Yêu cầu cấp bách

Ngành đường sắt Việt Nam đã tồn tại hơn một thế kỷ, nhưng đến nay, hệ thống này trở nên lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trong tổng chiều dài 3.143km mạng lưới đường sắt quốc gia, chỉ 15% là đường ray tiêu chuẩn 1.435mm, còn lại là khổ đường ray 1.000mm, gây trở ngại lớn trong kết nối liên vận quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc và châu Âu. Các cầu, hầm trên tuyến Bắc-Nam phần lớn đã cũ kỹ, không đáp ứng yêu cầu vận tốc và khả năng chịu tải, làm giảm hiệu suất vận hành và gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Tuyến đường hiện tại, với thời gian di chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh lên đến 32 giờ đồng hồ đã không thể cạnh tranh với các phương thức vận tải hiện đại như hàng không và đường bộ.

Ngoài ra, hơn 3.000 đường dân sinh cắt ngang tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện nay khiến vấn đề an toàn giao thông trở thành mối lo ngại thường trực. Nếu không đầu tư đột phá, ngành đường sắt sẽ tiếp tục tụt hậu và không thể phát huy được vai trò của mình trong hệ thống GTVT quốc gia.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được thiết kế với chiều dài 1.541km, nối từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) tới ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Với tốc độ thiết kế 350km/giờ, đây sẽ là tuyến đường sắt đôi, điện khí hóa, có khả năng vận chuyển cả hành khách và hàng hóa. Dự án không chỉ giải quyết những hạn chế của hệ thống hiện tại mà còn tạo ra bước tiến lớn, góp phần giảm tải cho đường bộ và hàng không, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao. Theo tính toán, khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ có khả năng chuyên chở 133,5 triệu lượt hành khách mỗi năm (đối với tàu suốt Bắc-Nam) và 21,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, chưa kể năng lực vận chuyển bổ sung từ tuyến đường hiện tại. Điều này sẽ giảm đáng kể áp lực lên các phương thức vận tải khác, đồng thời cải thiện sự an toàn, tiện nghi và thân thiện với môi trường của hệ thống giao thông Việt Nam.

Việc đầu tư dự án này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho ngành GTVT mà còn mở ra cơ hội phát triển to lớn cho nhiều lĩnh vực khác. Với tốc độ cao, dự án sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai đầu đất nước, giúp tăng cường kết nối kinh tế vùng miền, giảm chi phí vận tải và thúc đẩy sự cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, dự án còn tạo tiền đề để tái cơ cấu đô thị, phát triển quỹ đất và không gian kinh tế mới. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy, những khu vực quanh các nhà ga đường sắt tốc độ cao thường phát triển thành các trung tâm thương mại, đô thị sầm uất, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế địa phương.

Tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 67,34 tỷ USD-một con số rất lớn so với quy mô nền kinh tế hiện tại. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả và giám sát chặt chẽ quá trình triển khai. Vai trò giám sát của Quốc hội và các cơ quan liên quan là rất quan trọng để bảo đảm dự án được thực hiện đúng tiến độ, hạn chế thất thoát và đạt hiệu quả tối ưu.

Ngoài vấn đề tài chính, dự án còn đối mặt với thách thức về công nghệ, kỹ thuật và quản lý. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án đường sắt tốc độ cao với yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hợp tác quốc tế. Chính phủ, trực tiếp là Bộ GTVT, đã nỗ lực xây dựng hồ sơ dự án, bao gồm các phương án chi tiết về hướng tuyến, số lượng ga, thời gian thi công, nguồn vốn huy động.

Những thách thức đặt ra

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là một trong những công trình hạ tầng lớn nhất và có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai dự án đặt ra nhiều thách thức, từ huy động vốn, chuyển giao công nghệ, giải phóng mặt bằng (GPMB) đến giảm rủi ro và bảo đảm sự phối hợp hiệu quả với các loại hình giao thông khác.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế, tìm kiếm các mô hình huy động vốn phù hợp là điều tối quan trọng. Trước đây, nhóm nghiên cứu từng đề xuất mô hình đầu tư công chiếm 80% và hợp tác công-tư (PPP) chiếm 20%. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành đường sắt, các nhà đầu tư tư nhân thường không mặn mà với mô hình PPP. Kinh nghiệm quốc tế từ 27 dự án đường sắt theo mô hình PPP cũng cho thấy hiệu quả không cao vì rủi ro thường không thể chuyển giao trọn vẹn sang khu vực tư nhân. Thậm chí, một số quốc gia đã thất bại với mô hình này, buộc phải quốc hữu hóa hoặc tăng đáng kể mức hỗ trợ từ nhà nước. Đối với Việt Nam, ngoài việc tập trung nguồn vốn đầu tư công, cần tận dụng thêm những nguồn vốn vay quốc tế ưu đãi và khai thác giá trị từ quỹ đất để bảo đảm tính khả thi của dự án.

leftcenterrightdel

  Minh họa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.   

Bên cạnh vốn đầu tư, một yếu tố then chốt là chuyển giao công nghệ. Đường sắt tốc độ cao đòi hỏi công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực trình độ cao. Việt Nam cần học hỏi từ những quốc gia có nhiều thành tựu về đường sắt tốc độ cao, nhưng quan trọng hơn, phải lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện trong nước. Việc chuyển giao công nghệ cần được thực hiện một cách chiến lược nhằm bảo đảm chúng ta có thể làm chủ và phát triển ngành công nghiệp đường sắt nội địa. Những bài học kinh nghiệm từ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, khi phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu nước ngoài, dự án dễ gặp phải rủi ro lớn về thời gian và chi phí. Hơn nữa, quá trình vận hành và bảo trì sau này cũng bị lệ thuộc lâu dài vào các nhà cung cấp quốc tế. Ngược lại, kinh nghiệm từ dự án đường dây 500kV mạch 3-nơi Việt Nam làm chủ công nghệ và thi công là minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng của việc tự lực, tự cường. Nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cũng được triển khai theo hướng này, khả năng hoàn thành đúng tiến độ và tiết kiệm chi phí sẽ cao hơn rất nhiều.

Một thách thức lớn tiếp theo là GPMB, yếu tố quyết định tiến độ và hiệu quả của dự án. Đối với đầu tư xây dựng thì GPMB quyết định tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án. Do vậy, đây là vấn đề được xác định phải chuẩn bị thực hiện từ sớm, từ xa, phải có các cơ chế để thực sự GPMB đi trước một bước. Các chủ thể, đặc biệt là địa phương thực hiện công tác này cần rà soát thật kỹ những chính sách để bảo đảm chính sách cho người dân. Chuẩn bị các khu tái định cư để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, bàn giao mặt bằng cho dự án. Về cơ chế chính sách GPMB phải trình cùng đề án bao gồm giao chính quyền địa phương ngoài việc GPMB còn huy động nguồn lực để thực hiện việc GPMB. Ngay trong giai đoạn lập nghiên cứu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, các giải pháp cụ thể về GPMB phải được đề xuất phù hợp để làm sao GPMB được chuẩn bị ngay từ đầu.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cũng đòi hỏi một lực lượng nhân sự chất lượng cao để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để Việt Nam nâng cao năng lực nội tại trong ngành xây dựng, vận tải đường sắt. Ngoài việc đào tạo trong nước, cần tổ chức các chương trình học tập, thực hành ở những quốc gia có kinh nghiệm lâu năm về đường sắt tốc độ cao. Điều này không chỉ giúp bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn nâng cao khả năng tự chủ trong vận hành và bảo trì sau khi dự án hoàn thành.

Để giảm rủi ro trong các giai đoạn thực hiện, từ xây dựng đến vận hành thử nghiệm, rất cần một cơ chế linh hoạt và đặc thù. Việc phân chia dự án thành những giai đoạn nhỏ, với từng thành phần đầu tư riêng biệt sẽ giúp giám sát hiệu quả hơn và phân bổ nguồn lực hợp lý. Điều này không chỉ giảm áp lực tài chính mà còn tăng tính minh bạch, hạn chế lãng phí nguồn lực.

Khi tuyến đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, tác động của nó tới các loại hình giao thông khác như hàng không và đường bộ sẽ rất lớn. Để tránh cạnh tranh không cần thiết và khai thác đồng bộ hiệu quả, cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, chẳng hạn như chính sách giá cước hợp lý và định hướng phạm vi hoạt động rõ ràng cho từng loại hình vận tải. Truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thói quen và tâm lý người dân, khuyến khích họ sử dụng đường sắt tốc độ cao như một lựa chọn ưu tiên.

 Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam không chỉ là lời giải cho bài toán giao thông mà còn là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của đất nước trên con đường hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là thời điểm không thể chậm trễ hơn nữa để hiện thực hóa giấc mơ này. Việc triển khai dự án một cách hiệu quả, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về vốn, công nghệ, nhân lực và cơ chế quản lý, bảo đảm rằng đây sẽ là bước đột phá thực sự, góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thịnh vượng.

GS, TS BÙI XUÂN PHONG

Giảng viên cao cấp, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam