Mô hình "Lũy tre biên thùy"

Trước khi đến công tác tại tỉnh Lai Châu, chúng tôi được các anh trong cơ quan giới thiệu về mô hình “Lũy tre biên thùy” trồng thí điểm tại bản Hồ Thầu (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) trong lòng như thấy niềm vui dâng trào. Bởi với những ai sinh ra và lớn lên ở làng quê, hình ảnh lũy tre luôn gắn liền ký ức tuổi thơ, giờ màu tre xanh được phủ nơi biên cương nắng gió ý nghĩa biết nhường nào.

Tác giả của “Lũy tre biên thùy” chính là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu). Những chiến sĩ mang quân hàm xanh mộc mạc không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn giúp dân làm kinh tế. Cùng chung tay triển khai ý tưởng đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phong Thổ, Hội LHPN TP Lai Châu cùng UBND xã Huổi Luông. Những ngày vừa qua, các anh khá bận rộn để triển khai mô hình. Khi thì chạy lên thực địa, lúc lại xuống bản thống nhất cách làm, rồi còn biết bao kế hoạch, nhiệm vụ khác của Ngày hội Biên phòng toàn dân, Tháng thanh niên... Vậy mà nụ cười luôn thường trực trên những gương mặt sạm nắng gió ấy.

Nói về ý tưởng trồng tre, Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông tâm sự: “Tre Bát Độ cho năng suất măng cao, cây ít bị sâu bệnh, dễ trồng, phù hợp với các loại thổ nhưỡng, khí hậu. Đây là thực phẩm an toàn với người tiêu dùng, vì thế được bà con hào hứng đón nhận”.

leftcenterrightdel
Tuổi trẻ biên cương tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia. 

Những mầm tre được trồng dọc tuyến biên giới (từ mốc giới 57 đến mốc giới 60) dài gần 3km, tương lai sẽ “nở cành xanh ngọn” trở thành “phên giậu xanh” bền vững. Vừa là điểm nhấn trong vùng, vừa tạo nguồn sinh kế mới cho bà con, đồng thời chống xói mòn, góp phần bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu... Nghe anh Quyết nói đến lũy tre trong tương lai nơi dải biên cương này, tôi lại liên tưởng tới hình ảnh lũy tre xanh từ bao đời nay luôn là biểu tượng bình yên của quê hương, xóm làng trên dải đất Việt. Cây tre như một phần tất yếu của đời sống, từng đi vào thi ca, nghệ thuật. Nhà thơ Võ Quảng đã vẽ bức tranh quê không phải bằng sắc màu hội họa, mà là cảm xúc của một người con sinh ra từ làng “Buổi sớm lúc sương tan/ Bờ tre làng lấp lánh/ Đổ lại đàn cò trắng/ Tre như nở bừng hoa”. Đi qua mùa nắng, trải dài mùa mưa, chịu đựng cái giá lạnh mùa đông khắc nghiệt, dù đất có bạc màu, tre vẫn vẹn nguyên màu xanh chung thủy. Tre là biểu tượng của tinh thần ngay thẳng, kiên cường, bất khuất. Bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào, tre luôn vươn mình đứng thẳng, cành lá tốt tươi giữa bao la đất trời, rì rào gió hát.

Kết nối văn hóa nơi núi rừng Tây Bắc

Tuyến đường từ TP Lai Châu đi Phong Thổ có nhiều đoạn chạy dọc theo dòng Nậm Na, nơi có những bóng cây cổ thụ soi đáy nước. Nếu bảo dòng sông này chở nặng phù sa văn hóa quả không sai. Con sông chạy qua miền đất trù phú của người Thái, Hà Nhì, Dao, Mảng... vừa là nhân chứng lịch sử, vừa mang theo nền văn hóa độc đáo của mảnh đất vùng cao chưa kịp khám phá.

Bữa nay Lý A Tro, Trưởng bản Hồ Thầu đang vui, mà khi vui thì mới “bộc bạch” lòng mình... Tương truyền, người phụ nữ nào lấy được nước ở ngã ba sông Nậm Na vào đêm trăng sáng nhất mang về tắm thì da dẻ hồng hào, trắng trẻo, mắt sáng, tóc dài. Bản của người Thái gần ngã ba sông, nên con gái Thái không chỉ xinh đẹp mà còn múa xòe rất giỏi, nức tiếng trong vùng.

Hỏi Lý A Tro là người Hà Nhì, mà am hiểu văn hóa người Thái nhiều vậy? Thoáng chút thẹn thùng, Lý A Tro bảo: “Không riêng mình đâu, bản mình ai cũng biết mà”. Vẫn biết phụ nữ vùng cao nói chung, con gái Hà Nhì nói riêng đều rất duyên thầm, khuôn mặt phúc hậu, trang phục bắt mắt, tính tình dịu dàng, lại hay lam hay làm, yêu chồng thương con nữa...

Khơi đúng mạch nguồn, Trưởng bản Lý A Tro bắt đầu chia sẻ văn hóa dân tộc mình một cách nhẹ nhàng, tinh tế giống như đang lần giở món đồ quý được chủ nhà gói ghém kỹ càng, lớp lang. Người Hà Nhì sinh sống trong những ngôi nhà khung gỗ, tường là đất sét, mái lợp bằng rơm, nhìn như những “cây nấm” duyên dáng. Vì thế mà khách lần đầu đến với bản Hồ Thầu có cảm giác như đang lạc vào khu rừng nguyên sơ, với vô vàn những “cây nấm” khổng lồ mọc lên từ đất, ẩn hiện trong triền sương mờ ảo.

Làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn, Đại úy Phan Thành Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Huổi Luông có điều kiện gần bà con. Anh không chỉ hiểu về phong tục, tập quán của họ mà còn nắm bắt được hoàn cảnh của từng gia đình. Nhớ lại câu chuyện vài năm trước của vợ chồng Chu A Hờ, họ đang hạnh phúc thì người chồng trót “say nắng” người phụ nữ khác, có nguy cơ tan vỡ gia đình. Qua tìm hiểu, anh biết người chồng này vẫn còn yêu vợ thương con. Nhân lúc Chu A Hờ ở nhà một mình, anh đến nhỏ nhẹ: “Khi gia đình ly tán, cái nhà bị cắt đôi, con trâu, đàn lợn, gà cũng chia, đặc biệt hai đứa trẻ thơ dại cũng phải xa nhau...”.

Bỏ lửng câu nói ấy, thấy sắc mặt người đàn ông có chuyển biến, Phan Thành Nam nói tiếp: “Chẳng phải khi xưa vợ của Chu A Hờ cũng đẹp nhất bản sao, có bao chàng trai muốn xin cưới đấy, nhưng cô ấy nhất quyết chỉ chọn mình anh đấy thôi”. Nghe câu nói đó, người đàn ông tỉnh ngộ, thay đổi tính nết, chịu thương chịu khó làm lụng. Giờ đây, mỗi lần gặp Nam, Chu A Hờ đều mời bằng được anh vào nhà, rồi khoe thành tích học tập của các con. Nhìn cuộc sống hạnh phúc êm ấm ấy, trong lòng Đại úy Phan Thành Nam lại thêm niềm vui, động lực, năng lượng để tiếp tục đến với những bản xa hơn, khó khăn hơn trên miền biên cương thân yêu này.

leftcenterrightdel

Một góc núi rừng Lai Châu. Ảnh: GIA BÁCH

Từ một địa phương nghèo, đường sá đi lại khó khăn, nguồn thu còn thấp. Vậy mà năm 2020, xã biên giới Huổi Luông cán đích nông thôn mới với 19/19 tiêu chí đạt chuẩn. Ngày trước, hầu hết bà con chưa biết canh tác, đất còn để hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm. Khi Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đóng quân trên địa bàn triển khai thí điểm mô hình trồng chuối, hiệu quả rõ rệt thì nhân rộng cả xã, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Nhờ xuất khẩu chuối với giá thành cao mà kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ổn định, nhiều gia đình khá giả như hộ ông Giàng A Mé, Lý A Khớ...

Thiếu tá QNCN, Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Dung nhớ lại: Từ những năm 2005-2010, tỉnh Lai Châu vẫn còn tình trạng “trắng” đảng viên ở những thôn bản thuộc xã đặc biệt khó khăn, trong đó có xã Huổi Luông. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào không hiệu quả. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội, kéo theo sự đói, nghèo và lạc hậu. Từ việc bám bản, Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền: “Quần chúng nhân dân ở các thôn bản chưa có tổ chức đảng đều rất triển vọng. Cùng với việc bồi dưỡng quần chúng ưu tú, đề nghị cấp trên điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả việc phát triển đảng viên ở địa phương”. Nhờ có chính sách phù hợp, những “hạt giống đỏ” được gieo mầm, đến nay, tất cả các bản trên địa bàn xã Huổi Luông đều có tổ chức đảng. Nhiều trưởng bản kiêm bí thư chi bộ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là đảng viên. Hằng năm, Đảng bộ xã Huổi Luông đều vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên mới. Hiện nay, cán bộ, công chức của xã nhiều người có trình độ đại học, trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ...

“Nhịp nhàng cành hoa gió đưa lời ca/ Rì rào suối reo lúa ngàn xanh thắm...”, tiếng hát, tiếng khèn nơi bờ rào đá của người Mông bên kia ngọn núi rộn ràng giữa thiên nhiên. Tiếng hát như lời ru, như hạt mưa thấm vào lòng đất dưỡng cho lớp lớp măng non bật dậy. Rồi đây, màu tre xanh không chỉ phát triển ở các cung đường của huyện Phong Thổ mà trải dài trên toàn tuyến biên giới tỉnh Lai Châu, trở thành “Lũy thép biên thùy” bất diệt.

Hành quân qua đèo, dốc miền biên viễn, những chiếc lá mỏng manh rung rinh trong gió nhẹ, như bàn tay bé xíu vẫy chào người chiến sĩ.

Ghi chép của PHÙNG MINH