leftcenterrightdel
Đại tá Lương Đức Hạnh, chiến sĩ Điện Biên Phủ.

Chúng tôi gặp ông tại tư gia, ở phố Lê Lai, phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Tuy đã ngoại “bát tuần”, nhưng hễ nói về những kỷ niệm của chiến sĩ vận tải ở Điện Biên Phủ thì ông nhiệt huyết, hào sảng chẳng khác nào thời trai trẻ. Người nghe cũng cảm thấy như được hấp thụ nhiệt huyết cách mạng từ ông.

Ông bộc bạch: Bộ đội vận tải tuy ít trực tiếp đối mặt với quân địch nhưng thường bị “ăn” đạn pháo của địch nhiều hơn. Nhất là khi trận đánh kết thúc, bộ đội xung kích đã rút hết hoặc đã chốt giữ điểm cao thì bộ đội vận tải phải vào trận địa đưa thương binh, tử sĩ về phía sau. Nếu không khẩn trương, sẽ gặp lúc địch phản kích để chiếm lại trận địa hoặc cho phi pháo bắn phá, tiêu hủy thương binh, tử sĩ của quân ta-đương nhiên là với cả đồng bọn của chúng bỏ xác tại đó.

Ở trận đánh mở màn chiến dịch, Lương Đức Hạnh trong đội hình Trung đội 1 (Đại đội 20, Tiểu đoàn 3) phối thuộc với đại đội vận tải của Trung đoàn 141, đưa đạn vào trận địa và đưa thương binh, tử sĩ ra. Kể lại một kỷ niệm đau thương trong trận đánh, giọng ông trầm trầm, có lúc phải dừng lại để trấn tĩnh:

- Trận Him Lam bắt đầu lúc 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954. Sau một hồi pháo binh ta đồng loạt nhả đạn, vào khoảng 18 giờ, bộ đội bắt đầu xung phong tiến đánh cụm cứ điểm trên đồi Him Lam. Tới gần nửa đêm hôm ấy, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt và bắt sống chừng 500 lính địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

Để có được chiến thắng mở màn đầy ý nghĩa này, bộ đội ta đã dầm mình trong vô vàn ác liệt, nhiều lúc đối đầu với những luồng đạn từ lô cốt tiền duyên không ngừng tuôn ra cửa mở. Đánh chiếm cứ điểm số 2, phải đến lúc anh Phan Đình Giót lao mình vào lỗ châu mai làm ngừng tiếng súng địch trong giây lát, bộ đội thừa cơ xung phong mới dập tắt được hỏa điểm địch. Các chiến sĩ xung kích dùng lựu đạn, lưỡi lê đánh giáp lá cà tiêu diệt quân Pháp trong cứ điểm. Đánh chiếm cứ điểm số 1, quân ta phải vượt qua nhiều hàng rào đạn đại bác mà quân địch đổ đạn bắn chặn. Cuộc chiến trước cửa mở diễn ra quyết liệt suốt 4 giờ liền. Khi ta vượt qua hàng rào cuối cùng, quân Pháp dồn sức kháng cự hòng thoát chết. Đúng là “máu trộn bùn non”… Lính vận tải chúng tôi băng mình trong lửa đạn, tâm nguyện cứu lấy tất cả thương binh và quyết không để một thi hài đồng đội nào bị bom đạn địch giày xéo.

Giữa lúc quân ta chặn hỏa lực địch để đánh chiếm cứ điểm cuối cùng, tôi và đồng chí Kê, tiểu đội phó nhận một thương binh đã được băng bó, đưa lên cáng, chuyển gấp về phía sau để phẫu thuật. Nâng cáng lên, đặt cáng xuống nhiều lần mà không thể khênh đi được vì đạn pháo địch nổ chát chúa bên mình. Đành phải một người nằm đẩy, một người nằm kéo chiến sĩ thương binh... Ra tới giao thông hào, tôi và Kê đều mệt nhoài nhưng vẫn lao nhanh, quyết cứu sống đồng chí mình, đồng thời cũng phải quay lại thật nhanh để đưa thương binh, tử sĩ khác ra khỏi trận địa.

Cáng bạn đến chỗ đường hào ngoặt phía trái thì gặp một quả đạn pháo của địch nổ đinh tai. Tôi thoáng thấy mình bị nhấc bổng lên rồi “bất tỉnh nhân sự”. Khi tỉnh dậy mới biết đang nằm trong hầm cấp cứu của Đội Điều trị tiền phương Đại đoàn 312. Anh em trong tiểu đội vận tải kể lại rằng, quả đạn pháo địch nổ trúng đầu cáng phía anh Kê, phá nát tất cả, chỉ còn lại một bàn chân của Kê nằm dưới đường hào. Đồng chí thương binh nằm trên cáng văng lên bờ hào, hy sinh. Tôi thì bị đất vùi lấp gần hết, được anh em bới lên, đưa về cấp cứu.

Nghe chuyện, chúng tôi không giấu nổi xúc động, một người hỏi ông:

- Xin ông cho biết ấn tượng không phai của ông về Điện Biên Phủ?

Ông trả lời:

- Có rất nhiều điều! Ví dụ: Sự hy sinh của đồng đội đã luôn luôn nhắc nhở tôi, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với vong linh của họ. Trong đời bộ đội, tôi không bao giờ quên những ngày chiến đấu vô cùng gian khổ, vô cùng ác liệt ở chiến trường Điện Biên Phủ. Nhưng trong đời bộ đội, tôi cũng không bao giờ quên giờ phút vui mừng: Cả một vùng rừng núi bạt ngàn tiếng reo hò của quân ta, còn to hơn, vang xa hơn tiếng bom đạn quân thù, khi nhìn thấy quân địch ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lũ lượt giơ tay đầu hàng...

leftcenterrightdel
Đồi Him Lam hiện nay. Ảnh: vov.vn

Tạm biệt Đại tá Lương Đức Hạnh, chúng tôi thầm mong ông cùng tất cả các chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống trên mọi miền đất nước luôn luôn vui khỏe, để trao truyền hào khí Điện Biên Phủ đến các thế hệ con cháu.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG