Lễ hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Lễ hội thường có hai phần. Phần lễ là phần thực hành tín ngưỡng nhằm thể hiện lòng tôn kính của người đời nay với các bậc tiên tổ. Cùng đó, là nơi để thể hiện ước mong về những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Phần hội là những hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, luôn thu hút đông đảo người dân bản địa và cả những địa phương khác.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đến tận hôm nay, trong một xã hội hiện đại, những lễ hội vẫn luôn được nuôi dưỡng trong lòng nhân dân. Thế nhưng, vì nhiều yếu tố, nhiều lễ hội đã bị biến tướng, gây nên những tai tiếng, làm xấu đi vẻ đẹp của một truyền thống văn hóa. Vì thế, việc tăng cường quản lý, làm trong sạch lễ hội là việc cấp thiết với tất cả các ngành, các cấp.

Thực tế đã chứng minh, việc tăng cường quản lý hoàn toàn không mâu thuẫn với bản sắc lễ hội. Xin lấy một ví dụ:

Trước năm 2016, lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh từng bị lên án mạnh mẽ vì những hình ảnh phản cảm. Năm 2016, việc chém lợn được thay đổi, thay vì chém lợn giữa sân đình, nghi lễ này được đưa vào khu vực kín. Việc siết chặt quản lý này có làm mất bản sắc lễ hội chém lợn ở Ném Thượng? Hoàn toàn không!

Tất nhiên, lễ hội chém lợn ở Ném Thượng chỉ là một trường hợp. Thực tế, việc quản lý lễ hội có thể sẽ “va chạm” ít nhiều với tập tục của một số lễ hội. Tuy nhiên, nên nhìn việc này ở góc độ thời đại và trong những trường hợp cụ thể, những điều không còn phù hợp với cuộc sống, con mắt văn minh của thời đại thì cần chấn chỉnh, loại bỏ.

Bản sắc văn hóa truyền thống chúng ta cần gìn giữ là những giá trị nhân văn, những tập tục tốt đẹp thể hiện lòng nhân ái, tinh thần cao thượng hướng đến chân-thiện-mỹ của người Việt chứ không phải là những tập tục đã trở thành hủ tục không còn phù hợp.

DUY ANH