự xôn xao tình đời. Phải là người từng trải như ông mới đưa được cái sự xôn xao ấy vào thơ. Cũng phải thật chân thành, ông mới có thể “nghe” thấy sự xôn xao tình đời, tình người ấy. Làm thơ thật sự thật không dễ. Vì ngoài vốn sống, thơ đòi hỏi rất cao về cảm xúc và phải là cảm xúc thật, yêu thật, ghét thật. Còn nếu giả, thơ cũng sẽ “giả khượt”. Thơ tả cảnh của Trương Hòa Bình rất thật:
Hồ trên núi giữa đại ngàn
Bức tranh sơn thủy ngập tràn khói sương
Chiều tà le lói ánh dương
Không gian trầm lắng thiên đường thảnh thơi.
(Hồ Ba Bể)
Thật ở không gian: Hồ Ba Bể; thật ở thời gian: Chiều tà; thật là lòng người. Hai chữ “thảnh thơi” không thể tự có. Phải là người bao gánh nặng công việc, bao suy tư, bao lo toan, phải trải đời, phải dồn dập ngược xuôi, đến lúc ấy, đến khi ấy mới được cảnh ấy và bật ra cảm xúc ấy: Thảnh thơi! Hai chữ “thảnh thơi” làm cả bài đang xôn xao mà chùng xuống, lắng lại, sâu thẳm...
Phải chăng chỉ từ hoàn cảnh ấy, tâm trạng ấy mà người nhạc sĩ dồn vào khuông nhạc để chúng tự bật thành lời hát. Nói thế không phải là không đề cao tài năng của nhạc sĩ. Phải đồng cảm, phải nắm bắt được sự xôn xao ấy, và nhất là tài năng đẩy con chữ đi theo âm thanh của lòng người nên nhạc sĩ Đỗ Bảo đã phổ thành công bài thơ “Hồ Ba Bể” như vậy!
Tôi rất thích phẩm chất thi sĩ ở Trương Hòa Bình, một sự ngỡ ngàng ngạc nhiên đến thơ ngây thật đáng quý: Thuyền độc mộc trên hồ xanh biếc/ Cơn gió nào chợt thổi lang thang. Không có cái tươi non của hồn thi nhân sẽ không cảm nhận được cơn gió lang thang trên mặt hồ! Cái cô đơn của thi sĩ bắt gặp cái cô liêu của thiên nhiên trong câu thơ ấy!
Thơ Trương Hòa Bình hẳn nhiên cũng đậm chất sử thi mạnh mẽ, hào hùng, chất sử thi của lịch sử dựng nước và giữ nước:
Đại Việt hùng thiêng ghi sử sách
Ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông
Hào khí Đông A trời Nam tỏa
Giữ vững cơ đồ, rạng núi sông.
(Hào khí Đông A)
Những bài như vậy lời thơ thường ngắn gọn, rắn rỏi, nhịp thơ đi nhanh, giọng thơ hùng tráng, rất phù hợp với chất hào sảng của sử thi. Nhưng ông còn viết nhiều về mảng thơ dã sử huyền thoại. Hình như hồn thơ ông ưa tìm về cái không gian tĩnh lặng (mà ở trên cũng phần nào chứng minh). Ông ưu tư hơn, trầm lắng hơn, ít xôn xao khi đi trên nẻo đường tìm về cổ tích. Lúc này, người ta lại thấy ông dường như ưa triết lý hơn với anh chài Lịch, Chuyện tình Trương Chi-Mỵ Nương, suối Cá Thần, hồ Ba Bể...
Rất nhiều người biết ông là người sống trọn nghĩa, vẹn tình, nhất là với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa như đồng bào Khmer Nam Bộ và các tỉnh miền Tây, đồng bào các dân tộc trên dãy Trường Sơn như đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở huyện Đa Krông (Quảng Trị), đồng bào Tà Ôi, Ca Tu ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc... Hầu như năm nào ông cũng đến với các dân tộc nơi đây để thăm hỏi đời sống bà con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tặng quà mỗi dịp Tết đến, xuân về để đồng bào có cái Tết đầm ấm hơn, tin tưởng hơn vào Đảng, Nhà nước. Mỗi lần về với bà con là ông trở về với ngôi nhà thi ca nên lần nào về là lại có thêm một vài bài thơ thêm vào gia tài thi ca của ông.
Phần kết bài xin mượn lời PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, để làm rõ hơn con người và thơ Trương Hòa Bình: “Thơ ông có sự nhuần nhuyễn, hòa quyện của tâm hồn nhà thơ với cảnh sắc thiên nhiên và con người, dù không cầu kỳ về cấu tứ và hình thức thể hiện... Thật hiếm có một chính khách lớn có tâm hồn, tấm lòng và sự rung động chân thành, ngân lên khi bắt gặp hiện thực đời sống như thế!”.
LÊ SƠN