Nhớ lại 49 năm trước, sau ngày 30-4-1975, một nhà thơ khi chứng kiến đám rước dâu qua cầu Hiền Lương đã viết: "Cầu vừa bắc xong/ Sơn còn tươi roi rói/ Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng/ Nhìn hai họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng/ Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ/ Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa-Cam Lộ/ Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau...".

leftcenterrightdel
 Câu chuyện của những người đã sống, chiến đấu bảo vệ ngọn cờ thiêng liêng tại cầu Hiền Lương là một khúc trường ca sẽ ngân vang mãi trong lòng người hiện tại. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

 

Gần nửa thế kỷ qua, đã có rất nhiều đám rước dâu như vậy qua cầu Hiền Lương. Cây cầu, dòng sông giới tuyến trở thành chứng tích của một thời đất nước chia cắt khổ đau, nhưng cũng rất bình thản trở lại với cuộc sống thường ngày đón đưa dòng người, xe cộ tấp nập vào Nam, ra Bắc trên tuyến đường giao thông huyết mạch. Trên những cánh đồng đôi bờ sông Bến Hải, giờ đây không còn dấu tích của hố bom, đạn pháo vốn từng chi chít, bởi vì lúa, ngô, khoai, sắn xanh mướt phủ tràn. Và trong ký ức của các cựu chiến binh, người dân giới tuyến từng trải qua bom đạn chiến tranh, những đau thương, mất mát, hy sinh cũng dần được gói ghém, lưu giữ cùng với niềm hạnh phúc chan hòa ngày tháng yên lành, ấm áp.

Nhìn những đám rước dâu qua cầu Hiền Lương, cảm nhận được niềm hân hoan, hạnh phúc không chỉ của riêng cô dâu-chú rể mà còn là niềm vui của một dân tộc đã trải qua biết bao sóng gió để đến được ngày hôm nay.

Mỗi bước chân qua cầu Hiền Lương vừa bước về quá khứ, đồng thời là hành trình đến tương lai, nhắc nhớ về giá trị của hòa bình, tự do và hạnh phúc; là những điều quý giá nhất mà dân tộc Việt Nam đã chiến đấu, gìn giữ.

      TRẦN HOÀI