Khái niệm “kinh tế xanh” lần đầu xuất hiện vào năm 2011, trong báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Tiêu chí chính của nền kinh tế xanh là có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội. Mục đích mà kinh tế xanh hướng tới là sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khả năng phục hồi, đẩy mạnh vai trò quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên.

Đến nay, Việt Nam đã tích cực phát triển kinh tế xanh. Chính phủ đã có những định hướng và bước đi táo bạo, bắt nhịp với các nước trên thế giới bằng dấu ấn tham gia Hội nghị COP26 tháng 11-2021 tổ chức ở Anh. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 cùng với việc tham gia nhiều sáng kiến. Trước đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có chủ trương: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”; “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

leftcenterrightdel

Cánh đồng năng lượng sạch tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Sau khi có chủ trương đúng đắn đó, ngày 7-6-2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu cũng như đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Năm 2023, Chính phủ để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành, đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Chính phủ đã ban hành quy định về ủy quyền quyết định giá đất cụ thể; áp dụng “cơ chế đặc thù” trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp, góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); chủ động các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, tăng cường kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; thúc đẩy trồng rừng; phát triển thủy lợi, bảo vệ tài nguyên biển...

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ví như đưa ra các quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường...; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Bên cạnh đó, các giải pháp chuyển đổi mô hình kinh tế như: Điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên những tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm chất thải cũng được chú trọng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những nội dung lớn, đưa ra các quyết sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống, “kinh tế nâu” trước đây. Tiêu biểu như phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Chính phủ phát động Phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Tính đến nay, phong trào được nhiều cấp, ngành, địa phương triển khai hiệu quả, góp phần nâng diện tích trồng rừng vượt 2% so với kế hoạch.

Năm 2023, dù kinh tế thế giới và khu vực trầm lắng vì các nước thắt chặt đầu tư, thắt chặt chi tiêu nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tuy GDP cả năm đạt 5,05% (thấp hơn chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội đề ra gần 1,5%) nhưng điểm lạc quan là nước ta vẫn lọt tốp nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đặc biệt, kết quả của kinh tế nông nghiệp (tăng 3,83%; xuất khẩu gạo đạt khoảng 8,2 triệu tấn, trị giá 4,8 tỷ USD) và sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã cho ta lạc quan, hy vọng vào những bứt phá ngoạn mục trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Cũng trong năm 2023, “khát vọng xanh” đã được Chính phủ thúc đẩy thông qua ban hành các chiến lược, chương trình quốc gia về tăng trưởng xanh, tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn. Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", qua đó mở ra hướng tương lai thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phát triển.

Trong hợp tác quốc tế, các bộ và cơ quan ngang bộ đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức những hội thảo nâng cao nhận thức, hành động và hoạch định chính sách trong phát triển kinh tế xanh. Tiêu biểu như: Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023 chủ đề "Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn" (COP28).

Với những quyết sách chiến lược ấy, năm 2023, kinh tế xanh Việt Nam đã đạt được mốc quan trọng khi lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng)... Trong Chương trình "Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững năm 2023" (do Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức) đã ghi nhận và biểu dương, vinh danh 100 doanh nghiệp có nhiều thành công trong xây dựng, phát triển kinh tế xanh gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường.

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã lan sang sản xuất công nghiệp, thông qua xây dựng mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái, KCN xanh, giảm phát thải carbon... Nhiều KCN ở TP Hồ Chí Minh từng bước chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn, xanh hóa để phát triển bền vững. Dẫn đầu là KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Các chất thải của doanh nghiệp trong KCN này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác. Đơn cử, khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân được chuyển sang tham gia quá trình sấy của nhà máy Meizan. Chất thải của các công ty sản xuất khuôn đúc được tận dụng làm gạch không nung, làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất khác.

Ở miền Bắc, việc chuyển đổi kinh tế xanh được tiến hành mạnh mẽ tại nhiều địa phương, trong đó nổi bật là mô hình “hệ miễn dịch xanh” ở KCN Nam Cầu Kiền (Shinec) của TP Hải Phòng. Tại đây, diện tích đất dành cho trồng cây xanh tuổi thọ 70-80 năm chiếm tới 35%. Nước sinh hoạt và sản xuất trong KCN đều lấy từ nguồn nước máy (nước sạch từ nhà máy nước cung cấp), không tồn tại hiện tượng khoan giếng hoặc hút trộm nước từ các kênh mương. Nước thải của các nhà máy được thu gom qua hệ ống HDPE tiêu chuẩn rồi về nhà máy xử lý đến khi đạt chuẩn đầu ra mới được bơm ra ngoài sông Cửa Cấm. Cũng tại đây, các loại chất thải sẽ được xử lý, tái chế thành kẽm sunfat dùng cho ngành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi. Những kim loại quý như vàng, bạc, đồng sẽ được thu hồi từ các loại chất thải điện tử. Trong KCN này, 85% nhựa phế liệu được tái chế.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa ra cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, theo ước tính của WB, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoản tài chính tăng thêm khoảng 368 tỷ USD để xây dựng khả năng chống chịu trước tình trạng biến đổi khí hậu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng "0".

Mùa xuân, mùa của ước mơ và khát vọng đã tràn về. Chúng ta có quyền lạc quan vào một tương lai tươi sáng để tin tưởng vào quyết sách của Chính phủ, tin tưởng vào chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và những lĩnh vực kinh tế xanh khác đang mở ra như: Chuỗi cung ứng xanh; chuỗi giá trị xanh; liên kết xanh; truy xuất nguồn gốc xanh; nguyên liệu xanh; tài chính xanh; ngân hàng xanh... Khi nhận thức về xanh hóa nền kinh tế đã phổ quát, lan tỏa sẽ giúp Việt Nam đón đầu xu thế phát triển và mục tiêu trở thành đất nước hùng cường sẽ không quá xa vời.

PGS, TS NGUYỄN VIỆT KHÔI