Tiếng đàn ghi ta trên thao trường nắng gió

Hơn 10 giờ, vùng núi khu vực Miếu Môn thoát khỏi cái lạnh và những màn sương trắng nhạt bao phủ. Những vệt nắng đan chéo nhau trải rộng trên tán cây trong khuôn viên Tiểu đoàn 31 như soi đường cho những đàn ong tìm nhụy hoa hút mật. Tiếng ong vo ve đều đều hòa với tiếng lách cách kéo bệ khóa nòng súng tiểu liên AK từ xa vọng lại giống như bản hòa tấu. Sau khi sửa tập và rút kinh nghiệm cho chiến sĩ, Trung sĩ Lương Công Nhân, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 52, Trung đội 15, Đại đội 14 phát lệnh nghỉ giải lao. Nhân lấy cây đàn ghi ta và dạo nhạc. Các chiến sĩ ào đến xung quanh trong tiếng cười nói rôm rả. Rồi tiếng đồng ca bài “Hát mãi khúc quân hành” của các chiến sĩ trẻ vang lên sôi động một góc thao trường, xua đi những mệt mỏi, căng thẳng. Mãi sau chúng tôi mới “kéo” được Trung sĩ Lương Công Nhân ra trò chuyện. Nhân khoe biết đàn gần một tháng nay do gặp được “thầy” tốt là một chiến sĩ mới. Người ấy là Binh nhì Nguyễn Hồng Sơn ở Trung đội 13, thành viên tích cực trong Câu lạc bộ Tiếng hát thanh niên của liên chi đoàn.

leftcenterrightdel
Binh nhì Nguyễn Hồng Sơn (đứng) dạy đàn ghi ta cho Binh nhì Vũ Đức Duy trong giờ nghỉ. Ảnh: PHÚC ĐỨC 

Nhân kể, do nắm được thông tin, trước khi nhập ngũ, Nguyễn Hồng Sơn từng mở lớp dạy ghi-ta cho các bạn trẻ ở TP Bắc Giang nên mới ngỏ ý tình nguyện làm học viên. Vì được “làm thầy” của Tiểu đội trưởng nên Sơn do dự. Chỉ khi Bí thư Chi đoàn Đại đội 14 biết chuyện và động viên thì Sơn mới thông tư tưởng. Thế là, vào giờ sinh hoạt câu lạc bộ do Liên chi đoàn 31 tổ chức, Sơn dạy Nhân nhạc lý căn bản và cách đánh ghi-ta. Những lúc rảnh, nhất là sau giờ thứ 8, Nhân chạy sang chỗ Sơn để được luyện đánh đàn và luyện bài hát mình yêu thích. Kiên trì như vậy, đến nay Nhân đã có lưng vốn kha khá để nuôi dưỡng đam mê chơi đàn mà trước đây chưa từng có cơ hội.

Tiếng đàn, tiếng hát trên thao trường trong giờ giải lao của ĐVTN Tiểu đội 52 mà chúng tôi chứng kiến chính là kết tinh của tinh thần đồng đội, sự khổ luyện và cộng với đam mê. Trung sĩ Lương Công Nhân nhắn nhủ với tôi rằng, đó cũng là cách để các anh xây dựng tinh thần lạc quan, yêu đời và nuôi dưỡng ý chí, lý tưởng, niềm tin để vượt qua khó khăn. Còn Binh nhì Nguyễn Hồng Sơn thì tâm sự, ở nhà, cây đàn là người bạn tri kỷ suốt nhiều năm. Khi nhập ngũ, hành trang mà Sơn mang theo bên mình đến đơn vị là cây đàn ghi-ta. Giờ đây, cây đàn của Sơn trở thành bạn chung của cả đơn vị. Nó giống như chiếc cầu nối để các chiến sĩ trẻ đồng hành vượt qua mưa nắng trên thao trường và những giờ huấn luyện căng thẳng.

Những mô hình ra đời từ thực tiễn

Thực tế ở Lữ đoàn Công binh 28, chúng tôi thấy, Đoàn cơ sở đang duy trì nhiều mô hình câu lạc bộ thanh niên. Điều đó khiến hoạt động CTĐ và PTTN được triển khai nền nếp, liên tục và lôi cuốn. Thiếu tá Trần Hữu Vinh, Chính trị viên phó, Bí thư Liên chi đoàn Tiểu đoàn 31 hào hứng chia sẻ rằng, mỗi tiểu đoàn có một mô hình thanh niên phù hợp với nhiệm vụ chính trị và có những sắc thái riêng được hoạt động theo kế hoạch rất chi tiết, bài bản, nhằm phát huy tối đa sức trẻ, sự sáng tạo.

Anh Vinh cho biết, nếu như Tiểu đoàn 31 tập trung cho nhiệm vụ huấn luyện thì ngoài mô hình Câu lạc bộ Tiếng hát thanh niên còn có mô hình Vườn rau thanh niên hoạt động rất hiệu quả. Bình quân hằng năm, mô hình này cho ra khoảng 10 tấn rau, củ, quả các loại. Ngoài ra, mô hình Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ cũng hoạt động tích cực, cho ra nhiều sáng kiến hướng tới nâng cao chất lượng huấn luyện với giá thành rẻ. Tiêu biểu như các sáng kiến tạo giả âm thanh; cọc ga-lông gắn đèn LED tiện dụng huấn luyện đêm, dụng cụ kiểm tra nguồn trước khi gây nổ...

leftcenterrightdel

 Cán bộ, đoàn viên, thanh niên Liên chi đoàn Tiểu đoàn 30 (Đoàn cơ sở Lữ đoàn 28) xây dựng công trình thanh niên. Ảnh: VINH HỒNG

Trước khi nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 31, Thiếu tá Trần Hữu Vinh là Trợ lý công tác quần chúng thuộc Phòng Chính trị. Thế nên anh nắm khá chắc về hoạt động CTĐ và PTTN ở các đơn vị. Anh kể, hằng năm, cán bộ đoàn và đoàn viên đóng góp hơn 50% số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cho lữ đoàn có giá trị thực tiễn và ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Vài năm gần đây, phong trào sáng tạo trẻ của lữ đoàn phát triển rất mạnh. Năm 2021, Đại úy Ngô Văn Hậu, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 27 đã đoạt giải ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội với sáng chế máy tời vật liệu thi công.

Chuyện là, trước đây, khi đổ bê tông các hạng mục công trình ở trên cao, Đại úy Ngô Văn Hậu phải chỉ huy các phân đội thiết lập các giàn giáo và bố trí vận chuyển theo hình bậc thang, vừa tốn nhân lực vừa cho năng suất thấp, lại dễ mất an toàn. Sau nhiều ngày trăn trở, đo vẽ và tính toán, Đại úy Ngô Văn Hậu đã thiết kế thành công chiếc thùng đựng vật liệu trượt trên thanh ray nằm nghiêng so với mặt phẳng ngang thông qua hệ thống con lăn. Động cơ điện sẽ kéo thùng đựng vật liệu lên cao thông qua dây cáp và tự đổ thông qua các rơ-le tự ngắt. Sau nhiều ngày gia công đường ray, thùng nhiên liệu, lắp đặt hoàn thiện, hôm thử nghiệm thiết bị thành công, cả đơn vị như có hội. Bởi từ nay, khi thi công các hạng mục ở trên cao, bộ đội không phải oằn mình, vặn sườn và vung tay hết cỡ để đưa từng xô bê tông lên cao quá đầu. Sau khi lắp đặt giá tời, chỉ cần một người điều khiển thay vì phải bố trí cả một tiểu đội tăng cường làm việc nhiều giờ như trước đây.

Để minh chứng cho phong trào sáng tạo trẻ, Thiếu tá Trần Hữu Vinh kể thêm, năm 2022, Lữ đoàn 28 có 2 sáng kiến sáng giá, đó là khung bố trí cốt thép di động của Trung úy Đặng Ngọc Thiều, Trung đội 1, Đại đội 7, Tiểu đoàn 30 và bộ kẹp, đóng neo gắn trên máy khoan hầm Sandvik-DD321 của Thiếu tá Nguyễn Hải Nam, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 27. Anh Vinh phấn khởi: Cứ đà này, trong tương lai, còn nhiều sáng kiến hữu ích nữa của tuổi trẻ đơn vị sẽ được ra đời.

CTQP mà Lữ đoàn 28 thi công thường ở những nơi, những địa bàn có địa hình phức tạp. Việc đưa các phương tiện thi công hiện đại, cồng kềnh để ứng dụng vào thực tiễn rất khó khăn vì thường không có mạng đường cơ động tốt cùng những yếu tố khác. Do đó, có những phần việc thi công phải phụ thuộc vào sức khỏe, kỹ năng của bộ đội. Việc gây dựng được phong trào nghiên cứu sáng tạo để cho ra các sáng kiến, sáng chế giúp giảm công sức bộ đội có ý nghĩa rất lớn. Nó khẳng định tính sáng tạo và tinh thần quyết thắng của tuổi trẻ Lữ đoàn 28 trong huấn luyện, công tác, xây dựng CTQP.

Chúng tôi được biết, năm nay Đại úy Ngô Văn Hậu được Đảng ủy Lữ đoàn đề nghị thăng quân hàm trước niên hạn. Đây chính là sự động viên, khích lệ kịp thời để nuôi dưỡng động cơ sáng tạo, là bệ phóng của cán bộ, ĐVTN. Có lẽ, những khó khăn trong công tác vốn bị coi là lực cản thì nay lại là chất liệu tuyệt vời để cán bộ, ĐVTN Lữ đoàn 28 tìm tòi, nghiên cứu cho ra các giải pháp, sáng kiến khắc phục. Họ như những chú ong cần mẫn đi tìm những giọt mật ngọt óng vàng, góp vào thành tích chung của Lữ đoàn Công binh 28.

 MẠNH THẮNG