Bút danh: VIVI, VILI; sinh ngày 4-4-1980, tại Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam; hội viên Hội Văn học nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (nhiệm kỳ 2018-2021).
Tác phẩm chính gồm thơ: “Khát” (1999); “Linh” (2000). Hai tập này tái bản 2007; “Đồng Tử” (song ngữ Việt-Pháp, 2005, tái bản 2006); “ViLi in love” (song ngữ Việt-Anh, 2008); “Phim đôi-Tình tự chậm” (2010); “ViLi và Paris” (2012). Văn xuôi: “ViLi tùy bút” (2012); “Hộ chiếu tâm hồn” (2014). Từng tham dự Liên hoan thơ quốc tế tại Pháp; trình diễn thơ tại châu Âu, tour Pháp (Paris-Lyon-Toulouse), Bỉ, Czech, Ba Lan. Thơ được dịch và in tại Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc.
    |
 |
Vi Thùy Linh. Ảnh: ĐỖ THU TRANG |
Thời thanh xuân, Vi Thùy Linh nổi tiếng với những bài thơ về tình yêu đôi lứa. Hiện nay, chị viết nhiều đề tài trong cả thơ và tùy bút. Con là nguồn cảm hứng, đề tài gần đây của chị, không chỉ thể hiện tình mẫu tử mà còn truyền tải, khuếch tán những thông điệp về bảo vệ môi trường thiên nhiên, trái đất, những âu lo và mong ước về tương lai, trong yêu thương giữa đồng loại với nhau và với muôn loài. Vi Thùy Linh coi nghệ thuật là ý nghĩa cuộc sống. Chị bộc bạch: “Làm thơ với tôi bây giờ thật khó khăn, khó không ở việc làm ra thơ, mà tác phẩm ấy phải khác trước và gây ấn tượng lâu bền. Sáng tạo nhất thiết phải tìm ra cái mới, khác và phải là mình”... Là cây bút luôn trân trọng người lính, nhà thơ Vi Thùy Linh gửi tặng bạn đọc Báo QĐND Cuối tuần chùm thơ mới nhất.
|
Tưởng tượng Thu 2020
Mẹ đã mua 2 đầu lân đẹp từ mùa Xuân
Ngay hôm biết con thích xem múa lân, sư tử
Hai chị em thực nghiệm ngay khi quà giao đến,
không gì phải để dành như
hồi mẹ bé
Bưởi, nhãn bán rộ từ tháng 6
Tháng 9 con gái vào lớp 1
Vấn vương tháng Tám lịch trăng
Chị Hằng ơi, thị vàng trốn nơi đâu?
Trăng năm nay không thanh thản sáng
Trung Thu 2020 vơi nhiều đoàn rước đèn, gõ trống
Mẹ nhớ kỹ những mùa Thu thuở ấu
Chuyển hóa bằng lời kể, cố gắng hiện thực một đêm
rằm trong mơ
Được sống lại hồi ức, là giấc mơ
“Thì quá khứ” không quy định thời gian xác thực
Mấy thập kỷ trở lên đã gọi “ngày xưa”, “thuở trước”
Ước gì trẻ con bây giờ được hồn nhiên cười, học chơi
đúng tuổi; người lớn
bớt mưu toan, giảm vô cảm, đa nghi
Tưởng tượng hương thị nhuộm quá tay, phủ sáng
cả Thu vàng...
9-2020
------
Màu sống
(Kính tặng Thiếu tướng, PGS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175)
Trong bảng màu của tự nhiên hay hội họa
Ai cũng có quyền chọn, thích một loại hoặc nhiều màu
Mỗi màu lại nhiều sắc độ
Trắng tổng hòa mọi màu tồn tại
Xanh-màu cây, sự sống
Anh chọn màu Xanh trong Trắng(1)
Khoác blouse bác sĩ quân nhân
Nguyễn Hồng Sơn, lớn lên tại Hải Phòng “Việt Nam thu nhỏ”(2)
Phải là biển ấy, đất Cảng anh hùng bao triều đại
Mới hun đúc một lý tưởng xả thân
Chuyến đi xa đầu tiên, xung phong nhập ngũ, lên biên giới Cao Bằng
Định mệnh đứa con của biển
Anh hướng ra hải đảo tiền tiêu
Trang bị máy thở, xây dựng Trung tâm Y tế Trường Sa đảo xanh sức sống,
Biển mùa mùa bạc sóng
Người thầy thuốc nhân dân bạc tóc sau nhiều đêm trắng giành sự sống cứu
những sinh linh
Từng khoảng trống hiếm hoi của thời lượng sống quên mình
Anh viết nhạc, sống tâm hồn nghệ sĩ
Sự lãng mạn chỉ dành sau cuối như chức danh “Nhạc sĩ”
Người chiến sĩ-bác sĩ khi chơi trống trẻ lại tuổi 20
Những nhịp trống từ anh là nhịp tim rực lửa
Chất chứa tình yêu kiêu hãnh với đất nước thăng trầm
Dào dạt thương yêu từng phận người bé nhỏ
Bàn tay bế em bé ra đời trên đảo Trường Sa bằng chỉ đạo mổ trực tuyến
Bàn tay khám chữa người bị thương tại Nam Sudan, nơi bệnh viện dã chiến
Bàn tay lướt phím tài hoa, trang phục trắng bên dương cầm trắng
Giữa Bệnh viện 175-một chiến tuyến chống Covid nơi phương Nam ngập
nắng
Sau những chuyến xông pha, anh không bao giờ nói về mình
Cuộc song tấu của hiến dâng
Xanh trong Trắng thiên thần
Chỉ bởi nơi anh
Mỗi hồng cầu, nơ ron thôi thúc:
“Việt Nam ơi! Căng ngực hát tên Người!”
9-2020
--------------------------
(1). Hai đêm nhạc tác giả Xanh trong Trắng năm 2017 vào tối 2-12 tại Nhà hát Quân đội TP Hồ Chí Minh và 10-12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội được nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn dành toàn bộ tiền bán vé, album nhạc để xây dựng Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa sau 5 năm tâm huyết.
(2). Thơ Văn Cao: “Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại”
(3). Câu hát trong ca khúc “Tháng năm rực rỡ” sáng tác tháng 5-2020 của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn dành tặng Chính phủ, đồng đội, đồng nghiệp nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Covid-19.
------
Buổi học đầu tiên
Không nhắc nữa, những hồi hộp lo âu
Trong háo hức đến ngày con lớp 1
(Dù không phải tâm trạng phổ thông luân lưu nỗi lòng cha mẹ
Bởi đại dịch hoành hành thách thức hành tinh)
Giờ mới thấm khát vọng “mùa bình thường” của Văn Cao(1)
Thu, mùa khai giảng, tựu trường, là mùa đầu của hành trình học
Mẹ mặc áo mưa đỏ, đội cho con mũ bảo hiểm đỏ
Xe máy đỏ lăn vòng quay niềm tin
Xuất phát giữa cơn mưa lớn, con ngồi phía trước, nhìn đường
qua màn ni lông
trong suốt
Thì đấy, may mắn các trò nhỏ Thủ đô đã được hân hoan dự lễ
khai giảng đúng
ngày nắng đẹp, cô hiệu trưởng nói lời
chào mừng học sinh khối 1
Ngày học đầu tiên, vào thứ hai
Tất cả trùng hợp mở đầu cho mốc khởi hành
Mẹ nắm tay con bước nhanh hành lang gió
Con cười hồn nhiên, mắt sáng long lanh bẽn lẽn áo trắng
đồng phục hòa
vào lớp
Mẹ ra về lúc hồi chuông và lời nhắc: Đến nghi thức đầu tuần
Lễ chào cờ đầu tiên của con: Học sinh toàn trường trong lớp,
đại diện thầy cô
ở khu sân khấu
Mẹ đứng cuối sân, dưới lối đi vòm hoa thực hiện nghi lễ thay con
Băng bật lên, bản Quốc ca hùng thiêng, mỗi câu nhạc xuyên mưa
làm sáng
dần từng tầng mây xám
Mẹ hát hộ con, lời Quốc ca Đội ca con chưa được biết
Bài ca thiêng của mỗi người yêu nước
Khi mẹ soạn sách giáo khoa cho con lúc 5 giờ sáng
Thời khóa biểu xếp tiết học đầu tiên “Tiếng Việt”
Mẹ mỉm cười: “Ước mơ đời tôi!”
Mẹ mê đọc, ham học cả đời
Đưa-đón, dạy con học cùng con, là niềm vui sống lại thời đi học
Mẹ gửi ước mơ vào con, từ lúc hát ru, thầm thì kể chuyện
Xu thế thời đại, buộc phải giỏi tiếng Anh để ra thế giới
Nhưng với con-thế hệ công dân toàn cầu
Hãy hằng nhớ: Mẹ, khởi đầu và đích trở về, yêu mẹ trong tình yêu
tiếng mẹ.
Hiểu cho mẹ nhé, vì là con thi sĩ
Kiếp này mẹ chỉ có một lý tưởng: Sáng tạo bằng quốc ngữ Việt Nam!
7-9-2020
--------------------------
(1) Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao viết cuối năm 1975 có câu hát: “Mùa bình thường mùa vui nay đã về”
-------
Quà của mùa thu
Dễ gặp hoa, quả trái mùa quanh năm
Duy chỉ Thu có thị
Chưa một lần được đứng bên cây gọi: “Thị ơi!”
Vẫn nhớ lời bà từ cổ tích
Thèm, đói gì mà nỡ ăn quả vàng thơm nức
Để nguyên, đến héo còn hương
Trước Trung thu 5 tuần
Mua đầy rổ 50 túi thị xanh có cuống, lá cành
Mua cho thỏa nhiều năm không gặp thị
Mua không phải để mong cô Tấm hiện ra, đỡ đần dọn dẹp
Mua để quả chín dần, chờ bà về thưởng thụ
Nâng quả lên, khép mắt, hít sâu...
Bà hiện ra, bàn tay ấm, bà chẳng đi đâu
Bà vẫn về trong chiêm bao che chở
Đâu thể lẫn mùi, dù phố nhỏ, hoa sữa tạt vào nhịp thở...
Mùa Thu đã căng khung vải mới
Vẽ lên nào, màu thị chín gọi trăng
Không nhất thiết phải vẽ người trong tranh
Gió thổi chậm ôm hương vào gương nhớ...
9-2020