Dấu ấn cơ chế, chính sách mới đi vào cuộc sống
Trong những ngày này, TP Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động, phong trào thi đua lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn và đón nhiều tin vui trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trên các công trường của công trình trọng điểm diễn ra hoạt động lao động, sản xuất sôi nổi, quyết tâm đạt tiến độ đề ra. Nhìn lại sau một năm triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã cho thấy có nhiều “quả ngọt”, thể hiện kết quả tích cực, nổi bật ở các lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, giải ngân nguồn vốn đầu tư, mô hình đầu tư các dự án, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
Thành phố đã tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án trọng điểm như tuyến metro số 1, đường vành đai 3, nút giao thông An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa, mở rộng Quốc lộ 50...; bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội; 2.900 tỷ đồng cho Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài; ban hành danh mục 23 dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong ngành văn hóa và thể thao; áp dụng cơ chế mới bố trí, hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm giải ngân được 1.560 tỷ đồng trong tổng số 2.796 tỷ đồng...
Chia sẻ về những động lực mang lại kết quả đó, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: Sau một năm thực hiện Nghị quyết 98, nhiều cơ chế đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt một số cơ chế đang trong quá trình triển khai cho thấy hiệu quả đạt được bằng cả nhiệm kỳ. Kết quả ấy là nhờ thành phố đã cụ thể hóa Nghị quyết 98 bằng việc thông qua 35 nghị quyết của HĐND thành phố, 33 quyết định của UBND thành phố và đã hoàn thành 10/25 nhiệm vụ; mang lại động lực lớn cho sự phát triển chung.
Cùng với động lực mới của Nghị quyết 98 mang lại, có thể thấy hệ thống chính trị của TP Hồ Chí Minh đã phát huy được sự năng động, sáng tạo, áp dụng những cơ chế, mô hình, chính sách mới để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố có độ mở kinh tế lớn, chịu tác động nhanh, mạnh của các bất ổn kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn chung từ nền kinh tế trong nước. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề trên mọi lĩnh vực khiến tăng trưởng GRDP năm 2021 giảm sâu (-4,01%) thì qua năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ, tăng 9,26%. Năm 2023 tăng trưởng GRDP đạt 5,81%. Trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,46% và dự ước cả năm 2024 đạt 7,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 157,5 tỷ USD, tăng 28,53% so với cùng kỳ giai đoạn trước; thu ngân sách đạt hơn 1,59 triệu tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ...
Một năm qua, nhiều dự án "treo" trên địa bàn đã được tháo bỏ, các dự án cũ tái hoạt động và hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, số dự án mới được hình thành đa phần bảo đảm phù hợp với quy hoạch tương lai. Cũng nhờ Nghị quyết 98 đã tháo gỡ kịp thời cơ chế để phát triển hạ tầng giao thông, giúp thành phố đạt được những kết quả khả quan. Chỉ riêng những dự án nhóm A được tách ra làm dự án đầu tư và dự án giải phóng mặt bằng độc lập như đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã rút ngắn thời gian triển khai thực hiện được nửa năm so với những quy trình trước đây.
Đổi mới, sáng tạo cùng niềm tin vươn tới
Đặt trong quá trình đổi mới và phát triển, có thể nói, Nghị quyết 98 tiếp tục khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với TP Hồ Chí Minh bằng những cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm khơi mở tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh phân cấp phân quyền mạnh mẽ, tăng tính chủ động còn mở ra không gian phát triển mới, ở đó, thành phố có thể phát huy tính năng động, sáng tạo hơn bao giờ hết.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang phát triển theo định hướng phát huy tối đa tinh thần đổi mới, sáng tạo, tận dụng cơ hội từ thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù, nghị quyết, chỉ đạo, kế hoạch phát triển của Trung ương, Chính phủ trong phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, dẫn dắt, tạo động lực cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố tập trung xây dựng trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực; phát triển các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, số hóa; ưu tiên phát triển hệ thống các sàn giao dịch thương mại điện tử kết nối quốc tế; phát triển logistics. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế xanh, trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, phấn đấu đưa TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia, phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo...
Thành phố toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại
Trong buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh vào giữa tháng 8 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, trong gần 40 năm qua kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương đóng góp lớn cho cả nước trên cả phương diện GDP, thu ngân sách, năng suất lao động, cơ chế, chính sách mới, mô hình kinh doanh mới. Nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá, công nghệ mới, cách làm mới thường được triển khai ở TP Hồ Chí Minh rồi được nhân rộng cả nước. Những thành tựu nổi bật mà TP Hồ Chí Minh đạt được trong thời gian qua đã chứng tỏ vị thế đầu tàu kinh tế đối với Việt Nam và thực tiễn này thêm một lần nữa cho thấy, trong khó khăn, thành phố càng thể hiện ý chí vươn lên mạnh mẽ.
Niềm tin và sự kỳ vọng trong thời gian tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi gắm vào lời đề nghị Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của TP Hồ Chí Minh để từ đó tạo sự đoàn kết, thống nhất cao hơn nữa, quyết tâm chính trị mạnh hơn nữa, năng động và sáng tạo hơn nữa, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, xây dựng phát triển thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
TP Hồ Chí Minh cần được định hình tương lai là thành phố toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, hội nhập; tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững; xã hội gắn kết, rộng mở, văn minh, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới; qua đó góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mãi mãi xứng đáng là Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, thành phố anh hùng, “Thành đồng Tổ quốc”.
BẢO MINH