Tác phẩm đã được đưa vào chương trình Ngữ văn phổ thông lớp 9, tập hai. Tác phẩm văn học chịu được sự thử thách của thời gian, là sự đánh giá chính xác nhất về chất lượng nội dung và nghệ thuật. Cuộc trò chuyện nghề nghiệp giữa nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng và tác giả “Sang thu” cũng diễn ra vào... mùa thu.
Sang thu
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi...
HỮU THỈNH
|
Trao đổi về hoàn cảnh ra đời cũng như tâm thế tác giả và “bối cảnh” lúc viết “Sang thu”, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết:
- Tôi nhớ như in, đó là một buổi chiều êm ả, thanh khiết của một vùng ngoại ô yên tĩnh. Khu vườn rộng toàn ổi là ổi. Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn “tại sao lại là ổi”? Tôi mạnh bạo trèo lên một cây ổi to mà tôi gọi vui là cây ổi “đứng tuổi” và những câu thơ tự nhiên bật ra khi mình vẫn còn chưa kịp tiếp đất. Tôi có thói quen làm thơ sẵn trong đầu rồi chờ cơ hội ghi ra giấy, chứ không phải cái cách lúc nào có hứng thì tìm giấy bút ra để tìm chữ. Không cứ là thơ ngắn, mà cả trường ca, tôi cũng cứ viết theo lối đó.
Hôm ấy, ngồi trên cây ổi to giữa một vườn ổi xum xuê, ngạt ngào hương thơm quyến rũ, tôi chợt nghĩ: Thiên nhiên thì đã vượt lên trên đầu chúng ta rất cao, rất rộng, rất xa. Sao mà ta thì vẫn cứ loay hoay, lo toan sống? Làm thế nào để vượt qua vòng sinh tồn tục lụy này? Có một cái gì đấy như là sách Phật dạy ta sống. Còn nhớ năm 1975, tôi có mặt ở Huế, một hôm bỗng nghe đồng loạt, dào dạt, ngân nga tiếng chuông ngân rung từ mấy trăm ngôi chùa rêu phong, cổ kính của vùng cố đô. Hai mươi năm sau tôi mới viết được một câu thơ “Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng”. Tôi nói rộng ra như thế không phải như học sinh đi thi “lạc đề” đâu nhé!
* Tôi hiểu, nhà thơ đang nói bằng sự run bật cảm xúc của thơ. Đã có nhiều lời bình về bài thơ “Sang thu”, nhưng tôi có cảm giác chưa ai bóc hết hàm nghĩa các lớp vỏ ngôn từ thơ?
- Đúng như thế! Sau này người đọc, các nhà phê bình, các thầy, cô giáo dạy văn cho rằng bài thơ có “cấu tứ” hay. Nhân đây tôi phải nói rõ hơn cái gì đã thôi thúc tôi viết bài thơ “Sang thu”, mà tôi coi là một thành công và là một trong hai bài thơ tôi thích nhất trong gia tài thơ của mình: “Phan Thiết có anh tôi” và “Sang thu”.
* Khi bình câu thơ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu, đa số cho rằng đó là câu thơ hay tả sự chuyển mình của tự nhiên. Tôi thì cho rằng: Đây là một câu thơ vừa “động” vừa “tĩnh”, rất nhiều ẩn ý-không chỉ nói về sự chuyển mình của tự nhiên mà còn là sự chuyển động âm thầm của đời sống xã hội trong một bối cảnh đặc biệt. Thêm điều này nữa, tôi từng mạnh dạn bình: “Khi viết câu thơ này, tác giả dường như đột nhiên ngưng nghỉ để tìm “đích tới” cho bài thơ”. Nhà thơ có cùng suy nghĩ như thế?
- Anh “bắt mạch” rất đúng! Thiết nghĩ, tôi với tư cách cá thể, mới vắt qua một cuộc chiến tranh, được thử thách trong “lửa đỏ và nước lạnh” của một thế hệ “thép đã tôi thế đấy”. Với cả đất nước mình thì cũng vừa vắt qua hòa bình và chiến tranh. Vậy nên bài thơ dẫu được khen hay nhưng thuần túy chỉ nói về hương ổi không thôi thì chưa thể sâu, chưa thể đủ. Thật ra viết về hương ổi chỉ là cái cớ để nói một điều gì đó lớn lao hơn về đất nước, nhân dân mình. Câu thơ Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se, đọc lên thấy ngân rung. Nhưng đằng sau câu chữ là tâm thế: Hương ổi thì bao đời có sẵn như thế rồi, nó cứ tự nhiên, nhi nhiên như thế với trời đất. Nó đã đi vào tiềm thức, ký ức của con người bao đời nay. Nhưng chiến tranh đã tước đoạt ký ức tự nhiên của con người. Bây giờ trong điều kiện hòa bình, chúng ta có cơ hội phục hồi những cảm xúc, vẻ đẹp bình thường, giản dị đó.
* Người ta nói thơ là tâm trạng. Phải chăng “Sang thu” là một tâm trạng điển hình của thi nhân?
- Đúng như thế! Cái mà anh gọi là tâm trạng, nói thì ngắn gọn trong chỉ có hai chữ. Nhưng nếu “chẻ” nó ra thì sẽ thấy cũng đa chiều, nó như một khối lập thể trong hội họa vậy. Đó trước hết là cái cảm giác, cái tâm trạng của một cá thể người lính đi qua khói lửa chiến tranh, băng qua bão táp, đi tới hòa bình. Người lính đó được hưởng nguyên khối kỷ niệm, cảm nhận cái hạnh phúc được sống, được tự do đón nhận và hòa mình vào tự nhiên, được hưởng cái hạnh phúc đơn sơ, giản dị, rất đời thường, mà trong chiến tranh nằm mơ cũng không thấy. Ai trải qua chiến tranh, từ cõi chết trở về mới đủ cái rung cảm đón nhận hòa bình, như một hơi thở nhẹ nhưng có thể làm ta rùng mình, run rẩy vì hạnh phúc được sống bình thường. Hòa bình quả thực là một món quà quý giá với ai hiểu thế nào là chiến tranh, sống chết. Cái thời khắc tôi làm bài thơ “Sang thu” năm 1977, còn đáng ghi nhớ hơn nữa vì đất nước lại chớm bước vào cuộc chiến bảo vệ biên giới... Biết thế để hiểu sâu hơn cái giá của hòa bình-như là cái lẽ tự nhiên, đơn sơ và giản dị mà con người thời nào, ở quốc gia nào cũng cố gìn giữ, kể cả bằng máu xương.
Và cuối cùng, cái tâm trạng cá thể của một người lính như tôi, “hòa mạng” vào tâm trạng của cả một khối nhân dân Việt Nam (nói thì có vẻ to tát, nhưng nó đúng là như thế) không có gì là không vượt qua được: Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi... Không phải là đã hết “sấm” trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta. Nhưng không có gì là bất ngờ với một nhân dân, đất nước, dân tộc đã trải qua 30 năm chiến tranh giành toàn vẹn non sông.
* Nhà thơ có nhận thấy “Sang thu” của mình có nét gì khác với thơ về mùa thu của các bậc tiền bối?
- Mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến tĩnh lặng, êm đềm, điền viên. Đó là mùa thu có rồi, mang một nét gì đó mong manh trong chùm thơ: “Thu vịnh”, “Thu điếu” và “Thu ẩm”. Mùa thu cách mạng trong thơ Nguyễn Đình Thi, mà tiêu biểu là bài “Đất nước”, dường như chỉ mới bắt đầu, mở òa ra những “trong biếc nói cười thiết tha”. Mùa thu trong “Sang thu” của tôi là mùa thu của những người vượt qua bão tố chiến tranh. Bài thơ ngắn, chỉ có 12 dòng với 60 chữ, nhưng đằng sau chừng ấy có cả một cuộc kháng chiến dài lâu và ác liệt 30 năm của cả dân tộc. Bài thơ viết năm 1977, đã linh cảm tới những điều gì đó mà chúng ta còn phải tiếp tục vượt qua, dù đã một lần dũng cảm vượt qua. Và quả thật những tiên cảm ấy đã và đang được thực tế chứng minh...
* Từ thành công của “Sang thu”, nhà thơ có thể chia sẻ đôi chút về quan điểm và kinh nghiệm tìm “tứ” và tạo nhịp điệu (rythm) khi làm thơ?
- Cái mà anh gọi là “nhịp điệu”, trong trường hợp này, tôi nghĩ chính là “điệu tâm hồn”. Nếu “ý thơ” có rồi nhưng tình cảm chưa đủ chín thì thần thái bài thơ cũng chưa rõ nếu chưa tìm ra “điệu thơ”. Khi cảm xúc chín tới nó sẽ gọi hình ảnh, câu chữ và tự khắc nhịp điệu sẽ “sắp xếp” chúng vào vị trí hợp lý nhất. Trong “Sang thu”, tôi nghĩ, là một ví dụ về việc nhà thơ coi trọng nhịp điệu. Đọc bài thơ, thấy có vẻ như khoan nhặt, từ tốn, bình thản, tĩnh tại... nếu chỉ nhìn bề ngoài; nhưng ngẫm kỹ thì dòng chảy ngầm của nó rất rốt ráo, khẩn trương. Có người nói khi làm thơ triết lý thì nhịp điệu dễ bị thủ tiêu. Tôi không nghĩ như thế. “Thương lượng với thời gian” là bài thơ triết lý, nhưng nhịp điệu vẫn cứ hài hòa với ý tứ, hình ảnh, câu chữ. Nếu trong âm nhạc cần đến giai điệu (melody) như thế nào thì trong thơ cần đến nhịp điệu (rythm) như thế ấy.
* Năm 2010, nhà thơ Hữu Thỉnh đã ra mắt cuốn tiểu luận-phê bình có tựa đề “Lý do của hy vọng” được công chúng và nhất là giới chuyên môn đánh giá cao. Hy vọng rằng đó cũng là “lý do của hy vọng” vào cuốn sách sắp tới của nhà thơ. Xin cảm ơn ông về những trao đổi bổ ích và thú vị trên đây!
Bài và ảnh: BÙI VIỆT THẮNG (thực hiện)