Núi Thiên Thai có tên nôm là Đông Cứu, có hình con rồng uốn lượn 9 khúc nay thuộc hai xã Song Giang, Đông Cứu (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Nằm bên cạnh sông Đuống thơ mộng, ngọn cao nhất khoảng 150m, nhờ bài hát quan họ chắp thêm cánh mà cái tên Thiên Thai đi vào lịch sử văn hóa Việt như một địa danh lãng mạn, nên thơ và cổ kính. Truyền ngôn kể ngày xưa nơi đây rừng thông phủ kín, đỉnh núi có một ngôi chùa cổ trăm gian và một vườn hồng đào. Cữ xuân khách lễ chùa vãng cảnh vườn đào đỏ tươi có cảm giác như lạc vào cảnh tiên nên mới gọi “Thiên Thai”. Theo Hán tự thì “thiên thai” là cảnh tiên, nơi có người mình yêu đang ở (trong tưởng tượng), nơi có cảnh đẹp chỉ có trong mơ. Ngay tên gọi đã thấy hư thực, huyền ảo, đầy chất thơ. Cái tên đã mời gọi...
Đã là cảnh tiên thì không thực, mà câu “Thấy chim loan phượng ăn xoài bể Đông” thì cụ thể quá, thật quá nên bớt đi chất mơ mộng. Chắc không cụ thể là “ăn xoài”!? Vả lại “bể Đông” mênh mang nước sao lại có xoài mà ăn? Nhất là chim loan, chim phượng không có thật, chỉ do huyền thoại tạo ra để ký gửi vào đó những lớp nghĩa văn hóa gửi người đời sau?...
Biểu tượng con chim phượng đã vỗ cánh từ thời tối cổ rồi bay suốt chiều dài lịch sử, đến mỗi đỉnh cao thời đại, chim dừng lại để con người chiêm ngưỡng và tô điểm thêm cho nó những sắc màu văn hóa mới. Đến nay, nó vẫn mải miết bay nên không một nhà nghiên cứu nào, dù tài năng đến mấy, có thể “đọc” được hết ý nghĩa, chỉ ra được nó có màu sắc cụ thể nào. Mãi vài ba thiên niên kỷ gần đây, nó được “bình dân” hóa bằng sự “cặp đôi” với chim loan làm biểu tượng cho tình yêu mơ mộng và vĩnh cửu. Gần hơn nữa là biểu tượng cho vợ chồng chung thủy...
Nguyên thủy, cả phương Đông và phương Tây, chim phượng cực kỳ khó tính. Huyền thoại phương Đông kể, sau khi vị thần Bàn Cổ thoát ra từ “quả trứng” khổng lồ của sự hỗn mang thì đã có 4 linh vật đi theo “phục vụ” là long (rồng), ly (kỳ lân), quy (rùa), phụng (phượng hoàng). Những sinh vật tuyệt vời này, được gọi là tứ linh (bốn vị thần linh), đã hợp sức với (thần) Bàn Cổ để tạo ra thế giới. Ngay từ đó, vũ trụ gắn liền với số 5 là vì thế: Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), 5 mùa (xuân, hạ, thu, đông, cuối hạ), 5 vùng (bắc, nam, đông, tây và trung ương)... Chim phượng hoàng làm chủ lửa (hỏa), mùa hạ và phía nam. Như vậy, ngay từ đầu chim phượng đã mang vai trò thần thánh. Vì là thần thánh lại ra đời quá sớm nên phải tuyệt đối trong sáng, tinh khôi nên huyền thoại để cho nó bay trên vòng hào quang thiên giới, chỉ đậu trên cây ngô đồng và nếu có ăn thì chỉ ăn quả trúc. “Mẫu gốc” này dần dần “đẻ” ra biểu tượng mới: Hình ảnh phượng hoàng đậu cây ngô đồng là chỉ kẻ hiền tài tìm được nơi cống hiến xứng đáng. Ngày nay, ở nội thành Huế còn nhiều cây ngô đồng là từ ý các vua Nguyễn trồng trong nội điện để mong cầu những chim phượng hiền tài!
Chưa hết, cây ngô đồng còn biểu tượng cho chất liệu quý để kiến tạo công cụ nghệ thuật. Tương truyền vua Phục Hy trông thấy 5 vì sao rơi xuống cây ngô đồng, sau đó thì chim phượng hoàng liền bay đến đậu. Nhà vua cho rằng chắc hẳn cây là loài gỗ quý nên sai người đẵn xuống ngâm nước 72 ngày đêm. Cây khi sống hấp thụ khí dương thì ngâm nước hấp thụ khí âm. Sau đó vớt lên để khô làm đàn. Cũng tương truyền cây đàn mà Bá Nha gảy được làm từ gỗ ngô đồng này. Nhờ thế mà tiếng đàn có hồn hơn, linh diệu hơn nên Chung Tử Kỳ nghe mới thấy rõ như vậy! Đôi bạn nghệ sĩ này để lại cho văn hóa phương Đông khái niệm “tri âm” bất tử. Xét kỹ lại là “mẫu con” của “mẫu gốc” chim phượng chỉ đậu cây ngô đồng, có nét nghĩa nguyên thủy gần với “tri âm”. Ở trên đời này có biết bao con chim phượng không tìm được cây ngô đồng để đậu!?
Huyền thoại bay đến không gian triều Nguyễn (Việt Nam), hoàng gia yêu quý cây ngô đồng đến nỗi cho khắc hình lên Cửu Đỉnh vừa để ca ngợi, vừa để bất tử hóa, cũng là cách thể hiện tâm hồn nghệ sĩ. Thế nên sau này mới có câu thơ kiệt tác của Bích Khê: “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”. Cái ngạc nhiên sững sờ này sẽ làm sững sờ, ngạc nhiên văn giới nhiều thời nữa!
Tóm lại, dù có bay trên trời nhưng người đời vẫn nhìn thấy “đường bay” và “vóc dáng” chim phượng biểu tượng cho cái đẹp vương giả, cái hoàn mỹ quý phái, cái đạo đức chuẩn mực, cái thiêng liêng thần thánh... Trong lịch sử văn chương Việt, người hay nhắc đến chim phượng và lấy đó làm biểu tượng gửi gắm triết lý sâu sắc của mình là Nguyễn Trãi. Ông triết lý về số phận cái đẹp thời nào, ở đâu cũng mong manh, dễ vỡ nhưng vẫn một tính cách trong sáng, luôn hướng về cái cao cả, tự do, khoáng hoạt: “Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng/ Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi”. Những cặp phạm trù đối lập nhau đến triệt để: Chim phượng hào phóng, vương giả thích bay trên cao, chim diều hâu ác hiểm thấp hèn hay liệng gần mặt đất. Hoa là giống cao quý thì hay héo và vòng đời ngắn ngủi, cỏ là loài tiểu nhân lại thường xanh tươi và sống dai. Thì ra đó là một quy luật mỹ học: Cái xấu thường dai dẳng nhờ có “sức đề kháng” tốt, còn cái đẹp lại hay gặp bi kịch vì trong sáng, vô tư. Ông triết lý về nhân thế: “Lãm huy nghĩ học minh dương phượng” (Muốn học chim phượng thấy sáng hót đón mặt trời). Câu này được “tập cổ” từ ý thơ của Giả Nghị (đời Hán): “Phượng hoàng tường vu thiên nhẫn hề/ Lãm đức huy nhi hạ chi” (Chim phượng bay trên cao nghìn trượng/ Thấy ánh sáng của đức mà sà xuống-Điếu Khuất Nguyên văn). Câu này lại có từ điển tích Lý Thiện Cẩm-quan Ngự sử đời Đường-dâng sớ can vua không xây cung điện xa hoa được người đời khen là “minh dương phượng” (chim phượng thấy sáng hót đón mặt trời)!
Như vậy, phượng hoàng còn là biểu tượng cho ánh sáng mặt trời, đến sự sang trọng, quý phái, đến hạnh phúc, niềm vui gặp gỡ, hội ngộ... nên ngày trước, trên các trang phục hoàng gia không thể thiếu hình tượng chim phượng.
Đến đây có thể đưa ra kết luận này: Chiểu theo lý thuyết và thực tế các biểu tượng huyền thoại trên thì chim phượng “ăn xoài” trong bài hát “Lý Thiên Thai” là không phải!? Nó “ăn ngoài bể Đông” không cụ thể thì hữu lý hơn! Vốn chỉ đậu cây ngô đồng và ăn quả trúc nhưng khi bay đến miền văn hóa Việt, vẫn được coi đó là “thần thánh” nhưng phải “bình dân” đi nên dân gian cho nó thêm một con “loan” thành cặp vợ chồng quấn quýt. Phượng là chim trống, loan là chim mái. Dĩ nhiên “chim loan” cũng là tưởng tượng, không thật. Giả sử đôi tình nhân nào hôm nay ngược về quá khứ trèo lên núi Thiên Thai hướng về phía Biển Đông sẽ nhìn thấy đôi chim này đang “ăn” ngoài đó. Họ sẽ tuyệt vời sung sướng và chắc chắn hạnh phúc nhất thế gian. Vì vẫn theo huyền thoại cổ, người trần nhìn/mơ được tiên/thánh sẽ “sướng như tiên/thánh”... Khoa học tâm lý ngày nay giải thích dễ hiểu và “khoa học” rằng, người nào hạnh phúc thì sẽ có giấc mơ đẹp và ngược lại! Chính vì vậy mà hôm nay, ngoài hình ảnh rồng thì hình ảnh phượng là chủ đạo được trang trí trong đám cưới tượng trưng cho hôn nhân, tình yêu hạnh phúc vững bền.
Hơn nữa, như trên nói, “Thiên Thai” là nơi tiên ở. Tiên ở thì phải là cảnh tiên, cây tiên, phải là nơi “non Bồng nước Nhược”, nơi “sơn kỳ thủy tú” nên hình ảnh vườn đào (tiên) là thích hợp. Nếu lại “ghép” hình ảnh cây xoài vào đó thì quả làm xấu bức tranh “tiên”!? Vì xoài là cây dân dã, thông tục, để ăn quả. Mâm ngũ quả người Việt (miền Bắc) ngày xưa cũng không có xoài, dù nó màu xanh là một trong 5 màu của “ngũ hành”.
Lại nữa, dựa vào nghiên cứu của ngành khoa học thực vật thì ngày trước, miền Bắc chưa có xoài ngon như bây giờ (do từ phía Nam đưa ra), chỉ có hai loài gần với xoài là cây quéo (mangifera reba) và cây muỗm (mangifera foetida). Nhưng quả nhỏ và chua. Chắc vì thế mà từ xưa nó không được ưa chuộng!
Trong truyền thuyết phương Tây, chim phượng gắn liền với sự bất tử và tái sinh. Vòng đời của nó không bao giờ kết thúc. Phượng hoàng sẽ hồi sinh. Mỗi lần hồi sinh, nó sẽ đẹp hơn, mạnh mẽ, rực rỡ hơn và tỏa sáng hơn.
Đến nay, biểu tượng chim phượng được giải mã về hình thức. Nó chính là sự tổng hợp khái quát những đặc điểm đặc sắc, tiêu biểu của các loài chim: Đầu gà, cổ hạc, đuôi công. Vì lẽ này, phong thủy học cả phương Đông lẫn phương Tây còn phú thêm cho nó những đức tính của người quân tử: Mạnh mẽ, khí khái, trung thành, nhân ái, trong sáng, sang trọng... Như một thứ tinh hoa của vũ trụ trời đất nên tự thân nó là sự hòa hợp âm dương. Tượng/tranh/ảnh chim phượng thường được đặt trên cao (để tỏa sáng), phía Nam (cai quản bầu trời phương Nam) với hy vọng mang lại dương khí mạnh mẽ sinh sôi và sự ấm áp, sum vầy! Điều này càng khẳng định con vật “thần thánh” đầy trừu tượng như thế thì nó sẽ không ăn quả xoài dân dã cụ thể, có thật! Nhưng đây cũng chỉ là một cách hiểu. Xin được tiếp thu các ý cao minh khác!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ