QĐND - Gần hai mươi năm trước, Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân, bấy giờ là Phó tư lệnh về chính trị Quân khu Thủ đô-nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội-có kể cho tôi nghe về một kỷ niệm đời lính của ông hồi “đi Bê” đánh Mỹ, qua vùng quê tôi, một vùng quê miền Trung nghèo khó “nổi tiếng” với giai thoại “đã ăn cơm bữa diếp” (đã ăn cơm hôm kia), sau này lại thêm câu hát chế “tôi nghe trong nớ ăn cơm là chuyện lạ…”.

Ông Trịnh Thanh Vân kể rằng, trưa hôm đó, đơn vị ông dừng chân nghỉ ngơi trong một ngôi làng ở vùng quê tôi, đợi đến đêm lại tiếp tục hành quân vào Nam. Tiểu đội ông được xã đội phân công về nghỉ trong ngôi nhà chỉ có hai ông bà già và người con dâu đang có chửa. Nghe nói chồng chị cũng đang ở chiến trường. Hành quân mang vác suốt mấy ngày đêm, nên đặt ba lô xuống là lính ta lăn ra ngủ. Riêng Tiểu đội trưởng Trịnh Thanh Vân thì cứ chập chờn lơ mơ vì bao công việc đang chờ phía trước. Chợt có tiếng sột soạt phía đống ba lô của anh em đặt ở góc nhà. Trịnh Thanh Vân hé mắt nhìn sang thì thấy chị chủ nhà đang xúc trộm gạo của anh em. Cứ mỗi bao gạo chị chỉ xúc lưng ống bơ rồi buộc lại rất cẩn thận đặt vào chỗ cũ. Vừa làm chị vừa liếc mắt canh chừng về phía các chú bộ đội. Chợt ánh mắt của chị bắt gặp cái nhìn he hé của ông. Một thoáng bối rối, ngượng ngùng… rồi chị hốt hoảng ù té chạy ra ngõ. Tiểu đội trưởng Trịnh Thanh Vân trở dậy kiểm tra mọi thứ thấy đều ổn, liền quyết định im lặng coi như không có chuyện gì xảy ra…

Sẩm tối hôm đó, đơn vị sắp hành quân mà chị chủ nhà vẫn chưa về. Hai ông bà già thì bồn chồn lo lắng vì cô con dâu bụng mang dạ chửa đi đâu từ trưa đến giờ... Sợ rằng có sự chẳng lành, tiểu đội trưởng liền kể sự tình với anh em và cử một tổ cùng ông đi tìm… Sau một hồi “cắt phương vị” sục sạo đúng bài bản lính trinh sát, mọi người bắt gặp chị đang ngồi khóc bên bờ suối. Thấy các ông đến, chị sụp xuống vái lia lịa: Xin cắn rơm cắn cỏ lạy các anh. Tui chỉ xin mỗi anh một nắm để nay mai nấu cháo cho cháu bé. Tháng sau tui sinh rồi mà nhà không còn một hột gạo… Ông Vân chạy tới đỡ chị đứng dậy, ân cần: Chị ơi, chúng tôi là đồng đội của bố cháu mà! Xin chị yên tâm. Chúng tôi hứa sẽ giữ kín chuyện này…

Trịnh Thanh Vân và đồng đội đã giữ kín chuyện ấy đến mấy chục năm sau chiến tranh. Nhưng rồi chỉ vì tâm nguyện muốn được gặp lại người đàn bà tội nghiệp ấy, muốn biết sau đó chị sinh nở có mẹ tròn con vuông không, cháu bé là gái hay trai, bố cháu có may mắn được trở về như các ông hay không… nên lần ấy ông đã “thất hứa” kể lại câu chuyện với tôi. Kể rồi, ông cứ thắc thỏm nhắc tôi không được viết chuyện này lên báo. Tôi đã hứa và thực hiện lời hứa với ông Vân gần 20 năm qua. Nhưng mấy bữa nay, không hiểu sao câu chuyện cứ "thức dậy" trong tôi. Và rồi cũng như Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân, chỉ vì muốn chia sẻ một ý tưởng nhân văn mà tôi đã kể lại câu chuyện trên đây với nhà thơ Trần Đăng Khoa, tác giả “hạt gạo làng ta” nổi tiếng ngót nửa thế kỷ nay. Không ngờ Trần Đăng Khoa hào hứng khích lệ: Chuyện này ông rất nên viết, mà không, phải viết, nhất định ông phải viết! Viết để thấy sự hy sinh của dân tộc ta thăm thẳm biết dường nào; để thấy cái giá của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất nó xót xa và nhân bản vô cùng… Viết đi ông ạ!

Tôi quen biết nhà thơ “Hạt gạo làng ta” từ năm 1983, khi cả hai chúng tôi cùng được về Đoàn 871 ở Cầu Chui-Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, để ôn thi vào đại học. Hồi đó, Trần Đăng Khoa đã là nhà thơ tiếng tăm lẫy lừng, vậy nhưng lúc nào anh cũng nhất nhất xưng mình là gã nhà quê “nông dân một cục”. Kể ra thì dáng vẻ của nhà thơ thần đồng quả cũng đúng như thế thật! Tôi văn thơ thì chẳng dám sánh, nhưng riêng cái khoản “nông dân một cục” thì cũng chẳng kém gì Trần Đăng Khoa. Có lẽ nhờ vậy mà cũng được anh coi như bạn. Và tất nhiên những dịp được ngồi cùng nhau, tâm đầu ý hợp nhất vẫn là những chuyện nhà quê. Lần này cũng vậy, nhân câu chuyện của Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân mà tôi vừa kể lại trên đây, cả hai chúng tôi lại say sưa nói về “hạt gạo làng ta”…

Trẩy hội giữa mùa vàng. Ảnh: ST

Vâng, hạt gạo là cái ăn của dân ta có từ thuở hồng hoang với sự tích bánh chưng bánh giầy, vậy mà cho đến thời đại kỹ thuật số tân tiến đến kinh ngạc như ngày nay, “hạt gạo làng ta” vẫn luôn luôn gắn với sự lam lũ nhọc nhằn của người nông dân hai sương một nắng. Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần… Dân ta vắt kiệt mồ hôi, nước mắt cũng chưa chắc đã có được bát cơm đầy. Bởi tất cả còn phụ thuộc… ông giời! Lạy giời mưa xuống / Lấy nước tôi uống / Lấy ruộng tôi cày / Lấy đầy bát cơm… Mơ ước muôn đời của người dân đơn giản chỉ có thế. Người nông dân làm ra hạt gạo mà quanh năm vẫn đói. Cái đói hành hạ đời này sang đời khác, ám ảnh cả trong văn chương, báo chí với những tác phẩm đặc sắc của Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng… Cụ Ngô Tất Tố, trong phóng sự nổi tiếng “Việc làng”, có viết về một ông già ở quê, vào những năm đói kém, đã chế ra các món ăn bằng... đất sét. Cụ xoay thành bao món cho lạ miệng, toàn những sơn hào hải vị cả, nhưng nguyên liệu chính cũng vẫn là... đất! Ăn mãi cũng không no, mà chỉ thấy nặng bụng. Đây là một chi tiết không thể bịa được. Con người ta khi đói đã đến bước khốn cùng, phải ăn đến cả đất nữa thì khiếp quá!

Đói vì tối tăm lạc hậu, vì bị thực dân và phong kiến đè đầu cưỡi cổ. Đói vì chiến tranh, vì thiên tai, vì bị bao vây cấm vận… và đói vì tự ta trói mình trong cơ chế trì trệ, ấu trĩ. Không chỉ miền quê gió Lào cát trắng của tôi “ăn cơm bữa diếp”, Trần Đăng Khoa kể rằng, ở quê anh, một vùng quê màu mỡ của châu thổ sông Hồng, thế mà tuổi học trò của anh cũng một hạt cơm cõng đến mấy lát sắn, lát khoai. Nhiều nhà khoai sắn cũng chẳng có, phải lấy gốc rau muống già băm nhỏ, phơi khô, nấu trộn với cơm. Nhai miếng cơm loại ấy như nhai chão rách. Lại nhắc chuyện những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, thế hệ tân binh như chúng tôi tuy đã được ăn no, nhưng là no… hạt bo bo. Dẫu cánh hậu cần đã kỳ công xay xát, chế biến đủ trò, nhưng hạt bo bo sau một vòng chu du trong ruột non ruột già của những thằng trai đang tuổi ăn tuổi lớn, cuối cùng trở về với tự nhiên vẫn là… hạt bo bo nguyên vẹn. Vậy cho nên ngày ấy, chúng tôi đứa nào cũng thèm cơm quay quắt, chỉ ao ước được một bữa cơm tuyền gạo…

Ấy là chuyện của “đêm trước thời Đổi mới”. Bây giờ thì dân ta không chỉ đã đủ gạo ăn mà còn được ăn no và nhiều nhà đã được ăn ngon. Nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới. Đó quả là một kỳ công, kỳ tích của đường lối Đổi mới! Nhưng mà, công việc làm ra hạt gạo của dân ta vẫn còn vất vả, bấp bênh lắm. Nghề trồng lúa là nghề phụ thuộc thiên nhiên, thời tiết. Mà thiên nhiên, thời tiết xứ ta lại đầy bất trắc. Mưa nắng đều dữ tợn. Bởi thế mà trong "Hạt gạo làng ta" vẫn còn có cả bão tháng Bảymưa tháng Ba. Có khi lúa đã chín vàng đồng, tưởng bội thu rồi, thế mà chỉ sau một đêm mưa lớn, cả vựa lúa chìm dưới nước trắng. Sau vài ngày, thóc nảy mầm và thối ủng... Bát cơm đã đưa lên miệng, ông giời lại hất đi, nghĩ có cực không?

Cùng với sự rình rập đe dọa của thiên nhiên là trình độ sản xuất thấp kém của một nền tiểu nông lạc hậu. Cho nên, chi phí làm ra hạt gạo thì rất cao mà năng suất cứ lẹt đẹt và chất lượng thì thua kém gạo của nhiều nước. Do vậy, hạt gạo Việt Nam khó cạnh tranh về giá cả và thị trường. Thì đấy, năm 2012, nước ta vươn lên đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu gạo, năm sau tụt xuống thứ hai và sang năm 2014 vừa rồi đã tụt xuống thứ ba, sau Thái Lan và Ấn Độ. Về giá cả thì một cân gạo Thái Lan đắt gấp rưỡi gạo ta, thế mà thiên hạ vẫn chọn gạo đắt ấy, vì đắt nhưng “xắt ra miếng” thơm ngon. Năm 2014, lần đầu tiên hạt gạo Việt Nam được lưu hành trên thị trường nước Mỹ. Ai cũng mừng, vậy nhưng rốt cuộc thì đa số bà con Việt kiều bên đó vẫn xài gạo Thái Lan, mặc dù một cân gạo Thái đắt hơn gạo ta từ 10 đến 45 đô-la. Chẳng cứ gì ở xứ người, hiện nay, nhiều gia đình khá giả trong nước cũng chỉ dùng gạo Thái. Nghĩa là hạt gạo Việt Nam đang thua cả trên… sân nhà!

Tôi hỏi Trần Đăng Khoa: Làm thế nào để xây dựng thương hiệu lớn cho gạo Việt Nam? Để hạt gạo Việt Nam ngẩng cao đầu trên thị trường quốc tế? Tác giả "Hạt gạo làng ta" khẳng định rằng, chuyện ấy thì chắc chắn người nông dân không thể tự làm được, mà cần có sự chung tay của các nhà khoa học về giống và kỹ thuật, của các doanh nghiệp về thị trường và giá cả, của các ngân hàng trong cung cấp vốn tín dụng ưu đãi v.v.. Điều ấy thì các nghị quyết của Đảng ta về nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng đã chỉ rõ từ lâu. Vấn đề "tam nông"-theo cách nói tắt hiện nay-là vấn đề được Đảng ta quan tâm và coi trọng trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước. Bởi lẽ, điểm xuất phát của Việt Nam đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân là lực lượng đông đảo, chiếm đa số trong xã hội. Bước vào thời kỳ Đổi mới, sự đột phá về chính sách của Đảng cũng được khởi đầu thực hiện ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nhà nước ta cũng hết sức quan tâm chiến lược bảo đảm an ninh lương thực và gần đây đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Nhưng trong triển khai thực hiện ở các cấp thì vẫn còn thiếu các cơ chế hợp lý để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Trước đây, “khoán 10” đã cởi trói cho nông nghiệp và nông dân và nhờ vậy mà chúng ta đã lập nên kỳ tích về sản lượng thóc gạo. Ngày nay, có lẽ cũng cần có một chính sách “cởi trói” tương tự như thế dành cho các nhà khoa học và các doanh nghiệp hữu quan lúa gạo; để tạo nên bước đột phá mới về chất lượng lúa gạo và đời sống của nông dân, nông thôn. Có như vậy thì nền nông nghiệp nước nhà mới phát triển bền vững.

Lâu nay, chúng ta vẫn xem yếu tố tài nguyên đất đai, lao động nhiều và giá nhân công rẻ… là những lợi thế của sản xuất nông nghiệp. Nhưng thực tiễn đã cho thấy, nếu không nâng cao yếu tố tri thức trong sản xuất và quản lý sản xuất-kinh doanh thì việc xuất khẩu nhiều gạo cũng chỉ đồng nghĩa với xuất khẩu nhiều mồ hôi và công sức của người nông dân mà thôi. Muốn đất nước trở nên giàu có thì phải có tài nguyên, khoáng sản. Mà tài nguyên đắt giá nhất là trí tuệ. Chừng nào Việt Nam xuất khẩu được trí tuệ thì khi ấy chúng ta mới thật sự “cất cánh”. Bởi một sản phẩm công nghệ, chỉ mong manh vài lạng, nhưng lại “nặng” hơn cả chục tấn lúa gạo của nông dân. Thế nhưng, trong lúc lật mình vươn dậy, chúng ta vẫn phải trông vào hạt gạo! Cả sau này nữa, cho dù chúng ta có bay giữa trăng sao thì cũng vẫn cứ phải sống bằng hạt gạo… Và để đất nước có thể giàu lên bằng lúa gạo, thì chúng ta phải đầu tư trí tuệ cho hạt gạo, biến hạt gạo Việt Nam thành hạt gạo trí tuệ, hạt gạo thông minh. Chẳng hạn như ăn gạo Việt Nam thì sẽ không còn bị mỡ máu, không bị béo phì, không bị “gút”… là những căn bệnh mà cả thế giới đều hoảng sợ. Nếu có được hạt gạo như thế, chúng ta mới thực sự thoát khỏi đói nghèo. Lúc ấy, hạt gạo Việt Nam sẽ đắt hơn bất cứ sản phẩm công nghệ tân tiến nào. Mà trong công cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay, niềm mơ ước đó không còn là chuyện viển vông…

Nhưng mà… chúng ta đã đi hơi quá, lạc vào vĩ mô rồi đấy nhà thơ "Hạt gạo làng ta" ạ. Trở lại với câu chuyện của vị tướng vừa kể trên đây nhé! Bỗng dưng, tôi cũng có một tâm nguyện như vị tướng ấy: Được gặp lại người mẹ tội nghiệp năm nào… Chao ôi, để có được độc lập, tự do, cơm no, áo ấm như hôm nay, còn có biết bao sự hy sinh không sao kể xiết! Có những sự hy sinh không thể gọi thành tên. Có những sự hy sinh không chỉ là đau thương, mất mát…

Bút ký của MAI NAM THẮNG