Các văn kiện, nghị quyết của Đảng đã khẳng định rất rõ về vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng. Quan điểm có tính xuyên suốt của Đảng về văn hóa: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội”, “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển, là nguồn lực nội sinh”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”... Trên quan điểm ấy, Đảng đã nghiêm túc đánh giá những thành tựu đạt được và những khiếm khuyết cần khắc phục về văn hóa. Một trong những khiếm khuyết đó là “quan tâm đến văn hóa chưa tương xứng với quan tâm chính trị và kinh tế” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng). Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói trên các diễn đàn rằng: “Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế”. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã cảnh báo hệ lụy khôn lường của những suy thoái về văn hóa.

leftcenterrightdel

Du khách tham quan tại Festival Thu Hà Nội 2023. Ảnh: THÁI HƯNG 

Nhận thức được điều đó, nhiều địa phương đã có nghị quyết, chương trình phát triển văn hóa nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa năm 2021. Riêng TP Hà Nội đã có nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là điều hết sức đúng đắn, thể hiện đúng vai trò tiên phong của văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố sáng tạo trong thời mở cửa, hội nhập. Hà Nội cũng đặt vấn đề tăng đầu tư cho văn hóa tới 2% GDP...

Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa chỉ là một trong những vấn đề của văn hóa. Đầu tư 2% GDP cho văn hóa mới chỉ là câu chuyện về ngân sách. Để phát triển văn hóa Hà Nội cần nhiều hơn những quyết tâm như vậy. Khi đặt văn hóa trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhất là kinh tế-xã hội của Hà Nội thì văn hóa phải được nhìn nhận bằng vị thế Thủ đô, vấn đề cốt tử là nhận thức về vị trí đứng đầu và vai trò tiên phong của văn hóa Thủ đô đối với văn hóa cả nước. Nhận thức như vậy, trong phát triển kinh tế-xã hội sẽ thấy phát triển văn hóa Thủ đô không chỉ bó hẹp trong tầm một địa phương mà là của Thủ đô với vị trí, vai trò có tính lịch sử của “chốn kinh sư muôn đời” (“Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ). Hãy hiểu Hà Nội của cả nước, cả nước có Hà Nội vì Hà Nội là Thủ đô ngày nay và Kinh đô từ ngàn xưa của Việt Nam.

leftcenterrightdel

TP Hà Nội đổi mới và phát triển bởi hệ thống đường trên cao. Ảnh: TUẤN HUY 

Vậy vị trí đứng đầu và vai trò tiên phong là thế nào? Không nên hiểu đứng đầu là cái gì cũng phải nhất! Người đứng đầu không nhất thiết cái gì cũng phải nhất. Nhưng nhất thiết phải là người có những (nhiều) ưu điểm nổi trội để mọi người nể phục, noi theo. Vị trí đứng đầu về văn hóa của Hà Nội không thể tự phong mà là yêu cầu có tính lịch sử. Vị trí ấy vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của Thủ đô. Vai trò tiên phong, vai trò đi trước, vai trò của người mở đường. Người tiên phong có thể không nhất thiết phải là người giỏi nhất, có thành tích tốt nhất. Nhưng người tiên phong nhất thiết phải là người dũng cảm, người tự trọng với tinh thần trách nhiệm cao trước tập thể và sự nghiệp chung.

Nhận thức như vậy thì việc xây dựng văn hóa Thủ đô Hà Nội không thể chỉ dừng lại ở việc xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở, xây dựng các thiết chế văn hóa giống như các địa phương khác. Nhất là khi hướng tới mục tiêu thành nước phát triển vào năm 2045. Khi ấy, con người Thủ đô sẽ ra sao? Diện mạo văn hóa Thủ đô của một nước phát triển sẽ như thế nào? Có lẽ phải đặt vấn đề như vậy mới có thể bàn về phát triển văn hóa Thủ đô tầm nhìn tới năm 2050.

Muốn bàn về vấn đề lớn đó, Hà Nội cần chuẩn bị mọi mặt để có tâm thế: Trân trọng quá khứ-Trách nhiệm hiện tại-Khát vọng tương lai. Với tâm thế như vậy, ta có thể hướng tới mục tiêu lớn xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa đặc sắc không chỉ của nước ta mà còn hướng tới của khu vực và thế giới, nơi đáng sống với tư cách là Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo trong thời đại mới.

Để hướng đến mục tiêu lớn lao ấy, trước tiên phải xây dựng con người Thủ đô Hà Nội hội tụ nét tinh túy của văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến, đồng thời tiếp biến một cách chọn lọc tinh hoa bốn phương để có người Hà Nội thanh lịch-văn minh-hiện đại. Người Hà Nội không phân biệt là người Hà Nội gốc hay nhập cư mới, nhất thiết đều phải phấn đấu, rèn luyện để là người thanh lịch-văn minh-hiện đại. Trong quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phải coi việc xây dựng con người Hà Nội như thế là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ hàng đầu để hoạch định chương trình, lộ trình phát triển văn hóa nói riêng và kinh tế văn hóa-xã hội nói chung. Đây là việc lớn và khó nhưng không thể không làm!

Một việc nữa cũng là việc không thể không làm, đó là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong điều kiện đô thị hóa phát triển nóng tại Hà Nội. Với số lượng gần 6.000 di sản văn hóa được phân bố rộng khắp Thủ đô, đặc biệt đậm đặc trong nội đô, nếu không làm một cách khoa học thì di sản không những không phát huy được mà còn có thể cản trở phát triển. Câu chuyện về đàn Xã Tắc, chuyện Nhà ga C9, một số công trình kiến trúc cũ và nhiều trường hợp khác chúng ta chưa giải quyết tốt bài toán bảo tồn và phát triển.

Qua thực tế những bất cập nảy sinh, có người cho rằng ở Thủ đô, văn hóa có thể cần đi trước một bước nhằm cung cấp thông tin cho việc quy hoạch phát triển kinh tế, giao thông và các lĩnh vực xây dựng khác. Thông tin đầy đủ và có hệ thống là chìa khóa giải bài toán bảo tồn và phát triển vốn rất khó khăn trong khu vực nhạy cảm như nội đô Hà Nội. Thế nhưng, nói đến di sản văn hóa, nhất là ở Thủ đô Hà Nội, người ta phải nghĩ đến việc xây dựng những giá trị của thời đại mới. Những giá trị ấy về sau có thể lại được xếp là di sản văn hóa.

Gần đây, Nhà hát Hồ Gươm hiện đại được khánh thành ở quận Hoàn Kiếm-quận trung tâm của thành phố là gợi ý tốt về xây dựng những công trình văn hóa mới. Tuy nhiên, giá trị văn hóa không chỉ có các công trình xây dựng, mà còn ở các tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm thời đại. Thủ đô Hà Nội, nơi tập trung đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ hàng đầu của cả nước, đương nhiên có trách nhiệm cao nhất trong lĩnh vực này. Vậy phát triển văn hóa Thủ đô phải thể hiện vai trò đứng đầu, đi đầu trong lĩnh vực này như thế nào? Không trả lời câu hỏi này có lẽ là một khiếm khuyết lớn trong chương trình phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội!

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10), sẵn tâm huyết với văn hóa Thủ đô, vừa thể hiện tình yêu, vừa khẳng định văn hóa Thủ đô là niềm tin và hy vọng, tôi viết đôi dòng thay cho lời chúc tốt đẹp nhất tới thành phố thân yêu.

Tiến sĩ NGUYỄN VIẾT CHỨC