(Kính viếng hương hồn các liệt sĩ của 3.000 ngôi mộ ở đây)

Ngổn ngang mây trắng trên đầu

Ba ngàn mộ trắng một mầu như mây

 

Mây trên ấy còn bay muôn thuở

Ba ngàn nay đã bỏ tay chèo

Ba ngàn mãi mãi buông neo

Ba ngàn mãi mãi nằm theo đội hình

 

Ba ngàn phận, tình ba ngàn khối

Vọng cố hương tự cuối chân giời

Ai người cha mẹ khuất rồi?

Ai người vợ góa con côi đến giờ?

 

Ai ngã lúc mịt mờ lửa đạn

Còn vùng lên trao bạn lá cờ?

Ai người lạc nước sa cơ

Mười năm thao lược, một giờ buông tay?

 

Ai đi nhẹ như mây như khói?

Ai đi sau cơn đói dài ngày?

Ai vì sốt rét về đây?

Ai vì lở đá, đổ cây giữa rừng?

 

Ai vượt thác nửa chừng cạn sức?

Ai bờ khe mép vực sa chân?

Ai người số phận xoay vần

Hùm xanh, báo trắng, voi thần đem đi?

 

Ai đã chẳng tiếc gì máu nóng

Bỏ thân mình cho sống bạn mình

Rồi đi, không ảnh không hình

Đem sinh mệnh đúc khối tình tặng nhau?

 

Những ai nghỉ cùng sâu một mộ

Biết tìm đâu cho đủ hình hài?

Chẳng sinh từ một bào thai

Ôm nhau, cốt nhục Đông-Đoài sá chi

 

Những ai kịp thầm thì trăng trối

Phút cuối cùng đứt nối lời thiêng?

Ai người lịm tắt trong đêm

Nằm im trên võng mà quên cuộc đời?

 

Ai người mười tám, đôi mươi?

Ai người tóc bạc? Ai người hoa râm?

Ai là cán? Ai là quân?

Bây giờ trắng xóa quây quần bên nhau.

 

Ngổn ngang mây trắng trên đầu

Ba ngàn mộ, trắng một mầu như mây.

----------------------------

(*) Đi tìm mộ anh trai là liệt sĩ chống Mỹ mà viết  

leftcenterrightdel
Minh họa: THÁI AN 

 

Hang động Trường Sơn(*)

Da thịt này đã khép một Trường Sơn

Nay lại đón một Trường Sơn mới mở

Hai lần làm đường-hai lần làm sử

Hai tầng Trường Sơn, ta ở giữa

Ta hóa thành hang động của Trường Sơn.

 

Hang động này từng đầy ắp tiếng bom

Từng ngậm tiếng người-nộ, hỉ, ái, ố

Ngậm thịt da như sắt như đồng

Ngậm da thịt như ngà như sữa

Ngậm sốt rét như là ngậm lửa

Ngậm rau rừng-ngậm chính thịt da ta.

Máu lấp mặt, lấy tay lau mặt

Nỗi buồn bám vào lòng, tự gỡ nỗi buồn ra

Gỡ nỗi buồn ra, ta đặt vào hang động

Hang động là ai? Hang động lại là ta!

Ta hóa thạch những nỗi buồn trong đó

Để rắn rỏi ra đường làm sử

Làm những con “đường mòn” cho chiến tranh đi qua.

 

Giang sơn thu lại rồi

Bóng giặc đã lùi xa

Rắn rỏi đã được nhận huân chương

Ta trở về hang động, với những nỗi buồn ngày xưa của ta!

Ta lấy những huân chương mà rắn rỏi được nhận, gắn lên ngực đá bạn bè

Ta khóc trước những nỗi buồn vĩ đại

Chìm dưới những con đường, dưới cả thịt da ta!

 

Và hang động cất lên tiếng nói: “Từ những nỗi buồn, lịch sử đi ra”.

----------------------

(*) Đi dọc Đại lộ Hồ Chí Minh mà viết

leftcenterrightdel
 Minh họa: THÁI AN 

 

Hang ngậm người(*)

Thời chống Mỹ, bên Đường 20, Tây Quảng Bình, có một hang đá rộng. Thường ngày, có 8 chiến sĩ thanh niên xung phong ở đó để sẵn sàng cùng mọi lực lượng giữ đường, sửa đường cho quân ta vào mặt trận. Vì thế mà hang mang tên "Hang Tám Cô".

Ngày 14-11-1972, bom Mỹ đánh sập cả một khối núi lớn, bịt chặt cửa hang! Phương tiện hiện đại không có, nổ mìn thì họ càng không thể sống! Sau 14 ngày cố gắng hết sức dưới bom đạn và chịu thêm nhiều hy sinh bên ngoài hang, để tránh những thương vong còn lớn hơn nhiều chắc chắn sẽ xảy ra, nếu tập hợp quá đông số người và phương tiện ứng cứu; để con đường ra trận không bị tắc; bất khả kháng, Bộ chỉ huy Mặt trận 559 đã buộc phải quyết định dừng việc cứu nạn! 

Tháng 3-1996, một đại đội công binh Quân khu 4, với đầy đủ phương tiện hiện đại, cùng nhiều đồng đội và thân nhân các liệt sĩ, do Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Lương Trào dẫn đầu, đã đến thắp hương rồi mở hang suốt hai tháng ròng, mới đục được một cửa nhỏ để vào hang. Lại phải đợi 14 ngày nữa, "khi trong hang không còn vọng ra tiếng kêu cứu nữa", mới có thể đưa hài cốt các liệt sĩ về mai táng tại quê nhà.

Nay tôi gọi “Hang Tám Cô” là “Hang ngậm người”!

 

Mấy mươi năm nằm trong đá núi

Mới được đưa ra nhìn mặt giời

Công binh vừa mở hang vừa khóc

Đá âm thầm, đá toát mồ hôi!

 

Bao năm hang đá ngậm người

Có ai để lại một nhời nào không?

Đâu nhời tê tái đêm đông

Đâu nhời hạ với bão giông mịt mù

Đâu nhời héo của tàn thu

Nhời xuân mưa bụi thâm u ruột rừng

Giữa đá lạnh-giữa âm cung

Nhời nào trong phút cuối cùng? Người ơi!

 

Phút cuối cùng cũng xa lắm rồi

Đã trôi hun hút về cuối giời

Trôi về hóa thạch, về xương trắng

Rạch hồng hoang, bỏng rát tên người

 

Tám cái tên đã mất hình hài

Hương nến làm sao tỏ hết nhời?

 

Tám cái tên thôi hát, thôi cười 

Hương nến làm sao tỏ hết nhời?

 

Tám cái tên vùi trong đá ngời ngời

Hương nến làm sao tỏ hết nhời?

 

Tám tiếng kêu bật ra từ đá

Hương nến làm sao tỏ hết nhời?

 

Cuộc chiến đã sau đường chân giời

Tổ quốc từ lâu không bóng giặc

Đồng đội thấy đá là cay mắt

Cùng nhau đập đá tìm người

 

Người nhìn kìa: Mây bay đầy vơi

Đưa người từ miền tây về xuôi

Qua rừng xanh thắm, đồng xanh thắm

Ta về quê mẹ, người ơi!

 

Ai hay, đá khóc như người?

---------------

(*) Đi dọc Đại lộ Hồ Chí Minh mà viết

 

Thơ bên mộ liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn(*)

(Kính viếng hương hồn anh trai thứ hai)

Ước gì anh lên đây được

Ngồi nghe em kể chuyện nhà

Ước gì anh lên đây được

Nói cười như những ngày xa

 

Cha mẹ chúng mình đã khuất

Không ai chống được tuổi già

Anh em yên bề gia thất

Mình anh nhân ảnh nhạt nhòa

 

Đồng làng giờ ba bốn vụ

Cơm làng thôi độn khoai ngô

Thế mà ngày anh đánh giặc

Lội rừng, lấy sắn làm no

 

Giờ vải lụa đâu nhiều quá

Làng mình thưa tiếng thoi đưa

Né kén nong tằm cũng ít

Làm nhiều, hàng bán ai mua?

 

Sông Đáy trước nhà vẫn thế

Mùa này nước màu xanh lơ

Cá tôm càng ngày càng hiếm

Ít ai cất vó đặt lờ

 

Mỗi bận về sông thấy cát

Em thường nhớ anh ngày xưa

Cao lớn, lông mày lưỡi mác

Sải tay bơi giữa hai bờ

 

Anh của em là thế đấy

Chỉ thích những con sông đầy

Để lao mình vào nước xiết

Thách cả giời cao đất dầy

 

Bây giờ giời cao đã thắng

Vùi anh vào lòng cao nguyên

Bây giờ đất dày ba thước

Làm sao đưa được anh lên?

 

Bây giờ em ngồi bên mộ

Dưới lòng đất đỏ là anh

Trên giời, mây bông trắng nõn

Nhởn nhơ trông rất hiền lành

 

Thế mà lòng giời thuở ấy

Còn sâu hơn ngàn vực sâu

Ngày nào cũng đầy khói lửa

Đêm nào cũng đầy hỏa châu

 

Từ nay em không tin nữa

Rằng lượng giời rộng vô cùng

Giời mang bao người rất trẻ

Về nơi vô thủy vô chung

 

Vẫn biết vào cơn gió bụi

Xưa nay mấy kẻ trở về

Vẫn biết các nhà liệt sĩ

Đều vì lẽ sống mà đi

 

Nhưng trước nấm mồ ruột thịt

Em như người đứt cánh tay

Xin liệm thêm vào dưới ấy

Của em, lời xót thương này!

-------------

(*) Đi tìm mộ anh trai là liệt sĩ chống Mỹ mà viết