Từ biển xa đến núi cao

Có rất nhiều phóng sự với chủ đề hay tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quân năm nay, đó là khẳng định của Trung tá Nguyễn Hoài Nam, Ủy viên Ban tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quân lần thứ XII.

Một điểm đặc biệt tại các liên hoan truyền hình toàn quân là phóng sự dự thi thường chiếm tới gần 50% số lượng tác phẩm. Các phóng sự đều mang hơi thở, bám sát đời sống bộ đội, thực tiễn ở địa phương; không chỉ phản ánh đa dạng các mặt hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong quân đội mà còn thể hiện rất tốt các vấn đề trong đời thường.

Theo Trung tá Nguyễn Hoài Nam, chính vì khả năng thể hiện đa dạng các loại đề tài, nội dung nên thể loại phóng sự truyền hình luôn được coi là “đặc sản” của các đơn vị tham gia liên hoan. Điều này có thể thấy rõ qua các kỳ liên hoan truyền hình toàn quân thời gian qua.

leftcenterrightdel
Các đơn vị nộp tác phẩm dự thi cho Ban tổ chức

Trong thể loại phóng sự, nội dung được đề cập nhiều và sâu sắc nhất chính là các mặt hoạt động trong quân đội. Trao đổi về tác phẩm dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quân lần thứ XII, Đại úy QNCN Nguyễn Kim Cao, Đội trưởng Đội Điện ảnh, Nhà Văn hóa Quân đoàn 1, chia sẻ: Tác phẩm dự thi năm nay của đơn vị có chủ đề “Khổ luyện thời bình”, nói về công tác huấn luyện thể lực tại các đơn vị ở Quân đoàn 1. Hồ hởi kể về lý do chọn chủ đề làm phóng sự, đồng chí Nguyễn Kim Cao cho biết, đề tài này được chọn do công tác rèn luyện thể lực năm nay của Quân đoàn 1 có nhiều điểm mới với việc sử dụng bãi huấn luyện vật cản mới cũng như các bài huấn luyện hành quân dã ngoại đêm giúp tăng cường sức khỏe, dẻo dai của bộ đội. “Với những bài huấn luyện đúng cách, bộ đội có thể hành quân 200km lên trường bắn TB1 mà vẫn bảo đảm sức khỏe để tham gia diễn tập bình thường”, Đại úy QNCN Nguyễn Kim Cao nói.

Cùng với đó, các phóng sự về gương người tốt, việc tốt, những điển hình trong cuộc sống cũng là một trong những nội dung chủ đạo của các tác phẩm dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quân năm nay. Điển hình là phóng sự dự thi của Báo Quân khu 9 với chủ đề “Người tận tâm với sử Việt”, nói về cựu chiến binh (CCB) Dương Đình Thanh tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Nói về tác phẩm dự thi của đơn vị, Thượng tá Phan Thị Thanh Thủy, Tổng biên tập Báo Quân khu 9 cho biết, đơn vị chọn đề tài về ông Dương Đình Thanh để nêu bật tấm lòng của người CCB đã hơn 20 năm mở lớp dạy sử miễn phí cho trẻ em ở địa phương. Không những thế, để giúp việc học và hiểu lịch sử dân tộc dễ dàng hơn, CCB Dương Đình Thanh đã có sáng tạo dạy sử bằng nhạc và bài hát.

“Lớp dạy sử của chú Thanh rất đông học sinh, đa dạng về lứa tuổi, từ nhi đồng tới thiếu niên. Nhờ lớp học đặc biệt của chú Thanh, các em nhỏ ở Phụng Hiệp ai cũng giỏi sử Việt”, Thượng tá Phan Thị Thanh Thủy cho biết.

Nói về đề tài tác phẩm dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quân năm nay, Thiếu tá Nguyễn Văn Linh, Tổ trưởng chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam, cho biết, cuộc sống nơi biên cương, hải đảo của cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn còn rất nhiều vất vả, nhưng các anh vẫn vượt lên, không chỉ làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà còn là điểm tựa giúp ngư dân bám biển. Đây chính là nội dung chính của phóng sự truyền hình “Điểm tựa của ngư dân”, nói về Hải đội 2, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam trong công tác cứu hộ-cứu nạn ngư dân trên biển.

Thiếu tá Nguyễn Văn Linh cho biết thêm, điểm đặc biệt của phóng sự là không có lời bình. Tác giả muốn tự hình ảnh, lời thoại trong phóng sự giúp truyền tải nội dung về sự gắn bó giữa người chiến sĩ biên phòng với ngư dân. “Trong phóng sự, tôi đã ghi lại hình ảnh hết sức cảm động về tình cảm của ngư dân dành cho BĐBP. Khi đến thăm một gia đình ngư dân đã được BĐBP cứu hộ-cứu nạn thành công trên biển, người vợ không giấu nổi xúc động nói rằng, nếu không có BĐBP thì hôm ấy đã là ngày giỗ đầu của người chồng. Đó là những lời nói rất thật từ đáy lòng người dân!”, Thiếu tá Nguyễn Văn Linh chia sẻ.

Độ “chuyên” của người không chuyên

Trung tá Nguyễn Hoài Nam cho biết, điểm đặc biệt của liên hoan truyền hình toàn quân là các tác phẩm dự thi đều là sản phẩm của các cộng tác viên, những người không được đào tạo chuyên nghiệp về nghiệp vụ truyền hình. Điều này hoàn toàn khác so với các liên hoan hay hội thi truyền hình khác với sự tham gia của các đơn vị làm truyền hình chuyên nghiệp.

Trao đổi về những khó khăn, hạn chế của người làm báo hình ở địa phương, đơn vị, Đại úy QNCN Nguyễn Kim Cao cho biết, cái khó của người làm công tác này tại đơn vị là không được đào tạo chuyên sâu, bài bản về truyền hình. Bên cạnh những lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn, cán bộ, sĩ quan chuyên trách phải nỗ lực tìm tòi, học tập, tự nâng cao trình độ bản thân thông qua thực tiễn làm việc.

“Bản thân tôi dù có kỹ thuật quay, dựng tốt, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc biên tập, viết lời bình. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hoàn thiện trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Kim Cao chia sẻ.

Được biết, mục tiêu chính của liên hoan truyền hình toàn quân là tạo “sân chơi” để những người làm báo hình toàn quân có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao trình độ nghiệp vụ, và thực tế điều này đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong 11 lần liên hoan trước đây, tác phẩm dự thi của mùa sau luôn tốt hơn mùa trước cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây chính là kết quả của những nỗ lực không ngừng học tập, nâng cao trình độ, bám sát thực tiễn, nhạy bén phát hiện vấn đề của những người làm truyền hình tại các đơn vị, địa phương trong toàn quân.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN