Tăng tốc thực hiện chuyển đổi số

Hà Nội đã và đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số (CĐS), với quyết tâm mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo cho đến từng sở, ban, ngành. Quyết tâm của Hà Nội thể hiện rõ nét qua hàng loạt chỉ đạo, văn bản, quy định được liên tiếp ban hành nhằm phục vụ quá trình CĐS thời gian qua, như: Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy về CĐS, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27-9-2023 của UBND TP Hà Nội về CĐS xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Những nỗ lực đó đã bắt đầu được hiện thực hóa bằng những kết quả rất đáng khích lệ thể hiện ở chỉ số CĐS cấp tỉnh (DTI) năm 2022, Hà Nội tăng 19 bậc so với năm 2021, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố.

Chính quyền số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính, với nhiều mô hình điểm, mô hình mới đã được triển khai thực hiện hiệu quả tại các quận, huyện. Thành phố đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các hệ thống lớn trong thời gian ngắn: Hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số... Đặc biệt, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên bảo đảm kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính mà còn tạo tiền đề vững chắc để thành phố tiếp tục tiến xa trong hành trình xây dựng chính quyền số.

Hạ tầng số của thành phố cũng được đầu tư và phát triển mạnh mẽ nhằm bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho việc triển khai các hoạt động CĐS. Hệ thống viễn thông, mạng lưới internet và mạng di động đã phủ sóng toàn bộ thành phố, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng truy cập các dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật số. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho quá trình số hóa mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số.

Kinh tế số của Hà Nội đã và đang phát triển mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin (CNTT), thương mại điện tử, logistics, du lịch và tài chính-ngân hàng. Theo thống kê, Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của cả nước. Giá trị xuất khẩu CNTT đạt hơn 2,6 tỷ USD, đưa Hà Nội vào nhóm 20 thành phố hấp dẫn toàn cầu về gia công phần mềm. Thương mại điện tử của Hà Nội cũng có sự phát triển ấn tượng, với doanh thu đạt hơn 76.000 tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 33% thị phần, đứng đầu cả nước.

leftcenterrightdel

Công nhân Công ty Panasonic System Networks tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) sản xuất ổ cứng lưu trữ và bo mạch máy tính. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao

CĐS hiện là yêu cầu khách quan và là chiến lược ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia. Để đẩy nhanh quá trình CĐS, Hà Nội đã xác định rõ rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt, quyết định thành công hay thất bại của chiến lược này. Điều này đòi hỏi thành phố không chỉ tập trung vào hạ tầng kỹ thuật mà còn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về con người, chính sách và phương pháp để bảo đảm quá trình CĐS đạt hiệu quả cụ thể, thiết thực.

Với vị trí địa lý đắc địa và sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng, Hà Nội có nhiều lợi thế trong quá trình CĐS so với các tỉnh, thành phố khác. Hà Nội nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong 3 đỉnh của tam giác tăng trưởng phía Bắc. Hạ tầng kỹ thuật về điện, đường, viễn thông đã hoàn thiện, cùng với các chính sách phát triển năng động và lực lượng lao động dồi dào.

Một trong những yếu tố then chốt giúp Hà Nội thực hiện CĐS nhanh chóng chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, Hà Nội tập trung trên 70% các tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước. Hà Nội cũng là nơi tập trung của trên 65% các nhà khoa học đầu ngành cùng 82% phòng thí nghiệm của cả nước, trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Bên cạnh đó, Hà Nội còn thu hút nguồn chất xám từ lao động nước ngoài với trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao. Sự đầu tư mạnh vào hệ thống đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho lao động, cùng với việc cải thiện môi trường sống và làm việc đã giúp thành phố giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một tiền đề thuận lợi để Hà Nội tiếp tục phát triển các hệ sinh thái công nghệ số, thu hút sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều lợi thế về nhân lực, Hà Nội vẫn đang đối mặt với tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu lao động. Sự chênh lệch trong tỷ lệ lao động qua đào tạo giữa khu vực thành thị và nông thôn (thành thị đạt 84,7%, nông thôn đạt 63,9%) là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT và an toàn thông tin tại các đơn vị cấp xã, phường cũng là một thách thức lớn trong quá trình CĐS.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chất lượng đào tạo chưa đồng đều giữa các cơ sở đào tạo CNTT, chương trình đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn. Sự liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp cũng còn hạn chế, dẫn đến tình trạng đào tạo mang tính hình thức và hiệu quả chưa cao.

leftcenterrightdel

Hà Nội có vị trí địa lý đắc địa và sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng. ẢNH: QUÂN MINH 

Thay đổi nhận thức và chú trọng công tác đào tạo

Để CĐS thành công, cần có sự tham gia của toàn bộ nhân sự trong tổ chức, từ người lao động đến các cấp quản lý và lãnh đạo. CĐS không phải là một ngành nghề riêng lẻ mà cần phải được tích hợp vào mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Vì vậy, quá trình đào tạo nhân lực phục vụ CĐS không chỉ dừng lại ở việc dạy cách làm chủ công nghệ, mà còn phải thay đổi tư duy, nhận thức của con người về giá trị của CĐS.

Các chương trình đào tạo cần được thiết kế phù hợp với mọi cấp học, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi bước vào thị trường lao động. Việc chú trọng đào tạo kỹ năng mềm như khả năng thích ứng, tư duy phản biện, kỹ năng lập kế hoạch và quản lý cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình này. Đồng thời, cần tăng cường liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên: Nhà trường, doanh nghiệp và người học.

Ngoài ra, Hà Nội cần mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT. Các chương trình hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế sẽ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Trước mắt, Hà Nội cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo để bảo đảm các cơ quan, đơn vị đều có cán bộ chuyên trách CNTT, an toàn thông tin. Quy định về chức danh, tiêu chuẩn đối với cán bộ chuyên trách CNTT, an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước. Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ chuyên trách CNTT, cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về CĐS, kỹ năng số. Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua mới đây là cơ hội để thành phố xây dựng, ban hành các chính sách vượt trội trong thu hút, trọng dụng nhân tài, đặc biệt là đối với nhóm nhân lực CNTT, bảo đảm an toàn thông tin phục vụ quá trình CĐS trên cả 3 trụ cột.

CĐS không còn là lựa chọn mà trở thành một nhiệm vụ cấp thiết phải thực hiện ngay. Mặc dù công nghệ là nền tảng nhưng yếu tố quyết định thành công của quá trình này lại nằm ở con người-ở sự đổi mới trong tư duy và nhận thức. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là chìa khóa mở ra những cánh cửa mới, giúp Hà Nội trở thành một thành phố văn minh, hiện đại và kết nối toàn cầu trong tương lai.

ĐÀO NGỌC LƯU, 

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội