Từng là giảng viên Học viện Biên phòng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Biên phòng 1, rồi Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Lào Cai, là Nhà giáo Ưu tú, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh rất tâm huyết với nghề và là một người chỉ huy có nhiều sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Ông vẫn luôn cho rằng, cùng với việc rèn luyện, nâng cao khả năng chuyên môn, công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng rất cần được chú trọng. Với ông, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một quá trình không ngừng nghỉ, học theo Bác để làm việc tốt hơn, sao cho xứng đáng với quân hàm trên vai áo, xứng đáng với lòng tin của người dân vào hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Năm 2009, khi lên nhận nhiệm vụ tại Lào Cai, Chỉ huy trưởng Bùi Đức Hạnh (khi ấy là Đại tá) nhận thấy tiềm năng to lớn của vùng đất biên cương Tây Bắc này. Đặc biệt là lãnh đạo tỉnh thời điểm đó đã có tư duy rằng, Lào Cai là tỉnh tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nếu mở ra quan hệ toàn diện và có chiều sâu với bạn sẽ trở thành cầu nối với cả một vùng Tây Nam rộng lớn của nước bạn nên việc xúc tiến các hoạt động song phương trên mọi lĩnh vực là rất cần thiết và được đặt ra rốt ráo. Năm 2009 cũng là năm toàn tuyến biên giới Việt-Trung đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc và bắt đầu bàn giao hiện trạng trên thực địa. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi việc xử lý phải hết sức tinh tế, khéo léo.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng làm việc với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, tháng 12-2019. Ảnh: Châu Thành

Sau khi trực tiếp xuống nắm tình hình địa bàn, Chỉ huy trưởng Bùi Đức Hạnh đã tham mưu cho các huyện, xã biên giới đầu tư mua cây thảo quả cùng một số loại cây công nghiệp có giá trị cao để trồng trên khu vực vành đai biên giới, đồng thời giao cho người dân khai thác, quản lý. Đối với những khu vực trước đây do người dân nước bạn quản lý, nay quy thuộc về phía ta, ông chỉ đạo các đồn biên phòng theo sát mọi diễn biến về mùa màng để kịp thời yêu cầu bàn giao sau khi người dân nước bạn đã thu hái xong hoa màu. Đặc biệt, đối với các khu đồng mả của nhân dân nước bạn hiện quy thuộc về đất của ta, ông chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ xuống từng xóm giáp biên đề nghị bà con theo dõi sát khu vực có mộ vào những dịp lễ, tết hay Thanh minh. Từ nhiều nguồn tin do nhân dân cung cấp và trinh sát báo cáo, chỉ huy các đồn biên phòng đã xác định được những ngôi mộ nào đã có thể sang cát; những ngôi mộ vào dịp Thanh minh không có người thăm nom, cắm cờ trắng có nghĩa là mộ vô chủ. Từ đó, ta có thêm nhiều chứng lý thuyết phục để vận động chính quyền và nhân dân phía bạn sớm sang cải táng mang về nước.

Là người có đóng góp hết sức quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của tỉnh, ngay khi có chủ trương thúc đẩy hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, Chỉ huy trưởng Bùi Đức Hạnh đã rất quyết đoán, sát sao trong công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai và Bộ tư lệnh BĐBP để xúc tiến hoạt động kết nghĩa. Đồng thời, chính ông cũng như con thoi liên tục hội đàm, gửi thư ngoại giao với lực lượng chức năng tỉnh bạn để hai bên sớm có sự đồng thuận cao. Cuối năm 2013, điểm sáng Cốc Phương (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, Việt Nam) và Tam Bình Bá (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã lan tỏa ánh sáng của tình hữu nghị, đoàn kết giữa người dân hai bên biên giới trên khắp tuyến biên giới Việt-Trung khi trở thành cụm dân cư đầu tiên tổ chức kết nghĩa.

Một dấu ấn khác của Chỉ huy trưởng Bùi Đức Hạnh là hoạt động tuần tra chung của các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh Lào Cai với Tiểu đoàn Biên phòng trấn Nam Khê, Quân khu Vân Nam, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Thực ra hoạt động này đã được xúc tiến từ năm 2004, song Chỉ huy trưởng Bùi Đức Hạnh đã phát huy rất tốt những nền tảng mà người tiền nhiệm của mình xây dựng. Đến nay, 11 đồn biên phòng trên tuyến biên giới Lào Cai tổ chức thường xuyên hoạt động này và nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung.

Cũng xin được nói thêm rằng, hoạt động kết nghĩa giữa Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai với Trạm Kiểm soát Biên phòng Hà Khẩu (Cục Quản lý Biên phòng, Bộ Công an Trung Quốc) năm 2013 và Tiểu đoàn Biên phòng Hà Khẩu (Quân khu Vân Nam, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc) năm 2015 cũng là bước đột phá quan trọng của BĐBP tỉnh Lào Cai, trong đó có vai trò then chốt của Đại tá Bùi Đức Hạnh. Đây là đơn vị đầu tiên của BĐBP Việt Nam cũng như của Quân đội nhân dân Việt Nam kết nghĩa với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và Bộ Công an Trung Quốc. BĐBP tỉnh Lào Cai cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức diễn tập liên hợp phòng, chống khủng bố mang tên “Sông Hồng 1 năm 2015” và “Sông Hồng 2 năm 2016” với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), được đánh giá cao.

Năm 2016, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó tư lệnh BĐBP. Ở cương vị mới, ông dành thời gian tìm hiểu kỹ và sâu hơn các mảng công tác mà mình phụ trách, đồng thời tham chiếu các công trình nghiên cứu khoa học, học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ đi trước cũng như kinh nghiệm công tác thực tế của mình để tìm ra những hướng đi mới. Người con của miền đất hình cánh sóng đã có gần 40 năm cầm súng và cầm phấn, giờ đây càng thêm trọng trách cầm quân-tham gia chỉ huy một đội quân nơi tuyến đầu Tổ quốc, đại diện cho dân tộc chào đón bạn bè năm châu đến với Việt Nam qua hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt và đường biển cũng như âm thầm bám dân, bám đất thực hiện các biện pháp trinh sát nghiệp vụ, nắm tình hình để đấu tranh với các loại tội phạm ngay từ tuyến đầu.

Trò chuyện cùng tôi giữa lúc quân dân biên giới đang gồng mình chống dịch và không quên hỗ trợ cho lực lượng chức năng và nhân dân biên giới nước bạn, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh chia sẻ: “BĐBP đã nỗ lực làm tốt các mặt công tác, trong đó nổi bật nhất là đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến biên giới. Trong hai năm gần đây, chúng tôi đấu tranh thành công khoảng 800 chuyên án, vụ án và phối hợp với các lực lượng cũng như chủ trì thu giữ hơn 3 tấn ma túy các loại. Chúng tôi đã phá 32 chuyên án tội phạm buôn bán người, giải cứu 37 nạn nhân. Trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, BĐBP đã chủ động phối hợp với các lực lượng, phá hàng nghìn chuyên án, vụ án về buôn lậu và nộp ngân sách nhà nước gần 200 tỷ đồng”.

Không chỉ là một sĩ quan cao cấp của quân đội, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh còn là “người đại biểu nhân dân quân hàm xanh” (đại biểu Quốc hội khóa XIII và khóa XIV). Từng là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu lý luận sắc bén, ông tích cực phát huy ưu thế và vai trò phản biện xã hội của mình trên nghị trường, tham gia đề xuất các ý kiến từ thực tế khó khăn của người dân để góp phần giúp Quốc hội ban hành văn bản pháp luật được toàn diện, như tham gia các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Nghĩa vụ quân sự... Ông cũng phát huy rất tốt vai trò Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thông qua các hoạt động đối ngoại trên biên giới, góp phần thực hiện đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam.

Biên cương giờ đây đang chuyển mình mạnh mẽ, quân dân biên giới đã chung tay dệt trên đất này bạt ngàn màu xanh no ấm. Trong sự bình yên và nhịp sinh sôi của thiên nhiên, nhịp phát triển của cả một vùng đất lớn ấy, có biết bao công sức, nhiệt huyết của những người chiến sĩ quân hàm xanh, như Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh... 

PHẠM VÂN ANH