QĐND - Tôi quen biết chị Nguyễn Thị Tươi, quê ở Hà Nội từ mùa thu năm 2011. Chị là người phụ nữ nhỏ nhắn, có giọng nói trong veo như một nghệ sĩ hát chèo, ánh mắt và cái miệng lúc nào cũng như cười bên những bó hoa của chị trên đường phố Phan Đình Phùng…
Năm ấy chị Tươi 54 tuổi, nhưng đứng cạnh chiếc xe đạp chở đầy hoa, ai cũng đoán chị khoảng 35 tuổi mà thôi. Chồng chị mới mất cách đây 2 năm vì trọng bệnh. Chị kể, ở huyện Từ Liêm quê chị (khi đó huyện Từ Liêm chưa chia tách), những người phụ nữ đi bán rau, bán hoa trong nội thành nhiều lắm. Họ chủ yếu bán các sản phẩm do mình làm ra. Với những người đi bán hoa như chị thì coi đây là một nghề cực nhọc. Cực nhọc không chỉ ở những tháng ngày chăm sóc, vui buồn cùng sự sinh trưởng của cây và hoa, mà cực nhọc nhất lại là việc thu hoạch và bán hoa. Ngày nào cũng vậy, chị và cô con gái tên Chi đang học lớp 12 phải thức dậy lúc hơn 23 giờ ra ruộng cắt hoa, sau đó mang về nhà gói gọn gàng để lúc 1 giờ sáng hôm sau chị thuê xe chở hoa lên chợ Quảng Bá bán. Nếu 6 giờ sáng số hoa chưa bán hết, chị lại chở bằng xe đạp lên đường Phan Đình Phùng và những con phố lân cận bán nốt cho những người mua hoa muộn. Chị Tươi bảo: “Nghề của chị tuy cực nhọc, nhưng nếu không có nó, cả nhà sẽ đói ăn, thiếu mặc. Nếu không có nó, chị sẽ mất đi một niềm cảm hứng đã gắn bó với gia đình chị ba, bốn đời nay. Đi bán hoa cũng có niềm vui riêng, đó là mang cái đẹp đến cho mọi người, ngày nào cũng được dạo phố, được ngắm người, ngắm thiên nhiên của Hà Nội”. Và người Hà Nội, cũng như các con phố đất Hà thành sẽ trống vắng, nhạt phai sắc màu khi không có những xe hoa bán dạo.
Bố chị Tươi trước đây là một chiến sĩ đã tham gia chiến đấu trên chiến trường các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Bố rất hay viết thư về cho ba mẹ con chị. Những con sông, ngọn núi, cánh rừng dọc dãy Trường Sơn; những phum sóc và cả nụ cười của người con gái Khơ-me bên nước bạn Cam-pu-chia đều được bố chuyển về miền Bắc trên những cánh thư vương đầy khói lửa của đạn bom. Bố là người yêu thiên nhiên. Mỗi khi bắt gặp những cảnh đẹp trên đường hành quân, dù chỉ là một cánh bướm nhỏ bay bên đóa hoa rừng, dù chỉ là cảnh mưa quây, hay tiếng suối chảy trong đêm thanh vắng, bố đều tức cảnh làm thơ, viết vào nhật ký để gửi về gia đình. Một buổi sáng trong lành, chị Tươi kể cho tôi nghe chuyện về bố chị liên quan đến mùa thu Hà Nội. Tháng 10-1975, bố đang là cán bộ quân quản ở Sài Gòn. Bố viết cho mẹ: “Em ạ! Người miền Nam, nhất là người Sài Gòn hầu như không có khái niệm về mùa thu, vì trong này chỉ có hai mùa mưa-nắng. Nhưng anh vẫn thấy mùa thu của phương Nam hiển hiện bên mình. Mùa thu về phương Nam khi tiết trời bỗng dưng se lạnh. Những cô gái Sài Gòn khoác lên mình chiếc áo gió mỏng manh, rồi khẽ kéo chiếc khóa cổ và chúm chím môi cười. Chỉ những hình ảnh bình thường ấy thôi, đủ để cho ta biết mùa thu đã hiển hiện trên đường phố. Rất nhẹ nhàng, thoang thoảng và bất chợt, nhưng thu Sài Gòn làm cho bất cứ ai cảm nhận được nó đều phải ngất ngây, say đắm như say men tình. Anh nhớ mùa thu Hà Nội, nhớ em và hai con lắm. Ước gì anh đang ở Từ Liêm, để đêm đêm cùng em đi cắt hoa khi các con đang say giấc nồng, để được đẩy hoa đi trên những con đường thơm mùi hoa sữa. Anh nhớ những cơn mưa thu dìu dịu, nhớ những tán lá vàng rơi đầy hè phố, nhớ mặt nước hồ Tây loang loáng khi vợ chồng mình bán hết hoa tới đây ngồi nghỉ…”.
|
Nắng thu trên đường sấu Hà Nội. Ảnh: Thiết Thạch
|
Đọc lá thư này, nước mắt mẹ chảy dài trong đêm đi cắt hoa. Nước mắt mẹ còn nhỏ lên những nụ hoa vừa chớm nở nằm gọn sau chiếc xe đạp cũ trên đường Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Hàng Cót, Hàng Ngang, Hàng Đào. Tết Bính Thìn năm 1976, bố được nghỉ phép về Hà Nội. Đây là thời điểm hối hả của các làng hoa, làng rau. Bố cùng mẹ và chị thức khuya, dậy sớm bên những luống hoa. Bố giành chở hoa với chị để được cùng mẹ lên chợ. Bố háo hức với cái lạnh cắt da, đỏ mũi, với những đợt gió đông mang đầy những mũi tiêm băng giá của Hà Nội. Để rồi những ngày sau Tết, bố bị ốm nặng phải nhập viện. Các bác sĩ nói bố gặp lạnh nên bị cảm, bị viêm họng cấp và sưng phổi. Mẹ và bà nội lo cuống cả lên. Ấy vậy mà bố vẫn cố nở nụ cười méo mó, nói với mọi người bằng cái giọng ngang ngang, xen lẫn niềm vui sướng: “Có như vậy khi vào Nam mới nhớ nhiều về miền Bắc, về Hà Nội chứ. Bây giờ ở phương Nam là mùa thu đấy”.
Năm 1977 và 1978, tình hình biên giới Tây Nam ngày càng căng thẳng. Bọn phản động Pôn-pốt Iêng-ra-ri không chỉ tạo nên một tội ác tày trời đối với chính đồng bào của chúng, mà còn gây hấn, xâm lấn toàn bộ tuyến biên giới trên biển và trên bộ của nước ta. Quân Khơ-me Đỏ tập kích vào quần đảo Thổ Chu, Phú Quốc, đánh chiếm nhiều điểm ở các tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, đốt phá và giết hại dã man hàng chục ngàn người dân vô tội Việt Nam. Giữa năm 1978, bố được lệnh cùng đơn vị hành quân lên tuyến biên giới giữa tỉnh Tây Ninh với Cam-pu-chia. Một đêm tháng 10-1978, bố viết một lá thư dài 5 trang giấy về cho mẹ. Lá thư của bố đong đầy nỗi nhớ thương và sự ác liệt của chiến trường: “Em và các con thương yêu! Bây giờ Hà Nội chắc đang chìm vào thu nhỉ? Sao anh nhớ Hà Nội, nhớ những nụ hoa và nhớ gia đình đến thế. Chỉ cách nơi anh đóng quân chưa đầy một cây số, bọn lính Khơ-me Đỏ đang rình rập để tràn vào nước ta. Chúng đã gây ra bao nhiêu tội ác man rợ đối với đồng bào ta ở khắp dải biên giới Tây Nam này. Những tiếng kêu: “Máu phải trả bằng máu” của bà con ta. Những tiếng cầu cứu của nhân dân Cam-pu-chia mong sao thoát được nạn diệt chủng, cứ giội vào trái tim những người lính, như lời kêu gọi hiệu triệu để anh và đồng đội phải ôm súng xông lên. Đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ ngã xuống trên khắp dải biên cương này… Đêm đã khuya lắm rồi. Anh đi ngủ đây để mai bước vào trận đánh mới…”.
Mẹ và chị đâu có biết, đó là lá thư cuối cùng của bố gửi về gia đình. Trận đánh truy kích địch tại khu vực Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh diễn ra vô cùng ác liệt. Mặc dù bị tổn thất nặng nề bởi hỏa lực của ta, nhưng bọn Pôn-pốt vẫn như những con thiêu thân liều chết xông lên. Chúng đưa cả chục người dân của ta lên chiến hào, dùng dao, dùng súng giết chết để thị uy. Nhìn thấy cảnh thảm sát tàn bạo, máu của các chiến sĩ sôi lên. Những tiếng hô xung phong trả thù cho đồng bào ta vang dội khắp trận địa, rồi cộng hưởng với nhau lan ra khắp vùng biên giới, tạo nên một sức mạnh không có gì ngăn cản nổi. Bước chân của bố, của các chiến sĩ đạp lên xác quân thù, đẩy những tên còn sống sót bật hẳn về phía bên kia biên giới. Tuy vậy bọn tàn quân vẫn cố đưa những nòng súng bắn trả vào quân ta. Những viên đạn bay ra từ nòng súng quân Khơ-me Đỏ đã găm vào người bố. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời ở bệnh viện tiền phương, nhưng bố đã hy sinh anh dũng, bỏ lại mùa thu Hà Nội đang trong những tháng ngày xanh thắm, rực rỡ hoa và tràn đầy nỗi nhớ thương…
Nghe tin bố hy sinh, mẹ ngất lịm giữa chợ hoa Quảng Bá. Mấy cô cùng bán hoa trong làng phải đưa mẹ vào Bệnh viện Việt-Đức cấp cứu. Những ngày sau, mẹ nằm bẹp trên giường. Đôi lúc mẹ nằm bật ngửa dang hai tay, hai chân ra, mắt thao láo nhìn thẳng lên mái nhà không chớp. Mẹ ốm, chị phải dậy sớm cắt hoa đi bán. Đêm nào cũng ra các ruộng hoa, mà giờ sao chị thấy nó trống tênh, rộng thênh thang và đìu hiu đến rợn người. Những khóm hoa cúc, hoa hồng, hoa thược dược, hoa huệ… thấm đẫm sương đêm. Có lẽ chúng đang khóc. Nước mắt của hoa lạnh ướt đầy tay chị, cái lạnh truyền vào trong tim và lan tỏa ra khắp cơ thể. Chị bủn rủn chân tay, ngồi bệt xuống đất và bật lên tiếng nức nở: “Bố ơi!”. Sau tiếng gọi tức tưởi, chị gục cả mặt mình vào nắm hoa, cảm giác như cả vùng hoa Từ Liêm đang gãy gục, héo tàn, khiến tim gan con người se sắt và quặn đau dữ dội…
Năm 2009, mẹ qua đời ở tuổi 74. Trước khi mất vài ngày, mẹ gọi chị Tươi trăng trối: “Con không cần vào Tây Ninh đưa bố về quê đâu. Bố thích mùa thu Hà Nội lắm, nhưng cũng rất yêu quý miền Nam. Nếu cu An nhà mình lấy vợ ở Sài Gòn, thì con hãy vào trong đó hương khói cho bố nhé…”. Lời nói của mẹ khiến chị chơi vơi, đầu óc mông lung không biết trả lời thế nào cho phải. Chồng chị là con trưởng trong gia đình. Cu An lại là cháu đích tôn của dòng họ. Học xong Trường Sĩ quan Lục quân 1, An xung phong vào Quân khu 7 công tác cho gần bố. Anh chị chỉ có thằng An và con Chi, nếu vào miền Nam sống với con trai, ai là người hương khói cho bố mẹ và tổ tiên đây? Chị gục mặt vào bàn tay khô lạnh của mẹ nấc lên.
Mẹ chồng mất, con Chi học xong đại học báo chí cũng vào TP Hồ Chí Minh làm cho một tờ báo mạng, chỉ còn chị ở lại với Hà Nội và những ruộng hoa đang bị thu hẹp dần do tốc độ đô thị hóa của Thủ đô. Thương mẹ, thằng An và con Chi gọi điện về liên tục, chúng năn nỉ chị bán nhà vào miền Nam sinh sống. Nghe các con nói vậy, lòng chị càng xót xa. Cứ nghĩ phải xa những ruộng hoa, xa chợ Quảng Bá, xa những con phố của Hà Nội, chị lại đớn đau như lúc nghe tin bố hy sinh. Những đêm thức trắng. Những ngày tháng buồn tênh. Những bữa cơm chỉ có một mình khiến chị lẻ loi như một cánh cò giữa đồng vắng. Tết năm 2011, thằng An và con Chi mang người yêu về ra mắt họ hàng, làm chị càng khó xử. Tháng 6, thằng An cưới vợ ở thị xã Tây Ninh, con Chi cũng nói sang đầu năm 2012 sẽ tổ chức ở TP Hồ Chí Minh. Hạnh phúc của con cái làm cho chị vui hơn, nhưng ruột gan cũng rối bời hơn. Chị biết sẽ có ngày mình phải xa Hà Nội, phải xa mùa thu xanh, mùa đông giá lạnh mất rồi. Nhưng chị Tươi vẫn cố níu kéo. Nói như chị là ở thêm được ngày nào, đỡ nhớ, đỡ thương Hà Nội ngày ấy.
Mùa thu năm 2012, rồi năm 2013, tôi vẫn còn được gặp chị Tươi trên phố Phan Đình Phùng. Tôi hỏi chị bao giờ vào miền Nam, thì chỉ nhận được một nụ cười đầy nhân hậu. Mùa thu năm 2014, đi lại trên các con phố Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Cót, Lý Nam Đế… cả chục lần, tôi không còn thấy bóng dáng nghiêng nghiêng, với gương mặt hiền từ trong vành nón của chị Tươi nữa. Hỏi những người bán hoa dạo, tôi được biết chị đã vào miền Nam với con từ sau Tết Nguyên đán. Vắng chị trên phố, mùa thu Hà Nội dường như man mác, trống vắng hơn. Một chị bán hoa cùng làng với chị Tươi nói vui: “Mùa thu Hà Nội được chị Tươi mang về phương Nam rồi”. Tôi bất chợt nhìn lên trời cao. Đúng là mùa thu đã rời xa Hà Nội. Thay vào đó là những đám mây màu xám, với những cơn gió se lạnh luồn qua vòm sấu. Có ai đó dặn con ở gần quán nước trên vườn hoa Hàng Đậu: “Tối nay con phải khoác thêm chiếc áo gió vào nhé. Gió mùa Đông Bắc sẽ về đấy”…
Chiếc máy bay Bô-ing 777 nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. TP Hồ Chí Minh đón tôi bằng những cơn gió mơn man, như bàn tay người con trai vuốt lên mái tóc của người yêu. Tháng 11, đôi khi thành phố có mưa bay khiến một vài chiếc lá rời cành xoay xoay trong gió. Vào buổi chiều, trời thành phố mang tên Bác trong veo, cao xanh vời vợi. Đi trên các con phố Trương Định, Nguyễn Thị Minh Khai, Paster, Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hàm Nghi… thấy những chiếc lá nhẹ bay xuống đường, tôi biết mùa thu đã về với phương Nam. Ước gì trong sắc nắng màu tơ tằm của TP Hồ Chí Minh, tôi được nhìn thấy một người bán hoa tươi bằng xe đạp trên phố. Chao ơi! TP Hồ Chí Minh của tôi có biết bao nhiêu điều mời gọi đến say lòng. Tôi mơ màng nghe một giọng thơ trong quán nghệ sĩ, mà ngỡ như đang được cùng chị Tươi bán hoa giữa phố phường:“Sài Gòn vào thu sao chưa vàng lá/ Để mây bay giăng tím áo người xưa… Em không về Sài Gòn mưa lâu tạnh/ Bong bóng bên hè vỡ buốt lòng anh/ Em không về nhìn lại khoảng trời xanh/ Đầy hy vọng-đầy niềm tin mãi mãi…”
Bút ký của LÊ PHI HÙNG