Hơn 8 giờ ngày cuối tháng 7, tôi có mặt tại Tiểu đoàn 172, Trung đoàn 64, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ. Mặt trời lên cao, nắng chói chang. Sân bê tông rất rộng của Tiểu đoàn 172 nóng hầm hập.

Câu chuyện giữa tôi và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 172 diễn ra trong chiếc chòi lá gần cổng đơn vị. 3 chiếc quạt cây chạy hết công suất ở 3 góc chĩa vào chúng tôi nhưng cũng không khiến cái nắng nóng gay gắt mùa hè giảm đi. Đại úy Lưu Chí Cường, Chính trị viên Tiểu đoàn 172, một trong những cán bộ được đào tạo về tên lửa tại Học viện PK-KQ sau đó về đơn vị và đã chuyển loại cán bộ chính trị khoe với tôi rằng, đây là đơn vị rất giàu thành tích.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tiểu đoàn đã cơ động chiến đấu 484 trận, bắn rơi 157 máy bay Mỹ, gồm 21 kiểu loại, trong đó có 134 chiếc rơi tại chỗ. Năm 1976, Tiểu đoàn vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngoài ra còn 2 đại đội và 10 cá nhân được tặng danh hiệu cao quý này, tiêu biểu trong số đó là Anh hùng Nguyễn Văn Thoa. Trong chưa đầy 3 năm ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, Nguyễn Văn Thoa đã phóng 18 quả tên lửa vác vai A72 và hạ 13 chiếc máy bay Mỹ các loại. Chính những thành tích này mà Tiểu đoàn 172 có tên là “mũi tên xanh”. Hiện nay, đơn vị được mệnh danh là “mũi tên xanh” đang ngày đêm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo vệ vùng trời được phân công quản lý.

leftcenterrightdel
 Tổ hợp tên lửa chuyển cấp 1 xong và vào trạng thái chiến đấu. Ảnh: TRUNG HIẾU

Tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên chát chúa ở góc xa.

Bộ đội nhanh chóng lao ra khỏi nhà ở như bầy ong. Bước chân của họ nện vào nền bê tông huỳnh huỵch, xen lẫn hơi thở gấp gáp. Như phản xạ tự nhiên của người lính, tôi gấp vội cuốn sổ, mắt dõi theo bóng áo dã chiến loang loáng trong nắng, rồi cũng lao theo bước chân của họ.

Di chuyển vào nhà xe, tôi đã thấy tiếng máy vang lên và những làn khói trắng đậm đặc phụt ra từ hai bên thành xe. Máy gầm, tiếng pít tông đập liên hồi va vào tai nhức nhối. Chiếc xe trực ban chiến đấu nặng 9 tấn di chuyển khá nhẹ. Bánh xích nghiến vào nhau ken két. Tôi chạy theo xe để ra công sự chiến đấu. Hai vết xích xe màu trắng song song phơi dưới nắng, hằn sâu trên nền đường bê tông rêu đen, trông như hai con trăn khổng lồ vươn dài ra trận địa. Xe dừng lại trong công sự, hệ thống tên lửa từ từ khởi động, vươn về hướng mục tiêu.

Trở về phía sau, tôi thấy chiếc xe thứ hai vốn là dự bị cho xe trực ban chiến đấu chính thức cũng di chuyển tới vị trí nạp đạn. 3 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng phối hợp đưa quả tên lửa nặng gần 100kg lên thành xe cao hơn 2m. Xong việc, họ chui vào xe. Chiếc xe di chuyển nhanh ra công sự chiến đấu. 10 phút sau, các xe trở về vị trí trực ban. Đại úy Lưu Chí Cường nói với tôi, tình huống kiểm tra của trên đã kết thúc. Anh thông tin thêm, hầu như ngày nào cấp trên cũng tổ chức từ một đến vài cuộc kiểm tra như vậy. Các kíp trực không thể lơ là.

leftcenterrightdel

Bộ phận chế áp UAV  Tiểu đoàn 172, Trung đoàn 64, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ ở trên cao bảo vệ các xe tên lửa tác chiến trong công sự. Ảnh: TRUNG HIẾU 

Kết thúc tình huống chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ kéo nhau rời xe, trở về vị trí nghỉ ngơi. Ngồi trong chòi lá với tôi, Thiếu tá QNCN Hoàng Văn Cường, lái xe trực ban chiến đấu chính thức vuốt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên má. Anh thổ lộ dí dỏm, trong điều kiện mùa hè thời tiết 35 độ C thì khi tác nghiệp trong xe, nhiệt độ có thể lên trên dưới 50 độ C, tùy tình huống. Thời gian tình huống càng kéo dài thì cơ hội để kíp chiến đấu “tắm mồ hôi” trong xe càng lớn.

Đối với bộ đội tên lửa phòng không tầm thấp, thời gian triển khai tác chiến quý hơn vàng. Thời cơ đến được tính bằng giây, thậm chí tính bằng phần trăm giây. Thế nên, nhanh hơn để tác chiến thắng lợi luôn là mệnh lệnh không lời nằm sâu trong trái tim họ. Bởi thời gian là thước đo để đánh giá sức khỏe, kỹ năng, khả năng và trình độ tổ chức chỉ huy của trưởng xe và sự hiệp đồng tác chiến của phân đội.

Theo quy định, từ khi nhận lệnh cho đến lúc di chuyển xe tới công sự chiến đấu và vào cấp một xong của một kíp xe chỉ được tính bằng phút. Trung úy Lương Văn Nghĩa, Trưởng xe trực ban chiến đấu chính thức của Đại đội 3 cao tới 1m75, quê ở Hải Phòng và có khuôn mặt rất điển trai tâm tình rằng, trong các lần “xuất kích”, kíp xe do Nghĩa chỉ huy chưa bao giờ vượt số phút quy định. Nhưng điều ấy chưa làm Nghĩa và đồng đội hài lòng.

- Tại sao lại có tâm lý ấy?-Tôi cắt ngang lời Nghĩa.

- Vâng, đó là do chưa phá được kỷ lục của Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, hiện là Đại đội trưởng Đại đội 3. Trong thời gian anh Đạt làm trưởng xe trực ban chiến đấu chính thức, kỷ lục chuyển cấp 1 xong do anh ấy và kíp thực hiện, đến nay, chưa kíp xe nào phá được.

Trưa ấy, tôi tìm gặp Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt để tìm hiểu bí quyết. Đạt quê ở Thanh Hóa và tốt nghiệp Học viện PK-KQ năm 2019. Chàng Thượng úy gần 30 tuổi cho tôi ấn tượng tốt bởi nước da sạm nắng, khuôn mặt điển trai, dáng người rất nhanh nhẹn, ăn nói có duyên và đặc biệt là rất tinh thông kiến thức kỹ thuật của xe. Đạt chia sẻ, trực chiến liên miên nên cũng chưa có thời gian để tìm được một nửa của đời mình. Đạt hóm hỉnh kể, đầu năm 2022, trong trực ban chiến đấu, anh và đồng đội gặp phải tình huống cười ra nước mắt. Chuyện là, khi đang trực SSCĐ thường xuyên thì nhận lệnh của sở chỉ huy cơ động ra vị trí và triển khai vào cấp 1. Kíp xe trực ban chiến đấu dự bị cũng được lệnh lên trực ban chính thức và nạp đạn, di chuyển ra công sự. Vài phút sau, Sở chỉ huy Sư đoàn 361 và Trung đoàn 64 truyền lệnh Tiểu đoàn 172 vào cấp 1.

Trên truyền thông tin trên bộ đàm, xuất hiện một vật thể lạ bay lơ lửng ở độ cao 2.000m với tốc độ chậm trong phạm vi vùng trời do đơn vị quản lý. Cả hai kíp ngồi trong xe oi bức sử dụng các phương tiện kỹ thuật để sục sạo, tìm kiếm mục tiêu, chờ thông tin ở trên nhưng không thấy. Mồ hôi tuôn chảy sau lưng. Tóc bết như tắm. Qua Tết, tiết trời chưa nóng lắm, nhưng nhiệt độ trong xe hơn 40 độ C.

30 phút sau trên mới thông báo, vật thể lạ chỉ là chùm bóng bay lơ lửng trên không. Các phi công hàng không dân dụng bay qua nhìn thấy nghĩ là vật thể bay nguy hiểm đã báo về cho cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, do chùm bóng bay không sử dụng kim loại hoặc lượng kim loại rất ít nên không phát ra từ tính. Điều này khiến các phương tiện kỹ thuật để trinh sát, phát hiện mục tiêu khó khăn.

Cuối câu chuyện, Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt tâm tình với tôi, đó là cơ hội để kíp chiến đấu rèn luyện, vượt qua thử thách. Về kinh nghiệm đạt kỷ lục về thời gian triển khai chiến đấu, Đạt bảo, chỉ có luyện nhiều và đồng đội hiệp đồng thật ăn khớp đến liếc mắt cũng hiểu nhau thì mới đạt được kết quả đó. Luyện nhiều sẽ giúp họ giảm thiểu những động tác thừa.

Sau khi chứng kiến các kíp chiến đấu chuyển cấp 1 xong tại thực địa, nhất là khi được nghe tâm sự của những người lính làm nhiệm vụ trực SSCĐ cường độ cao kể lại, tôi thấu tỏ thâm ý của Thượng tá Hoàng Văn Thuần.

Mồ hôi của họ là sức sống của khí tài, là chỗ dựa để những “mũi tên xanh” phát huy hết uy lực, bảo vệ an toàn và bình yên cho vùng trời được phân công quản lý. Công sức của họ, mồ hôi của họ quả đáng trân quý biết nhường nào!

THẢO TRANG