Chợt nhớ, ngày ở quê, làng tôi có đôi vợ chồng sống với nhau tới già mà vẫn không mụn con. Căn nhà của ông bà nhỏ bé và gọn ghẽ, lối vào từ ngõ đến khoảnh sân xen lẫn rêu là những vạt hoa sâm đất, lúc nào cũng nở bừng như có ánh sáng bên trong. Loài hoa ấy thật kỳ lạ, ngủ suốt một ngày, chỉ chờ chiều tà bung cánh. Khuôn mặt hai người già mỗi buổi xế chiều cứ bình thản, trìu mến nhìn đám trẻ hàng xóm bày đồ hàng đợi giờ cơm. Bên bậc cửa, họ luôn ngồi trên hai chiếc ghế gỗ cạnh nhau, ngày mưa cũng như ngày nắng. Rồi tóc trên đầu họ bạc trắng, rồi cũng đến ngày họ không còn trên cõi đời, như thành ông tiên, bà tiên nhẹ nhõm ghé qua một ngôi làng khác, một khu vườn khác, đưa tay nheo mắt vẫy gọi đám trẻ khác…

Tôi kể câu chuyện ấy với người em gái sống chung nhà. Mặc nhiên, tất cả khu vườn quê thênh thang, yên tĩnh trong ký ức chúng tôi ùa về muôn nỗi rưng rưng. Ấy là những góc vườn thể nào cũng có cây chanh, cây ớt, vạt rau thơm mơn mởn, xanh non chờ tay trẻ nhỏ chạm vào. Ấy là những ngày cuối năm, đứa trẻ nào đó chợt reo lên khi suốt cả năm ròng, giờ mới thấy nghệ nở hoa, khóm hoa đủ sắc vàng tía hồng phai, rực rỡ vượt ngoài trí tưởng tượng. Ở thành phố chật hẹp, chúng tôi cố gắng vun trồng từng mầm cây bé nhỏ, vài khóm hồng leo, bụi hoa nhài, hoa mộc, chút rau gia vị mỗi lần hái cứ non bấy, thơm ngát cả lòng tay. Bên bàn trà mới được bày biện, bỗng nhận ra rằng, cách chúng ta gìn giữ hình bóng một góc vườn quê, đôi ba loài cây cối là một phần ký ức trong veo thuở chưa xa cách và náo động. Mỗi lần tự xới đất, trồng cây, tôi hay nhớ những người đàn bà quê mình, khom lưng từ bếp ra vườn, thời trẻ, hễ rảnh tay thì trồng cây, nhổ cỏ. Tuổi xế chiều, bà và mẹ cứ đứng giữa cây cối sum sê mà xót con cháu trên phố thiếu quả ngon, rau sạch.

Từ góc sân thượng nhỏ bé của chúng tôi, hướng mắt xa xa một chút sẽ gặp những tán hoa sưa trắng mong manh, dịu nhẹ như vầng mây lạ. Mùa hoa ấy chỉ về sau những cơn mưa nơi phố thị, thế nên chúng tôi đứng bên này, mơ mộng đặt cho loài hoa bên ấy cái tên “Hoa đón mưa”. Nếu không có mùa hoa trắng ngần, có lẽ loài sưa đã an phận khép mình giữa ồn ào phố thị. Vài người bạn phương xa chưa từng đặt chân đến Hà Nội cứ hỏi tôi mãi: Hoa sưa Hà Nội đẹp thế nào? Nhưng sắc hoa trắng bồng bềnh, dịu nhẹ kia dễ khiến ngôn từ bất lực. Loài hoa ấy mải miết, quyến luyến con người bằng linh giác, ngay cả khi ta nhắm mắt lại, ngay cả trong những giấc mơ.

Ở phố, nếu thiếu một góc vườn, cho dù thực tế định nghĩa vườn trong phố lắm khi chỉ vỏn vẹn có vài chậu cây, thì có lẽ con người sẽ thiếu đi những phần mơ mộng nhất. Thiếu thì vẫn sống, vẫn vui, nhưng phần dịu lắng, mênh mông thì xa tít. Chắc vì lẽ đó mà ở khu phố nhà binh này, tôi luôn gặp những nhà văn khoác áo lính, tóc bạc trắng trên đầu, mỗi sáng đều rủ nhau ngồi bên một góc vườn nào đó, nhẩn nha uống trà, trước mặt là tờ báo gấp ngay ngắn, từ tốn bàn chuyện thế thái nhân tình. Ngày thường thế và Tết cũng chẳng khác là bao. Ban công khu tập thể cũ được thu vén, xếp đặt thành từng ô “vườn treo”. Những ngày lễ, tết, điểm xuyết cạnh “vườn treo” là những chiếc rổ nhỏ hong đầy măng, miến, mộc nhĩ, bột nếp… Trông gọn ghẽ, đơn sơ vậy nhưng tất cả đã được phụ nữ trong nhà tính toán sao cho vừa vặn cỗ bàn đón con, cháu về. Cách đây hơn mười năm, lần đầu tiên đến thành phố này, khi đứng dưới con đường tấp nập xe cộ mà ngước lên những góc vườn như thế, tôi đã nghĩ về sự khởi đầu và thích nghi ngay ở những khoảng trống nhỏ xinh, vừa vặn, ấm nồng.

Tản văn của THỤY PHƯƠNG