15 tuổi, đang theo học Trường Bưởi (Trường THPT Chu Văn An ngày nay), chàng trai Phạm Duy Tín tình nguyện tham gia cách mạng. Sau ngày Bác Hồ đọc "Tuyên ngôn Độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phạm Duy Tín  xung phong tham gia tự vệ Thành Hà Nội. Đầu tháng 12-1946, tình hình an ninh, chính trị ở Hà Nội căng như dây đàn. Trên con phố nơi gia đình ông Tín sinh sống, nhiều hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ cũng ngừng hoạt động để đi tản cư. Quân Pháp đi lại nghênh ngang, cho xe ô tô, xe chở binh lính phóng vùn vụt trên phố. Thỉnh thoảng quân Pháp lại gây ra một vụ lộn xộn để tạo cớ.

Lúc đó, Trung đội trưởng Phạm Duy Tín chỉ huy 20 anh em tự vệ gồm các nam, nữ thanh niên Hà Nội đục tường nhà trong khu phố, tạo thành những đường hào để cơ động bảo đảm vừa bí mật, vừa an toàn. Tiếp đó, ông cùng các đồng chí khác ngả cây làm vật cản trên đường phố, dựng các chốt đề kháng. Lực lượng tự vệ chọn những ngôi nhà cao hai bên đường, vị trí có lợi để đặt vũ khí, khống chế khu vực xung quanh. Để có những vật cản ngăn không cho phương tiện của quân Pháp cơ động trên đường, ông Tín cùng các đồng chí trong đội tự vệ lấy nhiều cây gỗ ở xưởng mộc số 37 mang về, trong đó có những cây rất to.

leftcenterrightdel

Đại tá Phạm Duy Tín, nguyên Phó tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin liên lạc kể lại ký ức hào hùng trong ngày đầu Toàn quốc kháng chiến bảo vệ Thủ đô. Ảnh: ĐỨC TÂM 

Tối 19-12-1946, ông Tín và tự vệ được lệnh tập trung ở Trường Lê Ngọc Hân trên phố Lò Đúc nghe phổ biến tình hình và nhận lệnh hiệp đồng chiến đấu. Ngay sau đó, ông Tín đã dẫn Trung đội Vệ Quốc đoàn chiếm giữ ngã 5 Lò Đúc, áp sát, tiêu diệt nhà số 4 mà Pháp kiều ở.

Những ngày sau đó, quân Pháp từ Nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay), cơ động dọc đường Trần Hưng Đạo để đánh lực lượng của ta ở các phố, nhưng đều thất bại.

Đến ngày 22-12, theo lệnh của trên, ông Phạm Duy Tín được lệnh rút ra Ô Đông Mác rồi về làm liên lạc viên thuộc Ban liên lạc đặc biệt Bộ Tổng chỉ huy. Sau này, ông gặp lại người bạn cùng tham gia Vệ Quốc đoàn sau đó vào Trung đoàn Thủ Đô, nhà ở khu chợ Đồng Xuân. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi, người bạn kể lại cho ông Tín nghe một trong những trận đánh ác liệt ở chợ Đồng Xuân.

Hôm ấy, khoảng 5 giờ sáng ngày 14-2-1947, quân Pháp tập trung hỏa lực dồn dập đánh phá khu vực chợ Đồng Xuân và vùng lân cận. Một tiểu đoàn lính lê dương mũ đỏ khoảng 400 tên có 5 xe tăng dẫn đầu từ cầu Long Biên, phố Cửa Bắc và Cửa Đông tấn công vào chợ. Quân Pháp dùng đại bác, đại liên, trung liên, súng cối bắn dọn đường, sau đó đưa xe tăng và bộ binh tràn tới nhằm cắt đứt liên lạc giữa các chốt phòng thủ, rồi thọc sâu, quyết tâm tiêu diệt Sở chỉ huy Trung đoàn Thủ đô và tiến tới làm chủ Hà Nội.

Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra vô cùng ác liệt và kéo dài trong nhiều giờ. Quân Pháp liên tục tổ chức tấn công nhưng vấp phải tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân ta. Mãi đến chiều tối, chúng mới chiếm được mặt Nam tuyến phố Hàng Chiếu-Hàng Mã với tổn thất là 3 xe bọc thép bị phá hủy, gần 200 tên địch bị tiêu diệt và bị thương. Về phía ta, đạn và vũ khí cũng đã cạn kiệt.

Tối ấy, bạn ông Tín cùng đồng đội tổ chức các trận đột kích, quấy rối quân Pháp. Nhiều tên địch lởn vởn gác phía ngoài bị hỏa lực bắn tỉa của ta hạ gục. Đến gần 1 giờ sáng hôm sau, quân Pháp phải rút khỏi chợ Đồng Xuân. Rồi bạn ông Tín cùng Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra ngoại thành. Đêm chia tay Hà Nội, bạn ông đã khóc vì không thực hiện trọn vẹn lời thề “sống chết với Thủ đô”.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Mã Văn Thêm trong ngày quận Long Biên tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: THANH Mà

Câu chuyện với Đại tá Phạm Duy Tín đang vào gam thì tôi nhận được tin nhắn của một người quen. Anh cho biết đang ngồi với một nhân vật đặc biệt, từng về tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong đội hình của Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308). Thế là tôi vội xin phép vị Đại tá già kính mến.

Theo chỉ dẫn của người bạn, khoảng 15 phút sau tôi đã đứng trước cửa ngôi nhà 4 tầng có cổng và cửa nhìn ra hồ nước với nhiều cây xanh rợp mát. Anh bạn giới thiệu với tôi về cụ Mã Văn Thêm có nước da đỏ au và hơi lãng tai. Cụ khoác trên người mảnh vải dù, một kỷ niệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cụ Mã Văn Thêm sinh năm 1930 tại Hòa An, Cao Bằng, là người dân tộc Nùng. Từ bé, Mã Văn Thêm đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 16 tuổi, trước khí thế hừng hực của phong trào cách mạng, chàng trai trẻ Mã Văn Thêm tình nguyện đi theo Việt Minh, rồi sau đó theo bộ đội.

Vào Trung đoàn 88 của Đại đoàn Quân Tiên Phong, bước chân của ông đã đi qua nhiều chiến dịch và tới điểm cuối cùng là những trận đánh ác liệt ở chiến trường lòng chảo Điện Biên. Ở đây, ông cùng đồng đội thực hiện phương châm tác chiến “vây, lấn, tấn, diệt”, bóc gỡ từng cứ điểm ở Him Lam, Mường Thanh, Hồng Cúm. Mảnh dù mà cụ Thêm khoác lên người là chiến lợi phẩm minh chứng cho những lần bao vây, đoạt dù đối phương tại trận địa khiến tôi cảm động. Sau thắng lợi vẻ vang, Mã Văn Thêm và đồng đội hành quân về Phú Thọ và được huấn luyện, học tập các chính sách để về tiếp quản Thủ đô.

Trước ngày 10-10-1954, Mã Văn Thêm được điều động đến đóng quân ở Hội Xá, một địa danh thuộc phường Phúc Lợi, quận Long Biên ngày nay. Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thay nhau hành quân đến gác và chốt ở khu vực cầu Đuống, thuộc khu phố Thanh Am, phường Thượng Thanh, quận Long Biên bây giờ.

Thời gian tiếp theo, ông Mã Văn Thêm chuyển ngành, làm công nhân lái máy ủi của một đơn vị nhà nước đóng ở Đông Anh. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt và công việc liên miên, ông Thêm ít có thời gian chăm sóc gia đình. Vợ ông một mình nuôi 4 con nhỏ trong khó khăn. Nhưng đến nay, sau 70 năm kể từ Ngày giải phóng Thủ đô, vợ chồng ông Thêm đã nuôi con trưởng thành và đều có sự nghiệp ổn định. Từ một gia đình nghèo gần như đứng đầu ở đất Hội Xá, ông bà đã gây dựng được hạnh phúc, trong đó nổi bật là con và các cháu đều là những công dân có tri thức, đạo đức và vị trí trong xã hội.

Sau cuộc gặp với Đại tá Phạm Duy Tín, cựu chiến binh Mã Văn Thêm, tôi đã dò hỏi nhiều cán bộ tiền bối mà hầu hết đã hơn 90 tuổi về sự đổi thay của quê hương. Họ nói với tôi rằng, khi xưa, đất Hội Xá-Phúc Lợi vốn là vùng trũng so với Thủ đô Hà Nội, kinh tế nghèo nàn và thất học bao trùm. Nay thì khác, sau 70 năm giải phóng Thủ đô, vùng trũng ấy đã là những khu phố hiện đại, văn minh. Đặc biệt, dân trí của Phúc Lợi được nâng cao theo thời gian. Đây có lẽ là cơ sở để cho vùng trũng ấy bứt phá trở nên tươi xanh trong tương lai.

Tôi nghiệm ra rằng, nhìn vào lịch sử, trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, Thăng Long-Hà Nội luôn phải gồng mình chịu bom đạn tàn phá, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, Thăng Long-Hà Nội vẫn là phi chiến địa, là điểm đến của khát vọng hòa bình, đổi mới, sáng tạo, phát triển và văn minh.

Tương lai đang rộng mở đón chờ phía trước để rồng thiêng cất cánh!

Ghi chép của NGUYỄN MẠNH THẮNG