Trung tá Bùi Thị Thu Huyền, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 105 từ nhỏ đã luôn ý thức cố gắng học tập và rèn luyện tư cách đạo đức, nối tiếp truyền thống gia đình. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2004, chị về công tác tại Bệnh viện Quân y 105, rồi trở thành bác sĩ điều trị tại Khoa Nội Thần kinh. Chị đã không ngừng nỗ lực, cùng đồng đội đưa vào điều trị các kỹ thuật mang tính chuyên khoa như: Kiểm soát bệnh nhân động kinh, tiêm ngoài màng cứng và điều trị cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ... Ngoài trực tiếp điều trị cho bộ đội và nhân dân trong khu vực, chị đồng thời tham gia giảng dạy, hướng dẫn lâm sàng cho học viên Trường Cao đẳng Quân y 1.

Với phẩm chất của người chiến sĩ, sự say mê nghiên cứu khoa học, lòng yêu nghề, tất cả vì người bệnh, Thu Huyền luôn trăn trở, bị hấp dẫn bởi những kỹ thuật khó trong chuyên môn. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp chuyên khoa cấp II, chị tiếp tục học can thiệp mạch máu não, một kỹ thuật khó không chỉ về chuyên môn mà còn đòi hỏi sức khỏe và sự kiên trì, tính tỉ mỉ; và triển khai, bước đầu can thiệp thành công kỹ thuật “Hút huyết khối trong điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp và đặt stent động mạch não đoạn ngoài sọ”. Kỹ thuật này đã đem lại kết quả tốt cho người bệnh đột quỵ, tạo niềm tin tưởng, hy vọng cho bệnh nhân.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và đại biểu cùng các đại biểu nữ dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Ảnh: TUẤN HUY.

Tháng 2-2020, Trung tá Bùi Thị Thu Huyền được bổ nhiệm Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh. Và, dưới sự chỉ đạo của ban giám đốc bệnh viện, tháng 8-2020, khoa đã đưa đơn vị Đột quỵ đi vào hoạt động. Với vai trò mới vừa phụ trách đơn vị Đột quỵ, vừa là Chủ nhiệm khoa, chị luôn tự học hỏi, tiếp tục nghiên cứu, làm chủ các kỹ thuật tại khoa, từ đọc điện não, lưu huyết não, tiêm ngoài màng cứng cột sống thắt lưng... cho đến kỹ thuật chẩn đoán điện thần kinh (điện cơ) và đặc biệt là can thiệp mạch máu não, cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não cấp...; chủ động đào tạo tại chỗ cho các bác sĩ của khoa về các kỹ thuật chuyên khoa, đem lại hiệu quả cao trong điều trị và cấp cứu người bệnh. Những nỗ lực của nữ quân nhân, bác sĩ Bùi Thị Thu Huyền suốt những năm qua luôn được đồng đội, cấp trên ghi nhận, hơn hết đó là những kết quả thực tế trong điều trị và sự tin yêu của bệnh nhân, nhân dân.

Không thể hiện bằng kết quả điều trị bệnh nhân hay những công trình, thành tích trong nghiên cứu khoa học, Đại tá Lê Mai Hậu, Trưởng phòng Tài chính, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Thượng tá Đào Thúy Hường, Trưởng phòng Tài chính-Kế toán, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) lại khiến nhiều người khâm phục ở lĩnh vực vừa “khô”, vừa khó với những con số. Bình thường, chúng ta thật khó hình dung những kết quả trong chuyên môn của một kế toán trưởng nhưng hãy thử tưởng tượng đến những con số liên quan đến nhân sự, tài chính... của một tổng cục, một tập đoàn hàng đầu đất nước mà một người phụ nữ phụ trách tài chính sẽ đảm nhiệm.

Ở Tập đoàn Viettel, có nhiều người khâm phục Thượng tá Đào Thúy Hường vì sự mạnh mẽ, quyết đoán của chị trong công việc. Nếu muốn hình dung một phần công việc của chị hãy thử nhìn những con số của Viettel: Gần 50.000 nhân sự, doanh thu của năm 2019 là 253.000 tỷ đồng với lợi nhuận là 38,2 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước là 38.000 tỷ đồng. Chị còn là người đề xuất các cơ chế, chính sách giám sát tài chính. Nhiều người phụ nữ Viettel đã tự hào về sự bền bỉ của chị trong suốt thời gian qua đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ chấp thuận việc nâng tỷ lệ trích lập Quỹ Chuyên dùng để đặt hàng Viettel sản xuất, cải tiến trang thiết bị phục vụ quốc phòng từ lợi nhuận sau thuế từ 10 lên 20% giai đoạn 2015-2017 và từ 20 lên 30% giai đoạn 2018-2022; tăng vốn điều lệ từ 100.000 tỷ đồng lên 300.000 tỷ đồng. Những thành tích đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai mô hình quản lý tài chính mới ở Viettel đều có sự góp sức của Thượng tá Đào Thúy Hường. Chị là người quyết đoán trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thay thế các thao tác thủ công; triển khai phần mềm lập báo cáo tài chính hợp nhất cho các đơn vị trong tập đoàn. Mô hình Trung tâm Dịch vụ kế toán là một cuộc cách mạng về tài chính kế toán ở Viettel, giúp tối ưu nhân lực, loại bỏ lớp trung gian. Viettel đã có thể tối ưu 100% nhân sự cấp quận, huyện, giảm đến 60% quân số ngành tài chính khối phụ thuộc. Chị cũng đang dành tâm huyết để nghiên cứu áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS theo lộ trình của Bộ Tài chính, phát triển nhân lực đẳng cấp quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành với sự có mặt của AI, Big Data, Blockchain... nâng tầm ngành tài chính của tập đoàn.

Giống với Thượng tá Đào Thúy Hường, Đại tá Lê Mai Hậu luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị đã tham gia triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp về công tác quản lý tài chính, ngân sách của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, kiên quyết giải quyết những vấn đề tồn đọng về tài chính; kiện toàn về tổ chức, biên chế, chức danh ngành tài chính của tổng cục; đưa ra các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn của cán bộ...

Ở lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh) từ lâu đã là gương mặt nghệ sĩ quen thuộc, được yêu mến không chỉ trong quân đội mà còn với khán giả cả nước. Giọng hát đầy cảm xúc, nhất là khi thể hiện các ca khúc cách mạng, về Bác Hồ, về mẹ luôn khiến khán giả cuốn theo từng giai điệu, ca từ chị cất lên. Không chỉ xây dựng cho mình hình ảnh người nghệ sĩ-chiến sĩ tài năng, nhiệt huyết, trên cương vị Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, chị đã góp nhiều tâm sức để nhà hát phát huy tốt vai trò của đơn vị nghệ thuật quân đội. Những năm qua, nhà hát không chỉ biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân, đối ngoại mà các nghệ sĩ còn tham gia các chương trình nghệ thuật lớn, các cuộc thi trong và ngoài quân đội và giành được nhiều giải thưởng. Trong những thành tích đó, không thể không kể đến đóng góp to lớn của nữ thuyền trưởng tâm huyết, tổng đạo diễn Nguyễn Thị Bích Hạnh. Mới đây, chị được nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp tuyên giáo của Đảng; bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại địa phương; bằng khen của Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác.

Không “khô” như những số liệu tài chính, cũng không có năng khiếu của người nghệ sĩ nhưng công việc của Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7 lại đòi hỏi một kiến thức tổng hợp, từ lịch sử, khảo cổ học, văn hóa, mỹ thuật đến hóa học, vật lý... PGS, TS Nguyễn Văn Huy, chuyên gia ngành bảo tàng từng nói: Làm bảo tàng không khó nhưng để làm bảo tàng tốt thì không phải việc dễ dàng. Không đơn thuần chỉ là bảo quản, trưng bày các hiện vật, hoạt động bảo tàng cần nhiều hơn thế để phát huy được đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành. Hiểu được điều đó, Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp, trên cương vị quản lý bảo tàng đã luôn bảo đảm tốt các mặt công tác, từ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản hiện vật; có nhiều đổi mới trong hoạt động chuyên môn như: Áp dụng phần mềm quản lý hiện vật bằng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm kiếm, lựa chọn hiện vật, hình ảnh trưng bày và công tác nghiên cứu; thực hiện tốt công tác phối hợp, tuyên truyền với các cơ quan báo, đài trong và ngoài quân đội, các cơ quan, đơn vị LLVT quân khu, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh về các hoạt động của bảo tàng... Mỗi năm, Bảo tàng Quân khu 7 đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan. Cùng với đó, Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp cũng có nhiều đóng góp cho công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ của đơn vị, LLVT Quân khu 7.

HOÀNG DƯƠNG