Hé lộ những cứ liệu mới

Gần 3 tháng tiến hành đợt khai quật khảo cổ học lần thứ 10 (diễn ra từ ngày 13-5 đến 31-7 vừa qua) tại di chỉ Vườn Chuối, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật quý thuộc văn hóa Đông Sơn và cho hy vọng sẽ tìm thấy thêm hiện vật thuộc các giai đoạn sớm hơn như Gò Mun, Đồng Đậu. Đây là những chứng tích quan trọng khẳng định quá trình cư trú lâu dài và liên tục của những cư dân tiền-sơ sử trên khu vực này.

Tại các hố khai quật H1 và H2, mỗi hố có diện tích 50m², trên khu vực phía đông gò Vườn Chuối đã tìm thấy nhiều mảnh gốm thuộc văn hóa Đông Sơn (cách nay khoảng 1.800 đến 2.500 năm). Số lượng mảnh gốm được tìm thấy đã lên tới hàng vạn mảnh, đang được phân loại, thống kê để tiếp tục nghiên cứu. Cùng với số lượng lớn mảnh gốm còn tìm thấy những hiện vật đồng: Lưỡi câu và những mảnh của lò nấu đồng cỡ nhỏ. Ngoài ra còn tìm thấy một số đồ trang sức bằng đá (mảnh vòng tay, hạt chuỗi).

Nổi bật, ở gần vách hố H1 đã xuất lộ dấu vết mộ cùng với đồ tùy táng bằng đá, gốm và đồng: Vòng tay, mảnh vò gốm, hai lưỡi rìu (hình) “gót chân” bằng đồng đặc trưng của thời Đông Sơn. Theo TS Nguyễn Anh Thư, người trực tiếp tham gia khai quật khảo cổ di chỉ Vườn Chuối, số lượng hiện vật khá lớn tìm thấy tập trung ở một điểm trong lần khai quật này cho phép suy đoán về sự “giàu có” của chủ nhân ngôi mộ. Kích thước của chiếc vòng tay khá nhỏ có thể cho phép đoán về hình thể của người sở hữu nhỏ bé-rất có thể còn nhỏ tuổi, cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Ở vị trí gần trung tâm của hố này cũng tìm thấy một bộ di cốt thuộc thời kỳ Đông Sơn được cải táng (các xương đã được sắp xếp lại, không giống như hình thể tự nhiên) còn khá nguyên vẹn, đang chờ sự nghiên cứu của các nhà nhân chủng học.

leftcenterrightdel
Hố khai quật tìm thấy mộ cải táng thời Đông Sơn cách đây khoảng 2.300-2.500 năm ở di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

GS, TS Lâm Thị Mỹ Dung, Bảo tàng Nhân học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), người theo dõi, chỉ đạo sát sao cuộc khai quật cho biết: Các nhà khảo cổ học đã thực hiện phương pháp “khai quật bảo tồn”, đào và giữ để bộc lộ các tầng văn hóa theo diễn trình phát triển. Hiện nay, ở hố H1 đã khai quật qua lớp văn hóa Đông Sơn muộn, tiến đến/xuống lớp văn hóa Đông Sơn sớm và ở hố thăm dò đã phát hiện những hiện vật gốm của giai đoạn Gò Mun (cách nay 2.500 đến 3.000 năm).

Với “trữ lượng” hiện vật dồi dào và tập trung như đã tìm thấy, có thể hy vọng tìm được những dấu vết văn hóa sớm hơn ở hố khai quật này-có thể thuộc thời kỳ Đồng Đậu (cách nay 3.000 đến 3.500 năm). Đây là những chứng tích quan trọng khẳng định quá trình cư trú lâu dài và liên tục của con người ở khu vực phía tây Hà Nội hiện nay.

Kết nối Vườn Chuối với các cụm di tích

PGS, TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên cho biết, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (diện tích khoảng 19.000-20.000m2) có giá trị vô cùng độc đáo bởi đây chính là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, qua suốt quãng thời gian 3.500 năm với dấu ấn các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, quản lý Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cho biết, từ hồi nhỏ đi làm đồng đã thấy khu này có rất nhiều mảnh sành, gốm vỡ, bà con đi làm đồng nhặt rồi để một bên, hồi đó vẫn chưa biết là gì. Cho đến năm 1969, đoàn các nhà khảo cổ ở Đức đã sang tìm hiểu và kết luận rằng nơi này chứa đựng những nền văn hóa khác nhau trong suốt chiều dài 3.500 năm. “Người dân làng Lai Xá rất bức xúc trước sự việc một di chỉ khảo cổ suốt mấy chục năm qua bị san lấp, bị đào trộm cổ vật. Nhiều người cho rằng thành phố có thể xây nhiều khu đô thị mới nhưng không có tiền nào làm lại được một di chỉ khảo cổ 3.500 năm. Phát triển kinh tế nhưng cũng phải quan tâm đến văn hóa, mà đây lại là văn hóa liên quan đến cái gốc của mình”, ông Thắng bày tỏ.

leftcenterrightdel
Các hiện vật đồ đồng, đồ gốm tìm thấy trong lần khai quật thứ 10 tại di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Từ năm 2007, cụm di chỉ này lại nằm trong khu vực đang triển khai những dự án trọng điểm phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế-xã hội (KT-XH) của thành phố. Trước nguy cơ toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối bị “xóa sổ”, nhiều nhà khoa học và cộng đồng địa phương mong muốn có một phương án bảo tồn, gìn giữ lại một nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý báu cho các thế hệ sau. Những ý kiến này đã có hồi âm tích cực. Chính quyền thành phố đã lựa chọn phương án nghiên cứu bảo tồn di chỉ Vườn Chuối.

Từ những dấu tích, hiện vật khai quật được từ lần thứ 10, PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đánh giá, hố khai quật lần này có những ngôi mộ cùng nhiều đồ đồng, đó là những dấu tích vô cùng hiếm hoi của thời kỳ Hùng Vương trên vùng lãnh thổ Hà Nội. Tìm được nhiều hiện vật quý và những chứng cứ khoa học khảo cổ, PGS, TS Nguyễn Văn Huy lo lắng: Gần các hố khai quật vẫn luôn là những tiếng ầm ào của máy xúc công trường từ dự án phát triển hạ tầng giao thông. Hy vọng lãnh đạo TP Hà Nội dành thời gian đến thăm khu di chỉ này để tìm cách cứu nó, đưa Vườn Chuối thành di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, xa hơn thì biến nơi đây thành một công viên di sản thời Hùng Vương của Thủ đô.

Hiện nay, nhóm bảo tồn di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đang hoàn thiện các bước để sớm tổ chức hội thảo khoa học, nhằm đánh giá quá trình khai quật khảo cổ vừa thực hiện thời gian qua. Đây cũng là thời gian để nhóm thực hiện dự án gửi và đợi kết quả đánh giá niên đại, giá trị lịch sử của các hiện vật khai quật. Với những cứ liệu bước đầu, nhóm cũng đưa ra hai phương án bảo tồn đề xuất tới TP Hà Nội: Phương án 1: Sau khi khai quật, nghiên cứu khảo cổ học sẽ bàn giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư tiếp tục phát huy (tương tự như trường hợp bảo tồn đàn Xã Tắc-nút giao thông Ô Chợ Dừa). Phương án 2: Xây dựng di chỉ khảo cổ Vườn Chuối thành công viên di sản khảo cổ, kết nối với hai bảo tàng trên địa bàn là Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá và Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên để trở thành chuỗi địa chỉ tham quan trải nghiệm của nhân dân và du khách.

GS, TS Lâm Thị Mỹ Dung cho rằng, biến Vườn Chuối thành công viên di sản khảo cổ sẽ có rất nhiều thuận lợi: “Cộng đồng ở đó am hiểu về di sản này. Vườn Chuối có hệ thống người dân tham gia khảo cổ, bảo vệ ở đây từ đầu. Đây cũng là nơi hiếm hoi có một hệ thống bảo tàng trong làng, người dân có thể tự quản lý được với sự giúp đỡ của người làm bảo tàng. Thuận lợi nữa là ở đó sẽ thành khu dân cư, có người qua lại. Công viên sẽ phục vụ cho ngay chính khu dân cư đó”.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN