Những ngôi nhà an toàn

Cà Mau là tỉnh có chiều dài bờ biển 254km, với 41 xã, thị trấn ven biển và cận ven biển. Người dân các xã ven biển của tỉnh Cà Mau hằng năm phải chống chọi với mưa bão, triều cường và các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.

Đối với những hộ nghèo, để có được ngôi nhà an toàn, kiên cố, chống chịu được với bão, lũ là niềm mơ ước của họ. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam xây dựng 425 ngôi nhà an toàn tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh thông qua Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của BĐKH cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (dự án GCF).

Đơn cử như gia đình chị Lê Thị Liên (42 tuổi, ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) là một trong 425 hộ nghèo của tỉnh Cà Mau được xây nhà an toàn từ dự án GCF. Trước đây, gia đình chị Liên gồm 4 người sống trong căn nhà nhỏ, vách đất, mái lợp lá. Thu nhập chính của gia đình chị phụ thuộc vào những chuyến đi biển của người chồng và ai thuê gì thì chị làm nấy để kiếm thêm. Cũng vì nghèo khó mà con gái lớn của anh chị chỉ học hết lớp 7, con trai thì hết lớp 4. Với gia đình chị, bữa ăn no đủ đã là hạnh phúc nên một ngôi nhà an toàn trong mưa bão thực sự chỉ là giấc mơ.

Nhận căn nhà an toàn vừa được bàn giao từ dự án, chị Liên nghẹn ngào chia sẻ: “Trước đây, cứ mỗi khi mưa bão, nhà tôi lại bị dột, ngập trong nước. Có những đợt bão lớn thổi bay cả mái nhà và đồ đạc. Sau bão, gia đình tôi lại dồn hết tiền tích cóp và vay mượn để sửa lại nhà. Nhưng vì không có nhiều kinh phí nên chỉ sửa lại căn nhà như trước rồi đến đợt bão sau, nhà lại tiếp tục hư hỏng. Vợ chồng tôi không biết làm cách nào để thoát ra được hoàn cảnh này. Thật hạnh phúc khi giờ đây gia đình tôi đã có được ngôi nhà kiên cố để yên tâm làm ăn thoát khỏi cảnh nghèo khó”.

Được triển khai tại 7 tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau từ năm 2017 đến tháng 7-2024, dự án GCF hướng đến mục tiêu xây dựng 4.000 ngôi nhà an toàn, đem lại lợi ích cho 20.000 người nghèo chịu ảnh hưởng từ thiên tai. Tuy nhiên, đến tháng 7-2024 đã có 4.966 ngôi nhà an toàn được xây dựng, vượt xa kế hoạch ban đầu mà dự án đặt ra.

leftcenterrightdel
Rừng ngập mặn ở tỉnh Cà Mau được phục hồi để chống lại bão, triều cường, xâm nhập mặn, đồng thời tạo sinh kế cho người dân. 

Hồi sinh rừng ngập mặn

Rời những ngôi nhà an toàn, chúng tôi tiếp tục đến những cánh rừng ngập mặn đang được người dân tại Cà Mau trồng thêm cây với mục đích “hồi sinh” những cánh rừng ngập mặn. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm tăng khả năng chống chịu với BĐKH, phòng, chống thiên tai bởi rừng ngập mặn không chỉ tạo ra vùng đệm quan trọng chống lại bão, triều cường, xâm nhập mặn, góp phần làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư ven biển.

Tại đây, chúng tôi ghé thăm rừng đước ngập mặn của gia đình anh Đinh Văn Đường, ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Từ năm 2018, gia đình anh được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi phối hợp với dự án GCF giao 4ha đất ngập mặn để trồng rừng. Anh đào các rạch nước xen kẽ, lấy đất đắp thành những dải đất cao, sau đó trồng cây đước thành rừng. Năm 2019, anh Đường được dự án GCF hỗ trợ tiền mua con giống thủy sản để thả nuôi dưới các rạch nước trong rừng do gia đình quản lý. Anh Đường nuôi thủy sản từ thập niên 1990. Trước kia, anh nuôi trong ao, hồ nhỏ, thâm canh với mật độ thả nuôi lớn, chi phí đầu tư cao do phải mua con giống và thức ăn, nên lợi nhuận rất thấp, bình quân mỗi tháng chỉ thu được 5-7 triệu đồng. Có những vụ, tôm bị dịch bệnh chết nhiều, nên anh thua lỗ nặng.

“Trồng rừng ngập mặn không những cản được bão gió, hạn chế xói lở mà dưới tán rừng, gia đình tôi còn nuôi tôm, cua, ốc... theo hình thức quảng canh. Với 4ha rừng ngập mặn nuôi tôm, bình quân mỗi tháng, gia đình tôi bán được 24-28 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 15 triệu đồng; ngoài con tôm, trung bình mỗi năm thu hoạch 150-200kg cua bể, bán cho thương lái với giá 200.000 đồng/kg, được thêm 40 triệu đồng”, anh Đường chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Miễn, 46 tuổi, ở ấp Xưởng Tiện, cũng được giao 4ha đất rừng ngập mặn. Trước đó, anh Miễn đi làm thuê, thu nhập rất bấp bênh. Từ khi được giao đất trồng rừng ngập mặn, gia đình anh có thu nhập ổn định từ tôm, cua bể... bình quân mỗi tháng thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Kể từ khi nuôi tôm sinh thái, tình trạng chặt phá cây rừng gần như không còn, thậm chí người dân còn trồng rừng nhiều hơn so với diện tích theo quy định. Hầu hết người dân ở đây đều trồng rừng đước, bởi vì đước là cây cho gỗ, trong khi các cây mắm, bần không thể bán gỗ. Theo quy định, người dân trồng rừng đước phải đủ 12 năm thì mới được phép thu hoạch và phải trồng lại rừng mới. Với một chu kỳ khoảng 12 năm, 1ha rừng có thể mang về cho người dân 150-200 triệu đồng.

Với 4.260ha rừng ngập mặn được phục hồi từ dự án, đây chính là các thành lũy chống lại những cơn bão, lũ; là trung tâm đa dạng sinh học quan trọng, tạo ra hệ sinh thái phong phú, từ đó hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương. Việc tận dụng các hệ sinh thái mà rừng ngập mặn tạo ra mang lại nhiều lợi ích kinh tế lâu dài cho các cộng đồng sống dựa vào nó như phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và cơ hội thu nhập từ giao dịch tín chỉ carbon. Theo ước tính của UNDP, khoảng 1,2 triệu tấn carbon đã được lưu trữ nhờ dự án, góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tiến tới phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. “Trong tương lai, chúng ta có thể hướng tới việc định lượng, xác minh và định giá lượng carbon đã lưu trữ. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thể giao dịch tín chỉ carbon trên các thị trường quốc tế, tạo ra nguồn tài chính có thể được tái đầu tư vào việc phục hồi môi trường, hỗ trợ các mục tiêu bền vững”-bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Các trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm đã được lắp đặt tại nhiều địa phương ven biển của Việt Nam. 

Lắp đặt trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm

Bên cạnh việc xây dựng nhà an toàn và “hồi sinh” các rừng ngập mặn, dự án GCF cũng hỗ trợ hơn 62.000 người dân tại nhiều tỉnh, thành phố ven biển tiếp cận với thông tin về khí hậu, tiếp nhận cảnh báo rủi ro thiên tai thông qua 24 trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm được lắp đặt.

Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển có chiều dài 37km, 3 mặt giáp biển nên phần lớn người dân mưu sinh bằng nghề đi biển. Việc quan tâm đến thời tiết, thiên tai được xã ưu tiên đặt lên hàng đầu. Năm 2022, xã được lắp đặt trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm từ sự hỗ trợ của dự án GCF. Đánh giá về hiệu quả của trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm, đồng chí Bùi Thanh Thương, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi nhận định: "Từ khi xã được lắp đặt trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm, chính quyền địa phương đã có thể nắm bắt sớm hơn và chi tiết hơn về tình hình thời tiết. Cụ thể, khi đèn báo của trạm đổi màu từ xanh sang vàng hoặc đỏ, chúng tôi sẽ truy cập vào trang web: undp.thuyloivietnam.vn để xem chi tiết về lượng mưa, cấp độ của gió kết hợp với theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để từ đó đưa ra thông báo kịp thời đến người dân khi có bão cần gia cố nhà cửa, tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Hai năm trở lại đây, trên địa bàn xã không ghi nhận thiệt hại về người và nhà cửa do bão, lũ gây ra".

Có thể thấy rằng, việc Việt Nam chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai cùng việc kêu gọi sự hỗ trợ từ tổ chức quốc tế là hết sức cần thiết. Điều này cần được phát huy hơn nữa để các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH như Việt Nam giảm bớt gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai.

Bài và ảnh: LA DUY