Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh là vùng đất có nhiều di sản, di tích độc đáo gắn với lịch sử hình thành và phát triển không chỉ của thành phố mà còn gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong đó, các căn cứ của lực lượng Biệt động Sài Gòn với hệ thống hầm nổi, địa đạo chứa người và vũ khí ngay trong lòng đô thị, cùng phương thức liên lạc, cách thức hoạt động mưu trí, táo bạo luôn thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Di tích chính là trang sử sống, là dấu ấn về những biến động của nhiều thời kỳ lịch sử. Khi nói về lịch sử, văn hóa trên vùng đất Sài Gòn-Gia Định xưa, TP Hồ Chí Minh hôm nay, không thể không kể đến lực lượng Biệt động Sài Gòn. Đó là lực lượng ra đời từ một chủ trương đặc biệt, chiến đấu trên chiến trường đô thị đặc biệt, với lối đánh đặc biệt và đặc biệt nhất là những đóng góp của họ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Để tìm câu trả lời cho những sự đặc biệt này, du khách có thể đến tham quan hệ thống di tích ghi dấu những chiến công oai hùng của lực lượng biệt động tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định (145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1); hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1); hầm trú ém quân của Biệt động Sài Gòn (287/72 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3)...
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định là một trong 6 bảo tàng tư nhân của TP Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm lớn của du khách, nhận được những phản hồi tích cực từ khách du lịch ở nhiều độ tuổi. Việc mở cửa các bảo tàng tư nhân đã thúc đẩy, đóng góp thêm nguồn lực của xã hội thông qua du lịch, đồng thời giúp công chúng có thêm nhiều cách tiếp cận tri thức, mở mang kiến thức văn hóa, lịch sử về một thời oanh liệt của các thế hệ cha ông.
|
|
Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được lưu giữ tại bảo tàng. |
Sau hơn 20 năm không ngại khó khăn, tốn kém để sưu tầm tài liệu và gặp gỡ các nhân chứng, đến nay, anh Trần Vũ Bình (con trai của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai) đã sưu tầm được gần 10.000 tư liệu, hiện vật về lực lượng Biệt động Sài Gòn.
|
Các hiện vật, tư liệu, hình ảnh gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng ở mỗi di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn đều được trưng bày theo hướng truyền thống xen lẫn hiện đại. Sự đổi mới, cách làm sáng tạo mà Bảo tàng triển khai đã mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị, góp phần đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ. Đó là, phát triển các chương trình du lịch trải nghiệm, sử dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền thông, kết hợp mô hình cà phê với tên gọi “cà phê Đỗ Phủ”. Đồng thời, áp dụng công nghệ số bằng cách gắn thêm bảng thông tin thông minh, màn hình trình chiếu phục vụ khách tham quan tự tìm hiểu về hiện vật, tư liệu, sự kiện lịch sử.
Để hệ thống bảo tàng phát huy thế mạnh, thu hút khách du lịch, trở thành điểm đến văn hóa, anh Trần Thái Hà, đại diện Ban Quản lý Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định cho biết: “Bảo tàng đã có kế hoạch phối hợp với các công ty du lịch lữ hành, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố cũng như nhiều địa phương trong cả nước để đưa du khách và học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm”.
Cứ thế mỗi ngày, các điểm di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn luôn nhộn nhịp đón chào các thế hệ trẻ, sinh viên, học sinh đến tìm hiểu, tham quan, học tập. Đó là một hành trình nỗ lực không ngừng của gia đình anh Trần Vũ Bình (con trai của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai) và các cựu chiến binh Biệt động Sài Gòn hết lòng gây dựng, giữ gìn và vun đắp.
Hệ thống Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã trở thành “địa chỉ đỏ” với du khách trong và ngoài nước, từng vinh dự đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời đến tham quan...
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định là ngôi nhà của gia đình đồng chí Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế), chiến sĩ biệt động, phục vụ tiến công Dinh Độc Lập. Chính tại nơi này, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã thực hiện các nhiệm vụ bí mật như tổ chức các cuộc họp, trao đổi thư từ, tài liệu, cung cấp tiền, vàng ra chiến khu... Hiện Bảo tàng có 7 bộ sưu tập với hơn 300 hiện vật quý về quá trình hình thành, phát triển của lực lượng biệt động, gồm: Bộ sưu tập các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; xe các chiến sĩ biệt động dùng để đi lại, hoạt động; vũ khí; vật dụng sinh hoạt; dụng cụ đồ nghề sản xuất... Tham quan Bảo tàng, du khách sẽ được gợi ý đến thêm các cơ sở từng là nơi hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trên đường Đặng Dung, Nguyễn Đình Chiểu... Những ngôi nhà này đều có hầm bí mật để cất giấu vũ khí trong chiến tranh.
Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn là nơi “nhà thầu khoán” Mai Hồng Quế cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc men... ra chiến khu năm xưa, hiện được phục dựng di tích theo vỏ bọc cũ là quán “cà phê Đỗ Phủ-cơm tấm Đại Hàn”. Ngoài việc bảo quản nguyên trạng ngôi nhà, con cháu của anh hùng Trần Văn Lai còn sưu tầm hàng nghìn tài liệu, hiện vật liên quan đến lực lượng biệt động để trưng bày, giới thiệu đến công chúng.
|
|
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định tại đường Trần Quang Khải, quận 1.
|
Một quán cơm đơn giản tồn tại giữa lòng thành phố lại “ôm” trong nó một hệ thống hầm cùng những hộp thư từ, tài liệu được thiết kế vô cùng thông minh. Đây là cách mà các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa liên lạc với nhau khi hoạt động cách mạng trong lòng địch. Du khách đến đây còn được thưởng thức cà phê, cơm tấm theo đúng phong cách xưa...
Hầm trú ém quân của Biệt động Sài Gòn nhìn bên ngoài giống như bao căn nhà của người dân trong con hẻm, nhưng bên trong là cả một hệ thống hầm bí mật được thiết kế công phu để cất giấu vũ khí, từ thuốc nổ, lựu đạn đến súng B40, súng AK... Ngôi nhà gồm 3 tầng, diện tích mặt bằng khoảng 70m2, còn nguyên kiến trúc, nền gạch, mái ngói... như ban đầu. Đặc biệt, nhà có hệ thống hầm kiên cố, lối đi xuống được ngụy trang dưới các viên gạch bông. Từ năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, căn hầm được mở cho du khách tham quan. Các tầng của căn nhà trưng bày nhiều đồ dùng, vật dụng một thời gắn bó với người Sài Gòn xưa, tạo nên nét hoài cổ, thú vị.
Hệ thống Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định hiện nay đã trở thành một địa điểm quen thuộc của người dân và du khách. Mọi người đến đây để thư giãn, bước vào không gian lịch sử, để thêm hiểu và yêu lịch sử dân tộc nhiều hơn. Hệ thống còn là những điểm đến du lịch thu hút nhiều du khách và được lồng vào các tour du lịch của thành phố, điển hình như tour “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”, “Ký ức Biệt động Sài Gòn”... Với tour này, du khách được trải nghiệm chuyến xe buýt hai tầng, đi đến những địa điểm lịch sử có hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu và thưởng thức các món ăn dân dã. Việc liên kết các di tích với các công ty du lịch giúp Bảo tàng duy trì hoạt động, phát triển, tạo sức hút với du khách. Qua đó, mỗi bảo tàng phát huy được thế mạnh, có nhiều chương trình hấp dẫn, lan tỏa nét đẹp, tinh hoa của di sản văn hóa thành phố.
Bài và ảnh: KIỀU OANH