Cùng trong một thế giới nghệ thuật nhưng do sự trải nghiệm, vốn sống, vốn văn hóa, hoàn cảnh tâm trạng mà có người nghe thì hả hê sung sướng (cười nụ) nhưng có người lại đau đớn chua chát, bẽ bàng (khóc thầm)... Câu thơ nằm trong bối cảnh Hoạn Thư bắt Thúy Kiều hầu đàn để Hoạn Thư và Thúc Sinh uống rượu. Thế là cùng “thưởng thức” tiếng đàn “như khóc như than” thì Hoạn Thư “cười nụ” còn Thúc Sinh thì như lửa cháy trong lòng. Nhìn theo chiều dọc lịch sử nghệ thuật và chiều ngang liên văn hóa thì tiếng đàn thường là biểu tượng cho nghệ thuật. Phương Tây cũng thế, phương Đông cũng vậy.

leftcenterrightdel
Minh họa: MINH ĐỨC.

“Truyện Kiều” có những câu “siêu nghệ thuật” trở thành kinh điển cho một sự tổ chức ngôn từ hết sức “quái đản” (Phan Ngọc), như câu: Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay. Lừa Kiều khuyên Từ Hải ra hàng khiến Từ Hải thua trận mà chết đứng, Hồ Tôn Hiến còn Bắt nàng thị yến dưới màn và Dở say, lại ép cung đàn nhật tâu. Bi kịch của Kiều lên tới đỉnh điểm: Hại chồng mà lại phải hầu hạ kẻ giết chồng, hơn nữa lại là kẻ đê tiện, tráo trở, đểu cáng. Nếu hiểu “bốn dây nhỏ máu” thì phi lý, phi logic vì “bốn dây” là chủ ngữ, “nhỏ máu” là vị ngữ thì “quái gở” vì kim loại làm sao “nhỏ máu” được! Nhưng hiểu “năm đầu ngón tay” “nhỏ máu” thì “phi ngữ pháp”. Câu thơ phải “đảo trang”: “Năm đầu ngón tay nhỏ máu bốn dây”. Nếu vậy thì không còn là thơ, càng không còn là của Nguyễn Du thiên tài. Hiểu “bốn dây” ở đây là biểu tượng cho tiếng đàn, cho nghệ thuật thì vẫn chưa bước qua được cái cửa ý nghĩa có hai cánh nghĩa đen nghĩa bóng để bước vào thế giới “Truyện Kiều” xôn xao muôn vàn hình ảnh... Phải hiểu câu thơ theo kiểu “siêu ngữ pháp”: Tiếng đàn và tâm hồn Kiều đã hòa nhập làm một, không phân biệt. Tiếng đàn nức nở, xót xa chính là tiếng lòng ai oán nghẹn ngào của Kiều. Tiếng lòng “nhỏ máu” cũng là tiếng đàn “nhỏ máu”. Thơ “siêu nghệ thuật” nhiều khi cũng phải hiểu theo kiểu “siêu ngữ pháp” như vậy! Nguyễn Du coi tâm hồn Kiều cũng đẹp như tiếng đàn, đau đớn như tiếng đàn: Bốn dây như khóc như than... Thì lúc này không phải là tiếng đàn khóc than nữa mà chính là lòng Kiều than khóc...

Từ đó có thể khái quát thành một chân lý nghệ thuật: Phải sống tận cùng, tận hiến, phải nhập thân, trao gửi hết mình cùng nghệ thuật, sống chết cùng nghệ thuật mới có thể chinh phục được khán giả nghệ thuật!

Nghệ thuật âm nhạc là nghệ thuật của tâm trạng. Nghệ thuật miêu tả âm nhạc lại là một thứ “siêu nghệ thuật” vì phải miêu tả cái “siêu tâm trạng”. Thiên tài ấy phải đợi đến Phan Huy Vịnh đồng cảm mà dịch “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị: Dây to nhường đổ mưa rào/ Nỉ non dây nhỏ khác nào chuyện riêng/ Tiếng cao thấp lựa chen lần gẩy/ Mâm ngọc đâu bỗng nẩy hạt châu/ Trong hoa oanh ríu rít nhau/ Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh... Thơ hay đi giữa cái “khả giải” có thể giải thích và “bất khả giải” không thể giải thích là ở chỗ này. Người ta chỉ còn có thể hiểu bằng cảm nhận, trực giác: Với âm vực cao, tiếng đàn nhanh mạnh dồn dập như mưa rào rồi lại trở về với sự khoan thai, nhẹ nhàng, “nỉ non” như tâm sự. Rồi bất ngờ tiếng đàn chợt lanh lảnh như hạt châu rơi trên mâm ngọc. Tiếng chim oanh gọi nhau ríu rít. Âm thanh có phần vội vã... Song hành với tiếng đàn khi nhặt khi khoan, dồn dập, vội vã là tâm trạng tương ứng khi buồn, khi vui, thảng thốt, sững sờ... có điều gì đấy xôn xao rồi đẩy đến cao trào, như bị căng lên cần một sự giải thoát. Tiếng tơ thoát ra như tiếng thở dài: Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh...

Giống như thơ, nhạc đi giữa cái không và cái có, cái hữu thanh và cái vô thanh. Âm thanh lên đến cao trào thì trở về vô thanh: Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước/ Ngựa sắt dong, xô xát tiếng đao/ Cung đàn trọn khúc thanh tao/ Tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây/ Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt/ Một vầng trăng trong vắt dòng sông. Âm thanh xô đẩy nhau, có tiếng của bình bạc vỡ, của dòng nước xối xả tuôn, của nhạc ngựa rung, của tiếng binh khí va chạm chói gắt. Cao trào là tiếng lụa xé... Tâm trạng con người như con thuyền lên đến đỉnh thác, chùng chình, bàng hoàng. Rồi trôi tuột xuống hạ lưu. Vô thanh. Tĩnh lặng tuyệt đối: Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt/ Một vầng trăng trong vắt dòng sông. Đúng là Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay!

Những câu thơ này như một thánh đường, như một lâu đài ngọc bích mà sự phân tích, dù cố gắng đến đâu cũng chỉ như... những cơn gió thoảng bên ngoài! Thánh đường chỉ dành cho “thánh”. “Lâu đài ngọc bích” là nơi tiên ở. Người phàm tục không nên bước vào!!! Nghệ thuật, nghĩa nguyên thủy của nó được hiểu là ở trên mức thông thường. Sau này Vitor Hugo nói rất đích đáng: Sự tầm thường giết chết nghệ thuật. “Nghệ” nghĩa là trồng cấy, nuôi dưỡng. “Thuật” có nhiều cách hiểu. Có cách hiểu ban đầu chỉ thuật xăm mình. Ngày xưa phần lớn là ngư dân sống chung với thủy quái nên phải xăm mình như thủy quái để tránh bị ăn thịt. Chữ “thuật” vừa có nghĩa chỉ sự sinh động của nghệ thuật vừa có nghĩa “giống như thật”!!! Ngày nay hiểu vừa đẹp vừa phải có hồn!

Nhưng nghệ thuật cũng là nhân sinh. Ở trên là những dẫn chứng của các thiên tài, dưới đây xin nói về nghệ thuật tiếng đàn bình dân, trong truyện Nôm bình dân. “Thoại Khanh-Châu Tuấn” kể chuyện Thoại Khanh con Thừa tướng lấy Châu Tuấn con nhà nghèo. Châu Tuấn đỗ Trạng nguyên, chung thủy với vợ mà không chịu lấy công chúa nên bị đày sang nước Tề. Ở nhà Thoại Khanh nuôi mẹ chồng rồi cả hai sang nước Tề tìm Châu Tuấn. Phật Thích Ca cho cây đàn thần. Nhờ tiếng đàn hai mẹ con lần hồi xin ăn qua ngày, gặp được Châu Tuấn. Cả nhà đoàn tụ. Như vậy, tiếng đàn như một yếu tố tạo tình huống mới để thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện. Không thể “bác học” như trong “Truyện Kiều” nhưng, với tư cách một nhân vật, nó là hiện thân của tiếng lòng Thoại Khanh. Tiếng đàn “giãi bày” với thế gian về hoàn cảnh hai mẹ con phải đi ăn xin, lúc đói, con dâu phải cắt thịt mình để mẹ chồng ăn đỡ đói. Phải khoét mắt dâng dâm thần để bảo toàn trinh tiết: Đàn kêu tích tịch tình tang/ Đàn kêu khắp hết nhân gian xa vời/ Đàn kêu mười bảy năm trời/ Chồng Hồ vợ Hớn, mẹ người ai nuôi/... Thế gian nghe tiếng đàn ca/ Gái trai già trẻ đều là xót thương. Mang chức năng giáo dục đạo lý, cụ thể ở đây là chữ “hiếu”, truyện nêu một tấm gương tiết nghĩa đến tận cùng là Thoại Khanh. Không thể một hình tượng nào khác làm tốt chức năng này hơn hình tượng tiếng đàn!

Khi gặp Thoại Khanh, chàng chưa nhận ra mẹ và vợ, tiếng đàn Thoại Khanh “kể” cho chàng nghe về khoảng thời gian lưu lạc chất chồng bi kịch gian khổ, đau thương: Đàn kêu tích tịch tình tang/ Đàn kêu giòn giã muôn vàn ái ân/ Đàn kêu đã nhặt lại khoan/ Cung cao cung thấp dịu dàng khá thương/ Đàn kêu mười bảy năm trường/ Chồng nam vợ bắc huyên đường tám mươi/ Mẹ già để lại thiếp nuôi/ Mà chàng sang cả nước người sao an?. Lúc này chức năng chủ yếu của tiếng đàn là giãi bày. Từ ngữ không thể trau chuốt tinh luyện như thơ Nôm bác học, có chỗ còn vụng (như dùng “giòn giã”, “khá thương”...) nhưng vẫn đi được vào lòng người. Vì chỉ có ẩn dụ tiếng đàn mới nói thay được tâm trạng bao ngổn ngang. Nếu để nhân vật (Thoại Khanh) nói sẽ là sự kể lể, không khéo sẽ sa vào sự kể công, do vậy “tấm gương” nhân vật hẳn sẽ bị mờ đi. Câu cuối là lời trách Châu Tuấn (Mà chàng sang cả nước người sao an?), nếu là lời Thoại Khanh thì hiệu ứng cảm xúc của Châu Tuấn không thể bằng lời của nhân vật trung gian mang tính khách quan là tiếng đàn!

Tiếng đàn trong truyện “Thạch Sanh” tinh tế hơn. Dù có chức năng kể lại câu chuyện để vạch tội Lý Thông: Đàn kêu ai chém trằn tinh/ Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang/ Đàn kêu tích tịch tình tang/ Ai đưa công chúa dưới hang trở về/ Đàn kêu hỡi Lý Thông kia/ Cớ sao phụ nghĩa lại thì vong ân? Hay khi phân tích thuyết phục, chinh phục quân chư hầu xâm lược thì tiếng đàn vẫn có sức nặng hơn rất nhiều nếu đó lại là lời Thạch Sanh: Đàn kêu bay phải hàng tao/ Đàn kêu nhủ bảo thấp cao sự thường/ Quần thần đây đó luận bàn/ Nhân tâm chẳng thuận sao bằng thuận quy/ Đàn kêu nhủ bảo vân vi/ Hàng tao tao lại cho về cựu bang. Vì quân 18 nước chư hầu kia đều hiểu đó không phải lời của con người trần gian mà là sự phán truyền của thần thánh linh thiêng, mầu nhiệm...

Đến đây thì biểu tượng của tiếng đàn rõ hơn: Sự chinh phục của nghệ thuật đích thực sẽ tái sinh sự sống, sẽ làm tắt ngọn lửa binh đao, sẽ nuôi dưỡng bao khát khao, ước vọng hòa bình!

Thế nên tiếng đàn được dân gian miêu tả từ nhiều phương diện, từ bản thân nó, qua cảm nhận của người nghe, và hiệu ứng tác động, thậm chí tới cả vũ trụ: Chư quân nghe tiếng đàn vang/ Khác nào như nước cành dương tưới nhuần/ Đàn kêu thực nghĩa thực nhân/ Thánh tha thánh thót muôn phần giá cao/ Trận bay như động hỏa hào/ Đàn như lửa cháy bước vào tan không/ Thật là nên đấng anh hùng/ Tuốt gươm bước lại sân rồng khoan khoan/ Ầm ầm một đạo hào quang/ Cung đàn dễ bảo quân thường ngã ra/ Lại vâng chiếu chỉ quốc gia/ Quân mười tám nước can qua về hàng.

Hình tượng Thạch Sanh “lưng đàn, tay búa, tay giương nỏ” cho ta một biểu tượng khái quát về người Việt xưa: Yêu và luôn sống cùng nghệ thuật (đàn); cần cù lao động (búa) và thường trực một vũ khí bảo vệ (nỏ)!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ