Trước mồ cha

Một mình con trước mồ cha

Chiều chưa xuống đã sương sa đầm đầm

Cha nằm hút cõi xa xăm

Hắt hiu nấm cỏ âm thầm nắng mưa

Thoảng như gió tự ngàn xưa

Bao nhiêu buốt lạnh đã lùa vào con

Đời người năm tháng mỏi mòn

Bao vinh nhục cũng chỉ còn hư không

Cha nằm giữa cõi mênh mông

Hoàng hôn rơi giữa gió sông bời bời

Con đi qua những rộng dài

Trước mồ cha bỗng hóa loài cỏ cây

Trời xa thẳm tận cùng mây

Tháng năm nước mắt vơi đầy trần gian

Còn không bóng núi trăng ngàn

Trên mồ gió với nhang tàn ngẩn ngơ

Cõi đời cát bụi mưa mờ

Qua bao chìm nổi nào ngờ bể dâu

Dòng sông nước chảy từ đâu

Sóng ngàn năm mãi bạc đầu. Người ơi.

(1985) 

Và đúng như cha tôi nói về sức khỏe của mình. Mấy ngày Tết ông ăn uống, đi lại, thăm nom hàng xóm láng giềng thoải mái, như chưa hề trải qua trận ốm thập tử nhất sinh. Năm ấy, gia đình tôi đụng hẳn con lợn với hàng xóm quãng hơn 50kg. Thời bấy giờ kinh tế cả nước còn đang khốn khó, tình trạng đứt bữa, đói kém xảy ra triền miên từ nông thôn đến thành thị. Nhiều gia đình ngày Tết chạy thục mạng mới có được một hai cân thịt, vài chiếc bánh chưng đặt lên ban thờ tiên tổ. Gia đình tôi có nửa con lợn, kể như thế cũng đã là “sang”. Cha tôi vốn kiệm lời, tính ông nghiêm nghị, ít khi thể hiện tình cảm ra mặt. Nhưng Tết này ông rất vui, gương mặt lúc nào cũng thanh thản, rạng rỡ không hề gợn chút bận bịu, lo âu làm cho không khí cả nhà thật ấm cúng, tràn ngập tình yêu thương...

Sau Tết ít ngày, tôi về Hà Nội tiếp tục công việc. Đến giữa tháng 2-1985, cơ quan yêu cầu tôi đi vào Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) viết phóng sự về những vùng kinh tế mới vừa mở ra sau chiến tranh. Thường trước mỗi lần đi công tác xa, tôi hay tranh thủ về qua nhà thăm bố mẹ. Nhưng lần này, vì thời gian đi gấp, vả lại, điều tôi lo ngại nhất là sức khỏe của cha, đợt vừa rồi ông đã phục hồi rất tốt, nên tôi yên tâm không về quê nữa, mà bắt xe khách lên đường đi ngay. Hồi ấy đi lại khó khăn, mọi phương tiện liên lạc chỉ thông qua điện thoại bàn và viết thư chuyển bưu điện, ngoài ra không có bất cứ phương tiện nào khác.

Vào đến nơi, tôi lang thang khắp các vùng kinh tế mới từ Minh Hóa, Tuyên Hóa đến Gio Linh, Khe Sanh rồi vào A Lưới, Bình Điền... Bấy giờ, cơ sở kinh tế của Bình Trị Thiên dường như không có gì. Số lượng hố bom, bãi mìn, lô cốt nhiều hơn số đầu người dân trong tỉnh. Ba phần tư số làng, xã bị san bằng, những vùng rừng mênh mông bị chất độc hóa học rải thảm, tàn phá hủy diệt. Bom đạn dày đặc ở mọi nơi. Đã thế người dân ở vùng đất này còn phải gánh chịu sự khắc nghiệt của khí hậu nên cuộc sống vô cùng cơ cực, nghèo khó...

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Đến một vùng đất lạ, bị cuốn hút vào những phận người yếu đuối mong manh và bi tráng, ngày đêm quần quật cuốc từng mét đất để trồng cấy miếng ăn, tôi không thể dứt ra được. Ban ngày thì đi gặp gỡ, trò chuyện, ghi chép, ban đêm hì hục viết đến tận khuya. Lúc đầu dự kiến đi khoảng một tuần rồi về Hà Nội, nhưng phải mất gần nửa tháng tôi mới từ A Lưới qua Bình Điền để tới được Sở Lao động Bình Trị Thiên, thành phố Huế. Chuyến đi dài vừa sốt ruột, vừa thấy trong thẳm sâu linh cảm có điều gì đấy bất an, nên định ngủ qua đêm ở Sở Lao động rồi sáng hôm sau mua vé xe về Hà Nội, nhưng các anh chị ở Sở Lao động một mực giữ tôi ở lại. Hồi ấy, ở Sở Lao động có bé Thủy. Thủy vừa tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Huế được phân về làm công tác thi đua tuyên truyền. Thủy có vẻ đẹp mộng mơ của cô gái Huế, vừa đằm thắm dịu dàng vừa trong trẻo, ấm áp. Mấy ngày ở Huế, Thủy đưa tôi đi làm việc một số nơi mới giãn dân gần thành phố Huế, rồi đi thăm các lăng tẩm nhà Nguyễn. Em chăm sóc tôi từng chút từ mỗi bữa ăn đến phương tiện đi lại. Hằng ngày, Thủy thường ở lại sở đến 9, 10 giờ đêm “chuyện phiếm” với tôi rồi mới về, hôm sau lại đến sớm cùng tôi đi các nơi... Chúng tôi làm việc với nhau tâm đầu ý hợp, suốt ngày bên nhau, quên cả ngày về. Đến khi giật mình nhớ ra, thì tôi đã xa Hà Nội gần một tháng.

Gần một tháng biền biệt, không tin tức, không thư từ, điện thoại. Khi về tới Hà Nội vào buổi sáng sớm hôm sau, tôi ghé qua nhà chú em con ông cậu ruột, gần Bến xe Kim Liên (cũ), định mượn xe đạp về cơ quan. Nghe tiếng gọi, em tôi đang ở trong nhà lao ra. Trông thấy tôi em òa khóc. Tôi bối rối không hiểu chuyện gì xảy ra thì chú em nói trong nước mắt: “Bác mất rồi, em đến Báo Quân đội tìm anh, họ nói anh đi công tác, không ai biết anh ở đâu. Họ tìm mọi cách cũng không liên lạc được. Anh về quê ngay đi”. Tôi như bị sét đánh, khuỵu xuống trước cửa nhà em, đầu óc âm u, chân tay bủn rủn, nước mắt cứ thế chảy giàn giụa. Ngay chiều hôm ấy, hai anh em tôi ra Bến xe Kim Liên bắt xe về Thái Bình. Về tới nhà đã gần 11 giờ đêm. Mẹ tôi vẫn chưa đi ngủ. Bà ngồi thẫn thờ trước ban thờ cha tôi, khói nhang nghi ngút. Chị gái tôi đang nằm, nghe thấy anh em tôi về thì bật dậy, chạy từ trong nhà ra ôm lấy tôi khóc nức nở. Nhìn tấm ảnh cha mờ hương khói trên ban thờ lòng tôi đau thắt. Tôi cố kìm để không bật ra tiếng khóc, cổ họng nghẹn cứng... Đêm ấy tôi thức trắng, phục bên ban thờ cha đến tận sáng...

Cha tôi mất đi, cả căn nhà năm gian như trống rỗng. Mẹ kém cha tôi tới hơn 10 tuổi. Sau ngày cha tôi mất, bà gầy xọp đi, ăn uống thất thường, đôi lúc hay ngồi một mình, hai tay chống cằm nhìn bâng quơ ra phía cánh đồng, nơi có nấm mồ cha tôi nằm ở đó. Cha mẹ tôi ở với nhau trên dưới 50 năm nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy ông bà to tiếng. Bà rất kính trọng ông, thương yêu con cái hết mực. Mọi việc trong gia đình một tay bà gánh vác, nhưng chưa bao giờ kêu ca phàn nàn điều gì. Cha tôi mất đi làm cả gia đình tôi chới với, hẫng hụt. Ông là trụ cột gia đình, là chỗ để mẹ tôi và anh chị em tôi bấu víu, nương tựa...

Từ ngày cha mất, tôi thẫn thờ vơ vất đâu đâu. Phải mất cả năm trời tôi mới dần quen với cảm giác cha tôi đã ra đi mãi mãi. Ông thực sự không còn trên mặt đất này nữa. Trước đó một thời gian dài, tôi không thể nào quen được cảm giác này. Nhưng điều tôi hối hận nhất là trước chuyến đi công tác dài ngày, tôi đã quá chủ quan không về thăm ông lần cuối. Đã vậy, suốt thời gian ấy, phần mải mê công việc, phần ham vui bạn bè, tôi đã không về Hà Nội sớm hơn. Giá như tôi tranh thủ thời gian làm việc cật lực rồi sớm về ngay. Giá như, giá như... Và bài thơ bật ra trong nỗi ân hận muộn màng, nỗi buồn thương xa xót...

Bài thơ “Trước mồ cha” sau một thời gian công bố đã được Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cuộc thi thơ năm 1995. Sau đó, nó được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Bài hát “Trước mồ cha” phổ theo dòng nhạc nhẹ pha trộn với cổ điển, nên thường được hát trong những đêm nhạc trang trọng của Phú Quang. Nhạc sĩ có lần kể với tôi, bài “Trước mồ cha” đã làm bao trái tim xúc động. Biết bao giọt nước mắt đã rơi từ những người con, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên trở lên. Sinh thời, NSND Lê Dung hát đã làm cả Nhà hát Lớn lặng đi. Nhiều người đã không thể kìm nổi nỗi xúc động, đã khóc. Với tôi, mỗi lần đọc lại bài thơ “Trước mồ cha” hoặc nghe lại bài hát do các nghệ sĩ hát, tất cả những ký ức trong tôi về thời gian ấy bừng sống dậy, như mới chỉ rất gần đây thôi. Sự ân hận không được gặp cha lần cuối cùng nỗi buồn mất cha không thể quên làm tôi day dứt khôn nguôi...

Hà Nội đêm 4 tháng 5 năm 2017

Nhà thơ TRẦN ANH THÁI