Mạch nguồn cảm hứng thi ca

Ý nghĩa của tuyến giao thông chiến lược cộng hưởng với tinh thần yêu nước và không khí của thời đại đã khiến đường Trường Sơn trở thành một mạch nguồn cảm xúc dào dạt của thơ ca thời chống Mỹ. Những năm tháng ấy, con đường đã “hút” về mình một đội ngũ các nhà thơ viết về Trường Sơn thật đông đảo. Từ những tác giả của phong trào Thơ mới, đến các nhà thơ cách mạng tiền khởi nghĩa, tới thế hệ các nhà thơ chống Pháp, như: Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Sách, Chính Hữu, Nông Quốc Chấn, Phạm Ngọc Cảnh, Thanh Hải, Giang Nam v.v.. đều từng có mặt ở Trường Sơn và có nhiều bài thơ viết về Trường Sơn. Bên cạnh đó là đội ngũ đông đảo các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều người trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn, hoặc ít nhất trên đường “đi Bê” cũng đã có những trải nghiệm sâu sắc trên các tuyến đường Trường Sơn và để lại những vần thơ hay, như: Hữu Thỉnh, Thu Bồn, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Mỹ, Trọng Khoát, Phạm Lê, Trịnh Quý, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Dương Trọng Dật, Thanh Thảo, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nghiêm Thị Hằng, Phạm Hồ Thu v.v...

Chỉ riêng trên mảnh đất Quảng Bình, nơi có nhiều địa điểm được chọn làm Sở chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn qua các thời kỳ, nơi có nhiều trọng điểm ác liệt nhất trên cả hai nhánh Đông-Tây Trường Sơn, cũng đã hình thành một thế hệ nhà thơ “đồng hương” viết về Trường Sơn. Họ là những tác giả hoặc là trưởng thành từ Trường Sơn, hoặc là có rất nhiều sáng tác thành công về Trường Sơn, như: Xuân Hoàng có Phu la nhích, Đèo Mụ Giạ; Trần Nhật Thu có Cái điểm sáng ấy; Xích Bích có Hoa bí vàng; Lâm Thị Mỹ Dạ có Khoảng trời hố bom; Lê Thị Mây có Khúc hát rừng, Lửa mùa hong áo...; Hoàng Vũ Thuật có Làng không nhà; Nguyễn Hữu Quý có Mười nghìn khát vọng, Vạn lý Trường Sơn v.v...

leftcenterrightdel
 

Trên đây chỉ là những tác giả và tác phẩm tiêu biểu, nổi tiếng, được thống kê theo trí nhớ và hiểu biết của cá nhân, nên chắc chắn còn nhiều thiếu sót và khiếm khuyết. Tuy nhiên, chắc chắn bất cứ ai cũng đều nhất trí với nhận định rằng, nổi bật trong số các nhà thơ viết về Trường Sơn là Phạm Tiến Duật, tác giả của câu thơ nổi tiếng Đường ra trận mùa này đẹp lắm! Ông là nhà thơ khai mở một luồng gió mới hào sảng, tươi trẻ, ngồn ngộn hiện thực đời sống chiến trường. Ông không chỉ được ví như “con đại bàng của thi ca trường Sơn” mà còn được tôn vinh là “người lĩnh xướng của thơ ca chống Mỹ”. Có giai thoại rằng một đơn vị chiến đấu nhiều ngày trong vòng vây quân thù, khi cấp trên điện vào hỏi cần chi viện những gì, các chiến sĩ đã trả lời: Chúng tôi chỉ cần đạn để chiến đấu, xẻng để củng cố công sự và thơ Phạm Tiến Duật để động viên nhau! Những bài thơ hào sảng, nóng hổi, tràn đầy tinh thần lạc quan “rất Trường Sơn” của Phạm Tiến Duật, như: Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây; Lửa đèn; Tiểu đội xe không kính; Gửi em, cô thanh niên xung phong; Nhớ; Tiếng bom ở Seng Phan; Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ và tôi v.v.. vẫn còn sống mãi với các thế hệ bạn đọc.

Có một điều hết sức đặc biệt, đề tài Trường Sơn còn là niềm cảm hứng thi ca của nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội. Đồng chí Trường Chinh trong chuyến vào làm việc với Bộ tư lệnh Trường Sơn đầu năm 1974 đã xúc động viết bài thơ Tặng bộ đội Trường Sơn. Cùng thời gian ấy, đồng chí Lê Đức Thọ trong một dịp vượt đèo A Pông trên Đường 20 Quyết Thắng đã xúc cảm viết bài thơ về Bụi đỏ Trường Sơn. Đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Bộ đội Trường Sơn cũng từng hóm hỉnh chia sẻ với các chiến sĩ của mình về bụi đỏ ở Trường Sơn: Chào những đoàn dũng sĩ/ Lái xe trên Trường Sơn/ Đầu xanh mà tóc bạc/ Vì lớp lớp bụi đường... Và nhà thơ Tố Hữu, cánh chim đầu đàn của thơ ca cách mạng, nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng ta, đã có những câu thơ về Trường Sơn trở thành kinh điển: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Và: Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình...

Những trang văn sống động hiện thực

Không hùng hậu đông đảo như đội ngũ các nhà thơ Trường Sơn và viết về Trường Sơn, nhưng ngay từ đầu, khi con đường chiến lược hình thành, nhiều cây bút văn xuôi ở hậu phương miền Bắc đã có mặt để kịp phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân trên các nẻo đường Trường Sơn, như: Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Đào Vũ, Nguyễn Khắc Phê, Trần Nhương, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Như Trang v.v.. Nhiều tác phẩm đã được ra đời và đến tay bạn đọc trong những năm tháng ngút trời bom đạn. Nhiều tác phẩm tiếp tục được ra đời từ sau ngày đất nước hòa bình thống nhất cho đến hôm nay. Tất cả hợp thành một mảng văn xuôi Trường Sơn khá phong phú, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Trong số những tác giả “sản xuất” tác phẩm ngay tại mặt trận khói lửa, tiêu biểu là nhà văn Nguyễn Minh Châu với tác phẩm Dấu chân người lính, qua hơn nửa thế kỷ sàng lọc của thời gian, vẫn là một trong những tác phẩm văn xuôi tiêu biểu viết về Trường Sơn. Nguyễn Minh Châu vào Trường Sơn từ rất sớm và có những sáng tác cũng rất sớm về Trường Sơn, như những truyện ngắn: Mảnh trăng cuối rừng; Những người đi từ trong rừng ra; Những cánh rừng đầy giấy bay v.v.. Qua đó cho thấy tài năng và tâm huyết của ông với con đường huyền thoại. Ngoài những tác phẩm đã được công bố trên đây, nhà văn còn có phần Di cảo viết về những con người, những mảnh đất trên dãy Trường Sơn chống Mỹ mà gần đây mới được công bố, được công chúng quan tâm.

Nhà văn Lê Phương vốn là Vệ quốc quân chống Pháp quê ở Hà Nội. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông về lại Thủ đô công tác trong ngành văn hóa, đã sớm có mặt ở Trường Sơn để chuẩn bị vốn sống cho những tác phẩm văn học và điện ảnh của mình, như các cuốn tiểu thuyết: Bất khuất (xuất bản năm 1963); Người sông Gianh (1965); Thung lũng Cô Tan (1972)... cùng nhiều tập truyện ngắn về đường Trường Sơn và 15 kịch bản phim truyện nhựa mà phần lớn đều về đề tài chiến tranh đã được công chiếu. Trong đó, cuốn tiểu thuyết Thung lũng Cô Tan là một trong những cuốn tiểu thuyết hiếm hoi viết về đội ngũ trí thức trong chiến tranh chống Mỹ. Nhà văn đã đi vào Trường Sơn cùng họ; trực tiếp ngủ hầm, ra trận địa, dự nhiều cuộc họp tìm giải pháp kỹ thuật mở đường và bảo vệ đường. Một trong những giải pháp quan trọng mang tính đột phá chính là tìm ra chất đông kết bùn bằng chính những chất liệu có sẵn trong đất đá Trường Sơn.

Đào Vũ là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ nổ ra cũng đã hăm hở khoác ba lô vào Trường Sơn để sống và viết tiểu thuyết Con đường mòn ấy, xuất bản năm 1971. Sau này, vốn liếng Trường Sơn còn dồi dào cho ông viết tiểu thuyết Y Leng, xuất bản năm 1982 và nhiều truyện ngắn, bút ký khác... Mở rừng là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Lê Lựu, viết tại chiến trường trong những năm 1972-1973, những năm tháng ác liệt của Trường Sơn. Tác giả vốn là phóng viên Báo Trường Sơn xuất bản tại mặt trận, nên Mở rừng ngồn ngộn hơi thở chiến trường, giúp bạn đọc qua mỗi trang sách như cảm thấy mình đang được sống cùng họ trong những năm tháng hào hùng bi tráng.

Trong số các “nhà văn Trường Sơn”, Phạm Hoa trưởng thành từ một chiến sĩ lái xe vận tải. Những năm tháng ấy đã cho ông vốn sống để sau này được đi học sĩ quan và phát triển đến chức vụ Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn-Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam-ông đã viết nên nhiều tác phẩm về Trường Sơn những năm tháng ông là “lính xế”, bao gồm 6 tập truyện ngắn và cuốn tiểu thuyết Miền xa thẳm mà trong đó vị Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên của con đường huyền thoại được ông khắc họa khá đậm nét. Năm 2018 vừa qua, ông đã ra mắt thêm cuốn tiểu thuyết mới Nhốt con chim bắt cô. Tiểu thuyết là những câu chuyện ở Trung đoàn 11, Sư đoàn 571 Bộ đội Trường Sơn-đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

*

*      *

Ngày nay, mặc dù xuất hiện một vài ý kiến chưa thống nhất khi đánh giá thành tựu văn học chống Mỹ nói chung và thơ văn về Trường Sơn nói riêng, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng nền văn học ấy đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mặc dù vẫn còn những hạn chế về hình thức nghệ thuật, do tính lịch sử và yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhưng phải khẳng định rằng đó dứt khoát không phải là một nền văn học minh họa như một số người gần đây nhân danh “đổi mới” để phán xét.

Thực tiễn đời sống văn học cho thấy văn thơ giai đoạn chống Mỹ, cứu nước nói chung và thơ văn về Trường Sơn nói riêng cũng để lại những tác phẩm chất lượng cao, có sức sống lâu dài, với nhiều tên tuổi đã và đang là những trụ cột của nền văn học nước nhà trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Và thực tiễn đời sống văn học Việt Nam đương đại cũng chứng minh Trường Sơn hôm qua-hôm nay vẫn là một đề tài phong phú, hấp dẫn, để các nhà văn tiếp tục khai thác, sáng tạo nên những tác phẩm giá trị xứng đáng với tầm vóc và kỳ tích của đường Trường Sơn-con đường huyền thoại!

MAI NAM THẮNG