QĐND - Với Quyết định số 4860/QĐ-BQP ngày 10-12-2013 của Bộ Quốc phòng về việc tổ chức lại Điện ảnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành Điện ảnh-Truyền hình BĐBP thuộc Cục Chính trị, Bộ tư lệnh BĐBP, báo chí quân đội nói riêng và nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung đã có thêm một đơn vị báo hình giàu truyền thống, giỏi nghiệp vụ, xung kích phản ánh mọi mặt hoạt động của BĐBP-lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Ngày 15-6-1968, trên cơ sở các đội chiếu bóng và bộ phận quay phim thành lập từ năm 1959, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ tư lệnh BĐBP) đã quyết định thành lập Đoàn Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang để vừa làm nhiệm vụ chiếu bóng, vừa tiến hành ghi lại những hình ảnh chiến đấu, công tác của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời. Hơn 45 năm truyền thống, thương hiệu Điện ảnh BĐBP không còn xa lạ trong lòng khán giả cũng như người làm nghề điện ảnh, với những bộ phim tài liệu, phim truyện nổi tiếng như: “Lũy thép Quảng Bình”, “Đầu nguồn sông Mã”, “Chặng đường biên giới”, “Đốm lửa biên thùy”, “Khúc ca hữu nghị”...

Từ năm 2008, do nắm bắt được lợi thế của truyền hình trong hoạt động tuyên truyền, Bộ tư lệnh BĐBP đã có chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên truyền hình, xây dựng Đề án “Đẩy mạnh và phát huy công tác tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên sóng truyền hình Trung ương và các địa phương”. Từ đây, Điện ảnh-Truyền hình BĐBP chuyển hướng từ hoạt động điện ảnh là chính sang lấy hoạt động truyền hình làm nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Bạn xem truyền hình cũng bắt đầu làm quen với loạt chương trình do Điện ảnh-Truyền hình BĐBP sản xuất như: “Tạp chí Biên giới-Biển, đảo” trên kênh VTC1 của Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC), chương trình tiếng Mông phát sóng trên kênh VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); chương trình “Núi sông bờ cõi” kênh VTV4...; đồng thời, cộng tác thường xuyên với các chương trình của VTV, VTC, Hệ phát thanh có hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV TV), Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Kênh Truyền hình Công an nhân dân... Những tác phẩm báo hình của Điện ảnh-Truyền hình BĐBP cũng gặt hái nhiều thành công thông qua các Giải thưởng Báo chí Quốc gia, các kỳ Liên hoan truyền hình Quân đội nhân dân và Công an nhân dân...

Việc “lấn sân” sang lĩnh vực báo hình của Điện ảnh-Truyền hình BĐBP không phải là việc làm “phiêu lưu” mà hoàn toàn hợp lý bởi bản chất giữa điện ảnh và truyền hình có nhiều nét tương đồng về quy trình sản xuất, kỹ thuật thực hiện; bản thân nhân lực của Điện ảnh-Truyền hình BĐBP đều được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp; đó là chưa kể đội ngũ cộng tác viên đông đảo tại 42 trên tổng số 44 Bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Cho nên, nhiều người nhận xét, xem các tác phẩm báo hình của Điện ảnh-Truyền hình BĐBP thấy rõ chiều sâu cảm xúc, tính nghệ thuật của điện ảnh hòa lẫn một cách tự nhiên.

Ống kính Điện ảnh-Truyền hình BĐBP luôn bám sát các hoạt động của BĐBP ở những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất. Ảnh do Điện ảnh-Truyền hình BĐBP cung cấp.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Tuấn Chung (Giám đốc Điện ảnh-Truyền hình BĐBP) vui vẻ cho biết: “Quyết định của Bộ Quốc phòng vừa rồi đã chính thức xác nhận chức năng, nhiệm vụ mới của Điện ảnh-Truyền hình BĐBP là đơn vị chuyên trách thực hiện công tác tuyên truyền trên truyền hình, hoạt động theo quy định của Luật Báo chí, dưới sự chỉ đạo nghiệp vụ của Tổng cục Chính trị. Cho nên, từ giờ, chúng tôi có thể xưng hô với anh em hoạt động báo chí là đồng nghiệp được rồi”.

Hỏi thêm Đại tá Nguyễn Tuấn Chung là Điện ảnh-Truyền hình BĐBP sẽ đẩy mạnh sản xuất thêm các chương trình truyền hình mới, anh cho biết: “Đó là điều chắc chắn phải làm nhưng vẫn là câu chuyện ở tương lai; còn công việc chuyên môn hiện nay của Điện ảnh-Truyền hình BĐBP là nâng cao chất lượng các chương trình hiện đang sản xuất. Chuyện thời sự của chúng tôi là kiện toàn lại tổ chức, biên chế do Bộ Tổng tham mưu quy định; đề xuất với các cơ quan chức năng sớm cấp thẻ báo chí để anh em có thể tác nghiệp thuận lợi hơn. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên để vừa thực hiện chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo” phát trên sóng truyền hình địa phương, vừa nhanh chóng cập nhật các tin tức thời sự tại những nơi xa xôi”.

Được biết, dù ở quy mô nhỏ nhưng Điện ảnh-Truyền hình BĐBP với các trang thiết bị hiện có đã tự sản xuất khép kín các tác phẩm báo hình và nhanh chóng truyền dẫn đến các đơn vị phát sóng. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền hình, nhất là với sự thịnh hành của công nghệ HD thì chắc chắn Điện ảnh-Truyền hình BĐBP cần phải được đầu tư thêm trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp và nhân lực để hoàn thành tốt vai trò mới của mình. Tin tưởng rằng, với truyền thống vượt khó, trưởng thành từ mưa bom, bão đạn, Điện ảnh-Truyền hình BĐBP sẽ khắc phục khó khăn, trở ngại, hoàn thành trách nhiệm phản ánh nhanh, chính xác, nhiều xúc cảm về hoạt động BĐBP và nhân dân các vùng biên giới đất liền, trên biển tới khán giả truyền hình cả nước.

NGỌC TRÂM