QĐND - Đơn tuyến là cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Phạm Quang Đẩu, viết về cố Thiếu tướng tình báo Nguyễn Đình Ngọc, do NXB Công an nhân dân phát hành cuối năm 2013.
 |
Bìa cuốn tiểu thuyết của nhà văn Phạm Quang Đẩu.
|
Dõi theo Đơn tuyến, có thể nói Phạm Quang Đẩu không chỉ sống với nhân vật “tôi” mà ông còn chiêm nghiệm nhân vật. Từ đầu đến cuối tác phẩm, Phạm Quang Đẩu luôn là người trong cuộc. Bắt đầu vào trang viết, người đọc gặp ngay nhân vật “tôi”-Nguyễn Đình Ngọc-với dồn dập các biến cố, sự kiện xảy ra trong gia đình ông. Đó là một ngày cuối năm 1947, cái thời khắc kinh hoàng nhất, bất ngờ nhất trong cuộc đời Nguyễn Đình Ngọc khi ông phải chứng kiến loạt đạn định mệnh của kẻ thù bắn chết cha ông. Chính cái chết tức tưởi, oan khuất của cha đã hằn sâu vào tâm khảm ông ý chí quyết tâm trả thù cho cha và biết bao người dân vô tội khác. Song éo le thay, lúc đó chân trời khoa học đang rộng mở trước mắt ông và bài toán chọn nghề không dễ tìm ra lời giải: Làm khoa học hay làm nghề điệp viên? Cuối cùng, ông đã chọn nghề điệp viên để trả nợ nước thù nhà.
Được giao nhiệm vụ là điệp báo hoạt động đơn tuyến, Nguyễn Đình Ngọc đã trà trộn vào dòng người di cư vào Nam trong tư cách một nhà khoa học hoạt động lâu dài trong lòng địch. Ngay sau đó, ông lại nhận được chỉ thị của cấp trên: Phải tìm mọi cách sang Pháp học lên. Đầu tháng 11-1955, ông đặt chân đến thủ đô Pa-ri hoa lệ. 10 năm ở Pháp Nguyễn Đình Ngọc đã cặm cụi học không ngừng nghỉ và đạt được nhiều bằng cấp hạng ưu. Giữa năm 1966, Nguyễn Đình Ngọc nhận được chỉ thị về nước. Một thời kỳ mới đã bắt đầu được mở ra trong cuộc đời của nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc. Ông đã tạo được vỏ bọc tốt cho công việc thầm lặng của mình để ngày càng “luồn sâu leo cao” trong giới trí thức thượng lưu Sài Gòn. Từ những mối quan hệ hiện có, ông đã nhanh chóng mở rộng mối quan hệ với các tướng tá ngụy quân, cố vấn Mỹ và liên tục thu lượm được những tin tức quan trọng góp phần tạo nên thành công của nhiều chiến dịch lớn ở tầm chiến lược, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Để có một bức chân dung Nguyễn Đình Ngọc-nhà tình báo xuất sắc, nhà khoa học tài năng, chân thực, sinh động như vậy không thể không nói tới thành công trong nghệ thuật trần thuật của nhà văn. Bằng nghệ thuật nhập vai vô cùng đa dạng, linh hoạt, Phạm Quang Đẩu đã hòa với Nguyễn Đình Ngọc làm một và hòa làm một với mức độ rất sâu. Nhà văn đã vui cái vui của nhân vật khi Nguyễn Đình Ngọc thành đạt trong sự nghiệp khoa học hay những thành công trong hoạt động tình báo; buồn cái buồn của nhân vật khi chứng kiến cái chết oan khuất của cha ông, trăn trở băn khoăn cùng nhân vật khi chọn nghề, xúc động nghẹn ngào rơi nước mắt cùng Nguyễn Đình Ngọc khi gặp lại những người thân yêu trong gia đình sau hơn 20 năm xa cách... Rõ ràng, tác giả không chỉ gần gũi nhân vật, sống bên cạnh nhân vật mà còn hóa thân thành nhân vật của mình, trái tim luôn đập cùng nhịp đập với trái tim nhân vật mới có thể nhạy cảm, chạnh lòng trước mọi cảnh ngộ của nhân vật như vậy.
Từ một nguyên mẫu ngoài đời, nhà văn đã chưng cất, nhào nặn thành một hình tượng nghệ thuật nổi bật với phẩm chất của một nhà khoa học, một nhà tình báo tỏa sáng vẻ đẹp lấp lánh của một trí tuệ sâu rộng, một bản lĩnh kiên cường, một tâm hồn trong sáng... Trong ngổn ngang, bề bộn các sự việc và con người trong dòng chảy ào ạt của cuộc sống, nhà văn đã rất công phu, lựa chọn được những sự việc và con người tiêu biểu nhất, điển hình nhất, mang tính nghệ thuật ngay trong bản thân nó. Xét một cách tương đối, trong trường hợp này nhà văn Phạm Quang Đẩu đã có thể rút ngắn khoảng cách giữa cuộc sống và sự sáng tạo nghệ thuật.
Ở một phương diện khác có thể thấy rằng, Đơn tuyến là một tiểu thuyết chân dung theo khuynh hướng tư liệu. Các nhân vật lịch sử, các sự kiện, biến cố của thời cuộc đều được tôn trọng. Có thể nói rằng, hình tượng nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc-người anh hùng lập nên nhiều kỳ tích là hình ảnh trung tâm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Là người anh hùng thật sự nhưng Nguyễn Đình Ngọc trước hết là một con người với những cảm giác rất cụ thể về hiểm nguy, về cô đơn khi lựa chọn nghề điệp viên. Hoặc trong những thành công của ông có sự sáng suốt của tổ chức, có sự sơ hở, cả tin của kẻ thù và có nhiều may mắn khác nữa. Nhân vật Nguyễn Đình Ngọc luôn luôn được đặt trong các biến cố lịch sử-lịch sử của thời kỳ đất nước đang có chiến tranh, một hoàn cảnh không bình thường. Đành rằng, nhìn ở một phía thì chiến tranh chính nghĩa là nơi bộc lộ chủ nghĩa yêu nước, là hoàn cảnh để tôi luyện nên những con người tuyệt đẹp. Song nếu nhìn chiến tranh ở một bình diện khác: Bình diện đạo đức-nhân bản của mỗi con người thì chiến tranh nhào nặn con người, chi phối, tác động tới từng hoàn cảnh, từng số phận cụ thể của mỗi con người. Đó là gia đình ly tán, hạnh phúc lứa đôi bị chia lìa... Chính Nguyễn Đình Ngọc đã bộc bạch rất thật nỗi niềm tâm sự buồn bã của mình. Trong một chừng mực nhất định có thể nói rằng nhà văn đã có cách lý giải mối quan hệ con người và hoàn cảnh đạt tới một chiều sâu đáng kể, giúp người đọc thấm thía hơn khát vọng hòa bình của dân tộc, hiểu được cái gọi là “nỗi buồn chiến tranh” có khi cũng xuất hiện ngay cả ở phía chúng ta-những người chiến thắng. Và chính cách lý giải này đem lại cho người đọc cảm giác thật hơn, đời hơn, ít duy ý chí hay áp đặt khiên cưỡng.
TS NGUYỄN THỊ HUỆ