Theo những tư liệu lịch sử còn lưu giữ được thì những người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với văn học Nga-Xô viết phải kể đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà cách mạng tiền bối của dân tộc như: Lê Duẩn, Trường Chinh… Tiếp đó là thế hệ những thanh niên trí thức “Tây học” đi theo cách mạng rồi trở thành những người cầm bút tiêu biểu như: Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Hải Triều, Đặng Thai Mai… Từ những hạt nhân đó, văn học Xô viết theo bước chân những người chiến sĩ trên chiến trường, trở thành động lực tinh thần và kim chỉ nam cho họ. Khi kháng chiến thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, văn học Xô viết ngày càng củng cố địa vị vững chắc của mình trong đời sống văn nghệ nước ta cả về số lượng và chất lượng. Những tác giả văn học Xô viết đã thành danh và cả những tác giả mới đều được dịch và giới thiệu. Văn học Xô viết trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với độc giả Việt Nam thời bấy giờ, từ những độc giả đại chúng cho đến những độc giả tinh hoa-các nhà nghiên cứu, sinh viên, trí thức…

Trước tiên, phải khẳng định văn học Xô viết đã có ảnh hưởng rất to lớn tới các thế hệ người cầm súng ở nước ta. Ngay từ khi mới thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã gây tiếng vang lớn và thúc giục tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở trong nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ cộng sản của ta đã viết Bài ca Cách mạng Tháng Mười (in trong số đặc biệt của tờ Lao tù tạp chí, ra ngày 7-11-1931). Cũng trong năm 1931, trong nhà giam Hỏa Lò ở Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn đã kể cho các đồng chí trong tù nghe "Người mẹ" của Gorky. Câu chuyện đã khắc sâu vào tâm trí người nghe lúc ấy là các chiến sĩ cách mạng. Đồng chí Nguyễn Thường Khanh tức Trần Mai Ninh đã bắt tay dịch cuốn sách này sang tiếng Việt, nhưng chưa kịp hoàn thành thì đã hy sinh.

Run sợ trước ảnh hưởng của cuộc cách mạng long trời lở đất ấy, thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn chặn việc truyền bá các tác phẩm của văn học Xô viết ở Việt Nam. Tới những năm 1936-1939, khi phong trào dân chủ lên cao, độc giả Việt Nam mới có điều kiện biết tới Liên Xô và văn học Xô viết, thông qua các tài liệu tiếng Pháp và tiếng Trung. Từ đó, văn học Xô viết bắt đầu sống cuộc sống của nó ở nước ta. Những bản dịch tác phẩm văn học Xô viết đầu tiên ở Việt Nam (qua tiếng Pháp) phải kể đến Người mẹ (M.Gorky), Chiến bại(Phadeev), Thép đã tôi thế đấy (Ostrovsky), Đất vỡ hoang, Khoa học căm thù (Solokhov), Không kịp lấy lại hơi thở (Erenburg)… Những tác phẩm này đã tác động vô cùng lớn lao đến lớp thanh niên đang mò mẫm tìm đường hồi ấy. Theo nhà nghiên cứu văn học Như Phong, ông và những người bạn đồng trang lứa với ông đón đọc Người mẹ với “niềm hân hoan của người bị hạn hán gặp mưa rào”. Nhân vật Pavel Vlaxov trong cuốn tiểu thuyết ấy đã trở thành hình mẫu của lớp lớp thanh niên đi theo cách mạng. Bên cạnh Pavel Vlaxov, một nhân vật khác cũng trở thành tấm gương sáng về lý tưởng cách mạng và nghị lực chiến đấu-Pavel Corsaghin trong Thép đã tôi thế đấy. Cuốn sách đến với các chiến sĩ quân đội ta qua bản dịch đánh máy. Họ đã dùng đủ các thứ mực để chép tay một bản sách suốt 4 tháng trời. Cuốn sách chép tay đã đi theo các chiến sĩ trong các chiến dịch: Thượng Lào, Tây Bắc, Điện Biên... Bản chép tay đặc sắc của cuốn sách này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng N.Ostrovsky tại Moscow.

leftcenterrightdel
Tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” được nhiều thế hệ độc giả Việt Nam hâm mộ và đã được NXB Văn học tái bản nhiều lần. 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các chiến sĩ Điện Bàn, Quảng Nam cũng chép tay toàn bộ cuốn Thép đã tôi thế đấy. Có chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ cuốn sách. Có thể nói Thép đã tôi thế đấy đã trở thành sách gối đầu giường cổ vũ tinh thần cách mạng những chiến sĩ của ta. Nghị lực phi thường cùng những câu nói bất hủ của Pavel Corsaghin đã được chép tay trong nhiều cuốn sổ nhật ký, lưu bút, trở thành những câu cửa miệng động viên tinh thần của biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, sống cho khỏi hổ thẹn về dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”. Không chỉ có Thép đã tôi thế đấy, những tác phẩm văn học Xô viết khác cũng sống cuộc sống rực rỡ khi đến Việt Nam.

Đọc nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc, có thể thấy rất nhiều trang viết của anh là những trang văn đề cập đến những rung động tâm hồn trước những nhân vật, những khung cảnh thiên nhiên và những câu thơ, đoạn văn trong các tác phẩm văn học Nga. Đó là những dòng tâm sự về thơ ca, về mùa thu, về những người thầy như Duysen và Altunai trong tác phẩm của Aimatov. Đó là xúc cảm đến từ vẻ đẹp của những chiếc lá rụng trong rừng gợi nhớ Bông hồng vàng của Paustovsky, là những day dứt xấu hổ với Pavel của Thép đã tôi thế đấy... Trong nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, hơn một lần Nguyễn Văn Thạc trò chuyện cùng Pavel Corsaghin, hơn một lần anh nhắc đến chàng thanh niên cộng sản với lòng xấu hổ vì bản thân tự cảm thấy chưa phấn đấu hết mình cho sự nghiệp. Cũng trong cuốn nhật ký trên, Nguyễn Văn Thạc nhiều lần nhắc đến nhà văn Boris Polevoi (tác giả của Người Xô viết chúng tôi) với lòng ngưỡng mộ và bày tỏ ước muốn được sống, chiến đấu và cống hiến như ông: “Mình sẽ đi bộ đội cho đến khi nào hết giặc. Sẽ học theo Boris Polevoi, thu thập thật nhiều vốn sống, và sẽ viết văn, sẽ làm thơ ca ngợi những gì quý giá nhất...”.  

Nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong cuốn nhật ký của mình cũng trang trọng đóng khung câu nói của Pavel trong cuốn Thép đã tôi thế đấy để làm động lực phấn đấu và lý tưởng chiến đấu của mình. Và quả thật, những con người như những anh hùng, liệt sĩ ấy đã không sống hoài sống phí bởi họ biết sống, biết chết vì Tổ quốc. Trong cuốn nhật ký của mình, bác sĩ Đặng Thùy Trâm không chỉ một lần nhắc đến tấm gương của Pavel, chị nhắc lại lời của Ostrovsky như một sự khẳng định: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh sẽ càng thêm rắn chắc, sẽ đủ sức vượt qua mọi thử thách”. Và chị đã vượt qua mọi thử thách của cuộc sống chiến đấu khắc nghiệt trong chiến tranh...

Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm đã hy sinh khi chưa thực hiện được ý nguyện của mình. Tuy nhiên, đã có rất nhiều chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện thực hóa ước mơ của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm. Anh hùng Phạm Hồng Sơn, Tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn 307 bị thương nặng đã noi gương Pavel tự học tiếng Nga và dịch một số tác phẩm văn học Xô viết ra tiếng Việt. Đặc biệt, tấm gương của Pavel Corsaghin và chính nhà văn Ostrovsky đã là động lực giúp cậu học trò giỏi Toán Nguyễn Ngọc Ký trở thành thầy giáo dạy Văn và trở thành nhà văn. Ông kể: “Đang là học sinh giỏi Toán cấp quốc gia, một lần tôi đọc được Thép đã tôi thế đấy, càng đọc càng say mê và chính tác phẩm này cùng nhân vật Pavel đã khiến tôi gắn bó với văn chương”.

Rõ ràng, văn học Xô viết đã tác động sâu sắc tới đời sống tinh thần của người chiến sĩ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Không chỉ có những người chiến sĩ, những trang văn, những dòng tâm sự của thơ ca Xô viết cũng là nguồn động lực tinh thần của những người mẹ, người chị, người vợ ở hậu phương. Không thể không kể tới thi phẩm Đợi anh về của Simonov được Tố Hữu dịch sang tiếng Việt. Ngoài ra còn phải kể tới những bài thơ của Olga Bergolt, Esenin, Blok… Những tác phẩm văn học Nga thời ấy với sức hấp dẫn và sự thôi thúc sục sôi đã giục giã biết bao thanh niên noi gương Pavel Corsaghin, Pavel Vlaxov, Davudov… xung phong trên các mặt trận: Chiến đấu chống lại quân thù, lao động sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những thanh niên Việt Nam thời ấy thực sự như được tiếp lửa.

Vậy là, cả trong thời chiến lẫn khi đất nước đã hòa bình và kể cả sau khi Liên Xô tan rã cho đến hôm nay, văn học Xô Viết vẫn tác động mạnh mẽ tới những con người Việt Nam. Những bài học đạo đức, những bài học về lý tưởng, sự cống hiến, rộng hơn là những bài học về nhân sinh của văn học Xô Viết vẫn tác động đến các thế hệ độc giả Việt Nam, giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn của cuộc sống. Những tác phẩm như: Tính cách Nga của A.Tolstoy, Những đốm lửa của Korolenko, Bức điện của Paustovsky, Sống mà nhớ lấy của Rasputin, Người thầy đầu tiên của Aimatov, Daghestan của tôi của Raxul Gamzatov… đã thực sự tác động sâu sắc tới tâm hồn người Việt. Những câu chuyện đầy cảm động về tình cảm gia đình, về lòng chung thủy, về tình cảm và sự hy sinh của người thầy, về tình quê hương, về sự ngay thẳng trong cuộc sống, lao động được đề cập đến trong các tác phẩm văn học Nga Xô Viết trên đây đã ăn sâu vào tâm thức người dân Việt Nam. Cho đến hôm nay, những tác phẩm trên vẫn sống trong thế giới tinh thần người Việt, vẫn được các thế hệ người Việt tìm đọc. Văn học Nga vẫn là món ăn tinh thần và là lựa chọn của rất nhiều độc giả Việt Nam yêu văn học, yêu nước Nga và văn học Nga. Và văn học Xô Viết, tuy là sản phẩm của một thời đại lịch sử, mà thời đại ấy đã qua từ lâu, vẫn được ưu ái đọc và tiếp nhận trong một bộ phận không nhỏ độc giả Việt Nam. Nó là minh chứng cho sức sống bất tử của một giá trị vĩnh cửu, như một người chiến sĩ đã từng viết trong chiến hào đánh Mỹ năm xưa:

Để tôi mở Gorky từng dòng bão biển

Trái tim Danko thắp đuốc lửa dữ dằn

Chim báo bão bay trong từng trang sách

Gorky còn thức suốt mãi câu văn...

“Mình sẽ đi bộ đội cho đến khi nào hết giặc. Sẽ học theo Boris Polevoi, thu thập thật nhiều vốn sống, và sẽ viết văn, sẽ làm thơ ca ngợi những gì quý giá nhất...” - Trích Nhật ký Nguyễn Văn Thạc

VÂN HƯỜNG