QĐND - Nhà hát Kịch nói Quân đội vừa tổ chức báo cáo thủ trưởng Tổng cục Chính trị vở diễn mới “Những người lính trận” (tác giả kịch bản: Nhà văn Hà Đình Cẩn; Tổng đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, cùng các đạo diễn: NSND Quốc Trị, NSƯT Hoàng Mai; Âm nhạc: Đại tá, nhạc sĩ, Nhà giáo ưu tú Đức Trịnh; họa sĩ: NSƯT Hoàng Song Hào; Biên đạo múa: Tấn Lộc. Chỉ đạo nghệ thuật: Đại tá, Giám đốc nhà hát, NSƯT Minh Hằng). Thời gian tới, vở diễn sẽ được công diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước hướng đến kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cha con tư lệnh gặp nhau tại chiến trường. Ảnh: Đức Long

 

Không khó để nhận ra khung cảnh chiến tranh tại một mặt trận ở Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. Ở đó, tuy chỉ một lát cắt nhỏ trong kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta nhưng cũng đủ để khán giả hình dung sự khốc liệt, gian khổ khi đối mặt với bom đạn kẻ thù mà những người lính phải vượt qua để chiến thắng. Kịch tính vở diễn dưới bàn tay điêu luyện của NSND Doãn Hoàng Giang đã được đẩy lên ngay từ đầu khi những tranh luận quyết liệt giữa Trung đoàn trưởng Nguyễn (nghệ sĩ Huỳnh Phương) và Trung đoàn trưởng Đệ (nghệ sĩ Anh Huy) - một người vừa tốt nghiệp ở nước ngoài về còn người kia trưởng thành trong chiến đấu. Kinh nghiệm chiến trường dường như đối lập với lý thuyết sách vở đủ để họ “cãi nhau” kịch liệt trong buổi rút kinh nghiệm trận đánh trước những tổn thất của bộ đội ta trên thực tế trận đánh. Họ đều đúng khi cho rằng: “Tôi đánh giặc từ lúc khi đồng chí còn là con nít nhé (Nguyễn) và “Anh sợ thương vong à. Ra trận mà sợ thương vong thì về nhà ngồi hút thuốc lào vặt"Đệ).

Đánh, phải giành chiến thắng trong trận quyết định này nhưng bằng cách nào khi hai người chỉ huy có hai lối suy nghĩ và cách đánh khác nhau? Việc tư lệnh mặt trận và Chính ủy đích thân có mặt tại đơn vị, trực tiếp nghe báo cáo tình hình và có những chỉ đạo đúng sát với thực tiễn chiến đấu đồng thời phát huy được thế mạnh của hai cái đầu nóng của hai trung đoàn trưởng khi kết hợp được kinh nghiệm chiến đấu và lý thuyết đào tạo bài bản trong nhà trường. Quyết định táo bạo cuối cùng của tư lệnh được đưa ra gây bất ngờ cho địch.

Câu chuyện chiến tranh với xích xe tăng, pháo, bom đạn, thương vong, những cái đầu nảy lửa được “mềm hóa” gây xúc động cho người xem bằng tình yêu đồng đội, tình yêu đôi lứa và cả “tình yêu” đơn phương, tình cha-con. Khán giả không khỏi bật cười đồng điệu khi giữa khung cảnh bom rơi, đạn nổ ấy những người lính vẫn lạc quan, yêu đời tán nhau để giải tỏa sự căng thẳng chiến trận: Anh liên lạc tán cô nhân viên trực tổng đài bằng những vần vè mộc mạc; cô bác sĩ (NSƯT Mai Phương) e ấp “quan tâm” đến tình hình sức khỏe tư lệnh (vợ đã mất); mối tình vừa chớm nở giữa trung đoàn trưởng trẻ Đệ và Oanh (nghệ sĩ Nguyễn Sâm) cô con gái vị tư lệnh trong đoàn khảo sát… Họ đã sống, chiến đấu, đã yêu và đã vượt qua những khoảnh khắc ác liệt của chiến tranh như vậy.

Không chỉ sống, chiến đấu, yêu… “Những người lính trận” còn phải vượt qua chính mình. Có lẽ không ở đâu (ngoài chiến trường) chúng ta có thể nghe thấy mệnh lệnh của chỉ huy: “Các đồng chí hãy đứng im để các cô TNXP ôm. Mệnh lệnh đấy” và những thổ lộ: “Báo cáo Thủ trưởng, chúng em cần nghe tiếng nói của đàn ông ạ. Nhưng không phải để làm cái chuyện yêu đương đâu. Mà chỉ cần bóng dáng của họ, tiếng nói của họ, hơi ấm của họ là chúng em sẽ thoát cái cảnh như lúc Thủ trưởng vừa bước vào” xảy đến đối với các nữ thanh niên xung phong trong vở kịch (và cũng đã từng xảy ra trong thực tế chiến trường những năm kháng chiến chống Mỹ).

Chiến tranh-hy sinh là chuyện không thể tránh khỏi những sự hy sinh của Oanh (con gái tư lệnh) trong lúc làm tiêu điểm chiếm lĩnh trận địa đã được đạo diễn khéo léo đẩy thành cao trào gây xúc động. Sự hy sinh dũng cảm của cô tăng thêm sức mạnh để toàn trận địa đáp lời ra lệnh “Tiến công” của tư lệnh mặt trận tiếp tục vào trận chiến đấu mới giành chiến thắng trước trận đánh lớn…

Bố cục chặt, thời lượng hợp lý, thiết kế sân khấu gọn, ánh sáng, âm nhạc phù hợp đã giúp người xem thưởng thức một lát cắt mỏng về chiến tranh trong “Những người lính trận” một cách không quá nặng nề. Bên cạnh đó, sự nhập vai, diễn xuất thăng hoa của dàn diễn viên tài năng Nhà hát Kịch nói Quân đội đã để lại những ấn tượng mới về đề tài chiến tranh cách mạng-lực lượng vũ trang và hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Tuy vẫn còn một vài chi tiết hơi cứng, đôi chỗ lời thoại vấp cần tiếp tục hoàn thiện khi đến với khán giả. Những bó hoa tươi thắm khi kết thúc vở diễn cũng là sự ghi nhận, động viện ý nghĩa để "những người lính trận" đến với khán giả toàn quân, toàn quốc.

ĐỨC NGHĨA