Tại đây, Fucik bị biệt giam và hằng ngày phải đối mặt với những ngón đòn tra tấn dã man, tàn khốc của quân thù. Tuy nhiên, ông không hé răng khai nửa lời. Càng giữ bí mật, ông càng bị tra tấn thảm khốc hơn. Biết mình không có hy vọng thoát khỏi nhà tù phát xít, ông nảy ra ý định ghi lại cho thế hệ mai sau những suy nghĩ của một người cộng sản chân chính trong những ngày chờ đợi cái chết. Trong số những viên quản ngục, có người cảm phục tấm gương dũng cảm, kiên cường của ông nên đã ra tay giúp đỡ. Mỗi ngày, người quản ngục lại tuồn vào cho Fucik một mẩu giấy và bút chì. Ông viết đến đâu lại nhờ viên quản ngục này chuyển ra ngoài cho đồng chí của mình. Những trang viết cuối cùng của ông kịp hoàn thành trước khi phát xít Đức đưa ông đi xử tử vào năm 1943. Fucik đã hát vang bài “Quốc tế ca” khi bị hành hình.
Năm 1945, Liên Xô và phe Đồng minh đánh tan phát xít Đức, Tiệp Khắc được giải phóng. Những người đồng chí, đồng đội của ông, đặc biệt là vợ ông đã thu thập bản thảo và cho xuất bản vào mùa thu năm 1945. Cuốn sách chia làm 8 chương ngắn gọn, mỗi chương là một bức tranh chân thực, sinh động và súc tích về bộ mặt thật ghê tởm của chế độ nhà tù và về những phẩm chất cao đẹp của các chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc, về cuộc đấu tranh đầy gian khổ và hy sinh của họ vào lúc lịch sử đất nước trải qua bước gian nguy. Từ khi ra đời đến nay, “Viết dưới giá treo cổ” đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng trên thế giới với hàng chục triệu bản in. Thiên ký sự nổi tiếng này với những ngôn từ bình dị nhưng diễn tả những lý tưởng sống cao cả, những tình cảm trong sáng như ngọc của một con người dù bị tra tấn tàn bạo nhưng luôn hướng về lẽ phải và niềm tin tuyệt đối vào những người đồng chí của mình. Một nhà văn đã thốt lên khi đọc tác phẩm: “Có lẽ văn học thế giới xưa nay, hiếm có một áng văn tuyệt vời đến thế, nó làm cho Fucik đến với mọi trái tim và khối óc, tìm tới Chân-Thiện-Mỹ”.
Thông điệp bất hủ của cuốn sách đến nay vẫn được độc giả khắp thế giới thường xuyên nhắc lại. Cuối sách, Fucik đã viết: “Vở kịch của tôi đã đến lúc phải kết thúc. Nhưng kết thúc như thế nào, tôi không biết. Đó không còn là kịch nữa. Đó là cuộc sống. Và cuộc sống thì không có khán giả. Tấm màn đã được kéo lên. Nhân loại hỡi, hãy cảnh giác. Tôi yêu các bạn”.
Trúc Linh