Tòa phủ đệ của vị lão tướng công huân tự thức và tự nguyện bỏ kinh đô đi trấn giữ một miền cửa ngõ yết hầu ra vào đất nước ở ngay trước “ngã sáu’’ (Lục Đầu giang)-ngày ấy là trung tâm của vùng căn cứ chiến lược Vạn Kiếp, bây giờ chính là ngôi đền thiêng Kiếp Bạc, với 5 chữ “Vạn cổ thử giang sơn’’ (Muôn thuở núi sông này) của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đề cao trên cổng.
Cổng đền trông thẳng ra chỗ dòng sông Thương dồn nước vào Lục Đầu giang, cũng là cửa ngõ của một thung lũng, đánh đai bằng một vành núi đá hình tay ngai, hai đầu ngai là hai ngọn “Nam Tào’’ và “Bắc Đẩu”. Nằm chính giữa thung lũng ấy, tòa phủ đệ của Trần Hưng Đạo lúc cuối đời và ngôi đền phụng thờ ngài từ sau khi qua đời cho đến nay, hoàn toàn có quy mô và vị thế ví sánh của một chốn thượng cung trên thiên đình, là nơi ở của Ngọc Hoàng Thượng đế, với “dinh’’ của hai quan chức-cận thần chuyên lo việc sinh tử của thiên hạ ở hai bên phía ngoài!
Trần Hưng Đạo đã hóa thánh, trở thành một vị thánh tướng trong tâm thức người đời và bằng ngôn ngữ địa lý-phong thủy học bắt đầu là như thế!
Quá trình suy tôn Trần Hưng Đạo làm thánh
Tháng Tư âm lịch năm 1289, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, triều đình nhà Trần với hai vua là Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Hoàng đế Trần Nhân Tông bắt đầu việc “định công dẹp giặc Nguyên’’.
Ở hàng trên cùng của danh sách những người được khen thưởng là Trần Hưng Đạo với tước “Đại vương’’. Tước này trước đấy chỉ dành cho những người thuộc ngành “thứ’’ của dòng họ Trần cầm quyền. Ví dụ như Trần Quang Khải, con thứ của Thượng hoàng Trần Thái Tông, em ruột liền kề của Hoàng đế Trần Thánh Tông-vào năm 1258, tuy chỉ mới 18 tuổi nhưng đã được phong làm “Chiêu Minh Đại vương’’! Cho nên Trần Hưng Đạo (con của An Sinh Vương Trần Liễu là ngành trưởng nhưng không được ngồi ngai hoàng đế, lại thêm hiềm khích với em là Trần Thái Tông) cho đến khi đánh và lập đại võ công sông Bạch Đằng, ở tuổi sắp sửa sáu mươi vẫn chỉ có tước “Vương”-Hưng Đạo Vương!
Bởi lẽ đó, được nhận tước “Đại vương” năm 1289 đối với Trần Hưng Đạo cũng như cả triều đình nhà Trần và toàn dân nước Đại Việt, đây là một vinh dự cực lớn!
Còn lớn hơn nữa thì đó là việc ngài được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho được “thờ sống’’ ở “sinh từ’’! Việc này tuy chỉ được Đại Việt sử ký toàn thư chép vào biên niên sử 12 hoa giáp (720 năm) trước đây: Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (1300), khi Trần Hưng Đạo mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương, nhưng lại nói rõ trước đấy, Thánh Tông có soạn bài văn bia ở sinh từ (của Trần Hưng Đạo), ví ông với Thượng phụ (Lã Vọng của Chu Vĩ Vương bên phương Bắc).
Bên cạnh việc được thượng tôn ở các chức tước và danh vị cao tột đỉnh như thế, từ chính nước láng giềng nhiều phen là địch thủ ở phương Bắc, những hào quang vẫn bằng và qua sự phản ánh của Đại Việt sử ký toàn thư, cũng đồng thời làm rực rỡ thêm tên tuổi của Trần Hưng Đạo: “Tiếng tăm (của ngài) vang đến giặc Bắc, chúng thường gọi ngài là “An Nam Hưng Đạo Vương’’ mà không dám gọi tên’’!
Và nhất là những yếu tố văn hóa tâm linh, ngay ở vào đầu thế kỷ 14, từ trong dân chúng các miền mà Trần Hưng Đạo trực tiếp để lại công đức, đã khiến sớm sủa hình thành sự thiêng hóa những hành vi được cho là của Trần Hưng Đạo ở trên cõi siêu linh: “Sau khi ngài mất rồi, các châu, huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn dịch bệnh, nhiều người đã tìm đến ngài để kêu cầu. (Đây là nguyên văn lời của sách Đại Việt sử ký toàn thư, sách này do sử thần Ngô Sĩ Liên làm chủ biên, hoàn thành năm 1479. Cho nên ở câu sau đây, bắt đầu bằng hai chữ “Đến nay’’ tiếp tục cho thấy sự thiêng hóa những tác động của Trần Hưng Đạo từ cõi siêu linh, ở về thế kỷ 15). Đến nay, mỗi khi đất nước có giặc vào cướp thì lễ ở đền ngài, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu, thể nào cũng thắng lớn”.
Mấy trích dẫn từ nguồn chính sử, quan phương như vậy là đã chốt được mốc thời gian khởi đầu của việc suy tôn Trần Hưng Đạo làm thánh tướng, bắt nguồn từ thể triều đình nhà Trần cực điểm tuyên dương ngài sau đại võ công sông Bạch Đằng (cuối thế kỷ 13) và văn hóa dân gian-nghi lễ dân tộc, thì tạo phong trào liền ngay sau khi ngài mất (đầu thế kỷ 14) rồi nối tiếp luôn đến và ở các thế kỷ sau đó.
Bổ sung và làm sinh động lên rất nhiều cho nguồn sử liệu chính thống là câu chuyện dân gian và tín ngưỡng dân gian, đồng thời thông thêm một tin, viền vào và cũng ở quanh cơ sở chính của việc suy tôn ngài là Đại võ công sông Bạch Đằng!
Truyền rằng, ở lúc tàn trận Bạch Đằng, ta có bắt được một tên phù thủy tay sai của giặc là Phạm Nhan, pháp thuật rất cao tay. Phạm Nhan không những hễ bị chém đầu này lại mọc ngay đầu khác mà còn vẫn tiếp tục ra oai tác quái gây dịch bệnh hại dân được. Chỉ đến khi có Trần Hưng Đạo can thiệp (bằng thủ pháp rất dân dã theo trí tưởng tượng của dân gian là… dùng bồ hóng, sáp vôi và cứt gà trộn lẫn bôi vào lưỡi gươm) thì yêu quái mới chịu hết phép, thức thủ. Và thế là thêm một tình huống-lý do để ở kênh truyền dẫn của văn hóa dân gian, Trần Hưng Đạo trở thành không những là thánh tướng mà còn là thánh chữa bệnh cùng với nhiều khả năng linh diệu khác nữa để “hộ quốc tí dân’’.
Thực chất của việc suy tôn Trần Hưng Đạo làm thánh
“Hộ quốc tí dân’’ (Giúp nước cứu dân) là những chữ đại tự thường thấy được sơn son thếp vàng, đề cao ở nhiều kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng cổ truyền, tôn vinh thờ phụng những nhân vật lịch sử “sinh vi tướng, tử vi thần’’.
Trần Hưng Đạo cũng là một nhân vật lịch sử như vậy. Nhưng ngài đã kỳ vĩ mà vươn cao, vượt trội lên trên tất cả các nhân vật nhân thần ấy.
Đó là vì trước hết, ở trong và kèm với cốt cách bẩm sinh là một nhà quân sự tài năng lỗi lạc “được trời cho’’ thì Trần Hưng Đạo còn là người biết tự mình và nhờ người khác giúp để trở thành trí thức, trở thành người có trí tuệ, kiến thức và suy nghĩ lớn đến mức siêu việt.
Ngài là người thuộc thế hệ thứ hai của dòng họ Trần chài lưới bình dân “không có học vấn’’ như Trần Thủ Độ là người thuộc thế hệ thứ nhất tự nhận, nhưng một khi nắm được chính quyền là lập tức biết lo và làm ngay việc tự học, “tầm sư học đạo’’! Một ví dụ điển hình của sự thể quan trọng này là ở khoa thi đầu tiên của triều đại năm 1247, lấy đỗ bảng nhãn được học giả Lê Văn Hưu là lập tức cử ngay vị học sĩ họ Lê này làm thầy ở cung học cho hoàng tử nhỏ Trần Quang Khải!
Trần Hưng Đạo cũng được vương phụ Trần Liễu tìm khắp những người tài nghệ trong thiên hạ về dạy dỗ cho con (tượng của hai người trong số này được phối thờ ở ngôi đền chính Bảo Lộc, Mỹ Lộc, Nam Định; đến nay vẫn linh thiêng và tấp nập hương khói) để trở thành người không những “có tài văn võ” mà còn biết “đọc rộng các sách’’ và đặc biệt là tinh thông mọi việc, từ gần đến xa, từ trước đến sau.
Sự tinh thông “việc quân’’ của một vị tướng lớn đã đành và là tất nhiên, nhưng cùng với đó là “mọi việc’’ đã khiến Trần Hưng Đạo-trong cảnh ngộ nhiều lúc và luôn là “éo le’’ của mình-trở thành người thận trọng (cẩn trọng) và tinh tế (tế nhị) giữ gìn phẩm cách, vị thế của mình, thậm chí khéo léo “dàn dựng” được những trường hợp điển hình để tỏ bày và chứng minh đắc lực, hiệu quả cho những đức tính này của mình.
Được Trần Thánh Tông cho quyền ban tước nhưng không một lần thực thi; nhận nhiệm vụ thay Thái sư Trần Quang Khải tiếp sứ nhưng từ chối chức vụ đang mang của Quang Khải; vứt bỏ đầu bịt sắt nhọn của chiếc gậy vẫn chống khi long đong hộ giá nhà vua chạy loạn; chủ động cởi áo tắm táp cho Trần Quang Khải, thậm chí dọa chém chết con trai Trần Quốc Tảng khi ông này bóng gió tỏ ý thuận việc cướp ngôi… là một vài ví dụ cho việc Trần Hưng Đạo đã thanh cao-thanh thoát và cao siêu-“như tiên thánh’’ trong các trường hợp ứng xử, giao lưu giữa cuộc đời khi còn tại thế của mình.
Nhưng điều quan trọng là phẩm chất “siêu thoát’’ như thế này của Trần Hưng Đạo lại được xuất lộ, hiện hữu giữa và trên một nền cảnh chân thực, của một tinh thần tận trung tha thiết với sự nghiệp của triều đại, ái quốc mãnh liệt, sôi sục trong tình thế nước sôi lửa bỏng của quốc gia và đặc biệt là tấm lòng nồng nàn thương yêu trân quý các thuộc cấp, nhân dân của mình.
Những câu nói đích thực và bất hủ của Trần Hưng Đạo: “Bệ hạ muốn hàng giặc thì trước hết phải chém đầu thần đi đã!’’, “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ giận không được ăn thịt, nằm da, nuốt gan, uống máu quân thù’’… Đặc biệt là lời di huấn lúc lâm chung: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy’’-chính là ngôn từ thực về những phẩm chất đã có sẵn của một vị thánh tướng siêu việt, giữa sự nghiệp “hộ quốc tí dân’’ lừng lẫy Nhà sử học Lê Văn Lan của mình.
Trong việc sắp xếp thứ bậc tôn vinh các nhà tướng trước đây, cổ nhân thường nói tới trước tiên là các vị dũng tướng đánh giặc bằng sức lực (sức mạnh, sức khỏe). Tiếp đó là các vị trí tướng đánh giặc bằng và có mưu trí (mưu lược, trí tuệ). Sau và trên đó, hiếm hơn là các vị nhân tướng, đánh và thắng giặc bằng chữ “Nhân’’ với những phẩm chất cùng đức tính nhân văn của nhân cách con người.
Trần Hưng Đạo là nhà tướng có đủ các phẩm chất cùng cấp bậc của các hàng dũng tướng, trí tướng, nhân tướng như thế. Nhưng dồi dào và đặc sắc mà trội vượt giữa đầy đủ các phẩm chất của vừa dũng tướng, vừa trí tướng, lại cả nhân tướng, ngài đã duy nhất mà siêu việt thành thánh tướng trong lịch sử quá khứ mấy nghìn năm trường tồn của dân tộc.
Vì thế mà ngài được lịch sử và nhân dân suy tôn làm Đức Thánh Trần!
Nhà sử học LÊ VĂN LAN