Một lần nhân lúc vãn việc, đội ngũ cán bộ trong chỉ huy Lữ đoàn chúng tôi ngồi trò chuyện, thảo luận bên ấm trà để tìm ra câu trả lời, đâu là vấn đề quan trọng nhất đối với bộ đội tàu ngầm. Sau rất nhiều nhận định, căn cứ được đưa ra phân tích, thảo luận rôm rả, thậm chí có lúc tranh luận gay gắt, một cán bộ nói đại ý, xét về toàn diện, đối với cán bộ, thủy thủ tàu ngầm, niềm tin là quan trọng nhất. Đó là tin vào trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ huy hiệp đồng tác chiến; tin vào phương tiện, vũ khí trang bị; tin vào sức mạnh, ý chí, quyết tâm, tay nghề của đồng đội và tin vào chính năng lực của mình.
Bây giờ, ngồi ngẫm lại những điều đồng chí ấy đưa, ra tôi thấy hoàn toàn chuẩn xác. Nó không hề trái ngược thực tiễn và cũng không hề sáo rỗng. Tôi nghĩ đồng chí cán bộ ấy nhận định vấn đề sát, trúng, đúng và mang ý nghĩa rất lớn với nhiệm vụ hết sức đặc thù của chúng tôi.
Trên thế giới và trong Quân đội ta, tàu ngầm là lực lượng đặc biệt của hải quân. Là loại vũ khí, trang bị hiện đại, có yêu cầu khắt khe trong tổ chức vận hành, khai thác, sử dụng vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Vì thế, thủy thủ tàu ngầm phải có tố chất đặc biệt cả về thể lực, trí lực và tâm lý. Tuyển chọn thủy thủ tàu ngầm rất nghiêm ngặt, khắt khe, trong đó yêu cầu về trình độ văn hóa, ngoại ngữ, bản lĩnh chính trị đều rất cao. Để trở thành thủy thủ tàu ngầm, mỗi cán bộ, chiến sĩ không những phải trải qua các buổi học căng thẳng về kỹ, chiến thuật, khai thác, làm chủ trang bị kỹ thuật có trên tàu ngầm mà còn có những buổi học để tôi luyện tinh thần thép. Học viên phải thực hành thành thạo các biện pháp đấu tranh bảo vệ sức sống của tàu, duy trì khả năng sống sót khi có sự cố; phục hồi và duy trì tính năng kỹ, chiến thuật của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đặc biệt, phải thành thạo các kỹ năng thoát hiểm khỏi tàu ngầm khi gặp sự cố. Đây là nội dung rất gian khổ và nguy hiểm, đòi hỏi người học phải có sức khỏe tốt, lòng dũng cảm và nắm chắc kiến thức tổng hợp mới có thể thực hành an toàn, chính xác.
    |
 |
Tàu ngầm Lữ đoàn 189 Hải quân cập bến sau chuyến huấn luyện trên biển.
|
Cũng trong huấn luyện các khoa mục, một trong những nội dung mà chúng tôi quan tâm, chú trọng là thống kê, tìm hiểu thông tin về các vụ tai nạn tàu ngầm trên thế giới để truyền thụ kinh nghiệm cho bộ đội. Mục đích của việc này là để cán bộ, thủy thủ tàu ngầm chuẩn bị kỹ lưỡng tâm lý, có lòng tin vào tập thể lãnh đạo và tin vào đồng đội, tin vào ý chí, năng lực của chính mình; tin vào khả năng vượt qua nghịch cảnh của bản thân cũng như của tập thể. Nói một cách khác, con người mạnh hơn công nghệ. Vì dù công nghệ hiện đại tới đâu thì yếu tố quyết định vẫn là niềm tin, bản lĩnh, trình độ, tính kỷ luật và tinh thần đồng đội của mỗi thủy thủ. Ví dụ câu chuyện tàu ngầm USS Tang của Mỹ, từng là "sát thủ tàu ngầm" thành công nhất Chiến tranh thế giới thứ hai lại bị chính ngư lôi của mình đánh chìm do lỗi kỹ thuật. Rất may đã có 9 người sống sót sau khi thoát khỏi tàu ở độ sâu 60m. Hay điển hình như câu chuyện xảy ra với chiếc tàu ngầm Flach thử nghiệm ở Chile năm 1866. Dù khi vận hành nó bị chìm nhưng thủy thủ đoàn đã thoát ra bằng cách lấy búa “đục thủng vỏ tàu”. Sự cố cho thấy giá trị và sức mạnh của niềm tin và ý chí của thủy thủ.
Môi trường làm việc trong tàu ngầm rất đặc thù: Chật hẹp, áp lực lớn, nồng độ khí oxy thấp, khí H2, CO, CO2 cao... ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm sinh lý của cán bộ, thủy thủ. Khi đang hành trình trong lòng biển, chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả rất lớn, thậm chí là khủng khiếp. Thế nên, thủy thủ phải được rèn luyện thật tốt, nắm bắt thành thạo, phối hợp ăn ý. Để làm được điều đó, chúng tôi không chỉ coi trọng bản lĩnh, kỹ năng của từng cán bộ, thủy thủ mà còn đề cao sự tập trung tư tưởng, sự đoàn kết, gắn bó, phối hợp nhịp nhàng giữa các cá nhân trong tập thể, giữa các khoang, các bộ phận trong đội hình chung; đồng thời chú trọng việc “huấn luyện thay thế chức trách”, “giỏi một vị trí, biết nhiều vị trí”, bảo đảm mỗi thủy thủ có thể đảm nhiệm từ 2 đến 3 vị trí chiến đấu trên tàu ngầm.
Cùng với đó, để trở thành một thủy thủ tàu ngầm, những người lính tàu ngầm phải thực hiện nhiều nghi thức. Những nghi thức có mục đích sâu xa là giúp thủy thủ mới ý thức về sứ mệnh và giá trị đặc biệt của mình, có niềm tin, tự hào về lực lượng mà mình phục vụ. Trong chuyến đi biển đầu tiên, người lính tàu ngầm phải uống 1,2 lít nước biển sâu đựng trong nắp đèn tàu, với ý nghĩa trong cuộc đời của thủy thủ tàu ngầm chỉ một lần duy nhất phải cảm nhận sự mặn chát của nước biển và không phải uống lại thêm một lần nào nữa.
    |
 |
Phó đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Quân chủng Hải quân kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân. |
Nghi thức “hôn búa” giống như lễ trưởng thành của một chàng trai. Việc làm này đòi hỏi người thủy thủ khéo léo, tập trung, phải hôn sao cho môi vừa chạm vào chiếc búa đang di chuyển, không để chạm mặt hay thân thể vào chiếc búa. “Hôn búa” khẳng định người lính đã vượt qua các thử thách, có đủ niềm tin và sự gắn bó với tàu, đủ bản lĩnh bước lên làm chủ tàu ngầm.
Khác với các lực lượng khác, mỗi chuyến hành trình trong lòng biển, cán bộ, thủy thủ phải hoàn toàn cắt liên lạc với người thân trong thời gian rất dài, nỗi nhớ gia đình, người yêu... luôn thường trực, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ, thủy thủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Chính bởi vậy, việc giáo dục, xây dựng niềm tin, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, niềm vinh dự, tự hào khi được phục vụ trong lực lượng tàu ngầm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Điều này luôn được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị coi trọng, duy trì thường xuyên, liên tục và được cô đọng lại thành “5 đặc biệt” (niềm tin đặc biệt, trung thành đặc biệt, đoàn kết đặc biệt, kỷ luật đặc biệt, bí mật đặc biệt).
Để xây dựng niềm tin cho cán bộ, thủy thủ tàu ngầm, nhiều năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 189 Hải quân chúng tôi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt việc thường xuyên tổ chức giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, Quân đội, Quân chủng và Lữ đoàn. Xây dựng cho mỗi quân nhân có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng, trung thành với Đảng, với Quân đội, phục tùng mệnh lệnh cấp trên, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, sinh nhật đồng đội, “sinh nhật trong lòng biển”, từ đó huấn luyện về tính chất đặc thù của tàu ngầm. Để củng cố và hình thành nếp sống văn hóa, trong cuộc sống hằng ngày, cấp ủy, chỉ huy các tàu ngầm luôn coi trọng việc duy trì nền nếp, chế độ học tập, sinh hoạt theo đúng phương châm: “Vinh dự-trách nhiệm, lịch thiệp-kỷ cương, đoàn kết-khiêm nhường, kiên cường-quyết thắng”. Trước mỗi chuyến đi biển, Đảng ủy tàu và các chi bộ tổ chức sinh hoạt quán triệt nhiệm vụ trên giao; xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp, dân chủ quân sự bàn bạc bảo đảm cho nhiệm vụ an toàn, bí mật; thống nhất về nhận thức và hành động, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
    |
 |
Chiến sĩ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân. Ảnh: THANH HẢI |
Sự quan tâm của gia đình, hậu phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin, động viên bộ đội yên tâm công tác. Vì vậy, Lữ đoàn thường xuyên phối hợp với gia đình các quân nhân để kịp thời nắm bắt, định hướng tư tưởng và có những hỗ trợ kịp thời đối với hậu phương Quân đội, giúp các thủy thủ luôn vững tâm nơi đầu sóng ngọn gió.
Gần đây, Lữ đoàn 189 Hải quân phát động sáng tác ca khúc về bộ đội tàu ngầm đã thu được kết quả khá tốt. Một trong những nhạc phẩm tôi khá hài lòng, ưng ý là “Hành khúc Lữ đoàn 189” của tác giả Thanh Trúc. Trong đó có đoạn ngân vang: “Bước quân hành trong lòng đại dương, ý chí kiên trung ta vì Tổ quốc. Muôn trái tim cùng hòa chung nhịp đập, khí kết đồng lòng gian khó vượt qua...”.
Tôi tin tưởng, với bản lĩnh, trí tuệ, sự mưu trí, sáng tạo và đặc biệt là niềm tin quyết thắng, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 189 Hải quân sẽ phối hợp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, khẳng định vị thế của Hải quân nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng rõ nét hơn.
Thượng tá NGUYỄN XUÂN QUÂN, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 Hải quân