Từ hộp thư của người lính biển

(Kính tặng cán bộ, chiến sĩ hải quân Lữ đoàn 170)

 

Chia tay

những người lính biển trao tôi mảnh giấy

vẻn vẹn dòng ngắn ngủi:

“Hộp thư 6KE-292”

 

Địa chỉ nhà binh gợi nhớ một thời

nửa dân tộc khoác ba lô ra trận

nửa ở lại mấy mươi năm trắng tóc

những hộp thư đưa thoi dệt khát vọng bình yên.

 

Tưởng đã chìm trong vô vàn nhớ quên

thời sóng điện thoại nhiều hơn sóng biển

vậy mà giữa lòng tay tôi

dòng chữ nhỏ nhoi

bỗng dào lên bao nhiêu là thương mến

 

Soi vào địa chỉ các anh

gặp trùng trùng xanh

dịu dàng sóng hát

quân cảng chiều rộn rã sức trai

những con tàu gối đầu lên ngực vịnh

nắng tinh khôi

những cánh trắng tinh khôi.

 

Gặp bước chân rầm rập sang ngày

mùa huấn luyện, tàu khác gì chảo lửa?

Nếu mồ hôi không tan vào nắng gió,

làm mặn thêm biển khơi,

chắc đầy ắp khoang tàu!

Bát cơm chuyền tay, ca nước ngọt chia nhau

khoang tàu chật nên vui buồn nén lại

hầm tàu nóng mà khát khao cháy mãi

hải đội là nhà, thương nhớ chẳng của riêng.

 

Soi vào hộp thư

thấy ngày không bình yên

khi thời cuộc như bàn cờ thế

những tham vọng, mưu mô nhân danh tình nghĩa

muốn nuốt chửng cả chân trời

Là lính, không thể nào khác được

mỗi con sóng cũng là Tổ quốc

mỗi đảo đá từng in dấu chân người đi trước

có các anh gìn giữ đêm ngày.

 

Là lính, nghĩa là con của đất

giữa biển khơi, lòng vẫn đất liền

soi vào hộp thư tôi gặp những nụ cười

mát lành châu thổ

gặp cả ánh mắt người chỉ huy năm nào

góp máu tim mình cho sóng về đất mẹ

đồng đội giữ linh hồn anh ở lại

mỗi chuyến ra khơi, có tiếng anh dõng dạc điểm binh.

hoa sóng đêm đêm vẫn hát tên người đã hóa muôn trùng

Và tôi hiểu vì sao

biển lại thiêng liêng đến từng giọt nước.

 

Đêm nay giữa phố phường

nghe sóng dội từ muôn dòng chảy đời thường

tôi nghĩ về những người mang hộp thư

và những con tàu chưa bao giờ ngủ

Nếu một ngày sự yên bình của xứ sở này có thể không còn

thì họ, những người mang hộp thư,

cùng những con tàu

lại hành quân ra trận

như năm xưa “ra đi ra đi bảo tồn sông núi”

đem bình yên về cho mặt trời lên.

 

Hộp thư nhỏ nhoi như trái tim

đập kiêu hãnh nơi đầu ngọn sóng

những trái tim cho tôi tin cuộc đời còn khát vọng

như tin biển trời mãi là trong sáng

muôn đời trên đất nước tôi.

--------------

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

 

Một sáng Đồng Văn

 

Vừa mới sáng đã gặp em góc chợ

Hẳn em đi khi lá rừng còn ngủ

Bó củi to trùm lên lưng nhỏ

Từ bản nào xuống vậy, bé ơi?

 

Mưa Đồng Văn, đá cũng sũng nước rồi

Có chiếc ô, em che lên củi

Củi ướt ai mua. Làm sao đem về núi?

Mưa vô tình lây ướt cả sang tôi.

 

Phiên chợ ngày mưa thưa thớt bóng người

Em cõng củi dầm chân đứng đó,

Tôi khoác túi bồn chồn về phố

Có vệt khói dài lặng lẽ theo sau.

---------------

 

Thơ về nhà mình

(Tác phẩm trong chương trình địa phương Thái Nguyên)

 

Nhà mình chỗ nào cũng chật
Mùa đông giá rét đỡ lo
Nhà mình thứ gì cũng nhỏ
Chỉ những tiếng cười là to

Nhà mình tiền luôn rỗng túi
Nợ vay đâu chỉ áo cơm
Lòng tốt bao người đem tặng
Làm của để đời cho con

Nhà mình nhiều chuyện buồn lắm
Các con là cả nguồn vui
Vũ trụ nhà mình bé nhỏ
Mà sáng những hai mặt trời

Nhà mình cái gì cũng khuyết
Chỉ niềm hy vọng tròn đầy
Mẹ cha dù là khuất núi
Con không bao giờ trắng tay.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHÙNG MINH

 

Gửi đầu nguồn

 

Bơi trong dòng đời, không sao dứt được

Tháng Chạp

Bỗng thèm được một ngày mắc lại

Để lội ngược sông Cầu về phía nước còn trong

 

Để ngắm hoa mận xòe lời chào trắng muốt

Những nương cải đổ nắng sườn non

Nhịp ngựa thồ gõ rộn sớm mai 

Bếp "cống phù" lập lòe dốc đêm thơm nức

 

Để được chạm tay vào thành cầu cũ

Nghe sỏi thầm thì kể chuyện dưới lòng sâu

Ngắm triền ngô nắng gió bao mùa

Vẫn nhưng nhức đợi người xa xứ

 

Câu "Nàng ới" đang phiêu dạt chốn nào

Có theo tay nải ai về chợ phiên hai tám?

Bánh khảo bọc giấy điều có còn thơm nếp nương?

Bạn còn cặm cụi hong lạp xường đợi tôi về ăn Tết?

 

Rùng rình những chuyến xe lên ngược

Cho tôi gửi câu thơ

                  góp nhành xanh nhỏ với đại ngàn

Đầu nguồn ơi, xin mãi là trong trẻo

Để tôi còn chốn ước ao.

-------------

 

Một chuyến xe khách

 

Họ có mười chín người

những đồng hương không quen biết của tôi

 

những thanh niên măng tơ

                  vừa lên xe là xin túi chống say

những trung niên

                  nhựa chè đen kịt móng tay

rổn rảng nói cười.

 

Họ nói với tôi về chuyến bay đầu tiên trong đời

về giấc ngủ đêm mai ở một vùng sa mạc

nơi đồng đô la chảy thành dòng lên mặt đất

nơi những giọt mồ hôi không kịp lăn xuống cát

nhìn cánh đồng óng vàng

                  vùn vụt trôi ngoài cửa xe

họ bảo: Từ mai không phải cầm liềm hái

dẫu sớm nay có người

                  vừa gặt xong sào lúa mới đi.

 

Mười chín người đàn ông

chăm chắm một hướng nhìn phía trước

chỉ những sợi tóc bay theo ý nghĩ

về bản làng đang lùi mãi xa

nơi những rừng cọ, đồi chè

những “truyền thống”, “tiềm năng”

không níu được chân người ở lại.

 

Ôi, quê tôi

mỗi ngày bao nhiêu chuyến xe đưa người?

bao nhiêu người đàn ông hăm hở vận may

                  bán mồ hôi xứ dầu?

bao nhiêu người đàn bà gửi lại con mình,

                  vượt trùng khơi nuôi con thiên hạ?

bao nhiêu người già ngồi hóa thạch đầu sàn?

bao nhiêu bé lớp một đến trường

                  không cha đưa mẹ đón?

Mai này

hết thảy trẻ con làng đều trở thành kỹ sư, bác sĩ

dân quê tôi giàu như dân Âu, Mỹ

Có ai dựng tượng đài

cho cả giọt mồ hôi người xa xứ hôm nay?

           Thái Nguyên, 2007

-------------