Đại tá, TS Trần Hữu Lý sinh năm 1969, ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh tốt nghiệp Khoa Xe-Máy, Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 1991 và được giữ lại làm giảng viên, sau đó phát triển đến Phó chủ nhiệm Bộ môn Xe-Máy (Khoa Động lực, Học viện Kỹ thuật Quân sự). Năm 2017, anh được Bộ Quốc phòng điều động về TCKT rồi được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện KTCGQS. Tháng 11-2017, anh được Thường vụ Đảng ủy TCKT điều động giữ chức Phó trưởng phòng Khoa học quân sự (TCKT). Gần một năm sau, vào tháng 8-2018, anh được Thường vụ Đảng ủy TCKT tin tưởng, điều động bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện KTCGQS. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, anh được Ban Chấp hành Đảng bộ Viện KTCGQS bầu giữ chức Phó bí thư Đảng ủy. Tiếp đó, anh cũng được Đại hội đại biểu Đảng bộ TCKT nhiệm kỳ 2020-2025 bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ.

leftcenterrightdel

 Đại tá, TS Trần Hữu Lý (bên phải) trong chuyến công tác tại Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong giai đoạn 2008-2020, TS Trần Hữu Lý đạt nhiều danh hiệu trong nghiên cứu khoa học (NCKH) do các tổ chức trong nước, quốc tế trao tặng. Anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng 2 bằng khen vì đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) các năm 2018, 2019 và thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng giai đoạn 2008-2020 cùng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm. Đặc biệt, vào cuối năm 2022, Đại tá, TS Trần Hữu Lý và hai cộng sự đã nhận niềm vui rất lớn. Một sản phẩm khoa học phục vụ cho dịch vụ hậu cần-kỹ thuật của huyện đảo Trường Sa do anh chủ trì đã được Triển lãm quốc tế về khoa học và công nghệ (SIIF) 2022, tổ chức tại Hàn Quốc, trao tặng giải đặc biệt.

Phải thuyết phục mãi Đại tá Trần Hữu Lý mới đồng ý thông tin cho chúng tôi về việc tổ chức thử nghiệm thực địa tổ hợp thiết bị mở luồng không nổ tại Côn Đảo. Đây là nội dung quan trọng nhất thuộc đề tài cấp quốc gia nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt tổ hợp thiết bị công tác lên phương tiện nổi thi công mở luồng và khoan cọc trên các công trình khu vực đảo xa vào tháng 10-2022. Lúc đầu, anh viện cớ xin khất vì bận, nhưng trước sự nhiệt thành của chúng tôi, anh đã chia sẻ vắn tắt. Trong một lần đến các đảo ngoài khơi công tác, anh nhận thấy muốn vào đảo hoặc điểm đảo thì các tàu phải đợi con nước mới thả xuồng. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Hơn nữa, khi trên yêu cầu chỉ huy ở đảo hoặc điểm đảo đưa lực lượng đi cứu hộ-cứu nạn ngư dân bị hỏng máy tàu hoặc tai nạn trên biển mà nước cạn, xuồng không cơ động được thì cũng phải chờ đợi. Muốn thuận lợi cho những việc trên thì phải mở luồng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc mở luồng rất phức tạp và khó khăn. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị đặt trên pông tông để mở luồng mà không ảnh hưởng lớn tới môi trường biển. Khi bắt tay vào nghiên cứu, nhiều chuyên gia đi trước khuyên đừng phí công. Không lùi bước, anh và cộng sự kiên trì nghiên cứu. Anh tâm tình, các bãi cạn ở đảo được cấu tạo bởi san hô với nhiều địa tầng khác nhau nên việc nghiên cứu làm ra thiết bị thử nghiệm mất rất nhiều thời gian. Nhưng bù lại, hiệu quả của nó khi thử nghiệm rất tốt, năng suất thi công và khả năng bảo đảm an toàn gấp mấy lần phương pháp truyền thống. Hơn nữa, nhân lực thi công cũng được rút xuống và cho hiệu quả kinh tế cao. Anh tin tưởng, sau khi nghiệm thu đi vào hoạt động sẽ giúp tăng tiến độ, hiệu quả quá trình thi công công trình biển.

TS Trần Hữu Lý giải thích, kết quả ấy là sản phẩm tinh thần trách nhiệm của người lính; cao hơn, đó là trách nhiệm của một đảng viên, trách nhiệm của một nhà khoa học chân chính với biển, đảo Tổ quốc thân yêu. Theo anh, trách nhiệm cao quý nhất của người đảng viên là cống hiến, điều đó tương đồng với sứ mệnh của nhà khoa học. Anh tâm sự với chúng tôi rằng, nhờ đứng trong hàng ngũ của Đảng nên anh học và rèn được thái độ gương mẫu, trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc nghiên cứu. Đó chính là “sợi chỉ đỏ” đưa đường, giúp anh khắc phục khó khăn, giữ vững niềm đam mê NCKH. Mỗi lần có được một công trình nghiên cứu thành công là một lần anh thấy trách nhiệm đảng viên của mình cao hơn để cống hiến nhiều hơn.

Nói rồi anh ví dụ, năm 2022, anh và cộng sự trong toàn Viện rất vui mừng vì những sản phẩm do Viện KTCGQS nghiên cứu, cải tiến chuyển giao cho lực lượng công binh thuộc Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (UNISFA) đã đạt được kết quả tốt. Những chiếc công trình xa do TS Trần Hữu Lý chủ trì cải hoán đã chiến thắng được những cung đường lầy lội mùa mưa UNISFA. Dịp cuối năm 2022 vừa qua, khi tháp tùng thủ trưởng Bộ Quốc phòng sang đó kiểm tra, anh đã tận mắt chứng kiến những chiếc xe ấy vượt qua bãi lầy, cứu kéo hàng trăm xe tải của người dân địa phương và lực lượng Gìn giữ hòa bình các nước. Những chiếc công trình xa đã hồi sinh con đường chết vào mùa mưa, giúp việc thông thương ở đó thuận lợi, tránh được các hiện tượng giao tranh phe nhóm và nạn cướp từng xảy ra trong các mùa mưa trước. Trong thời gian công tác, Đại tá, TS Trần Hữu Lý còn hướng dẫn phân đội công binh ở UNISFA bảo quản, bảo dưỡng phương tiện kỹ thuật đúng quy trình, quy phạm.

Khi trò chuyện và bàn về vai trò của Phó bí thư Đảng ủy với nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng ở đơn vị, Đại tá, TS Trần Hữu Lý cho rằng, đây là công việc đòi hỏi nhiều yêu cầu khác nhau và khá khó khăn. Trong xây dựng nghị quyết, vấn đề quan trọng nhất là phải đặt ra các chỉ tiêu cho từng công việc, nhiệm vụ. Nếu chỉ tiêu cao quá thì dễ dẫn tới hiện tượng các đơn vị làm việc quá sức, không đạt chỉ tiêu hoặc đạt chỉ tiêu nhưng không đạt chất lượng. Nếu đề ra chỉ tiêu thấp quá thì không hoàn thành nhiệm vụ cấp trên yêu cầu. Để giải quyết mâu thuẫn này, trước mỗi nhiệm vụ, nhất là trong NCKH, anh thường tổ chức cho cơ quan tham mưu nghiên cứu kỹ rồi chọn hướng tiếp cận, sau đó xây dựng tiến độ phù hợp. Ưu tiên thời gian, lực lượng, phương tiện cho những nội dung, vấn đề khó. Trên cơ sở này sẽ bàn bạc thống nhất trong cấp ủy để xây dựng chỉ tiêu lãnh đạo cho từng thời điểm phù hợp. Quá trình thực hiện nghị quyết, Phó bí thư Đảng ủy Trần Hữu Lý phải bám sát nhiệm vụ nghiên cứu để kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, xử lý những tình huống phát sinh. Thế nên các nhiệm vụ nghiên cứu của Viện luôn hoàn thành hiệu quả. Điển hình là vào năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến khá căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, nhận nhiệm vụ làm 5 xe labo xét nghiệm từ xe cơ sở Hyundai, Đại tá, TS Trần Hữu Lý đã sát sao chỉ đạo các nhà khoa học của Viện tập trung mọi nỗ lực, vừa nghiên cứu vừa đóng mới, đặc biệt là khắc phục tình trạng Hà Nội phong tỏa để lùng mua các loại vật liệu, vật tư đáp ứng yêu cầu công việc. Sau 25 ngày lao động cật lực trên cơ sở bố trí ca kíp hợp lý, 5 xe xét nghiệm Covid-19 đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu, đánh giá cao. Tháng 8-2021, 5 chiếc xe labo xét nghiệm được bàn giao, đưa vào các tỉnh phía Nam tham gia chống dịch rất kịp thời.

Đại tá, TS Trần Hữu Lý tâm tình, anh may mắn được làm việc với đội ngũ cộng sự và cấp dưới có trình độ, kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng. Nhưng điều đó cũng là áp lực không hề nhỏ với anh. Theo anh, có nhiều biện pháp để lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, nhưng anh nhận thấy biện pháp nêu gương vẫn là quan trọng nhất và anh kiên trì thực hiện. Anh bày tỏ, thấy lãnh đạo luôn làm việc nghiêm túc, đúng mực, có tác phong dân chủ, nhận xét từng người khách quan và nhất là luôn tạo cơ hội cho đồng đội “ghi điểm” trong công tác nên ai cũng cố gắng hết mình. Biện pháp thứ hai mà Đại tá, TS Trần Hữu Lý trân trọng là thường xuyên xây dựng đoàn kết trong cấp ủy. Nếu cấp ủy đoàn kết, thực thi tốt nguyên tắc tập trung dân chủ thì dù nhiệm vụ khó khăn đến mấy cũng sẽ hoàn thành theo chỉ tiêu đặt ra.

Chia tay Đại tá, TS Trần Hữu Lý, chúng tôi càng thấm thía lời anh chia sẻ: “Trong công tác lãnh đạo, quản lý, nếu không quan tâm, không tạo điều kiện cho cấp dưới nghiên cứu, thể hiện năng lực và đặc biệt, nếu có cái nhìn nặng về quá khứ thì chẳng khi nào có được kết quả tốt”.

 Một số giải thưởng khoa học của Đại tá, TS Trần Hữu Lý: Năm 2018 và 2019 đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam. Năm 2019 và 2020 đoạt Giải Sách vàng sáng tạo Việt Nam của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; giải Nhất Nhân tài đất Việt năm 2019; giải Vàng Sáng tạo khoa học kỹ thuật Hàn Quốc năm 2019; giải đặc biệt của INDOPA tại Giải Sáng tạo khoa học kỹ thuật Hàn Quốc...

 

ĐỨC TÂM