Không phải ai sinh ra cũng biết bơi lội, biết chèo xuồng trên dòng sông trước nhà khi cần đi đâu đó giữa kênh rạch chằng chịt của vùng đất Chín Rồng mà phải trải qua quá trình rèn luyện. Binh nhất Lê Tấn Đạt, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 962) sinh ra và lớn lên ở xứ núi đồi thuộc huyện Thoại Sơn (An Giang) nên chưa bao giờ được hòa mình vào sông nước. Vì vậy, trong thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Đạt và các đồng đội cùng nhập ngũ năm 2023 ở phố thị chưa biết bơi được đơn vị huấn luyện nghiêm cẩn, thậm chí còn tranh thủ ngày nghỉ luyện thêm. Điều làm Đạt ngại nhất là bản thân... sợ nước. Song, vấn đề này không quan trọng mà đòi hỏi Đạt phải vượt qua chính mình dưới sự hướng dẫn của cán bộ và sự giúp đỡ của đồng đội. Sau 3 tháng huấn luyện, Đạt không chỉ biết bơi mà còn bơi tốt, kiểm tra đạt giỏi. Nhưng nội dung này chỉ mới khởi đầu đời quân ngũ, bởi nếu khi lũ về phải bảo đảm an toàn cho đồng đội và người dân. 

Thế nên, sau khi tất cả chiến sĩ bơi thuần thục, đơn vị tổ chức huấn luyện chèo xuồng. Tuy sống trên địa bàn sông nước nhưng mỗi địa phương có cách chèo xuồng khác nhau, nơi chèo một mái, nơi chèo hai mái. Với Đạt, dĩ nhiên chưa đi xuồng lần nào. Vậy là phải hướng dẫn cách lên, xuống xuồng như thế nào không bị lắc; lắp cột chèo, quay chèo, động tác chèo ra sao để không cho xuồng chao đảo, nhất là bảo đảm tốc độ và bí mật khi hành quân... Những tưởng bao điều giản đơn ấy có thể thực hiện được ngay nhưng không ít chiến sĩ rơi xuống nước khi bước chân đầu tiên lên xuồng, ngay cả Đạt cũng không tránh khỏi. Có lần tôi thử lên xuồng đã bị rớt xuống sông trong tiếng cười của bộ đội và chợt nhận ra do chân mình chưa khỏe, thiếu tự tin nên xuồng lắc lư.

leftcenterrightdel

 Phút giải lao trên xuồng của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 (Quân khu 9).

Theo lời Đạt thì ban đầu huấn luyện tổ chức tập chèo trên bờ cho quen tay, sau đó tập chèo xuồng trong hồ hoặc đoạn sông hẹp, dòng chảy chậm nhưng không mang vũ khí để bảo đảm an toàn. Đồng thời, cán bộ bồi dưỡng một số kỹ năng phối hợp nhịp nhàng với đồng đội khi bị sự cố như gặp nước xoáy, gió lớn... Thời gian đầu tập luyện, do Đạt chưa thạo sử dụng dầm, chèo đẩy nước, không ít xuồng va chạm với nhau bị chao nghiêng, lật ngang. Những sự cố như thế không khiến chiến sĩ “mất mặt” mà càng cố gắng, quyết tâm hơn trong sự cổ vũ của đồng đội. Khi các chiến sĩ như Đạt thuần thục động tác sẽ nâng dần độ khó là mang vũ khí, trang bị, chèo xuồng trên đoạn sông lớn, dòng chảy mạnh, sóng gió to... Cùng với đó, đơn vị phát tình huống chuyển trạng thái từ hành quân rèn luyện sang sẵn sàng chiến đấu, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị trong điều kiện trên xuồng, trên sông, giúp bộ đội nâng cao tinh thần cảnh giác, tính cơ động. Có lẽ, những ai từng chèo xuồng mới cảm nhận rõ ngoài sức khỏe tốt thì kỹ năng là yêu cầu không thể thiếu để giữ đúng tốc độ, cự ly và an toàn trên chặng đường hành quân qua nhiều ngã ba, sông lớn đến kênh rạch nhỏ.

Tôi nhớ lần trò chuyện với Thiếu tá Đoàn Quốc Nghị, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) thì cùng với huấn luyện hành quân bằng xuồng, đơn vị còn hướng dẫn bộ đội bố trí công sự trận địa khi trú quân. Theo kinh nghiệm của ông cha ta, khi bố trí phải lợi dụng bờ kênh, bờ ruộng, tuyến đê vượt lũ, vườn cây, rặng tre nhằm che giấu xuồng và lực lượng; các xuồng cũng ngụy trang kín đáo để lúc vượt qua những cánh đồng mênh mông không bị địch phát hiện. Đồng thời, tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ như tre, thân cây chuối, bao cát, trấu... xây dựng công sự trận địa nhằm phòng tránh hỏa lực của địch. Ví như công sự chiến đấu của tiểu đội gồm hầm ẩn nấp, sạp ngủ, hố bắn từng người cấu trúc nửa chìm nửa nổi trên mặt đất, mặt nước hoặc nổi trên mặt nước bằng sạp tre, bè chuối. Chú ý không chọn khu vực trú quân ở những nơi gò nổi cao, gần ngã ba, ngã tư sông rạch hoặc nơi đang có dịch bệnh.

Cũng theo anh Nghị, từ những kinh nghiệm quý của cha ông được LLVT Quân khu 9 áp dụng đã nhấn chìm biết bao tàu bay, bắn cháy nhiều xe tăng, xe lội nước làm phá sản nhiều cuộc càn quét của địch trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đơn vị tổ chức huấn luyện cho bộ đội phương pháp bắn ứng dụng trên địa hình sông nước như tư thế, động tác sử dụng các loại vũ khí có trong biên chế từ trên xuồng, dưới nước, trên nền đất yếu, cả nạng cây, bè chuối. Cùng với đó, đơn vị cũng chọn phương án chiến thuật được ông cha ta áp dụng hiệu quả trong chiến tranh để huấn luyện. Ví như trận phục kích của Tiểu đoàn 502 tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) ngày 26-9-1959. Với 40 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn, chỉ gần 30 phút chiến đấu đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 43, Sư đoàn 23 ngụy tại Giồng Thị Đam. 3 tiếng sau, cũng chính lực lượng này đánh thắng trận thứ hai ở Gò Quản Cung, diệt và bắt gọn một đại đội, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 43, bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân càn quét của địch vào căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười. Trong trận thắng này, nếu so sánh lực lượng thì địch đông hơn ta nhiều lần; song, điểm yếu của chúng là tiến công trên sông nước lệ thuộc vào xuồng, ghe và hầu hết chưa thạo cách chống, chèo.

Về ta, tuy lực lượng ít, trang bị thô sơ nhưng có lợi thế về địa hình và chủ động; bộ đội được huấn luyện cơ bản, nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên sông nước; nhất là hơn hẳn địch về tinh thần. Anh Nghị khẳng định rằng, gần nửa thế kỷ qua đi từ ngày đất nước thống nhất thì kinh nghiệm đúc rút từ những trận thắng trên sông nước như vậy vẫn là bài học giá trị được đơn vị vận dụng huấn luyện, giúp bộ đội vững niềm tin thắng lợi.

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 (Quân khu 9) huấn luyện cứu hộ, cứu nạn mùa nước nổi. Ảnh: QUANG ĐỨC

 

Một điều ấn tượng là sau mỗi chặng hành quân hay bài tập chiến thuật, từng trung đội tổ chức rút kinh nghiệm cách xử lý, bồi dưỡng kỹ năng điều khiển xuồng khi gặp nước xoáy, gió lớn; cũng như phương pháp chia nhiều mũi, hướng lợi dụng các bờ kênh, mương, rặng cây cơ động áp sát mục tiêu tiến công. Tiếp đó, thời gian giải lao là lúc tiếng hát, lời thơ cất lên trôi dài trên mặt sông bàng bạc. Nhớ lần tôi đi Chợ Mới (An Giang), nhìn dưới rặng dừa nước trên sông có gần chục chiếc xuồng cặp vào nhau. Một trung úy đờn ghi-ta phím lõm, một binh nhất ca lanh lảnh câu hai bài “Dệt chặng đường xuân” của Anh Động: “Chiếc sào nạng xua nước đồng lã chã, xuồng chồm lên nhảy nhót ánh sao trời. Bình minh đã thức dậy rồi. Nỗi nôn nao khi chân trời rực sáng, em ngỡ mình như cánh cò bay. Thời gian em nắm trong tay, cho đêm nới rộng cho ngày dài ra. Cho về kịp chiến trường xa, cho tin xuân đến muôn nhà yên vui”. Lúc ấy, vài chiếc xuồng chèo ngang thả lơi mái cho chậm lại, mấy chiếc vỏ lãi cũng giảm ga để nghe cánh lính trẻ đờn ca. Khi xuống câu vọng cổ, mọi người vỗ tay tán thưởng. Một ông lão dừng xe cạnh tôi thốt lên: “Bộ đội bây giờ huấn luyện vui quá. Vậy mới bớt mệt mỏi, thoải mái tư tưởng chứ!”.

Lần khác, trong chuyến về Hà Tiên (Kiên Giang) theo kênh Vĩnh Tế, tôi chứng kiến bộ đội giải lao trên xuồng tổ chức đọc thơ có chữ “sông”. Một chiến sĩ giơ tay đọc một đoạn trong bài “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh: “... Tình ta như hàng cây/ Đã qua mùa gió bão/ Tình ta như dòng sông/ Đã yên ngày thác lũ...”. Chiến sĩ khác ngâm 4 câu đầu trong bài “Dòng sông thơ” của Thiên Ân: “Dòng sông thơ ngực no tròn thiếu nữ/ Hương phù sa bồi đắp mãi tháng năm/ Những đường cong mơn mởn dòng tình tự/ Rạo rực cháy lên giấc mộng đêm rằm...”. Anh cán bộ cũng tham gia bài “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh: “Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước/ Tôi sẽ về sông nước của quê hương/ Tôi sẽ về sông nước của tình thương”... Cứ vậy, lời thơ vang trên mặt sông cùng tiếng cười giòn và lời khen của cán bộ, chiến sĩ miền biên viễn Tây Nam.

Tôi chợt nhận ra tính hào sảng, trung thực, can trường, dũng cảm vừa mang cốt cách của tiền nhân mở cõi và đánh đuổi ngoại xâm, vừa tươi trẻ, nhiệt huyết của bộ đội miền sông nước Cửu Long. Hơn thế, là cách quảng bá nghệ thuật cải lương Nam Bộ độc đáo, thể hiện tâm hồn lãng mạn trong sự cứng cỏi đậm chất lính vùng đất Chín Rồng. Điều đó góp phần làm nên thành công trong mỗi mùa huấn luyện.

HỒ KIÊN GIANG