Ông trực liền tù tì suốt từ bữa đó tới giờ. Đã mấy lần lãnh đạo phường có ý nhắc ông về nghỉ để người khác trực thay, nhưng ông không chịu. Ông trả lời: “Với tinh thần cựu chiến binh, tôi báo cáo với lãnh đạo rằng: Chưa thắng dịch thì tôi chưa rời vị trí”.

Ông Trung Sửu năm nay 55 tuổi, nhưng nếu ai hỏi thì ông đều nói tròn là 60. Ban đầu có người tưởng ông thích tuổi cao để được trọng vọng nên “khai man”, nhưng không phải thế. Bằng chứng là ông không thích ai gọi ông là “ông”. Ông muốn người ta gọi mình là bác, là anh kia. Ông Trung Sửu lý luận rằng: “Tuy có hai thằng con trai tồng ngồng tuổi băm nhưng chưa thằng nào chịu lấy vợ. Chúng nó chưa lấy vợ nên ông chưa có “râu”, chưa có râu tức là còn trẻ”.

Xuân năm 1984, chàng trai làng Cầu tên là Nguyễn Huy Trung, bên huyện Gia Lâm, rời bỏ cuốc cày, lên đường nhập ngũ. Vô tình thế nào mà tiểu đội tân binh có hai người cùng họ, cùng đệm và có vẻ “trùng” cả tên. Một người là Nguyễn Huy Trung và một người là Nguyễn Huy Chung. Hiềm nỗi dân miền Bắc, nhất là cánh Hà Nội, khi phát âm lại không phân biệt được “trờ nặng” với “chờ nhẹ”. Gọi Trung thì Chung cũng lên tiếng. Hỏi Chung thì Trung cũng trả lời. Cuối cùng, anh em trong tiểu đội đành phân biệt theo lối dân gian cho dễ hiểu. Nguyễn Huy Trung đặt là “Trung trâu”, còn Nguyễn Huy Chung đặt là “Chung chó”. Nhưng xem ra hai cái tên ấy có vẻ chưa ổn nên sau cùng chốt hạ là “Trung Sửu” và “Chung Tuất”.

leftcenterrightdel
Minh họa: Phạm Hà 

Sau bốn tháng huấn luyện thì đơn vị của họ được lệnh lên biên giới. Chiến tranh ác liệt là vậy nhưng cả Trung Sửu và Chung Tuất đều bình an trở về. Hay nhất là cả hai chẳng “sứt mẻ” gì. Và như lẽ tự nhiên, cả hai người đều đem luôn cái tên mà đồng đội đặt cho về làng. Người làng cũng theo thế mà gọi. Gọi mãi thành quen, nên cho dù hai người “trùng tên” ấy giờ ở cách xa nhau năm mười cây số nhưng mọi người vẫn gọi họ theo tên lính đặt.

Trở lại làng Cầu, anh cựu chiến binh Trung Sửu mở hiệu sửa chữa xe đạp, dĩ nhiên là sau khi lấy cô Thắm cùng làng. Hiệu sửa chữa xe đạp tuy nhì nhằng nhưng cũng giúp đôi vợ chồng trẻ lo đủ bữa ăn cho cái gia đình sau ba năm nên chồng vợ và dân số đã tăng gấp đôi.

Hơn mười năm lại đây, làng Cầu được nâng cấp lên phường, con ngõ nhỏ chạy trước hiệu sửa chữa xe đạp của anh Trung Sửu được mở rộng, trải nhựa và đặt tên, treo biển đầu đường như những đường phố bên nội thành. Trên đà “thắng lợi” trời cho ấy, anh Trung Sửu bàn với vợ cũng nâng cấp hiệu sửa chữa xe đạp lên hiệu bơm, vá, sửa chữa xe máy. Nghe chồng bàn thế, cô Thắm giật nẩy mình. Cô bảo: “Vốn liếng thì không lo (chẳng là làng lên phường nên đất cát cũng có giá, vợ chồng họ được nhận khoản tiền to to do giải phóng mặt bằng xây dựng khu đô thị), nhưng lo nhất là anh có biết sửa chữa xe máy đâu!”. Anh Trung Sửu nói với vợ: “Với tinh thần người lính, tức là có khó khăn thì vượt khó khăn, chưa biết thì phải học”. Vẻ cương quyết đầy chất lính của anh khiến cô vợ tuy còn băn khoăn nhưng cũng đồng tình. Thế là hiệu sửa chữa xe máy với tấm biển xanh vừa to vừa dài (do một hãng dầu nhớt tài trợ, họ chèn quảng cáo thương hiệu) nổi bật với dòng chữ màu đỏ “Hiệu sửa chữa xe máy TRUNG SỬU” kèm theo dòng địa chỉ số nhà, tên phố, tên phường được trưng lên.

Đời sống khấm khá hẳn, hai đứa con cũng theo năm tháng lớn dần lên. Thu nhập từ khoản sửa chữa xe máy cũng kha khá. Một bữa ông Tính, cán bộ phường đội, cùng anh Hoan, phó trưởng công an phường tới thăm “Hiệu sửa chữa xe máy TRUNG SỬU”. Sau những câu thăm hỏi theo kiểu xã giao thì hai người ấy đặt vấn đề, họ nói: “Phường ta tới đây sẽ thành lập đội dân phòng. Ý của chúng tôi là mời ông, à quên, mời bác tham gia”. Họ nói xong, ông Trung Sửu chưa trả lời ngay mà với tay lấy chiếc điếu cày dựng cạnh mép bàn nước. Vê vê mồi thuốc rõ lâu, ông mới ấn mồi thuốc vào nõ điếu. Lại bật lửa châm đóm, bậm bậm vài nhịp, ông mới kéo một hơi rõ dài. Nhìn cung cách ấy, hai ông khách đoán chừng sẽ nhận được câu từ chối. Nói thực, làm dân phòng khác gì “vác tù và hàng tổng”, đêm hôm gà gáy có việc là bị gọi, bị dựng dậy đi công việc nên ít người mặn mà.

Phả làn khói đậm lên trần nhà, đợi khói tan hết, ông Trung Sửu mới thong thả đặt chiếc điếu vào vị trí cũ. Chiêu một ngụm nước chè, khà một tiếng, bấy giờ ông Trung Sửu nhìn hai ông khách, nói: “Với tinh thần cựu chiến binh, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ từ hôm nay”. Hai ông khách thở phào nhẹ nhõm.

Đúng là làm dân phòng bận bịu như nhà có con mọn. Chưa kịp và xong bát cơm đã có người ới: “Bên tổ 12 có người cãi nhau to lắm. Ông đến ngay đi kẻo họ choảng nhau thì phiền”. Rồi chưa kịp ăn sáng thì chiếc xe của công an phường đỗ xịch trước cửa, vậy là lên xe đi “dẹp” mấy quán bún phở bày bàn lấn chiếm hết lối đi trên vỉa hè. Lại có khi vừa ngả lưng tranh thủ chợp giấc trưa thì chuông điện thoại đổ liên hồi, cất tiếng "a lô" thì đầu dây bên kia nói riết róng: “Bác lên phường luôn nhé! Chiều nay triển khai gấp công tác giải tỏa mặt bằng”. Đại khái cứ thế. Bà Thắm ban đầu khó chịu ra mặt, bà nói nặng: “Già hơn năm mươi rồi, ông trả ngay cái việc dân phòng đi cho vợ con được nhờ”. Những lần nghe vợ ta thán như vậy, ông Trung Sửu xua xua tay, bắn hơi thuốc lào thật dài, rồi chậm rãi: “Với tinh thần cựu chiến binh, tôi nói cho bà nghe: Khi nào mọi việc bình yên thì tôi sẽ nghỉ chân dân phòng”. Hết lý, bà Thắm mặt đang căng như cái thớt cũng phải xuống nước.

Mang danh là Trung Sửu nhưng ông lại có dáng người nhỏ thó. Bù lại dáng vóc vẻ thiệt thòi ấy là một sức khỏe dẻo dai, chẳng ai nghe nói ông khật khừ bao giờ chứ nói gì đến ốm. Thành thử công việc sửa chữa xe máy lấm lem dầu mỡ với công tác dân phòng bận bịu như con mọn, nhưng ông Trung Sửu đều hoàn thành tuốt tuột. Có lần các anh công an phường đùa: “Càng già càng dai, chắc vẫn cày ải phăm phăm đều như vắt tranh trên cánh đồng nhà”. Ông Trung Sửu thừa biết anh em ám chỉ gì nhưng làm bộ thật thà: “Ruộng còn đâu mà cày với ải. Đồng làng bây giờ thành đất dự án hết rồi”. Mấy anh công an nháy mắt với nhau, ý họ muốn nói về bà Thắm vợ ông kia. Trái với vóc dáng nhỏ thó của chồng, bà Thắm lại đẫy đà mỡ màu, con cái lớn cả nên trông bà càng phúc hậu thêm. Ông Trung Sửu nhả khói thuốc lào lên trần nhà, lim dim mắt nói trong khói thuốc: “Với tinh thần cựu chiến binh, anh báo cáo với các chú: Nhỏ nhưng có võ đấy nhá!”.

Chốt kiểm dịch mấy ngày đầu được lập nên cũng nhiều ngỡ ngàng, nhiều bất cập và khá vất vả cho tổ chốt, vì ở ngay đầu đường, lại trước cổng chợ nên càng vất vả. Sáng sáng bà con đi chợ vẫn đông nghìn nghịt. Nhìn cảnh tượng đó, mấy anh dân phòng vội nhao ra khua tay, khua miệng đến mỏi mà mọi người hễ vắng bóng dân phòng là đâu vẫn đấy. Ông Trung Sửu chậm rãi bước đến, đứng cách đám người đang túm tụm mua mua bán bán tầm hai mét, ông nói giọng đủ nghe nhưng không kém phần cương quyết: “Với tinh thần cựu chiến binh, tôi nói cho các bà các cô nghe...”. Chỉ nghe đến thế là mấy bà mấy cô dừng việc chen vai nhau vào chợ, họ hỏi lại: “Ông bảo sao?”. Bấy giờ ông Trung Sửu mới nói rành rẽ: “Chống dịch như chống giặc. Mà “giặc” Cô vít là thứ giặc vô hình, không thấy, không nghe được nên rất khó đánh. Với tinh thần cựu chiến binh, tôi nói rằng, ấy là cái hồi chúng tôi ở ngoài mặt trận ấy, bom đạn nó cũng như con Cô vít ấy, nó có chừa một ai đâu. Chỉ có ai ngờ nghệch, ai chủ quan, không biết cách tránh là dính liền. Ở ngoài mặt trận á, chúng tôi bảo nhau phải biết tản ra, nếu xúm lại một chỗ, chỉ cần gặp một quả pháo địch là đi cả nút. Tản ra, tìm chỗ ẩn nấp, như thế thương vong mới giảm. Đấy, như tôi đây này, bốn năm năm trên chốt ác liệt là vậy mà vẫn bình an vô sự"-Ông Trung Sửu dừng lại nghe ngóng phản ứng rồi nói tiếp-"Cái chính là biết tản ra, nghe tiếng pháo đề pa là kêu nhau phân tán, pháo hết thì xông lên chiến hào chờ bắn bộ binh địch”. Mấy bà mấy cô đi chợ chưa hiểu, vì đây là nói chuyện chiến tranh chứ có phải là chuyện phòng, chống con Cô vít đâu. Ông Trung Sửu lại giảng giải: “Con Cô vít nó giống như đạn pháo địch ấy. Mọi người nên học cách tản ra. Tản ra là không được đứng gần nhau. Tản ra là không nên ồn ào chuyện trò. Tản ra, mỗi người cách nhau hai mét thì bố con Cô vít nào xâm nhập được vào mình. Thế là an toàn. Còn tìm chỗ ẩn nấp à? Đơn giản là không có việc cần thiết hay bức bách thì cứ ở nhà cho lành. Ở nhà thì con Cô vít cũng hết đường lây nhiễm”. Nghe cách giảng giải ấy, mấy bà mấy cô đang đứng xúm cạnh nhau vội dịch người ra. Có người còn bảo: “Hay là từ mai chị em mình mỗi ngày chỉ cử một người đi chợ thôi. Nhà nào có nhu cầu mua thứ gì cứ biên vào giấy và gửi tiền. Một người đi chợ cho dăm bảy nhà cũng là cách tản ra, ông Trung Sửu nhẩy?”.

Việc chẳng mấy rồi mà êm. Chốt kiểm dịch cũng nhàn nhã hơn chút chút. Khi ấy, ông Trung Sửu mới kể thêm chuyện: “Với tinh thần cựu chiến binh, tôi xin báo cáo với anh em rằng: Lạc quan và lành mạnh cũng là cách thắng giặc. Hồi bọn tớ ở trên chốt á, những khi tình hình tạm yên, bộ đội nhẽ ra được nghỉ xả hơi, được ngủ bù, nhưng tớ không cho là thế. Chả gì tớ cũng là anh thượng sĩ trung đội phó. Tớ bắt anh em sáng sáng phải dậy đúng giờ chạy dọc chiến hào, vừa kiểm tra, vừa kết hợp thể dục, bắt mở thông các cửa nhà hầm cho gió nó vào. Gió vào lùa không khí u ám của đêm. Mình hít thở không khí mới trong lành là khỏe lại ngay”.

Ông Trung Sửu còn nhiều kinh nghiệm để nói. Hóa ra kinh nghiệm từ những ngày đánh giặc còn nguyên giá trị. “Ông Trung Sửu này khôn thật! Thảo nào...”, cánh trực tổ chốt vẫn nói với nhau vậy.

31-8-2021

 Truyện ngắn của NGUYỄN TRỌNG VĂN