Lịch sử Viettel chưa bao giờ được viết bằng những lời nói suông. Bất kỳ thời điểm nào của lịch sử, của hiện tại và tương lai ở Viettel cũng luôn là thời khắc của hành động”- đó là một phần trong thông điệp thi đua 2017 được Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng gửi tới người Viettel trên toàn cầu…
Trong số báo này, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần trân trọng giới thiệu một số bài viết về những con người Viettel để chứng minh điều ấy.
“Tuổi trẻ đứng ở đỉnh này cần nhìn sang đỉnh khác cao hơn”
Từng mơ ước được trở thành viện sĩ làm công tác nghiên cứu ở Viện Khoa học kỹ thuật quân sự, nhưng rồi cơ duyên đưa Phó tổng giám đốc Lê Đăng Dũng tiếp cận bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời: Viettel. Anh đầu quân cho Viettel -khi ấy còn là công ty bé xíu của quân đội từ những ngày đầu, để rồi gắn bó với Viettel suốt hơn 20 năm. Câu chuyện tầm nhìn dài hạn và những nỗ lực theo đuổi giấc mơ đã được anh chia sẻ.
Thời sinh viên, tôi được cử đi học nước ngoài tại một trường nổi tiếng ở Leningrad (Liên Xô trước đây) là Đại học Kỹ thuật Điện. Lúc đó, chúng tôi cũng chẳng có ước mơ hay suy nghĩ gì to tát, lớn lao bởi năm 1979, chúng tôi có lúc còn không có cái mà ăn, chỉ mong học tốt để tìm được công việc thuận lợi. Về nước năm 1983, tôi giành được học bổng sang Úc học với mục tiêu nâng cao trình độ tiếng Anh và chuyên môn. Thời gian học tập ở Úc đã khiến quan điểm của tôi thay đổi rất nhiều. Khi ấy, tôi lái xe đi đưa KFC, thấy nhịp sống xã hội ở đất nước này thay đổi rất nhanh. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với những chuyện liên quan tới kinh doanh, tài chính. Tôi dần không còn hứng thú với môi trường nghiên cứu nữa, thích làm một người khác với công việc khác, được giao tiếp xã hội nhiều hơn, có công việc tự do hơn thay vì trở thành một viên chức bình thường.
Năm 1996, tôi về Việt Nam, rồi rời Viện Khoa học kỹ thuật quân sự để chuyển về Viettel. Khi ấy Viettel được Thủ tướng cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, nhưng công ty mới chỉ ở giai đoạn đầu. Anh Ngô Sơn (Trung tướng Ngô Văn Sơn-nay là Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tổng Tham mưu) giới thiệu tôi đến gặp anh Hùng (đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, nay là Tổng giám đốc tập đoàn), lúc ấy là người của Bộ tư lệnh Thông tin. Và tôi trở thành người
Viettel. Đó là bước ngoặt lớn nhất trong đời tôi. Khi ấy tôi đã 36 tuổi, không còn trẻ nữa.
Khoảng năm 2000, Viettel bắt đầu tham gia vào thị trường viễn thông với dịch vụ 178. Đó là công nghệ mới ở Việt Nam nên cũng mới với cả chúng tôi. Cách tốt nhất để bảo đảm vận hành thông suốt là luôn túc trực ngày đêm ở cạnh phòng máy.
Phó tổng giám đốc Lê Đăng Dũng. Ảnh: Hà Thu
Hồi ấy, phòng máy đặt gần Giang Văn Minh, chỉ có tôi với anh Hùng chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Dù có lúc giao việc trực cho anh em cấp dưới nhưng bất kỳ khi nào có sự cố là chúng tôi đều có mặt để cùng anh em xử lý. Đêm trực ở phòng máy còn nhiều hơn ở nhà. Đó là dịch vụ viễn thông đầu tiên để có Viettel ngày hôm nay.
Năm 2004, Viettel triển khai làm di động thì đến năm 2006 đã tính chuyện đi ra thế giới khi có người giới thiệu đến với Campuchia. Từ Campuchia về, tôi được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược và phụ trách xúc tiến đầu tư nước ngoài. Ngày ấy, Viettel chưa có tên tuổi như bây giờ. Vì đi mò mẫm nên chúng tôi đi nhiều, đi hàng chục nước thì may ra mới được một nước.
Tôi học hỏi nhiều thứ và có rất nhiều bài học là do mình chịu khó quan sát. Chẳng hạn, chúng tôi thấy các công ty lớn trên thế giới, khi đi công tác nước ngoài, họ chọn các chuyến bay vào buổi tối, để khi máy bay hạ cánh, bắt đầu một ngày mới là có thể làm việc được luôn. Chúng tôi đã học và làm theo cách này cho đến tận bây giờ.
Quan điểm của Viettel là không phân biệt tuổi tác. Vì vậy ở Viettel, ngoài 30 tuổi là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc khá nhiều. Chúng tôi coi quản lý cũng giống như một nghề. Vì thế, khi thấy người nào có tố chất, có khả năng, Ban giám đốc sẽ giao cho họ nhiệm vụ quản lý. Người nào làm được thì sẽ duy trì, người nào không làm được sẽ đổi công việc khác. Khi đã giao quyền, giao nhiệm vụ cho nhân sự thì điều đầu tiên là người lãnh đạo phải tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền của mình. Một người được đưa lên làm lãnh đạo chỉ huy phải là người có thể ra quyết định. Viettel không cho phép việc người điều hành cuộc họp mà kết thúc cuộc họp chỉ có là “chúng tôi ghi nhận ý kiến các đồng chí”, “chúng tôi xem xét”… Người lãnh đạo phải ra được kết luận để nhân viên biết phải làm gì. Mà muốn ra quyết định để mọi người tâm phục, khẩu phục thì lãnh đạo phải có kiến thức đầy đủ.
Điều quan trọng nhất của người chỉ huy là giữ cho công ty lúc nào cũng có khát vọng, bất cứ ai cũng mang tinh thần khởi nghiệp. Cách Viettel làm là luôn tạo ra việc mới. Việc này thành công rồi thì chúng ta lập tức tìm việc mới, đứng ở đỉnh núi này nhìn sang đỉnh núi cao hơn để xem khi nào có thể chinh phục được đỉnh núi cao hơn ấy. Đó là cách tạo ra sức mạnh mới cho người Viettel.
Tôi vẫn muốn nhắc lại sứ mệnh của Viettel là phục vụ. Đôi khi người ta hô khẩu hiệu rất nhiều nhưng khi gặp khách hàng vẫn cau có. Có người đổ lỗi cho nền giáo dục, nhất là từ bé. Thực tế ở nước ngoài, người phục vụ đứng ở cửa khách sạn mỉm cười chào khách, xách va li cho khách, chẳng ai nói họ hèn kém cả. Có lần tôi sang Mỹ, ngồi vào quán và anh phụ bàn hỏi rất vui vẻ: “Anh sang đây làm gì?”. Tôi nói: “Tôi làm về viễn thông”. Anh phụ bàn bảo: “Viễn thông sập tiệm rồi. Tôi làm viễn thông đây, nhưng giờ làm hầu bàn vui vẻ, hấp dẫn hơn nhiều”.
Viettel là công ty dịch vụ nên luôn phải ân cần, chu đáo, vui vẻ, ai dùng điện thoại mà không hài lòng vẫn có thể mắng chúng ta nếu dịch vụ không tốt. Sứ mạng của chúng ta là thế, và mỗi người Viettel đều phải luôn ghi nhớ như thế.
THU HÀ (ghi)