Hoạt động cách mạng khiến Văn Cao chuyển hơi thở âm nhạc từ những hành khúc yêu nước sang những hành khúc cách mạng như “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”. Khi cách mạng thành công, dòng chảy này lại tiếp tục cuộn trào qua “Hải quân Việt Nam hành khúc”, “Công nhân Việt Nam”, “Bắc Sơn”. Đấy là sự biến chuyển nhanh chóng từ nhận thức. Nhưng không phải lúc nào nhận thức cũng nhanh chóng tạo ra biến chuyển.
Cách mạng Tháng Tám không chỉ mang lại cho dân tộc Việt Nam một đất nước độc lập, tự do mà còn mang lại cho dân tộc hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại. Ở Hà Nội, người ta bắt đầu thuộc lòng hành khúc “Biết ơn Cụ Hồ” của Lưu Bách Thụ. Ở Sài Gòn, người ta reo vang “Hồ Chí Minh cứu tinh dân tộc” của Phạm Công Nhiều. Còn thiếu niên, nhi đồng thì rộn ràng hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của Phong Nhã.
|
|
Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh tư liệu |
Riêng với Văn Cao, kỷ niệm đầu tiên gặp Bác với tư cách tác giả “Tiến quân ca” là kỷ niệm gắn với Ngày Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945). Chiều ấy, ngay sau buổi lễ trọng thể này, nhà thơ Tố Hữu đưa Văn Cao tới gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Cuộc gặp gỡ trang trọng đã để lại trong Văn Cao hình tượng một vị lãnh tụ giản dị và gần gũi đến khác biệt. Chính điều đó làm Văn Cao choáng ngợp. Choáng ngợp đến lấn át cả cảm xúc, mặc dù Văn Cao hiểu rằng khi đã được Tố Hữu đưa đến gặp Bác thì chắc chắn rằng tổ chức rất muốn ông viết một bài ca ngợi Bác. Cốt cách lớn lao của Bác khiến Văn Cao không thể vội vàng.
Kháng chiến chống Pháp đã mấy năm. Khi ấy, Lưu Hữu Phước đã viết “Lãnh tụ ca” với phần lời của Nguyễn Đình Thi. Còn Đỗ Nhuận là “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Có một bài hát của một tác giả nghiệp dư Vũ Thế Khanh mang tên “Người về là chiến thắng” lại khiến Văn Cao rất chú ý: Người về là yên vui/ Người về là no ấm/ Khắp muôn nơi hát mừng đón Cha về/ Người về là vinh quang/ Người về là chiến thắng... Rồi thời gian vẫn trôi đi. Và yêu cầu vẫn chỉ dừng ở yêu cầu. Văn Cao cần một sức đẩy cảm xúc, một đột biến để thăng hoa.
Đấy là những ngày sau chiến thắng Thất Khê. Dọc đường theo đoàn quân trở về, Văn Cao đã gặp những cáng thương binh. Đành rằng chiến đấu sao tránh khỏi hy sinh, nhưng không ai có thể cầm lòng trước những mất mát. Họ rớm máu toàn thân. Họ cụt lìa tay chân khỏi thân thể. Họ, có những người chỉ còn thoi thóp chờ nhắm mắt. Nhưng tất cả họ, dù đã kề cận cái chết, vẫn chung một ước nguyện làm sao được nghe tiếng nói của Bác, được nhìn thấy Bác trong giây lát. Đó là hạnh phúc lớn lao nhất mà vì nó, họ có thể sẵn sàng quên mình. Những sự thật đó đã ùa vào cảm xúc Văn Cao. Những hình ảnh, những ý niệm đã được chuyển thành kỷ niệm. Một hình ảnh cao thượng tượng trưng cho dân tộc Việt Nam vinh quang và đau thương đã dần chín lên cảm xúc. Một giục giã về bài ca ngợi Bác đã ập đến, không gì ngăn nổi. Hình ảnh Ngày Tuyên ngôn độc lập được tái hiện trong trí nhớ với nốt bất thường khiến giai điệu cứ lung linh, vờn lên huyền ảo: Người về đem tới ngày vui/ Mùa thu nắng tỏa Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời.
Một hình tượng lớn như núi, cao ngang mây của một tầm vóc mang chứa cả số phận dân tộc đã được dựng lên sừng sững, khái quát: Người về đem tới xuân đời/ Từ đất nước cặn/ Từ bùn lầy cả cuộc đời bừng lên.
Đoạn mở đầu về khúc thức đã có vẻ hoàn thiện với cách tiến hành của ca khúc châu Âu. Nhưng đây là Việt Nam, là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Vẫn còn cần một chất ngất dâng trào hơn nữa. Vậy nên đã xuất hiện thêm: Bao công nhân tiền phong/ Đưa nhân dân vùng lên/ Nhân dân theo từng bước Cha già/ Hòa bình vui ngàn năm.
Đoạn điệp khúc được tiếp nối ở thể hành khúc. Những tinh túy tích tụ từ những hành khúc yêu nước, hành khúc cách mạng được dồn nén, được bùng nổ ở đây: Cụ Hồ Chí Minh/ Ánh dương vào trong ngục tù/ Tay công nhân của thế giới mới lên.
Thật thần thái. Chỉ cần một nét nhạc như thế mà cả cuộc đời bôn ba của Bác đã được thốt lên thành kính đến cô đọng. Những nét vẽ cuối cùng để hoàn thiện bức chân dung âm thanh về Hồ Chí Minh đã hiện lên mỹ mãn: Cụ Hồ Chí Minh/ Đế quốc tan tành hết/ Trước sức dân trào cuốn/ Vinh quang nhân dân Việt Nam.
Một hành trình vững chãi của niềm tin ngày thắng lợi.
Bài ca ngợi Bác của Văn Cao cũng được đặt tên là “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” và được nghệ sĩ Thương Huyền hát ở chiến khu. Nhưng phải đến sau này, qua giọng hát của Quý Dương, bài ca mới được thể hiện hết những gửi gắm của Văn Cao trong tác phẩm.
Bên cạnh bức chân dung âm thanh, năm 1980, Văn Cao lại có bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh chính bằng hội họa. Nghe bài hát và nhìn bức họa, thấy có một cái gì đó gắn bó máu thịt rất thống nhất trong Văn Cao đối với Bác kính yêu. Thế nên càng hiểu, trong nghệ thuật, không có yêu cầu nào có thể tạo ra được tác phẩm hay mà chỉ có cảm xúc.
Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA