Các diễn đàn đã “dậy sóng” trước hình ảnh này. Nhiều người bày tỏ bất bình, bức xúc trước sự lai căng, hổ lốn, ảnh hưởng xấu đến văn hóa truyền thống.

Chuyện cái khố bị “bức tử” trước văn hóa ngoại lai là một dẫn chứng về thực trạng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang bị pha tạp, lai căng, nhạt phai bản sắc. Có một dạo, người ta xây dựng ồ ạt nhà rông bê tông, lợp mái tôn. Nhưng khánh thành xong thì... bỏ hoang. Cái khối nhà bê tông vô hồn ấy hoàn toàn xa lạ với phong tục của đồng bào. Bà con lại tìm đến những cái nhà bằng tranh, tre nứa...

leftcenterrightdel
 Chiều về trên hồ Lắk, Đắk Lắk. Nhiếp ảnh gia Minh Phương

 

Cuộc chuyển đổi từ nhà tranh sang bê tông là bước tiến mạnh mẽ của văn minh công nghiệp. Nhưng, mỗi bước tiến của văn minh là một thách thức vô cùng nan giải của văn hóa truyền thống. Tiện ích công nghệ tác động đến mọi ngóc ngách đời sống xã hội. Nhiều hình thức thủ công bị thay thế. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mất đi.

Câu chuyện văn hóa về bảo tồn cái gì, bảo tồn như thế nào là bài toán rất khó. Chúng ta không thể ôm đồm, tùy tiện, duy ý chí, mà cần tôn trọng quy luật đào thải và chọn lọc. Đã chọn lọc để bảo tồn thì phải làm cho tới, giữ cho bằng được cái lõi của truyền thống, cốt cách. Phát triển các bảo tàng, bảo tồn mô hình làng văn hóa Tây Nguyên, tăng cường các hình thức truyền bá nghệ thuật dân tộc... là những thứ cần làm thường xuyên.

Ngẫm từ chuyện nghệ nhân đóng khố mới thấy, bảo tồn văn hóa còn phải để ý đến những việc rất cụ thể chứ không chỉ là các mô hình. Cần nói không với sự pha tạp, lai căng một cách tự nhiên chủ nghĩa, tùy tiện, thiếu ý thức...

PHAN TÙNG SƠN