Thơ không còn chỉ khuôn lại trong nội dung chiến đấu và sản xuất như thời trước năm 1975 nữa, mà hình như cái gì cuộc sống có thì trong thơ đều có. Tuy vậy, nội dung chiến tranh vẫn được thể hiện khá đậm đặc cùng với nội dung bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong thơ. Đương nhiên, nó đã có những cái khác so với thơ cùng đề tài này ở thời kỳ trước. Theo tôi, đây là hai nội dung nổi bật của thơ Việt sau năm 1975 tính đến thời điểm này.

1. Sau năm 1975, thơ viết về chiến tranh cũng có những khác biệt về nội dung và cách diễn đạt so với trước đó, gần nhất là thơ của giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Có vẻ như kiểu thơ nặng về “kể-tả” dông dài, có trước-sau, đầu-cuối khá phổ biến trong thời chống Mỹ đã không còn mấy nữa khi nhiều tác giả hướng đến sự khái quát, biểu tượng, tính đa nghĩa của hình ảnh và ngôn từ. Bài thơ, câu thơ chứa những khoảng “rỗng” mở ra cho người đọc nhiều lối liên tưởng; nói cách khác quá trình đọc song hành với quá trình sáng tạo lại, sáng tạo thêm tác phẩm ngoài người viết. Xin đọc hai câu thơ này của Hữu Thỉnh: Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường níu chiếu đợi anh. Rõ ràng, câu thơ đâu chỉ nói đến sự cách xa chồng-vợ trong chiến tranh mà là số phận dân tộc Việt đấy chứ. Một dân tộc mang số phận đặc biệt, ít khi được bình yên bởi giặc giã và bão dông nối nhau tàn phá; mỗi chiến công kỳ tích cũng là mỗi vết thương đau, kết thúc chuỗi tháng năm trận mạc dằng dặc là khúc khải hoàn ca đong đầy nước mắt nhân dân.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH

Quá khứ thật ám ảnh và đó là lý do để cho dòng thơ viết về chiến tranh tiếp tục chảy với những lưu vực rộng rãi hơn cùng độ sâu mới. Chúng ta cần ghi nhận đây vừa là sự tiếp nối đầy trách nhiệm công dân và nhân bản của thơ kháng chiến vừa là sự bù đắp, bổ sung cho những gì các lớp nhà thơ chưa viết ra được ở thời cả nước tưng bừng ra trận, từng vết thương đau cũng biết nín máu lại, giọt nước mắt tang tóc chảy ngược vào lòng. Nếu như thời chống Mỹ thơ hướng tới cái to lớn, cao cả, tràn ngập chất anh hùng ca thì sau năm 1975 rất nhiều tác giả đi sâu khai thác cái bi thương, mất mát trong chiến tranh như Phạm Ngọc Cảnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Lê Thị Mây, Thanh Thảo, Vương Trọng, Y Phương, Ngân Vịnh, Đỗ Trung Lai, Ngô Minh, Nguyễn Hồng Hà, Trần Anh Thái, Lương Ngọc An, Trần Quang Đạo, Phạm Sỹ Sáu, Lê Mạnh Tuấn, Hải Đường, Vũ Bình Lục... Chiến tranh được soi chiếu ở nhiều mặt, nhiều tầng, nhiều góc khác nhau trên mẫu số chung là thân phận con người xã hội. Nhiều tác phẩm thi ca buốt nhói những đau đớn, xót xa gây chấn động mạnh trong lòng bạn đọc.

Cũng nói về đất nước bằng những khuôn thức thi ca quen thuộc nhưng hình ảnh chiến tranh trong thơ sau năm 1975 đã khác xa thời chống Mỹ với độ xoáy xiết, trăn trở gấp bội. Cái sự không trở về, không trở lại của những người lính trận sau chiến tranh là nỗi nhức nhối chẳng hiếm hoi nữa trong thơ Việt. Nguyễn Hồng Hà viết: Thế là tao đợi chết già/ Chứ không chết trẻ như là tụi bay/ Tụi bay đi... thật tiếc thay/ Những thằng lính trận hây hây má hồng... Còn đây là Đỗ Trung Lai: Vẫn biết vào cơn gió bụi/ Xưa nay mấy kẻ trở về/ Vẫn biết những nhà liệt sĩ/ Đều vì lẽ sống mà đi/ Nhưng trước nấm mồ ruột thịt/ Em như người đứt cánh tay/ Xin liệm thêm vào dưới ấy/ Của em lời xót thương này... Thơ viết về chiến tranh sau năm 1975 biết lắng xuống để chạm đúng vào nỗi buồn đích thực của nhân dân. Đấy là sự lựa chọn đúng đắn của thi ca, phải thấm thía hết chiều sâu giọt nước mắt khổ đau của dân tộc mình. Cái mới của tư tưởng, nội dung thơ là đây (so với trước) chứ còn đâu nữa: Những bước chân xin hãy nhẹ nhàng hơn/ Bài điếu văn cũng đừng sang sảng quá/ Rừng thổn thức để rơi vài chiếc lá/ Lá thì vàng mà tóc họ đang xanh... (thơ Anh Ngọc) và: Tôi nghe lạnh giữa hai bờ cuộc chiến/ Cái chết nối hàng/ Cái chết tiễn đưa nhau... (thơ Trần Anh Thái). Thơ không đứng ngoài những khổ đau của con người và càng không thể vô cảm trước sự mất mát bởi chiến tranh mà dân tộc mình phải chịu đựng, gồng gánh hàng bao thập niên tàn khốc: Khói hương như thể mây mù/ Trắng trời lớp lớp lau gù đội tang/ Xạc xào gió lá ngụy trang/ Gió từ cõi đất gió sang cõi người (thơ Lê Đình Cánh) hay: Không nằm trong nghĩa trang/ Anh ở với đồi anh xanh cỏ/ Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình... (thơ Hữu Thỉnh).

Cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước kéo dài quá lâu, hy sinh mất mát quá lớn, bao nhiêu hệ lụy không nhỏ còn để lại xã hội hôm nay. Thơ chất chứa những hoài niệm khôn nguôi và bộn bề trăn trở day dứt. Dường như cuộc chiến chưa kết thúc trong thơ. Trong nhiều trường ca, bài thơ viết về chiến tranh ta dễ dàng cảm nhận được điều đó. Và, mặc nhiên điều này cũng trùng khít với tâm cảm dân tộc thời hậu chiến như là sự tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong chiến tranh.

2. Tôi nghĩ, yêu nước thương dân là giá trị tư tưởng lớn nhất của thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay. Không quá khó khăn để chứng minh rõ ràng điều này qua thơ ca của các thời đại. Lòng yêu nước được truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác như một dòng chảy mạnh mẽ không bao giờ ngơi. Vì thế, ta không ngạc nhiên khi được đọc những thi phẩm tràn căng lòng yêu nước trong những năm vừa qua. Thơ về biên giới, biển đảo xuất hiện ngày càng nhiều hơn và đã có những tác phẩm lan tỏa nhanh trong công chúng. Có thể xem đấy cũng là những cột mốc thi ca khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thơ bám riết vào cuộc sống, lấy phôi liệu từ hiện thực xã hội trong đó có hoàn cảnh của riêng mình để dựng nên cấu tứ, tìm tòi chọn lọc hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ trên nền xúc cảm chân thật, sâu sắc là xu hướng chung của nhiều tác giả. Có phải nhờ thế mà độ mặn của thi ca được tăng lên. Đây là trường hợp của một nhà thơ-người lính tình nguyện từng chiến đấu tại Campuchia: Chợt vang trầm những Âm-pin, Pôi-pét/ Những Viêng-vênh, Đăng-rếch, Tà-sanh/ Cơn đói vã trận sốt rừng nghiêng ngả/ Đau đớn ấy ngoài em giờ còn ai biết nữa/ Heo hắt bóng đêm tựa cửa dõi nhìn/ Nước mắt cạn rồi em còn khóc/ Những giọt buồn đọng trên tóc bạc dần đi... (thơ Lê Mạnh Tuấn).

Tôi muốn nhấn mạnh tới mảng thơ viết về biển, đảo sau năm 1975. Một mảng thơ mà theo tôi có nhiều tác động sâu sắc tới công chúng hiện nay. Nhiều bài thơ ra đời, khẳng định chủ quyền Tổ quốc, khích lệ lòng yêu nước nồng nàn. Có thể kể đến các tác phẩm ít nhiều được bạn đọc chú ý như “Hào phóng thềm lục địa” của Nguyễn Thanh Mừng, “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến; trường ca “Người sau chân sóng” của Lê Thị Mây; trường ca “Hạ thủy những giấc mơ” của Nguyễn Hữu Quý... Cái chung nhất của các thi phẩm viết về biển, đảo là sự khẳng định chủ quyền Tổ quốc với lòng yêu nước nồng nàn. Nếu tập hợp lại ta sẽ có một bản trường ca yêu nước hoành tráng nhưng cũng rất sâu lắng. Tầm vóc biển, đảo của Việt Nam được nâng lên đáng kể trong thơ ca, vừa bao la rộng lớn, vừa sâu thẳm dạt dào từ những thi ảnh mang tính biểu tượng rất cao: Buồm ơi buồm, người có thực hay chăng/ Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự/ Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ/ Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên... (thơ Anh Ngọc). Tình yêu lứa đôi cũng đã được lồng vào tình yêu biển, đảo, tình yêu đất nước. Trong cái rất quen thuộc này ta vẫn nhận ra những lấp lánh nồng nàn của công cuộc giữ nước hôm nay: Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên... (thơ Trần Đăng Khoa).

*

*         *

Dù ở thời nào thì thơ ca vẫn luôn cần đến một công chúng rộng lớn đông đảo để truyền cảm, chia sẻ. Muốn làm được điều đó, trước hết thơ cần phải có tư tưởng lớn, phải gắn bó với đất nước, nhân dân. Tách rời khỏi đất nước và dân tộc, nhân dân, thơ khó tìm được điểm tựa vững chãi để tồn tại. Tôi nghĩ, thời nào, chiến tranh hay hòa bình thì thơ cũng phải có trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, vừa là nghĩa vụ vừa là tình cảm của người cầm bút.

NGUYỄN HỮU QUÝ