Đã nhiều lần hiện diện ở Khu di tích K9 nhưng tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc như lần đầu được đặt chân tới nơi này cách đây hơn 10 năm: Bồi hồi, xúc động, thành kính và luôn thấy tâm hồn nhẹ bẫng như một áng mây trong biển trời xanh cao thăm thẳm. Khi nghe giọng giới thiệu ngọt ngào, truyền cảm của hướng dẫn viên về những vật dụng đơn sơ, mộc mạc và rất đỗi thân thuộc trong phòng ngủ, phòng khách, phòng làm việc của Bác, tôi có cảm tưởng như hình bóng, hơi ấm của Người lan tỏa tới từng đường gân, thớ thịt.

Tại đây, khi được nghe những câu chuyện đời thường về Bác, tôi cảm nhận sâu sắc hơn sự dung dị mà thanh cao trong cốt cách ứng xử của Người. Tôi có cảm tưởng, dù đã đi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng dường như tư tưởng, phẩm giá, nhân cách của Người vẫn sống động như lúc sinh thời. Hiện vầng dương ấy vẫn ngày ngày soi sáng ngọn lửa, nhiệt huyết cách mạng trong mỗi con dân nước Việt.

leftcenterrightdel
Đoàn đại biểu các thế hệ nữ cán bộ có nhiều cống hiến trong công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong Quân đội báo công dâng Bác. Ảnh: ĐIỆP ANH 

Sau những giây phút hòa mình với các hiện vật một thời gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cùng Trung tá Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Chính trị Đoàn 285 lên khu nhà làm việc của Đội Di tích. Ở đây, tôi đã gặp và trò chuyện với các chiến sĩ nhập ngũ năm 2023 vừa tham dự lễ báo công dâng Bác ngay dưới những gốc cây mốc thếch. Mấy ngày nữa, họ sẽ tạm biệt nơi này và trở về địa phương. Trong sâu thẳm, họ rất lưu luyến, tiếc nuối khi phải rời xa địa danh đặc biệt cùng những công việc họ từng đảm nhận và thực hiện bằng cả trái tim.

Hạ sĩ Nguyễn Thành Long, Binh nhất Lê Thành Trung ở Trung đội 2, Đội Bảo vệ tâm sự với tôi rằng, suốt hai năm qua, họ đã sống và làm việc bằng trái tim và tấm lòng thành kính với Bác kính yêu. Dù nắng hay mưa, ngày nào Long, Trung và đồng đội cũng vượt hơn chục ki-lô-mét đường mòn đồi núi đi tuần vài lượt trong phạm vi được phân công. Họ thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ ven đường, thậm chí biết rõ tính nết của những con chim làm tổ trên những tán cây cao. Mùa này, thời tiết hanh khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất lớn. Suốt 3 tháng gần như không có giọt mưa nên việc ứng trực phòng, chống cháy rừng càng khắt khe. Vì thế mà việc tuần tra, kiểm soát cũng nghiêm cẩn, quyết liệt. Họ luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao để bảo vệ rừng khu di tích bằng mọi giá. Chỉ cần một dấu hiệu biến động nhỏ bất thường ở địa hình là cả Long và Trung đều có thể cảm nhận được.

Đối với các chiến sĩ ở Tổ Bảo tàng, Đội Quản lý di tích như Binh nhất Đào Văn Đức và Quyền Thanh Tùng thì những công việc hằng ngày suốt hai năm qua là những kỷ niệm đặc biệt, rất khó quên. Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, được chăm sóc những hiện vật gắn bó với cuộc sống của Bác lúc sinh thời, cả Đức và Tùng đều thấy như thấm nhuần cốt cách, phương pháp, tác phong công tác của Người. Nếu Đào Văn Đức học được sự tỉ mỉ, cẩn thận trong công việc thì Quyền Thanh Tùng học được tinh thần không bỏ cuộc. Tùng nói với tôi trong sự xúc động rằng, trước đây, Tùng có tính thiếu cẩn trọng, khi ở nhà làm việc gì cũng chệch choạc và thậm chí còn đổ vỡ. Ấy nhưng từ khi vào bộ đội và công tác ở đây, được sự chỉ bảo của đội ngũ cán bộ, sự giúp đỡ của các đồng đội và đặc biệt là được học tập, tìm hiểu kỹ hơn về những việc làm của Bác Hồ nên Tùng đã quyết tâm thay đổi. Từ đó, Tùng rút ra phương châm trong công tác, có quyết tâm, có tinh thần cầu thị thì không gì là không thể làm được.

Trở về phòng khách ở sở chỉ huy của Đoàn 285, trò chuyện với Đại tá Kiều Đình Chiến, Đoàn trưởng, tôi được anh thông tin kỹ hơn về lịch sử của Di tích Đá Chông. Theo đó, thời kỳ Pháp thuộc (trước năm 1945), nơi đây là đồn điền Satupô. Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), nơi đây là khu căn cứ kháng chiến “Ba Vì” của tỉnh Sơn Tây.

Vào một ngày của tháng 5-1957, khi đến thăm Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, sau khi dừng chân nghỉ trưa trên một quả đồi để ăn cơm, trước địa thế và phong cảnh hữu tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương. Sau một thời gian thi công, ngày 15-3-1960, công trình được hoàn thành và được gọi bằng mật danh K9. Nhiều năm sau, Bác Hồ đã đến nơi này làm việc. Và cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đón nhiều vị khách quốc tế.

Khi Bác Hồ qua đời, để đề phòng địch tiếp tục leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn K9 là nơi giữ gìn thi hài Bác. Chỉ một tuần sau khi Bác đi xa, một số cán bộ của Bộ tư lệnh Công binh và Bộ Tổng Tham mưu đã lên K9 để khảo sát, thiết kế, cải tạo công trình cho phù hợp với nhiệm vụ. Ban đầu, Ban chỉ đạo gìn giữ thi hài Bác định sử dụng ngôi nhà đã có sẵn để lắp đặt máy móc, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác ở ngay trên mặt đất. Nhưng về sau, Quân ủy Trung ương quyết định phải cải tạo lại cả hệ thống hầm ngầm để có thể đưa thi hài Bác xuống nếu chiến tranh lan rộng tới khu vực này.

Ngày 15-12-1969, sau hơn 3 tháng thi công khẩn trương với nhiều khó khăn, công trình phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác hoàn thành, mang mật danh K84. Phòng giữ gìn thi hài Bác được ốp gạch men trắng, có hệ thống điều hòa thông gió và phòng làm thuốc đặc biệt, trong phòng đặt quan tài kính.

Sau khi đất nước thống nhất, non sông liền một dải, ngày 18-7-1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác rời K84 về công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, Khu di tích K9 có khu rừng đặc dụng diện tích 234ha và trở thành một "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng. Nhiệm vụ quản lý, phục vụ du khách được các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn 285 thực hiện chỉn chu, nghiêm cẩn, không để xảy ra bất cứ sai sót nào dù nhỏ nhất. Điều đặc biệt ở đây là mật độ cây rừng không ngừng được tăng lên qua thời gian.

Đại tá Kiều Đình Chiến chia sẻ với tôi rằng, sau 30 năm (1995-2025) tổ chức đón đồng bào và khách quốc tế vào tham quan, Khu di tích K9 thường xuyên được các cấp, các ngành, nhân dân trồng cây. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây (2019-2023), Khu di tích đã trồng mới 44ha, với hơn 21.000 cây xanh, gỗ quý và các loại cây lưu niệm, cây ăn quả nhân các dịp lễ, tết hay nhân tổ chức sự kiện quan trọng.

Đáng mừng là, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh-Vì một Việt Nam xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định Khu di tích K9 là trung tâm thực hiện kế hoạch. Theo thống kê, những năm qua, Khu di tích K9 đã trồng mới 7,36ha với 3.679 cây xanh, cây gỗ quý. Đại tá Kiều Đình Chiến trải lòng, năm nay biến đổi khí hậu rất rõ, cơn bão số 3 hồi tháng 9-2024 khiến cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn 285 lo lắng, ra sức chống đỡ, bảo vệ các công trình, hiện vật và cây rừng. Rất mừng là cây xanh an toàn, không bị gãy đổ.

Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô kéo dài, nguy cơ cháy rừng có thể đến bất cứ lúc nào đã đặt Đoàn 285 luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Anh rất mong được trên quan tâm đầu tư các phương tiện phòng, chống cháy, nổ thế hệ mới để có thể bảo vệ tốt nhất cho khu rừng, đặc biệt là hệ thống báo cháy tự động và các phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp. Theo anh Chiến, khu rừng càng xanh tốt thì ý nghĩa và giá trị mà Bác để lại cho hậu thế càng được khẳng định. Đây cũng chính là nhiệm vụ chính trị mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Đoàn 285 kiên trì thực hiện trên cơ sở niềm tin, trách nhiệm và sự kính trọng dành cho Bác kính yêu.

Chiều ấy, bách bộ dưới những bóng cây cao vút, xanh mát, hướng mặt ra hồ nước mênh mông mờ sương, tôi lắng nghe tiếng hát của nam ca sĩ Trọng Tấn phát ra từ chiếc loa ngay cạnh đường: “Vinh quang con đứng bên Người/ Canh cho Bác ngủ ngon giấc/ Trên môi như Bác vẫn cười/ Bác vui vì khắp non sông/ Cháu con trở về sum vầy”.

Ngắm nhìn chiến sĩ đứng gác ở đó, tôi cảm nhận đầy đủ hơn giá trị mà các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn 285, những người con trung hiếu, tận tụy mang lại.

MẠNH THẮNG