Những mùa xuân ở lại
Đứng trên vùng đất trải dài những triền keo lá tràm xanh ngút ngàn, khó có thể hình dung ra nơi đây từng là cứ điểm trọng yếu với sở chỉ huy, sân bay, trận địa pháo hiện đại do Mỹ-ngụy xây dựng nhằm án ngữ trên cung đường vận chuyển lương thực từ Bắc vào Nam và đường 14 nối Tây Nguyên với Hạ Lào. Để phá vỡ thế án ngữ này, cách đây tròn 50 năm, rạng sáng 5-8-1970, Tiểu đoàn Đặc công 404, Quân khu 5 đã tổ chức một trận tập kích vào sân bay Khâm Đức (nay thuộc thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) với sự tham gia của những chiến sĩ đặc công tinh nhuệ nhất, ưu tú nhất. Sau khi phá hàng rào thép gai, dùng bộc phá, đạn cối phá hủy đường băng sân bay, tiêu diệt địch, các chiến sĩ được lệnh rút quân qua cửa mở. Tuy nhiên, địch đã huy động 2 trực thăng giội đạn 12 ly và pháo xuống bịt đường rút lui; 17 chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng rồi anh dũng hy sinh. Binh lính Mỹ chôn các anh trong một hố chôn tập thể. Với trận đánh đầy quả cảm, ta đã khiến Mỹ-ngụy bị tổn thất nặng nề về người, vũ khí, trang bị và buộc phải tháo chạy khỏi cứ điểm Khâm Đức vào ngày 26-8-1970.
Trong số 17 chiến sĩ đặc công hy sinh năm ấy, chỉ có hai người là đã có gia đình, còn lại đều là những chàng trai mới mười tám, đôi mươi-lứa tuổi đầy ước mơ và khát vọng. Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Luận, chị gái liệt sĩ Nguyễn Trọng Thế (sinh năm 1950, quê ở Yên Thành, Nghệ An, một trong 17 chiến sĩ đặc công), sau khi đỗ đại học ngành hóa tại Hà Nội, nhập học được hai tháng, tháng 2-1967, Nguyễn Trọng Thế xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Trước ngày lên đường, Thế hứa với chị gái rằng nhất định đánh thắng giặc xong sẽ trở về và mua tặng chị chiếc đồng hồ đeo tay để chị đi dạy học. Đó cũng là lần cuối cùng chị em bà Luận gặp nhau. Lời hứa, niềm riêng còn dang dở, thế nhưng cũng như thân nhân của 17 chiến sĩ đã ngã xuống, bà Luận hiểu và tự hào vì em trai mình và đồng đội đã giữ trọn lời thề với nước non, giữ đúng lời thề cảm tử trước lúc vào trận đánh.
    |
 |
Lễ an táng 17 hài cốt liệt sĩ Tiểu đoàn Đặc công 404, Quân khu 5. |
Nằm lại mảnh đất Phước Sơn, các anh đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hố chôn tập thể 17 chiến sĩ trở thành nơi lưu giữ những trang đời oanh liệt, máu xương các anh đã hòa vào lòng đất. Và khi chiến tranh kết thúc, hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt các anh lại thôi thúc đồng đội, như một cách tri ân đầy nghĩa tình trước sự hy sinh cao cả ấy.
Đằng đẵng những cuộc kiếm tìm
Từ năm 1998, Ban CHQS huyện Phước Sơn (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam) đã tiến hành thu thập thông tin, khoanh vùng và tổ chức các cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt 17 chiến sĩ đặc công dựa vào sơ đồ được vẽ bằng tay do các cựu binh Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn do không có tọa độ cụ thể để xác định. Hơn nữa, nhiều thập kỷ trôi qua, khu vực căn cứ sân bay Khâm Đức đã bị thời tiết nắng mưa, bão lũ và việc san ủi đất, phát rừng, trồng rẫy của người dân làm thay đổi hiện trạng. Do đó, nhiều cuộc tìm kiếm với quy mô lớn, nhỏ được tiến hành, hàng nghìn khối đất đá bị xới tung nhưng vẫn không có kết quả.
Đến tháng 2-2003, cựu phóng viên chiến trường người Mỹ Christopher Jensen đăng tải đoạn video dài hơn 6 phút về trận đánh sân bay Khâm Đức ngày 5-8-1970 do chính ông quay lại. Lần theo thông tin trên, CCB Phạm Công Hưởng, Trưởng ban liên lạc Hội CCB Tiểu đoàn Đặc công 404 đã tìm cách liên hệ, trao đổi với Christopher Jensen để nhờ hỗ trợ. Vậy là hàng trăm, hàng nghìn bức thư qua email miệt mài đi-về giữa hai đất nước cách nhau nửa vòng trái đất với mong ước chung là sớm tìm được vị trí hố chôn. Từ sơ đồ do Christopher Jensen và các cựu binh Mỹ vẽ lại, CCB Phạm Công Hưởng và các đồng đội đã liên hệ với Ban CHQS huyện Phước Sơn cùng thân nhân 17 chiến sĩ đặc công để tổ chức tìm kiếm.
Trong mỗi cuộc quy tập, các CCB và Ban CHQS huyện Phước Sơn đều cùng nhau bàn bạc, ngắm hướng núi, hướng sông, xác định tọa độ, mường tượng lại khung cảnh núi rừng, căn cứ sân bay của Mỹ để tìm ra vị trí các anh nằm xuống. Tuy nhiên, từ bản đồ được vẽ theo trí nhớ của những người trong cuộc sau hơn 30 năm đến địa hình, địa vật ngoài thực tế là một bài toán không hề dễ. Hàng chục cuộc tìm kiếm không thành khiến áp lực, nỗi day dứt càng đè nặng lên tâm can lực lượng tìm kiếm. Thân nhân các chiến sĩ đặc công cũng năm lần bảy lượt khăn gói từ quê vào Khâm Đức, mang theo hy vọng tìm thấy, đưa được hài cốt cha/con/anh/em mình hồi hương nhưng rồi lại phải ra về trong nước mắt xót xa, thất vọng. Thế nhưng mỗi đợt tìm kiếm được tổ chức là không ai vắng mặt.
50 năm đã trôi qua, những đồng đội ngày đó còn sống, nay cũng ở tuổi xế chiều, tóc đã bạc theo tháng năm miệt mài đi tìm đồng đội. Sức yếu, bị bệnh huyết áp cao nhưng nhiều năm qua, CCB Hoàng Duy Chúc vẫn kiên trì bám trụ, theo sát quá trình tìm kiếm hố chôn. Ông chia sẻ: “Tình nghĩa đồng đội bao nhiêu năm gian khổ, đói rét có nhau, cùng uống nước suối, ăn rau rừng không thể quên. Nhưng anh em phải nằm lại Phước Sơn để mình có cơ hội được về đoàn tụ với gia đình, người thân nên chúng tôi quyết tâm phải tìm bằng được hài cốt của anh em. Chúng tôi cũng giữ mối liên hệ chặt chẽ với các gia đình liệt sĩ để kịp thời thông tin, cùng hợp sức tìm kiếm ngôi mộ chung”. Chứng kiến cảnh các CCB tóc bạc, lưng còng đi tìm đồng đội, thân nhân các liệt sĩ càng thương thêm, họ như thấy bóng hình cha/con/anh/em mình trong hình hài các CCB. Cùng với đó, sự nhiệt tình, trách nhiệm của Ban CHQS huyện Phước Sơn đã tiếp thêm niềm tin để thân nhân 17 liệt sĩ quyết tâm theo đoàn tìm kiếm băng rừng, dầm mưa, dãi nắng, uống nước thay cơm… nuôi hy vọng mong tìm được mộ chung.
50 năm một cuộc đoàn viên
Cái nắng tháng 5 bỏng rát. Những giọt mồ hôi tuôn chảy, quện với bụi đất đỏ đặc trưng của vùng núi Phước Sơn khiến gương mặt của các thành viên lực lượng tìm kiếm hài cốt 17 liệt sĩ thêm hốc hác. Sau khi hội ý, bàn bạc, Ban CHQS huyện Phước Sơn quyết định phát triển khu đào bới sang sát hàng rào nằm trong khu định vị của phóng viên Christopher Jensen. Các thành viên đội quy tập kiên nhẫn lật từng thớ đất thì bỗng có tiếng hô vang: “Đây rồi!… Các anh đây rồi!”.
Tiếng hô như xé toang bầu không khí ngột ngạt trong khu rừng và trong lòng người. Đã phát hiện dây đeo thủ pháo, xương và những trang bị đặc trưng của bộ đội đặc công. Ai nấy đều vỡ òa trong niềm vui mừng khôn xiết. Thân nhân 17 liệt sĩ ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Các CCB bùi ngùi đứng nghiêm, đưa tay chào đồng chí, đồng đội sau nửa thế kỷ cách xa. Trời Khâm Đức hôm ấy xanh thăm thẳm…
Thượng tá Phan Anh Hải, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phước Sơn cho biết: “Căn cứ vào thông tin và sơ đồ do phía Mỹ cung cấp và lời kể của các CCB từng tham gia chiến đấu tại Khâm Đức, chúng tôi xác định đây đúng là hố chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công hy sinh ngày 5-8-1970 do có sự trùng khớp về vị trí, độ thoải và kích thước hố chôn (dài 4-5m, rộng 2,5-3m, sâu 3-4m) và những vật đã tìm kiếm, quy tập được (từ trên xuống dưới có nhiều xương, đất đen và các trang bị của bộ đội đặc công)”.
Vậy là sau nửa thế kỷ chờ đợi, các đồng chí, đồng đội Tiểu đoàn Đặc công 404, Quân khu 5 đã gặp lại nhau giữa đất trời Khâm Đức. Cuối cùng, sau bao nhớ thương, day dứt kiếm tìm, những người thân đầu đã hai thứ tóc cũng chờ được đến ngày đón các anh về. Nhiều người mẹ, người vợ, anh chị đã qua đời trong đau đáu xót xa, trăn trối lời dặn dò nhất định phải tìm được các anh. Nghẹn ngào, mừng rỡ. Người ở lại nhẹ lòng vì tâm nguyện cả đời của mình, của gia đình đã được hiện thực hóa một cách kỳ diệu. 50 năm sau ngày oanh liệt ấy, Khâm Đức chứng kiến một cuộc đoàn viên lớn của thân nhân 17 liệt sĩ. Suốt thời gian diễn ra cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ, họ đã cùng ăn, ở chung dưới một mái nhà, cùng hồi hộp chờ đợi, hy vọng và cùng vỡ òa trong nước mắt hạnh phúc lẫn mừng tủi. Giữa những cái bắt tay, cái ôm thật chặt, họ đã coi nhau như một đại gia đình.
Có được kỳ tích này, một phần rất lớn là nhờ vào sự kiên trì và tinh thần trách nhiệm của Ban CHQS huyện Phước Sơn. Cuộc gặp gỡ này là kết quả của cả một quá trình dài thế hệ sau đi tìm kiếm, quy tập hài cốt thế hệ cha anh đi trước; là thành quả của lòng tri ân sâu sắc và sự ngưỡng vọng dành cho những người đã hy sinh cả tuổi xuân, máu xương cho Tổ quốc, nhân dân.
Cuộc hạnh ngộ sau nửa thế kỷ đã thỏa lòng trông mong của bao người. Theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt 17 liệt sĩ Tiểu đoàn Đặc công 404, Quân khu 5 được đưa về yên nghỉ trong một ngôi mộ chung, bên cạnh các đồng chí, đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Phước Sơn; phía trước là hồ Mùa Thu, xa xa là đồi Xuân Mãi…
Bài và ảnh: THANH THÚY