Bất cứ một tác phẩm văn học có giá trị nào đều là một cách bày tỏ thái độ của tác giả đối với chính trị, hay nói đúng hơn, đối với những sắc diện cụ thể của chính trị. Thậm chí ngay cả khi nhà văn tuyên bố không quan tâm tới chính trị thì tác phẩm của họ cũng vẫn bày tỏ một cách nhìn đối với đời sống chính trị. Và giá trị nghệ thuật của tác phẩm lắm khi cũng không thể tách rời khỏi quan điểm chính trị của tác giả, dù không nhất thiết lúc nào cũng là trùng khít.

leftcenterrightdel
Mikhail Sholokhov

1. Ngày 24-5 năm nay là dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của đại văn hào Nga Xô viết Mikhail Sholokhov (1905-1984), tác giả của bộ tiểu thuyết sử thi “Sông Đông êm đềm” viết về một giai đoạn lịch sử đầy biến cố của nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Nhờ “Sông Đông êm đềm” mà Sholokhov đã được trao giải thưởng quốc gia mang tên Stalin năm 1940 và Giải Nobel Văn học năm 1965, một sự kết hợp, theo đánh giá của tờ báo Nga Literaturnaya Gazeta trong số ra trung tuần tháng 5 vừa qua, “gần như không tưởng”. Cũng trong số báo đó, nhà phê bình văn học Natalia Kornienko, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Nga, một trong những chuyên gia hàng đầu của nước Nga trong bộ môn Sholokhov học, đã khẳng định đó thực sự là một chiến thắng của nghệ thuật trước các toan tính chính trị “theo đúng nghĩa nhất của từ này”.

Các phần của “Sông Đông êm đềm” được công bố thoạt tiên trong những năm từ 1928 tới 1932. Và phần cuối cùng của nó tới tay độc giả năm 1940. Chính phần cuối cùng này đã gây nên những dư luận rất trái chiều về nó.

leftcenterrightdel
Alkesandr Solzhenitsyn

Aleksandr Fadeyev, tác giả “Đội cận vệ trẻ”, một trong những nhân vật rất có uy thế trong làng văn Xô viết giữa thế kỷ 20, cho rằng phần cuối cùng đó “đã đánh lừa sự trông đợi của độc giả Xô viết”(?). Còn Aleksey Tolstoy, tác giả của “Con đường đau khổ” và “Pyotr Đại đế”, vị bá tước của nền văn học Xô viết, đã lên tiếng yêu cầu Sholokhov viết tiếp “Sông Đông êm đềm” để cho mọi sự “ra ngô ra khoai” một cách rõ ràng, chuẩn mực hơn “trong tâm thế Xô viết”. Không ít nhân vật nổi bật trong làng nghệ thuật Xô viết lúc đó cảm thấy tức giận trước cái kết táo bạo mà Sholokhov đã đưa ra, yêu cầu nhà văn phải thể hiện “sự thật theo đúng tinh thần Bolshevik”(?), hoặc đặt ra câu hỏi như Fadeyev là vì sao trong tiểu thuyết của Sholokhov, “mọi người lại chặt đầu nhau?”...

Tuy nhiên, dù có những ý kiến bất đồng nhưng tất cả đều thống nhất với nhau ở chỗ “Sông Đông êm đềm” và đặc biệt là phần cuối cùng (phần 4) của nó đã đạt được một sức mạnh nghệ thuật rất đáng khâm phục. Và họ cũng không khỏi trầm trồ trước thái độ dửng dưng mà Sholokhov đã thể hiện trước những nghị quyết mang nặng tính hành chính và hình thức của lãnh đạo Hội Nhà văn Liên Xô. Nữ Viện sĩ hàn lâm Kornienko ở góc nhìn từ ngày hôm nay đánh giá rằng, đấy không chỉ là một cuộc tranh luận đơn thuần mà là một cuộc đối thoại về những vấn đề căn cốt nhất của sáng tạo, nên mặc dù đã xuất hiện những nhìn nhận cứng nhắc nhất về ý tưởng chính trị của bộ tiểu thuyết sử thi này nhưng tựu trung, mọi người đều ủng hộ “Sông Đông êm đềm” như một trong những tác phẩm chính yếu của nền văn học Xô viết thế kỷ 20. Và trong số 35 thành viên của hội đồng xét giải thưởng quốc gia Stalin năm 1940, đã có 31 người bỏ phiếu cho Sholokhov. Cũng phải nói thêm rằng, tháng 6-1941, Sholokhov đã hiến tặng toàn bộ số tiền nhận được nhờ giải thưởng Stalin cho quỹ quốc phòng của Liên bang Xô viết, vào đúng thời điểm bùng nổ cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại…

Trong việc xét Giải thưởng Nobel Văn học đối với tác giả “Sông Đông êm đềm” năm 1960, mọi chuyện cũng đã diễn ra không đơn giản. Thực tế cho thấy, phần lớn các thành viên trong hội đồng Nobel đều có thái độ, nói một cách nhẹ nhàng là không mấy thiện cảm đối với thể chế Xô viết. Vị thế chính trị của Sholokhov (đảng viên cộng sản, đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô) hoàn toàn trái ngược với những nhà văn Nga khác đã và sẽ lọt vào “mắt xanh” của những người xét Giải Nobel Văn học, và có lẽ đã làm chậm lại việc ông được nhận giải (năm 1958, Sholokhov đã cùng với Boris Pasternak là hai nhà văn Nga Xô viết cùng được đưa vào danh sách xét Giải Nobel Văn học nhưng rốt cuộc, đa số phiếu đã được bỏ cho tác giả của “Bác sĩ Zhivago”). Tuy nhiên, cuối cùng thì năm 1965, Sholokhov vẫn có được niềm vinh dự to lớn này “vì sức mạnh nghệ thuật và tính toàn vẹn của bộ sử thi về người Cozak sông Đông trong thời điểm đảo lộn đối với nước Nga”. Có thể nói, Sholokhov với Giải Nobel Văn học năm 1965 là trường hợp mà sức mạnh nghệ thuật đã vượt lên khỏi mọi sai khác về chính trị.

leftcenterrightdel
Svetlana Aleksevich.

2. Theo cách hiểu thông thường nhất, Giải Nobel Văn học cũng như Giải Nobel về hòa bình là biểu hiện của hệ thống đánh giá những giá trị nhân văn trong xã hội phương Tây, rất muốn được trở thành chuẩn mực quốc tế. Và vì thế, không thể không mang trong mình tính định hướng chính trị rõ rệt. Và cũng vì thế nên cho tới hôm nay, vẫn không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận trong cách đánh giá của những hệ thống chính trị khác nhau, những quốc gia khác nhau, những khu vực khác nhau…

Trong thế kỷ 20, ngoài Sholokhov còn có 4 người Nga nữa được trao Giải thưởng Nobel Văn học: Ivan Bunin (năm 1933), Boris Pasternak (năm 1958), Aleksandr Solzhenitsyn (năm 1970) và Iosif Brodsky (năm 1987). Ngoài Sholokhov, các nhà văn còn lại đều là những người ít nhiều “có vấn đề” đối với Điện Kremli… Nhẹ nhất là Ivan Bunin, một người Nga sống lưu vong ở Paris từ sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917.

Đặc biệt trong trường hợp Solzhenitsyn, đây là nhà văn mang nặng tư tưởng bài Xô viết. Trong lịch sử văn học và xã hội Nga, Solzhenitsyn là một nhân vật lớn nhưng cũng rất phức tạp. Những đoạn trường mà ông đã nếm trải cũng như những vinh quang mà ông có vừa mang tính khu biệt, vừa mang những nét điển hình cho cả một thời đại ở đất nước bao la, hùng hậu nhưng luôn luôn bị chọn làm nam châm hấp thụ tất cả những mâu thuẫn lớn lao của nhân loại. Bi kịch trong số phận của Solzhenitsyn là ở chỗ, trong phần lớn cuộc đời mình, ông đã không hữu dụng cho Tổ quốc mình và để cho những đối thủ của dân tộc Nga lợi dụng với những mục đích hiển nhiên không nhằm mang lại phúc lợi trước hết cho dân tộc Nga. Từng tham gia Chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít, dưới thời Xô viết, có giai đoạn Solzhenitsyn phải sang phương Tây sống lưu vong gần 20 năm… Trong cách đánh giá của những người Nga theo khuynh hướng thiên tả, kẻ chống phá chế độ Xô viết, Solzhenitsyn thậm chí còn là một kẻ phản bội Tổ quốc và dân tộc…

Trong lá thư gửi Ban Thư ký Hội Nhà văn Liên Xô ngày 8-9-1967, khi nói về hai tác phẩm “Bữa tiệc của phe chiến thắng” và “Trong vòng một”, Sholokhov viết: ‘Thật kinh ngạc, nếu có thể nói vậy, bởi thái độ vô liêm sỉ một cách bệnh hoạn của tác giả. Solzhenitsyn đã không chỉ không buồn giấu giếm hay ngụy trang bớt những cái nhìn phản Xô viết của mình làm nổi bật, trưng diễn với tư thế của kẻ dường như đang muốn đi tìm sự thật, không ngại bóc trần sự thật và khoái trá, lồng lộn vạch ra những sai lầm, những sơ suất mà đảng và chính quyền Xô viết đã phạm phải từ đầu những năm 30…”. Và Sholokhov đánh giá: “Nếu Solzhenitsyn là một người bình thường về mặt tâm lý thì ông ta về bản chất là một con người chống phá chế độ Xô viết công khai và độc ác”… Bộ tiểu thuyết “Quần đảo Gulag” cũng mang nặng một tinh thần bài Xô viết và chứa đựng nhiều chi tiết không đúng về lịch sử của quốc gia này… Nhiều sự kiện và số liệu trong tác phẩm này đã được ngụy tạo, thổi phồng, biến Liên Xô thành “hang ổ của cái ác”. Và vì thế, đã không được xã hội Xô viết chấp nhận…

Việc chính quyền Nga trong giai đoạn hiện nay có nhiều hoạt động tôn vinh Solzhenitsyn đang khiến cho dư luận xã hội Nga tiếp tục bị chia rẽ. Những thành phần công dân còn tin ở lý tưởng Xô viết đều giữ nguyên thái độ tiêu cực khi đánh giá về Solzhenitsyn.

3. Năm 2015, Giải Nobel Văn học đã được trao cho nữ văn sĩ người Belarus viết bằng tiếng Nga, Alexievich. Trưởng thành trong chế độ Xô viết, Alexievich đánh giá các quan điểm chính trị của mình là theo khuynh hướng xã hội dân chủ vì bà cho đó là cách dịch chuyển mềm mại nhất từ cơ chế Xô viết sang tư bản chủ nghĩa. Càng về sau, bà càng có những cái nhìn phê phán đối với quá khứ của đất nước mình trong thế kỷ 20. Bà viết các cuốn sách theo thể loại tư liệu văn học. Chính quan điểm chính trị của nữ văn sĩ, bộc lộ rất rõ ràng trong cách tiếp cận các chủ đề mà tác phẩm của bà đề cập tới, đã khiến cho cách tiếp nhận Alexievich có nhiều góc độ mâu thuẫn trong giới chuyên môn và các tầng lớp xã hội. Trong xã hội Nga, có không ít người coi việc Alexievich được trao Giải Nobel Văn học như một lần nữa biểu hiện thái độ không thiện chí đối với Moscow trong đội ngũ những người xét giải.

Qua những ví dụ nêu trên có thể thấy một điều, rõ ràng là những tài năng lớn về văn học cũng không thể thoát ra ngoài ảnh hưởng của các quan điểm chính trị mà họ theo đuổi. Và điều đó sẽ xác định vị trí của họ cũng như những giải thưởng thậm chí là danh giá nhất mà họ đã được nhận, trong di sản tinh thần và nghệ thuật của các quốc gia, các cộng đồng dân tộc…

HỒNG THANH QUANG