CCB Trần Ngọc biết tôi từ hồi gặp mặt truyền thống Cục Chính trị Quân khu 5. Hôm đó tôi làm “phó nháy” nên ông khá ấn tượng và nhớ tên. Bên ấm trà tỏa hương, câu chuyện ông kể giúp tôi hiểu sâu hơn về những kỷ niệm chiến trường…

Trong suốt những năm ở chiến trường Khu 5, dù ở mặt trận nào cũng vậy, bằng trí tưởng tượng của mình, Trần Ngọc đều vẽ chân dung Bác Hồ và những ký họa về đồng đội. Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm (đồng đội của Trần Ngọc) kể lại: “Vào đầu tháng 4-1975, từ căn cứ Nước Oa (Trà My), đơn vị hành quân về đến xã Bình Tú (Thăng Bình), Trần Ngọc tranh thủ vẽ chân dung Bác Hồ vẫy chào đoàn quân ngay trên một tấm ván ép chiến lợi phẩm khổ rộng 1,2m, cao 2,4m. Sau hai ngày miệt mài sáng tác, bức chân dung ấy đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi đóng quân.

Sau ngày đất nước thống nhất, Trần Ngọc được điều về Phòng Tuyên huấn (Cục Chính trị Quân khu 5) với nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ và các thể loại tranh, pano, áp phích trang trí, tuyên truyền trực quan phục vụ các lễ hội và sự kiện lớn của các đơn vị thuộc quân khu. Thời kỳ sau giải phóng, doanh trại các đơn vị đều cũ nát, sơ sài, thế nên các loại pano, áp phích, tranh cổ động góp phần tạo cảnh quan đơn vị thêm tươi tắn, sống động. Đây cũng chính là khoảng thời gian Trần Ngọc vẽ Bác Hồ nhiều nhất với đủ các chất liệu, thể loại. Bằng trách nhiệm và tinh thần lao động nghệ thuật sáng tạo, trong một ngày, Trần Ngọc và 3 chiến sĩ phục vụ có thể kẻ, vẽ hàng chục bức tranh cổ động lớn, nhỏ để kịp thời tuyên truyền các sự kiện: Hội thao, hội diễn, đại hội thi đua quyết thắng. Kỷ niệm mà CCB Trần Ngọc nhớ mãi, đó là lần ông vẽ bức chân dung Bác Hồ có khổ gần 40m2 nhân dịp Bộ tư lệnh Quân khu 5 đón tiếp đoàn khách quân sự nước ngoài đến thăm. Hôm ấy, các bạn rất ấn tượng bởi thần thái của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh trong bức chân dung.

Trong thời chiến cũng như thời bình, đóng góp của Trần Ngọc đối với ngành mỹ thuật là rất đáng ghi nhận. Ông đã vẽ gần 1.000 bức tranh Bác Hồ và sáng tác nhiều bài hát ca ngợi Người. Điều đặc biệt, hình tượng Bác dù trong hội họa hay âm nhạc của Trần Ngọc đều mang sắc thái vui tươi, hào sảng, bởi mỗi khi bắt đầu cầm cọ hay cầm bút, ông đều nghĩ đến việc viết, vẽ về Bác Hồ, về Đảng, về quân đội với niềm tin yêu mãnh liệt.

leftcenterrightdel
Những tác phẩm hội họa của Thượng tá - CCB Trần Ngọc

Ngoài những tác phẩm hội họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Ngọc còn sáng tác nhiều ca khúc về Bác với ca từ dung dị, mềm mại, dễ đi vào lòng người như: “Lời Bác dặn”, “Nhớ ơn Người”... Những tác phẩm đó còn mãi trong lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5 và đoạt giải cao trong các đợt hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp quân khu và toàn quân.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Trần Ngọc

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) tâm sự: “Tôi biết anh Trần Ngọc từ những năm 80 của thế kỷ trước. Anh Ngọc là con người của công việc, của sáng tác nghệ thuật, của sự đam mê cháy bỏng và một sự chỉn chu, đặc biệt khi vẽ về Bác Hồ. Tác phong lao động của anh lúc đó và sau này, tấm gương chiến đấu vượt qua bệnh tật của anh là bài học và phong cách mà tôi luôn noi theo...”.

Hiện nay, dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng CCB Trần Ngọc vẫn khỏe mạnh và tinh tường. Không mấy ai biết rằng, người lính ấy đã cắt bỏ 3/4 dạ dày từ đầu năm 1997. Tâm hồn ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời: “Tôi chỉ mong những bài hát, thơ, tranh vẽ Bác Hồ của tôi đến được với đông đảo công chúng và lưu lại cho con cháu sau này nhằm góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.    

Bài và ảnh: TÙNG LÂM